1/ Không trở lại vấn đề vừa mới đã trở thành cũ – thơ, phản thơ – người đọc thiện chí buộc phải nhận ra dẫu còn trăn trở và khắc khoải rằng “thơ mới” Việt Nam thế kỉ 21 đang khấp khởi xuôi dòng.
Tôi không phải là con đò. Chỉ là một khách bộ hành đứng đâu đó ven sông. Soi mình trong một chiều tịnh vắng, tôi muốn cất lên với riêng mình “Sông ơi, đừng là khúc độc hành”!
Cái mới bao giờ cũng tự mình đối diện với các phản lực. Nhớ lại “một thời đại trong thi ca”, thời đại mà cả một hệ thống thi pháp buộc phải thay đổi theo qui luật phát triển nội tại và tiềm năng của văn học dân tộc, đã làm cho không ít người có ý thức nghệ thuật trở thành lực phản của một dòng chảy đang đến hồi không cản được. Các lực phản ấy nhiều khi lại cần thiết, kiểu luật sư và công tố viên trước phiên toà, nó không kiềm hãm mà tạo nên một điều hoà – tự thân, diễn ra ngay trong ý thức người sáng tác – để từ đó mà vượt lên với một tư biện sâu chín. Cũng còn có lý do thứ yếu rằng, ở Việt Nam ta cái mới trên nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hoá, văn nghệ thường đến một cách hồ hởi và được cộng đồng tiếp nhận cũng hết sức vô tư nhiệt tình, nhiều khi thái quá (có chủ quan không?).
Riêng trong lĩnh vực thơ ca, thật đáng mừng! Một luồng gió mới đang được thổi bùng lên, không cần nhắc lại tên tuổi, ta cũng thấy hiện lên những gương mặt NGƯỜI – MANG – GIÓ, dẫu phản lực có lúc làm cho tóc lệch ngôi, môi chuyển màu nhưng vẫn là gương mặt ấy: tự tin – cái tự tin của một tín đồ! Sức mạnh của GIÓ đã cuốn theo một thế hệ trẻ và làm mới những cây bút cũ, cả những người biết mình đang cũ. Đủ thấy lộ trình “thơ mới”đang thực sự bắt đầu giữa ngổn ngang những tìm tòi thử nghiệm gian khổ! Ở một bộ phận người đọc, hình như chiếc nôi cũ từng nuôi lớn mình dù tuyệt đẹp vàng son một thuở cũng đã trở nên chật chội quen thuộc quá, nhìn đâu cũng toàn thấy người thân!
Nhìn trên mặt sách báo, người đọc không chuyên nghiệp như chúng tôi thường phân làm ba loại thơ: cũ – nửa mớ i- và quá mới. Có người còn “phân biệt chủng tộc” hơn: thơ làng và thơ cung đình. Anh bạn tôi cay nghiệt: “thơ làng, thơ nửa mới là dành cho mọi người còn thơ quá mới, thơ cung đình là dành cho chính tác giả!”. Nói vậy là oan – tôi công khai bênh vực – thơ có quyền lạ hoá nhưng thiên chức của thơ không được xa lạ hoá con người. Có lẽ trong giai đoạn hiện nay, người thơ đang đi trước và người đọc bình thường đang mỏi gót theo sau. Khoảng cách ấy đang là quá xa – một khoảng cách có phần nghiệt ngã nhưng lại tất yếu của nghệ thuật (nghệ thuật hội hoạ là một ví dụ) nhất là khi các nhà cách tân vào cuộc.
Vậy đến bao giờ để người đọc và người thơ đi kịp nhau trên một con đường? Tiếng nói tri âm sẽ cất lên từ đâu trong cộng đồng?
