• Bài viết mới

  • Thư viện

  • Chuyên mục

  • Tag

  • Join 905 other subscribers
  • Bài viết mới

  • Blog – theo dõi

  • Enter your email address to follow this blog and receive notifications of new posts by email.

    Join 905 other subscribers

Huyền Không Sơn Thượng – Chư Tăng Đi Khất Thực

Huyền Không Sơn Thượng tọa lạc tại thôn Chầm, xã Hương Hồ, huyện Hương Trà là một ngôi chùa nổi tiếng, một thắng cảnh của cố đô Huế. Chùa thuộc hệ phái Phật giáo Nam tông, được Thượng tọa Giới Đức khai sơn năm 1989. Chùa nằm giữa khu rừng thông[1] quanh năm xanh tươi, mát mẻ, chim hót líu lo.

Chính điện chùa Huyền Không Sơn Thượng

 Huyền không Sơn Thượng nằm ở lưng chừng núi với vẻ đẹp kỳ lạ, huyền ảo. Chùa không có cổng Tam quan to lớn mà cổng chùa chỉ bình thường như cổng của một ngôi nhà sân vườn Huế. Khuôn viên chùa là một khu vườn xanh ngắt với những dòng suối nhỏ nở đầy bông súng tím, những giò hoa phong lan quý, những cây sứ, thiên tuế, tùng, bách … cổ thụ hàng trăm năm tuổi, không gian yên ả thanh bình. Khu vực chùa có Chánh điện, Am mây tía, Nghinh lương đình, Nhà khách, Chúng hòa đường (nhà sinh hoạt), Quá thiện đường (nhà ăn), Tăng xá, Cốc liêu chư Tăng-Ni, cây cảnh…

Tiếp tục đọc

Bàn thờ chung của hàng trăm học sinh Hàn Quốc

Xin chân thành chia buồn, tưởng niệm và cầu nguyện.

Giữa một rừng hoa trắng tang thương, gương mặt ngây thơ của những thiếu niên hiện ra trong những bức ảnh. Các em nằm trong số hàng trăm học sinh bỏ mạng dưới biển cả khi phà Sewol bị chìm vào tuần trước.

Một bàn thờ chung vừa được dựng lên hôm nay tại phòng tập thể thao của một sân vận động ở Ansan, thành phố chỉ cách thủ đô Seoul một giờ lái xe. Trường cấp ba Danwon tọa lạc tại đây. Ngôi trường có hơn 300 học sinh và thầy cô giáo đi trên phà Sewol. Ảnh: AFP.

Tiếp tục đọc

Tâm sự của lon bia bị rớt – Nguyễn Phương Thảo

Tôi chỉ kể từ khi tôi bị rớt khỏi thùng xe tại vòng xoay Tam Hiệp, Đồng  photo Picture1_zps4093efbb.jpgNai ngày 04/12/13.

Tiếng ầm ầm, loảng xoảng như tiếng “xả lũ” dội lên mặt đường, anh em bạn bè của tôi mới ít phút trước nằm ngay ngắn chồng chất lên nhau trên thùng xe giờ bay gần hết xuống đường. Dòng người đi đường như bị hút vào tâm lũ xả. Tôi nghe nhiều tiếng kêu thất thanh của những lon bia “keng” trực tiếng xuống mặt đường và va chạm vào nhau. Tôi còn nghe rõ tiếng kêu cứu của bác tài xế, van xin mọi người đừng lấy bia đi.

Tôi nằm trong một thùng nguyên, chỉ móp chút đỉnh ở góc, nhanh chóng được bê lên bửng một chiếc Honda chạy ngoằn nghèo vào con hẻm.

Tiếp tục đọc

Hơn 1.000 người tham gia ngày hội “Một thế giới cho tất cả”

TTO – Hơn 1.000 bạn trẻ và người khuyết tật đã cùng tham gia hội trại “Một thế giới cho tất cả” diễn ra tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM ngày 1-12.

