Cuộc họp đi tới chỗ không ai đóan ra thầy Minh muốn nói gì.
– … Mất một giác quan không có nghĩa là mất dần những còn lại – Thầy Minh hùng hồn.
– À… Tất nhiên rồi – Cô Quyên hòa cùng mọi người, rồi lầm bầm trong cổ “vậy mà cũng nói” .
Thầy Minh tiếp tục:
– Chưa kể quy lụât bù trừ, những giác quan còn lại được tinh anh hơn.
– Đúng rồi – Mọi người đồng tình, cô Quyên cũng ầm ừ trong cổ “ờ, có khi là vậy”.
Thầy Minh tiếp tục:
– Tôi thấy các em khiếm thị thịêt thòi nhiều hơn các em khiếm thính.

Cô Quyên bật dậy phản đối. Dạy lớp khiếm thính bao năm, cô quá biết điều cực kỳ quan trọng và rất hiển nhiên là hễ không nói được không nghe được thì tư duy chậm phát triển . Mà tư duy là điều kiện trước tiên để… Thôi, không cần nhiều lời như thầy Minh, không nói ra thì ai cũng biết.
Thầy Minh vẫn tiếp tục nhiều lời:
– Tôi nói thịêt thòi đây là về họat động thể chất. Đã có tờ báo dự đóan rằng tới cuối thế kỷ 21 con người chúng ta sẽ có cái đầu to và những ngón tay to, còn đôi chân thì teo lại vì ít họat động.
Đến đây thì càng không hiểu thầy Minh muốn cái gì nữa, cô Quyên không kiên nhẫn nổi, nói vống lên:
– Muốn nói gì thì nói thẳng ra dùm đi.
– Chắc các bạn đồng ý với tôi là đa số các em khiếm thị hơi bị gầy – Thầy chậm rãi từng từ.
Cô quản lý bếp nảy vai. Thầy Minh vội chận ngay:
– Cùng một khẩu phần ăn mà các em khiếm thính có sức vóc hơn. Tôi rất ngạc nhiên về điều này, và rồi tôi hiểu ra là…
Thầy Minh ngừng lại, vẻ của người tung chiêu quyết định:
– … Là nhờ các em khiếm thính được họat động chân tay. Nói đâu xa, chỉ việc lau dọn phòng ốc hàng ngày, rồi thì xách nước tưới rau hay là làm cỏ cà phê cũng giúp cho bắp tay bắp chân được cứng cáp dẻo dai hơn. Có thể nói điều này là thiếu công bằng…
Cô phụ trách khối khiếm thị nhìn thầy Minh lom lom, chẳng lẽ thầy muốn công bằng tuyệt đối bằng cách phân công cho khiếm thị làm những công việc mà các em khiếm thính phải làm ngày ngày là lau, dọn, xách, tưới, cuốc… ?
Thầy Minh mỉm cười:
– Ý tôi là các em khiếm thị cũng cần được tham gia họat động thể dục thể thao như các em khiếm thính.
Cả phòng họp thở ồ. Tưởng gì. Thầy Minh phụ trách họat động thể chất, thầy muốn làm thêm điều gì đó cho các em thì quá tốt, đáng biểu dương, mắc mớ gì mà phải quanh co thuyết phục.
Ờ, mắc mớ gì. Trăm phần trăm đồng ý. Kết thúc cuộc họp, thầy Minh chạy theo cô thư ký, mượn tờ biên bản.
– Để làm gì? – Cô thư ký hỏi.
– Photocopy – Thầy Minh trả lời với nụ cười nhỏen miệng bí hiểm.
* * *
Một vài nhóc khiếm thị vẫn rụt rè ngồi lại ở vị trí từ xưa tới nay ở các băng ghế dưới tán cây và dỏng tai nghe ngóng âm thanh vang lên chung quanh, còn lại thì nhao nhao hớn hở chạy theo thầy Minh ra sân.