Bình tâm mà nói, có bao giờ ta quá đà khi nhân danh “cách tân”? Đã có lần trên báo chí úm ùm lên chuyện “phản thơ”, “bất khả giải”…, ai cũng có những quan toà của riêng mình và cả những biện minh hợp pháp, trong văn chương khoảng cách giữa “chính thơ” và “phản thơ”, “khả giải” và “bất khả giải” quả là mong manh, nó phụ thuộc vào quá nhiều yếu tố, văn chương vốn nhiễu sự mà! Bình tâm nhưng hãy công tâm, liệu thơ sẽ đi đến đâu nếu nó không tìm cho mình một chỗ để làm tổ trong lòng người đọc. Thật cũ khi nói rằng:người làm thơ tâm huyết không phải chỉ một mình “khép phòng văn hì hục viết” mà luôn thấy người đọc trước mắt mình, thậm chí phải tỏ ra băn khoăn,giả định trong việc “hướng đạo” đối với người đọc – ẩn tàng. Tác giả quá vô tư, độc giả chỉ còn cách vô tâm thôi!
Tôi thật sự hứng khởi khi đọc nhiều bài thơ cách tân trên Văn Nghệ Trẻ, Sông Hương, Đất Quảng… tôi cảm đươc cái nhã thú dang tay bơi trên một dòng sông rộng, nhiều khi bất lực để mặc cho nước, bèo bọt, cả ánh măt trời chiều vỗ thẳng vào mình, để rồi mấy ngày sau đó còn khổ tâm vì một chuyến chơi sông!

Nhưng cũng có lúc tôi hết sức bi quan đành đứng từ xa nhìn dòng sông thơ tấu khúc độc hành. Cố tìm một mạch ngầm liên kết, một cấu tứ mờ, một vài câu, từ tâm đắc nhưng bất lực như đi lạc giữa một rừng chữ nghĩa hoang dã. Không thể nói tiếng tri âm, đành dối lòng dối bạn. (Không loại trừ điều này còn do năng lực cá nhân của người tiếp nhận). Dù sao cũng thật đáng buồn, tôi viết trên Đất Quảng:
“Con chữ có ma
Còn hay mất?
Hồn và thơ đánh tráo ngôn từ
Ngỡ thôi miên mà lòng vẫn thức
Dối nhau – buồn
Con chữ quần hôn.”
Có phải vì sự linh thiêng của lời cổ nhân “văn chương tối kị tuỳ nhân hậu” hay vì nhân danh cái mới mà ta tự cho mình cái quyền được tranh bước vội vàng trên lộ trình cách tân?
2/ Các nhà cách tân đã vào cuộc, vì sao các nhà lí luận-phê bình chưa lên tiếng?
Vai trò của nhà lí luận và phê bình văn học trở nên rất quan trọng trong một giai đoạn mà văn học có những bước đột phá như hiện nay. Nhìn lại đời sống văn học Việt Nam trong quá khứ, các nhà lí luận và phê bình tiền bối đã thực sự song hành cùng nhà thơ, nhà văn, tác động lẫn nhau và tác động người đọc để cùng làm nên diện mạo văn học từng thời kì.
Chúng tôi – người đọc – đang “ngóng gió đông” thấp thỏm chờ đợi những công trình nghiên cứu qui mô và khả tín kịp thời định hướng thẩm mĩ cho cảm nhận và sáng tác. Đó là thiên chức và trách nhiệm của nhà phê bình trước sự phát triển của văn học dân tộc. Có người nói đùa:lúc này các nhà lý luận-phê bình chuyên nghiệp và tự trọng chưa thể lên tiếng. Anh bạn chuyên viết phê bình và đã từng thành công của tôi cũng thú nhận:“Chưa thấy được xương sống thì thịt da nào có ý nghĩa gì”. Mà đúng thật, chưa thấy được cái xương sống của mỗi bản ngã sáng tạo thì làm sao thấy người, thấy đời, làm sao có thể vững tay phê, bình khi chính mình còn chưa tin ở mình? Đúng là khó tạo một hợp lưu khi mà các dòng chảy thơ đang ào ạt tuôn về các hướng. Phải hình thành một hệ thống tiêu chí mới chăng?