Bức Tranh Của Đá – Nguyễn Phương Thảo

“Nằm cách trung tâm thành phố 10 km về phía Đông Bắc, bán đảo Sơn Trà với độ cao 693 m so với mực nước biển; giống hình một cây nấm, đầu nấm là núi Sơn Trà và thân nấm là bãi cát bồi, lắng đọng, tạo nên những bãi cát vàng đẹp đẽ, trong lành. Đây còn là một khu bảo tồn thiên nhiên đa dạng và phong phú, được bảo vệ theo chế độ rừng cấm quốc gia, nổi tiếng là nơi có thảm thực vật đặc sắc với nhiều loại thú rừng quí hiếm như hươu, nai, khỉ, vượn, đười ươi, voọc chà vá, gà mặt đỏ… cảnh vật thiên nhiên nơi đây rất quyến rũ; dân gian đồn rằng các vị tiên từ trên trời thường chọn bãi cát nơi đây để giáng trần, ca múa, đánh cờ với nhau… nên còn có tên là Tiên Sa. Hùng vĩ mà lãng mạn, phóng khoáng mà tươi đẹp, một ngày ở Sơn Trà ta sẽ được chìm đắm trong vẻ huy hoàng bình minh và sự lặng lẽ hoàng hôn của một vùng bán đảo sơn thủy hữu tình..”  ( Du lịch Tiên Sa )

Tiếp tục đọc

“Hành trình” đưa Nick đến Việt Nam

Đọc lại bài trên Ban Mai Hồng :

Nick Vujicic-Nghị lực phi thường

( Doanh Nhân Sài Gòn) Nghị lực sống của chàng trai không tay chân Nick Vujicic đã lan tỏa đến hàng triệu triệu trái tim trên toàn thế giới, trở thành niềm khích lệ, động viên tuyệt vời đến hàng triệu người Việt Nam, đặc biệt là những người đang cố gắng vượt qua những khó khăn, trở ngại trong cuộc sống bằng chính sức mình. Vì vậy, hành trình Nick đến Việt Nam cũng được chuẩn bị chu đáo và tổ chức khá đặc biệt.

Hình ảnh nào của Nick cũng dễ làm người xem rung động.

Nick Vujicic sẽ “chạy con thoi” để gặp gỡ bạn trẻ Việt Nam

Tiếp tục đọc

Ngắm hoa đào nở rộ ở Úc

– Nếu ai có ý định đi du lịch Úc châu, hãy đi vào khoảng tháng 9, tháng 10 là khoảng thời gian đẹp nhất trong năm.

Lúc này là mùa xuân nên muôn hoa khoe sắc thắm nồng. Và nhất là hoa đào vào mùa nở rộ làm nhiều lúc bạn cứ ngỡ đang chìm đắm trong mùa xuân nơi quê nhà…

Tiếp tục đọc

Để gió cuốn đi – Nguyễn Phương Thảo

Không có Gió thì chong chóng chỉ biết đứng im.

Xin gửi lời cám ơn cám ơn tất cả những bàn tay đã làm nên gió.

Tiếp tục đọc

Lời chúc mừng năm mới từ một cư dân của biển – Phương Thảo

Vâng, xin CHÚC MỪNG NĂM MỚI, và CHÚC MỪNG MỘT NĂM HOÀN TOÀN MỚI, như cách của bãi biển ban mai đón chào một ngày mới:

“ Không còn dấu vết gì của đêm hôm trước, chỉ có một bờ cát dài với sự sắp xếp lại hoàn toàn mới của những hạt cát, những viên cát tròn dã tràng xe cũng mới tinh khôi, sóng biển vỗ vào bờ cát kể những chuyện còn nóng hổi từ biển khơi đem vào.

Có thể học cách đón chào ban mai hồng của biển để xóa sạch những ưu tư, phiền muộn, thất bại của ngày hôm qua.”

Tiếp tục đọc

Where We Going- Ba Ơi Mình Đi Đâu? (Phương Thảo)

Where we going, Daddy?

Đó là câu hỏi của con trẻ. Tiếp tục đọc

Có khó gì đâu cái gãi lưng (Nguyễn Phương Thảo)

Con là con bé khó ngủ.