Thầy Minh phân công một khiếm thính cầm tay một khiếm thị. Nhưng môn chạy thì làm sao mà song song được. Như một bầy chim sổ lồng, mạnh đứa nào nấy co giò chạy, và rồi thì không chỉ khiếm thị húc vào nhau mà cả khiếm thính cũng không kịp né.
Các cô giáo đứng ở cửa lớp nhìn ra, ban đầu là mỉm cười đầy khích lệ, nhưng tiếp sau đó thì trợn tròn mắt trước những cú va chạm vang tiếng cốp cốp, những cú lăn cù mèo cả chùm ba bốn đứa nằm chồng chất lên nhau, những tiếng la oái óai xen lẫn tiếng cười, và tiếng khóc thét đau đớn. Không khóc thét sao được khi bị nguyên một cái đế giày bằng nhựa đúc dẫm lên mu bàn chân.
Lâm khiếm thị, thủ phạm của cú dậm chân không biết là mình vừa gây ra tiếng khóc thét, tiếp tục há mịêng thở phì phò phấn khích và tiếp tục co giò chạy, cặp chân dài thoăn thoắt vững vàng.
– Chấm dứt ngay – Cô hiệu trưởng vội vàng ra lệnh.
Học trò vô lớp với vô số vết dơ trên áo quần, những cục u cục gồ trên đầu trên trán và khủyu tay.
Cô hiệu trưởng nhìn thầy Minh đầy phê phán.
Thầy Minh gãi đầu:
– Dù sao thì các em cũng được một bữa rất vui.
Cô hiệu trưởng lắc đầu:
– Vui? Biết ăn nói thế nào với phụ huynh đây?
Thầy Minh cười cười:
– Xin rút kinh nghiệm. Lần sau sẽ khác.
– Lần sau? Còn có lần sau nữa à? – Cô Quyên khụt khịt mũi – Nếu có các em khiếm thị ra sân thì tôi không cho học trò lớp tôi tham gia nữa. Không phải là tôi phân bịêt, nhưng mà…
Cô hiệu trưởng cao giọng nói nốt phần cô Quyên còn bỏ lỡ:
– Quá nguy hiểm.
Cô Quyên trưng chứng cứ hùng hồn:
– Thằng Khánh lớp tôi bị thằng Lâm dẫm lên mu bàn chân bị sưng tấy không đi lại được kìa.
Đến nước này thì thầy Minh không cười cười nữa, thầy móc tờ photocopy biên bản cuộc họp ra.
Hóa ra đây chính là lý do thầy Minh thủ sẵn một tờ biên bản trong túi.
– Trăm phần trăm đồng ý, thưa hiệu trưởng – Thầy Minh cũng cao giọng – Tôi không phải là thánh để hô biến thành công ngay lập tức. Tôi cần được sự cộng tác của mọi người trong việc hướng dẫn các em tập luyện.
* * *
Những vạch kẻ song song cách nhau 2 mét. Mỗi em chạy trong vạch của mình. Chú ý lắng nghe nhắc nhở để định hướng cho đúng, khỏi bị chệch. Ví dụ khi nghe nhắc “Dũng, bên trái một bước”, nghĩa là Dũng đang chạy chệch qua bên phải một bước, cần chỉnh hướng lại ngay.

Giờ thể dục, sân trường vang giọng thầy Minh oang oang:
– Lâm, bên trái một bước, em rất có năng khiếu, cố lên. Hòang, bên phải nửa bước, Thu Oanh, bên trái một bước. Hùng A, bên trái một bước. Hùng B, bên phải…
Bước chân quá đà, hai cậu bé tên Hùng húc nhau cái rầm và lăn kềnh. Thầy Minh liếc về chỗ các cô giáo, đợi một lời khiển trách, nhưng… Cô Quyên bưng tới cho thầy Minh một ly nước chanh, có lẽ cô tội nghiệp thầy Minh phải la to khan cổ họng. Và cô đưa cho thầy Minh cái khăn để lau mồ hôi nữa.