Cũng không quá bi quan, thực ra chưa có công trình lớn nhưng công việc phê bình thơ, điểm thơ cũng đã diễn ra dưới nhiều hình thức trên diễn đàn văn nghệ lâu nay.Ví như lời giới thiệu các tập thơ trên báo, lời ngỏ, lời bạt, các cuộc tranh luận thơ, chuyên mục “thơ-tìm tòi và đổi mới”của Văn Nghệ Trẻ… Chính những “đoản khúc tri âm” này cũng đã góp phần định hướng cảm nhận cho người đọc.
Nhân đây tôi muốn có một đề nghị-chỉ là tình thế thôi – khả dĩ đáp ứng phần nào nhu cầu thưởng thức thẩm mỹ cho độc giả: Trên mỗi số tạp chí địa phương và trung ương nên dành một trang mục “Diễn đàn độc giả”, để đăng trích những cảm nhận ngắn gọn, tự nhiên, không thành bài (không đòi hỏi tính hàn lâm) của các cây bút chuyên, không chuyên, của hội viên, của người đọc mọi tầng lớp, kể cả của tác giả “mở ngỏ” về tác phẩm của mình; nhất là với những tác phẩm được viết theo lối mới. Tiếng nói tri âm từ đó sẽ cất lên, dù chỉ là tri âm “từng phần” hoặc thậm chí không cùng “hệ quy chiếu”cũng đáng trân trọng biết bao! Và tác giả cũng đỡ phần nào cái cảm giác“độc hành”. Để sinh động hơn xin lấy một ví dụ:
Tôi đọc nhiều lần đoạn thơ sau trong bài mở đầu tập thơ “Liên Tưởng”của Lê Vĩnh Tài (NXB Văn nghệ TPHCM – 2006) mà vẫn không thể nào “ngộ” ra: “…chúng ta thường nhầm lẫn khi tưởng tượng cơn mưa và bữa cơm / tấm khăn trải bàn, đĩa cá thu gợi lại sương mù / phố dài ướt mưa chân dài mắt ướt / người đàn bà gợi lại lo âu / sự lừa đối gợi đêm mùa hạ / trong cơn mơ vang một tiếng kêu / như giấc ngủ ai ném lên hòn đá / tại sao những ý nghĩa / vẻ dịu dàng thiên thần của nó đáng yêu như chú bé chăn cừu trong chuyện cổ / hoài công góp lại sao trời và hoa / vẫn ám ảnh câu thơ chúng ta / như mái chèo lướt trên mặt sông / va mãi vào sóng nước …”
Và khi đọc lời bình ngắn trong bài giới thiệu thơ của Nguyễn Việt Chiến trên Văn Nghệ Trẻ (14/1/2007): “Trong đoạn thơ này, Lê Vĩnh Tài đã nhận ra vẻ đẹp nhân văn của ngôn ngữ thơ vẫn mãi mãi ám ảnh những câu thơ và những người thơ trong hành trình sáng tạo văn học của họ, mặc dù có đôi lần người cầm bút đã nhầm lẫn giữa giá trị đích thực của đổi mới thơ với những tìm tòi xa lạ với ngôn ngữ thơ”.
Tôi chỉ biết cảm ơn nhà thơ Nguyễn Việt Chiến – và chỉ cần một đoạn văn ngắn ấy thôi – với tôi, a
nh đã trở thành người dẫn đường và với Lê Vĩnh Tài, tôi đã là người bạn tuy vẫn còn bỡ ngỡ sơ giao. (Đó cũ ng là một chứng minh cho mối quan hệ : nhà thơ – nhà phê bình-người đọc). Dẫn ra ví dụ trên, một lần nữa tôi muốn khẳng định nguyện vọng của mình.
Nhiều đêm nghĩ quanh quẩn về sứ mệnh của thơ theo cách nói của Mai-a-côp-xki: “Người ta có thể leo qua một câu thơ hay để đến với cuộc đời cao đẹp hơn”, đầy thiện chí tôi mong mỏi “Thơ ơi, đừng là khúc độc hành!”.
Huỳnh Văn Thống
Thích bài này:
Thích Đang tải...
Filed under: Chưa phân loại | Tagged: Tản mạn, Tản mạn, Văn, Văn | 8 Comments »