Anh Bo (lớp 2) vui tính, vô tư, nằm xuống là ngủ khì, sáng kêu cái là ngồi phắt dậy.

Chị Bi (lớp 9) lúc nào cũng thiếu ngủ vì bài vở dư. Tối ngủ rất trễ và sáng đồng hồ reng lần thứ nhất không dễ gì tỉnh giấc.

Bé Bơ thì là con bé khó ngủ. Công thức vào giấc ngủ của con hơi phức tạp:

+ Nằm kế mẹ

+ lăn qua lộn lại

+ nằm ngửa, nằm sấp, nằm nghiêng Tiếp tục đọc

Bộ lông rực rỡ của chim thiên đường

Chim Thiên Đường đi tha rác về lót ổ để chuẩn bị cho mùa đông sắp đến. Chim Thiên Đường bay rất xa, chọn những chiếc lá thật đẹp, những ngọn cỏ thật mềm. Tiếp tục đọc

Sen Tháng Tư (Phương Thảo)

Tôi yêu từng búp sen “tròn mà nhọn” (BMH 13/05/11), ấp ủ những tinh khôi. Như tôi yêu ánh mắt ngây thơ của con trẻ ngước lên nhìn mình, tràn đầy tin tưởng, dấu yêu và gắn bó. Nói ngước lên nhìn là để hình dung đúng “cao độ” đôi mắt của con chỉ khoảng ngang bụng người lớn.


Tôi trân trọng những đóa sen đã nở tung xòe, trải ra hết những hương và sắc của mình. Như tôi trân trọng người cha trong câu chuyện “Cha và con” (BMH 14/05/11), hiện sinh của người được hỏi 23 lần “Đó là con gì?” khi con ông còn nhỏ và người hỏi đúng 3 lần “Đó là con gì?” khi con ông đã lớn.

Những cái lá sen to tròn cũng vậy, từ khi là một cái ngó sen chui thẳng lên mặt nước, hình thành lá sen với 2 mép cuộn tròn vào trong. Rồi một ngày, lá sen xòe tròn đầy đủ, đón bất cứ giọt nước nào muốn thỏa thích lăn tròn trong lòng lá bên trên; và bên dưới,  che mát cho tôm cá tung tăng.

Tôi không có ý định từ bỏ những lá, những hoa, những gương sen khiếm khuyết. Ngày trước, tôi thường không chấp nhận những bó hoa có kèm 1-2 cành hoa không đẹp, kết quả là có khi tôi không mua được hoa cúng Phật. Giờ thì tôi không còn băn khoăn do dự gì khi chọn một bó hoa không hoàn hảo: có 1-2 bông không đẹp thì cũng còn 8-9 bông đẹp, còn hơn là không mua được bông. Và tôi muốn những bông hoa không đủ phần hương sắc kia cũng có dịp dâng mình cúng Phật.

Tôi sẽ thế nào nếu ngày mai là cánh hoa đã lìa cành? Thật thản nhiên nếu đã biết trước và cũng không hề ngạc nhiên nếu không biết trước, vì tất cả mọi việc dù bất ngờ, bất hạnh đến đâu cũng có thể xảy ra mà.

.

.

Tôi thích ngồi lột vỏ lụa xanh và nhâm nhi từng hạt sen tươi, tận hưởng tinh hoa của đất trời.

Trên bàn Phật hôm nay, tôi dâng lễ là một bát hạt sen tươi.

.

Phương Thảo 

Rằm tháng Tư 2011

Hình Hài

Hình hài.

Cái hình hài 3,05kg của con ngày nào mới sinh ra hôm nay đã được 20kg. Bàn chân bé xíu ngày nào hôm nay đã gần đầy trong bàn tay mẹ nắm lại. Hai chân thêm những vết bầm xước không thể từ chối vì chúng cứ liếng thoắng leo trèo, chạy nhảy. Bàn tay cũng đã lớn dần lên nhưng vẫn nằm gọn trong bàn tay nắm chặt của mẹ mỗi sáng dắt con vào lớp học. Hình hài ngày nào còn được ngồi ở lớp Mầm giờ đã phải sang lớp Chồi. Mỗi chiều về tắm cho con mẹ đều được xoa đều xà bông lên da thịt cái hình hài ấy, cảm nhận sự lớn lên từng ngày của cái đầu, cái vai, cái tay, cái chân; cho dù mẹ không muốn chúng lớn lên. Mãi mãi tuổi lên ba để còn được mẹ tắm cho, được thổi xà bông thành bong bóng mỗi lần tắm.