* * *
Cô và thầy tìm được tiếng nói chung thì giữa bọn nhỏ xảy ra chuyện.
Thằng Khánh, trả thù thằng Lâm dẫm chân mình, rình khi ngủ, Khánh lấy chính chiếc giày đế nhựa đúc của Lâm, thẳng tay quất một cái ngay đầu gối, cho Lâm khỏi chạy được, cho chừa.
Việc xảy ra ngay trước ngày khai mạc Hội Thi Phù Đổng dành cho người khuyết tật do thành phố tổ chức. Thầy Minh đã đăng ký cho Lâm được dự thi với rất nhiều tự tin và hy vọng, có cả niềm hy vọng về một khỏan tài trợ nếu thằng Lâm đọat giải. Có tài trợ, thầy sẽ… và sẽ… rất nhiều thứ cần cho bọn nhỏ mà hiện nay không có tiền mua. Nói đâu xa, từ lúc chuẩn bị cho Lâm dự thi, thầy Minh phải bỏ tiền túi để mua cho Lâm đôi giày thể thao đúng kiểu.
* * *
Lâm ngồi thểu não trên băng ghế, chìa đầu gối cho thầy Minh xoa bóp. Có xoa bóp gì thì cũng phải cà nhắc ít nhất chục ngày.
Lần đầu tiên mọi người nhìn thấy thầy Minh khóc. Thầy khóc cho kết quả vun trồng bị hỏng ngay lúc đơm trái. Thầy khóc cho một cơ hội bị mất trong tầm tay. Thầy khóc vì ngòai thúc giục bọn nhỏ chạy nhanh, thầy đã không thể dạy cho chúng hiểu fair – play là gì, trong khi đó chính là điều thầy muốn hướng tới. Thầy khóc vì sự bất lực của mình.
Cô Quyên nhìn thầy Minh khóc. Cô cũng chảy nước mắt:
– Thằng Khánh là học trò của tôi. Tôi xin lỗi.
– Tụi nó chỉ là con nít thôi mà.
Lẽ ra là có quyền trách móc, nhưng thầy Minh chỉ nói vậy, càng làm cô Quyên xót xa. Cô lấy khăn mùi xoa ra, định là đưa cho thầy Minh, nhưng rồi cô ngại ngùng cất lại vào túi.
Cô Quyên ra hiệu cho Khánh xin lỗi thầy Minh. Khánh khoanh tay gục gặc đầu, cái kiểu nhìn là biết Khánh vâng lệnh cô giáo chứ trong lòng chẳng hiểu mô tê gì.
Cô Quyên ra hiệu cho Khánh xin lỗi Lâm. Khánh chành mịêng ra, rồi mếu máo chỉ ngón tay vô mu bàn chân của mình, cái chỗ trước kia bị Lâm dẫm trúng bầm tím.
Cô Quyên thở dài vì buồn cho cái đầu thiếu tư duy của Khánh, và xấu hổ vì cô đã không dạy cho học trò của mình hiểu được thế nào là lẽ phải. Cuối cùng, cô cũng nghĩ ra một cách.
Cô Quyên lấy một cái khăn gấp chéo, bịt mắt Khánh lại. Trở thành người khiếm thị mà mà lại chưa có kinh nghiệm của người khiếm thị, thay vì sờ sọang để định hướng, Khánh xăm xăm bước thật nhanh về phía trước. Cô Quyên không kịp chụp lại. Khánh té nhào, cái đầu gối sưng u một cục to tướng giống hệt của thằng Lâm.
Vậy, cô Quyên chỉ định cho Khánh hiểu nỗi khó khăn của người mù. Nhưng chính cú té nhào bất ngờ mới làm Khánh hiểu ra.
* * *
Chiều chiều, thầy Minh và cô Quyên thay nhau xoa dầu đầu gối cho Lâm và Khánh.
Không chạy nhảy được, hai đứa ngồi yên trên băng ghế. Khánh nhìn ngó quang cảnh ồn ào của giờ cuối ngày, còn Lâm lắng nghe âm thanh náo nhịêt của bạn bè chạy nhảy trên sân, cẳng chân không bị đau nhịp nhịp rất bỗng nhiên.
