• Bài viết mới

  • Thư viện

  • Chuyên mục

  • Tag

  • Join 905 other subscribers
  • Bài viết mới

  • Blog – theo dõi

  • Enter your email address to follow this blog and receive notifications of new posts by email.

    Join 905 other subscribers

Giờ Quốc Sử – Đoàn Văn Cừ

Bài thơ này thế hệ của chúng tôi, Anh Doãn Lê và tôi đều học  và thuộc lòng bài thơ  từ năm lớp 3, lớp 4 cho đến ngày nay đã hơn 50 năm. Nhân Ngày 20 -11 : Ngày Nhà Giáo Việt Nam, Anh Doãn Lê nhớ lại bài thơ này của tác giả Đoàn Văn Cừ nên gửi đến Ban Mai Hồng. Bài thơ chứa đựng những lời dạy dỗ của những người Thầy, người Cô đúng nghĩa Nhà Giáo. Dạy học không chỉ là truyền đạt kiến thức chuyên môn, mà còn là dạy đạo đức, học làm người, những giá trị nhân văn, mà trước hết là tình yêu tổ quốc, yêu dân tộc và tự hào với truyền thống vinh quang, quật cường  của dân tộc từ bao đời. Lòng tự hào và biết ơn ấy của người học trò phải thể hiện bằng nỗ lực gắng công học tập để có thể “nối chí tiền nhân”, xây dựng đất nước thành “dân hùng liệt”.

Bài thơ  Giờ Quốc Sử đã ra đời 60, 70 năm, nhưng giá trị giáo dục của nó không bao giờ cũ và sống mãi trong tâm khảm của chúng tôi, những người học trò nhỏ năm xưa đã thành nhà giáo trên đầu hai thứ tóc…..

Thương tiếc nhà thơ Ðoàn Văn Cừ - một hồn quê thắm thiết - Tuổi Trẻ OnlineẢnh: Tuổi Trẻ online

Sơ lược tiểu sử  Tác giả ( Theo Wikipedia)

Đoàn Văn Cừ sinh ngày 25 tháng 3 năm 1913 ở Thôn Đô Đò xã Nam Lợi, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định trong một gia đình nông dân. Trước Cách mạng tháng Tám, Đoàn Văn Cừ dạy học, ông đã tham gia phong trào công nhân Nhà máy sợi Nam Định năm 1936.

Sau Cách mạng tháng Tám, ông tham gia Hội đồng Nhân dân tỉnh Nam Định (1946). Năm 1948 ông tham gia Việt Minh trong Kháng chiến chống Pháp làm công tác văn nghệ, phiên dịch, công tác địch vận Liên khu III. Từ 1959, ông là cán bộ biên tập Nhà xuất bản Phổ Thông (Bộ Văn hóa). Năm 1974 công tác tại Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Nam Ninh, tỉnh Hà Nam Ninh (hiện nay huyện Nam Trực thuộc tỉnh Nam Định). Từ 1971, ông là Ủy viên Ban chấp hành Hội Văn nghệ Hà Nam Ninh (gồm ba tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình), hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Ông gần như sống ẩn dật ở quê trong những năm cuối đời và mất tại đây ngày 27 tháng 6 năm 2004. Ông còn có các bút danh khác là Kẻ Sỹ, Cư sỹ Nam Hà, Cư Sỹ Sông Ngọc và ngoài thơ cũng sáng tác văn xuôi.

Đoàn Văn Cừ được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2001.
Đoàn Văn Cừ xuất hiện trong Phong trào Thơ mới và viết về thôn quê với bút pháp rất riêng: tả chân. Hoài Thanh và Hoài Chân đã nhận xét: “Những bức tranh trong thơ Đoàn Văn Cừ không phải chỉ đơn sơ vài nét như những bức tranh xưa của Á Đông. Bức tranh nào cũng đầy dẫy sự sống và rộn rịp những hình sắc tươi vui. Mỗi bức tranh là một thế giới linh hoạt”. Những cảnh quê như Đám hội, Đám cưới mùa xuân,… và đặc biệt là phiên Chợ Tết nông thôn của ông vẫn sẽ còn mãi với thời gian:

“…Một thầy khoá gò lưng trên cánh phản,
Tay mài nghiên hí hoáy viết thơ xuân.
Cụ đồ nho dừng lại vuốt râu cằm,
Miệng nhẩm đọc vài hàng câu đối đỏ.
Bà cụ lão bán hàng bên miếu cổ,
Nước thời gian gội tóc trắng phau phau.”

…..  

( Huỳnh Huệ )

Giờ Quốc Sử

Những buổi sáng, vừng hồng le lói chiếu
Trên non sông, làng mạc, ruộng đồng quê,
Chúng tôi ngồi yên lặng, lắng tai nghe
Tiếng thầy giảng suốt trong giờ quốc sử.
Thầy tôi bảo: “Các em nên nhớ rõ,
Nước chúng ta là một nước vinh quang.
Bao anh hùng thuở trước của giang san,
Đã đổ máu vì lợi quyền dân tộc.
Các em phải đêm ngày chăm chỉ học
Để sau này nối được chí tiền nhân.
Ta chắc rằng, sau một cuộc xoay vần,
Dân tộc Việt sẽ là dân hùng liệt.
Ta tin tưởng không bao giờ tiêu diệt,
Giống anh hùng trên sông núi Việt Nam
Bên những trang lịch sử bốn ngàn năm
Đầy chiến thắng, đầy vinh quang, máu thắm…”

.

Đoàn Văn Cừ

Doãn Lê chuyển bài

2 bình luận

  1. Cám ơn chị Huỳnh Huệ rất nhiều, đã giúp tôi nhớ lại tên tác giả của bài thơ – Đoàn Văn Cừ -một nhà thơ rất nổi tiếng với những bài thơ về các sinh hoạt xưa ở nông thôn, đẹp như những bức tranh quê đầy màu sắc sống động. Đúng như những gì chị nói, hơn năm mươi năm tôi vẫn còn nhớ như in bài học thuộc lòng ấy vì nội dung của nó mang đầy ý nghĩa nhân văn, chứa chan tình yêu tổ quốc. Lời thơ bình dị nhưng thấm sâu vào từng tế bào, từng hơi thở, từng nhịp tim lòng tự hào về lịch sử oai hùng của dân tộc ngay từ thời tấm bé và lớn dần theo năm tháng để trở thành máu thịt của mỗi chúng ta. Thiết tưởng, chương trình văn học và lịch sử của nhà trường hôm nay rất cần có những bài học thuộc lòng như thế.

    Thích

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Banmaihong's Blog

Nơi Đây Nắng Ban Mai Hồng Reo Vui

Blog Chuyên Anh

Nurturing Language Talents