Hình hài con có lớn lên tới đâu thì cũng mang theo hai cái xoáy tròn ở đuôi chân mày, hai cái lúm đồng tiền trên má. Hồi nhỏ con ốm dài như con cá kèo nay đã tròn hơn vì cái bụng tròn hơn. Cái bụng tròn hơn là do cái miệng làm việc giỏi hơn. Cái miệng hiện có 18 cái răng trắng xinh sạch từ trong ra ngoài. Tối nào cũng đứng đánh răng vui vẻ với từng cái răng: mặt ngoài, mặt nhai, mặt trong. Cẩn thận đừng quên mấy cái răng trong cùng không được chăm sóc kỹ nó sẽ buồn, nó ra cái chấm đen.

Chỉ có cái móng ngón tay cái của bàn tay trái là đang bị thương tật vì cái ngày con chạy lên sân thượng một mình thăm số hai màu đen (con vịt xiêm, nhân vật mới xuất hiện trong nhà) và bị kẹt tay, dập mất cái móng. Hôm nay cái móng đen đã rớt ra còn cái móng ở trong thì chưa hoàn chỉnh. Con rất đáng yêu mỗi lần mẹ thấy con để 2 ngón tay cái kế nhau và thì thầm bảo móng tay hỏng cố lên cho giống bạn bên này. Con còn bất giác hôn ngón tay thương tật nữa chứ. Mẹ cũng muốn hôn con, vì con là con, vì nó là nó. Cái móng nhìn tội nghiệp nhưng nó là của con và có thể nó vẫn còn như thế thêm nhiều năm nữa.

Những ngày nghỉ lễ tết Dương lịch đã cận kề. Mấy mẹ con mình chuẩn bị lên sân thượng lặt lá mai. Bàn tay nhỏ xinh với những ngón nhỏ xinh rất vừa với việc lặt từng cái lá mai, thủ thỉ thầm thì với chúng , để chúng thay cho những cái nụ lá, nụ hoa mới, đón xuân về.

Tết sắp đến rồi, Tết thì rất vui. Con mặc áo mới đi chúc Tết ông bà …

Ngày xuân về, những hình hài nhỏ đặc biệt thích mặc đồ đẹp mừng xuân. Những hình hài nhỏ ngoan ngoãn, lễ phép; những hình hài lớn say đắm ngắm nhìn. Tất cả hình hài có mặt  trên đời để yêu nhau và để lắng nghe mùa xuân về …

.

Mẹ Phương Thảo

– 31/12/2010

Đưa con đi học

Ngày cao điểm, mẹ phải đưa chị lớp Chín đi học lúc 6g30, quay về đưa anh lớp Hai đi học 7 giờ, lại quay về đưa bé Út đi mẫu giáo lúc7g30 rồi đi làm luôn; trưa tranh thủ ra sớm rước chị lớp Chín lúc 11g45 về nhà ăn cơm, nghỉ ngơi tí xíu lại đến trường 13g30; chiều 17g đi làm ra ghé rước chị lớn cùng về; buổi tối lại thêm 2 tua đưa và rước một trong hai anh chị đi học thêm. Buổi trưa, ngoài cái nắng nóng như thiêu đốt còn là cảm giác căng thẳng vì buồn ngủ mà không được ngủ. Có khi mẹ đang lái xe một cách tập trung vì vấn đề ấy thì nghe gõ cốc cốc vào đầu từ phía sau; thì ra là cái nón bảo hiểm của con cốp cốp vào nón mẹ – con ngủ gật.