Khánh nhìn cẳng chân nhịp nhịp của Lâm, ân hận vì mình mà thằng Lâm phải ngồi một chỗ không được chạy nhảy. Rồi chợt Khánh nắm tay thầy Minh lắc lắc ra hiệu, cẳng chân không bị đau cứ đá nhứ nhứ vào không khí. Thầy Minh phải nhờ cô Quyên dịch dùm để biết Khánh muốn nói gì.
Cô Quyên cười, tựa như Khánh vừa nói một điều rất ngớ ngẩn buồn cười.
– Hả, Khánh nó muốn nói gì vậy? – Thầy Minh gặng hỏi.
– Nó nói… – Cô Quyên lắc đầu – Nó nói thằng Lâm không chạy được vì môn chạy cần hai chân, nhưng đá banh thì chỉ cần một chân cũng được.
Nói xong, cô Quyên bật cười.
Nhưng thầy Minh không cười. Thầy giật mình như người vừa phát hiện một bí mật. Hơn ai hết, thầy hiểu rõ sức mạnh của đôi chân của Lâm. Ồ, bóng đá, tại sao không?
Thầy Minh vỗ vai Khánh, vui vẻ đến nỗi Khánh sung sướng cười hả hê dù không hiểu hết tại sao mình lại được thầy vỗ vai nồng nhiệt như vậy.
* * *

Quả bóng kỳ diệu được mua bằng tiền túi của thầy Minh và cô Quyên hùn lại. Nhưng đó là chuyện sau này. Tôi sẽ kể các bạn nghe theo thứ tự.
Vì quả bóng xịn quá đắt tiền nên phải làm nháp cho chắc ăn. Trước tiên, thầy Minh mua một quả bóng da của trẻ con, rồi đưa cho cô Quyên xẻ một rãnh nhỏ đủ để nhét cái chuông vô.
Đường rãnh được khâu lại tỉ mỉ từng mũi rất kỳ công, và xịt keo super, vậy mà quả bóng cũng hơi bị meo méo một chút. Không sao. Cũng đáng được gọi là tuyệt vời rồi.

Sân trường, ngoài những vạch song song cho môn chạy, giờ đây có thêm những vạch dọc ngang cho môn bóng đá, khung thành được giăng tạm bằng những cây sào phơi áo quần và hai tấm bạt để phơi cà phê. Những cơn gió cuối năm khiến tấm bạt lùng phùng bay căng phồng như sẵn sàng đón đợi cú sút của khát khao bay bổng.
Lợi thế nghiêng hẳn về các cầu thủ khiếm thính, hiển nhiên. Nhưng đâu phải bỗng nhiên mà cô Quyên chịu để thầy Minh thuyết phục mình.
Tiếng chuông leng keng theo mỗi cú sút, khi bóng chạm đất, tiếng leng keng nảy tưng thành một chùm réo gọi. Các cầu thủ khiếm thị chạy theo tiếng chuông như một điều xác tín. Húc vào nhau, té lăn, lồm cồm đứng lên kéo lại lưng quần bị tụt… lại lao về phía tiếng chuông reo. Lâm chạy nhanh đến nỗi bỏ xa tất cả mọi người một khỏang dài, như không phải Lâm đuổi theo tiếng chuông mà là ngón chân Lâm hút quả bóng về phía mình.
Thầy Minh nhỏen cười, mắt ướt. Cô Quyên nhận ra thầy Minh cũng dễ khóc như ai. Người dễ khóc thì không gian dối bao giờ. Phải vậy không?
.
Nguyên Hương
Thích bài này:
Thích Đang tải...
Filed under: Giáo dục, Thiếu nhi, Truyện Ngắn, Tư duy tích cực | Tagged: Giáo dục, Sống Đẹp, Tâm Hồn, Truyện Ngắn | 3 Comments »