Ấy là mẹ đã sử dụng quyền trợ giúp “nhờ người thân” trong việc đưa đón các con đi học. Bởi thế, có lần khi vừa đến trường trường mẫu giáo, bé út hỏi sao các bạn được mẹ đón còn con thì không. Mẹ trả lời vì mẹ đi làm ra rất trễ. Con gái của mẹ tạm thời bỏ qua. Còn Bách, một bạn cùng hoàn cảnh với con đã nói cứng rắn: “Con sẽ đợi mẹ”. Và hôm sau, khi mẹ Bách đến đón, con trai đang khóc vì buồn và sợ: mẹ Bách bị kẹt xe đến trễ.

Chuyện đưa con đi học thời kẹt xe ở Sài gòn thì đúng là dở khóc dở cười. Một buổi sáng, cái lô cốt đào đường hiện diện ngay trước cổng trường mẫu giáo của bé Bơ. Vất vả lắm với bao nhiêu là khói và bụi, chiếc xe của mẹ và bé Bơ mới tới được cổng trường. Tới cổng trường rồi nhưng còn khó khăn lắm mới lọt vào được sân trường nên mẹ phải gửi bé Bơ lọt vào cổng trường trước cho đỡ cái khói bụi, mồ hôi, ồn ào. Cho đến khi đưa được xe vào sân trường, không thấy con đâu, mẹ hốt hoảng chạy lên lớp, con đang ngồi trên cái ghế thấp cất ba lô vào tủ trước của lớp, mắt ngấn nước, và chỉ chờ có gặp mẹ là bao nhiêu nước trong đôi mắt ngây thơ đến tội nghiệp ấy trào ra. Mẹ cũng không cầm được nước mắt.

Cũng là nạn kẹt xe mà có những chiều đón chị lớn về nhích từng chút một, có khi hơn cả tiếng đồng hồ, mà cái đoạn kẹt xe chỉ cách nhà còn ½ cây số. Rất xót con thời giờ không có, bài vở lúc nào cũng nhiều quá sức có thể hoàn thành, nhưng nạn kẹt xe không loại trừ ai. Con đã ra khỏi nhà từ trước 6g30 sáng và cũng vào giờ đó buổi chiều tối mới về được tới nhà.

Không kẹt xe thì quang cảnh trước trường đầu giờ sáng rất vui, đáng được làm thành một bài tập làm văn. Nhìn từ xa trên cao, hầu như tất cả chỉ có một quy trình: xe trờ tới cổng trường, các cô cậu học trò xuống xe, chào ba mẹ và bước vội vào trường; có khi vội quá quên đồ lại phải í ới gọi nhau quay lại. Không nhiều, nhưng cũng còn vài gia đình giữ nếp hôn tạm biệt, trông rất tình cảm. Có phụ huynh vội vọt xe đi, cũng có người nán lại đến khi con vào khuất cổng trường …

Bước qua cổng trường là con đã vào một thế giới khác, ở đó là thầy cô, sách vở, bạn bè, những giờ học nối tiếp nhau, một guồng máy mãi quay kéo theo bao nhiêu là tâm huyết, sức khỏe thầy và trò. Những lần đến sớm đón con, mẹ thích quan sát quang cảnh trong sân trường: những con người di động và những vật thể đứng yên. Tất cả đều mang màu sắc của dạy và học. Tuy là học trò tất cả đều đồng phục, nhưng không một ai giống ai. Mẹ tưởng tượng trong vai Thầy Cô đứng trước lớp, trước mấy chục khuôn mặt và từng ấy đôi mắt khác nhau đang nhìn mình, quả là một điều thú vị. Chấm bài, đọc từng ấy nét chữ, quả là cuộc sống đầy sắc màu. Nhiều lúc thật là buồn với cái cặp 4-5 kg của con, nhưng cũng biết từng ấy chữ nghĩa, kiến thức con được học mỗi ngày. Và cho dù mẹ “bó tay” bất lực với một áp lực học hành đè nặng lên một đứa con mà mẹ đã sinh ra vốn đầy đủ, lành lặn, khỏe mạnh, vui vẻ, hiền hòa; mẹ vẫn phải công nhận nhà trường vẫn là một môi trường sống quan trọng, chi phối con nhiều hơn 10 tiếng mỗi ngày ở đó; tình cảm của thầy cô, bạn bè ở đó đã cân bằng và bổ sung tình cảm, nghị lực, ước mơ của con.

Giữa bộn bề cuộc sống gia đình, công việc, con cái học hành, lắm lúc mẹ thấy chuyện đưa đón các con đi học thôi cũng đã là vất vả rồi;mà quên mất các con được đi học, còn đi học, mẹ còn được đưa các con đi học là một niềm hạnh phúc to lớn. Bởi thế, mỗi lần đưa con đến lớp, mẹ luôn muốn cười chào tạm biệt. Cười để xí xóa những gì đã qua;  cười động viên, chúc con tự tin và nhiều may mắn với một ngày mới. Không chỉ có đôi mắt cười mà mẹ còn muốn kéo khẩu trang xuống để cười trọn nụ cười với con.

.

Phương Thảo

16/ 10/2010.

Mặt trăng yêu thương

Mỗi lần chuẩn bị cắt một cái bánh trung thu, các bạn nhỏ thường hay nhao nhao:

“Em thích ăn trứng”, “Con thích ăn trứng” …

Mình cũng thích trứng 😛 , nhưng khác hơn một chút là thích nhìn thấy cái lòng đỏ
trứng hiện ra như một mặt trăng yêu thương được cả đất trời ôm ấp trong cái bánh  trung thu ấy.

Vũ trụ thật kỳ thú. Một bầu trời thật rộng, tối đen nhưng lại ngự trị một mặt trăng với một màu vàng cố hữu. Mọi người thường hướng về nguồn sáng ấy khi ngước mặt lên bầu trời (với mặt trời thì không thể nhé).

Trăng như là hiện hữu của sự bình an và trông chờ: trăng tròn … trăng khuyết … trăng tròn … Trăng rằm thường rất đẹp, và dường như chính xác hơn là trăng 16. Mình đã từng ngỡ ngàng vì trăng lên rất đẹp, vừa cao khỏi hàng cây, bên bến sông Sài Gòn. Trăng 16.


Ánh trăng có thể làm làm “lấm lem tèm nhem” một ai đó đang muốn khóc, khóc cho vơi buồn, vơi nhớ vì có nguồn chia sẻ.

Trăng là yêu thương, Trăng là chia sẻ.

Mặt Trăng, chỉ có một trên đời.

.

Phương Thảo

Cho Mẹ, Cho Mình, Cho Con.

Cho Mẹ:

Mẹ là người con nghĩ đến trước tiên vào mỗi dịp sinh nhật của mình. Lớn lên, khi có người khen da con trắng, dáng con đẹp … con lại nhớ Mẹ, người đã cho con một hình hài như thế. Lớn lên, khoảng cách về không gian và suy nghĩ giữa con và Mẹ cũng lớn theo. Cuộc sống không phải luôn tồn tại sự hòa hợp trong tình mẫu tử. Con cũng đã làm mẹ của ba nhóc, nhưng có thể vì con của con còn nhỏ nên con chưa phải buồn nhiều vì chúng như Mẹ đã phải buồn nhiều vì chúng con. Dù sao, con vẫn đã học làm mẹ từ Mẹ.


Cho Mình:

“Mình” ở đây không phải là em mà là anh, người đã dám chọn em làm vợ, dám dấn thân vào nhà em làm rể. Yêu anh, em đã tặng anh những đứa con, và thế là em trở thành mẹ. Con còn nhỏ, chưa biết yêu thương, chăm sóc mẹ nhiều. Người chăm sóc, chia sẻ, yêu thương em phần nhiều là anh. Em hoàn toàn bị chi phối vì sự yêu thương của anh dành cho em. Em chỉ có thể làm mẹ tốt nếu các con có người cha tốt. Cám ơn mình đã yêu em.

Cho Con:

con mới có mẹ hay có mẹ mới có con? Mẹ thích mệnh đề trước hơn. Sự xuất hiện của những đứa trẻ ngây ngô làm mẹ cũng dễ ngây ngô theo. Không một nụ cười của con trẻ nào mà không khiến người mẹ phải cười theo. Mẹ không muốn con lớn, vì hình như chỉ trong độ tuổi nhi đồng này mẹ mới luôn nhìn thấy con như một vị Bồ Tát trong nhà mình. Con khiến mọi người vui vẻ, bình an và gắn kết.

.

Phương ThảoMùa Vu Lan 2010.

Niềm vui của người bi quan

Chuyện hồi thi đại học (1987):
Sau kỳ thi, mình ngồi cộng đi cộng lại, tính tới tính lui, 3 môn toán, lý, hoá cộng ra chỉ được tới 14,5 điểm. Vậy là rớt rồi. Trong khi mấy thằng bạn tới nhà cứ “nổ” điểm của tụi nó tính ra đến 23, 24 điểm. Ba mình nghe thấy tụi nó bô lô ba la, cứ hỏi gặng mình xem có thể tính thêm vài điểm nữa không. Mình e dè và rất tiếc trả lời không, cho dù trong bụng biết mình tính hơi “mắc”. Đến ngày nhận giấy báo điểm, mình 18 – Đậu. Bạn nổ kia: không đậu. Mình không vui trên cái buồn của bạn, nhưng mình và cả nhà mình thật sự vui vì điểm của mình đạt được là … trên cả tuyệt vời. Cái vui của người bi quan có giá trị gia tăng của nó – vui còn hơn người nghĩ mình sẽ đậu và đậu thật.

Chuyện hồi còn sinh hoạt Đội:
Có lần về quá trễ, mình lo sợ trên suốt đoạn đường về nhà, biết chắc thế nào cũng bị ba la và có thể bị đòn nữa. Vậy mà hên sao là hên, ba không có nhà, ba đi đâu đó về còn trễ hơn mình nữa. Mừng chứ lị. Cái mừng “thót tim” này nặng ký hơn cái mừng của những lúc lạc quan nhiều.

Chuyện thời nay:
Tìm một chân nhân viên ở tuổi 40 quả là không dễ, nhưng vì chị không đủ tự tin, không đủ lạc quan, không đủ mạnh mẽ để đứng vào hàng ngũ “manager” như bạn bè cùng lứa. Cũng có những lúc chị cắn rứt vì đồng lương ít ỏi của mình, nhưng rồi chị vui “dài” hơn vì nếu tính lương bằng sự nghỉ ngơi, sự yêu thương, chia sẻ thì lương của chị là cao lắm lắm . Không đủ lạc quan để trở thành người giàu có nhưng chị thấy đủ và có dư với những gì mình đang có. Thế mà vui và thế là vui, vui ngấm ngầm, vui nghịch ngợm.

Kể chuyện bạn:
Bạn bệnh, buồn và bi quan. Vì biết mình không còn sống bao lâu, bạn trân quý và biến mỗi ngày bạn còn sống thành một ngày vui của mình và của mọi người. Người bi quan vẫn có những ngày vui quý báu và đầy ý nghĩa. Vui chi mà vui lạ. Những người hoàn toàn lạc quan có khi lại không nếm được cái “lạ” này.

Mình thích “bi quan” ở cái “positive meaning” của nó lém lém.
(Mình thích chính mình í, cái của mà người đời hay ghét, hay chê

.

Nguyễn Phương Thảo

Như là hơi thở

Đọc “Marley và Tôi”, lòng tôi tràn ngập sự chia sẻ tình yêu thương với những nhân vật trong truyện. Marley là một con chó thuộc giống tha mồi, to xác và ngốc nghếch, nhưng nó sinh ra trên đời để được yêu thương, một tình yêu thương không giới hạn, không điều kiện của cặp vợ chồng chủ trẻ. Tình yêu thương hiện hữu trên từng trang sách.

Marley đã làm tôi phải suy nghĩ. Đương nhiên là nó cũng có những chiến công đáng nể vì tình yêu thương, sự nghiêm túc và trách nhiệm đối với chủ nhân của nó. Tuy nhiên, nó thật sự gây nhiều phiền toái, phiền toái nhiều hơn là chiến công, như là chuyện nước dãi của nó thường xuyên văng đầy trong xe hơi, và những lần nó phá tan nát căn phòng khi ở nhà một mình… Những chuyện thật sốc nó gây ra đã không hề gây sốc trong tình yêu của chủ nhân dành cho nó.

Marley chỉ là một con chó thôi, một con chó gây nhiều phiền toái, không phải nói một tiếng là nghe, mà lại được yêu thương đến thế. Tôi lại nghĩ đến con mình: con nghiêm túc nhiều hơn ỷ lại, khéo tay nhiều hơn phá hoại. Vậy mà lắm lúc mẹ giận và bỏ mặc con vì những cá tính của con được quy là trọng tội cứ lập đi lặp lại.

Yêu thương làm con người vui vẻ, thăng hoa hơn là tâm trạng giận hờn, đòi hỏi. Nhưng yêu thương vô điều kiện thì không phải là chuyện dễ làm (may ra là dễ nói thôi). Vậy mà tình yêu giữa những vị chủ nhân đáng kính và Marley trong câu chuyện đã hiện hữu một cách tự nhiên và quan trọng như là hơi thở.

Marley, tao cũng yêu mày.

.

Phương Thảo

– 06/2010.

Toa thuốc của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc

7.

Anh chàng nổi tiếng sợ vợ, một hôm cho xây cái hồ trước sân.

–         Xây hồ chi vậy anh?

–         Để khi chị mày nổi cơn tam bành lên, tao mà chạy quanh đây thì có Chúa mới biết ai rượt ai nhá.

.

8.

“Tôi không thể hiểu nổi con người. Họ chẳng hoài nghi gì khi có người nói với họ là người ta có thể bay vòng quanh trái đất trong nửa giờ, hoặc một em bé có đầu người mình rắn… Nhưng nếu người ta gắn tấm bảng “Sơn còn ướt” trên chiếc ghế ở công viên, người đi ngang sẽ sờ vào xem có đúng không”

.

Nguyễn Phương Thảo

Khóc

Buổi sáng một ngày hè, mẹ cảm thấy mệt và đuối nhiều hơn những ngày trước. Mẹ muốn ngồi thụp xuống khóc một mình, nhưng cũng chẳng có một chỗ có thể ngồi.  Chuyện gì thế nhỉ?  Tiền học của các con, sinh hoạt phí của gia định, thời gian đưa đón, và sức lực còn lại.

Mùa hè này, các con lại mắc vào guồng sinh hoạt mà đã có không ít những lời lên án:   hè mà học, học mà bảo là hè. Mẹ vẫn luôn muốn ngắm nhìn các con chơi đùa hoặc tập trung làm điều gì các con thích. Vậy mà tối về sum vầy, mẹ vẫn luôn miệng nhắc các con làm bài tập cô cho về nhà.

Mẹ cảm thấy mình có lỗi với mọi người trong gia đình và với cả bản thân mình nữa.

Mẹ chưa liên lạc được với bên điện thoại vì sao cước tháng rồi tăng vọt, chưa tìm hiểu được cái bill điện breakdown sao mà ra đến 7-8 dòng vượt định mức, chưa …, chưa …, và chưa …

Mẹ nhớ ông bà ngoại. Hôm qua cơ quan mẹ có tiệc ở lẩu nấm ASHIMA. Từng chén đầy nấm, đầy bổ dưỡng làm mẹ nhớ ông bà ngoại. Biết làm sao mời ông bà ngoại ăn được một lần cái lẩu nấm này.

Mẹ cảm thấy đói. Đói vì trong người thiếu sách, thiếu báo, thiếu thơ, thiếu nhạc, thiếu tình cảm, thiếu giờ đi mua sắm, thiếu giờ tập yoga.

Chuẩn bị đi làm, mẹ muốn “ngụy trang” một chút, nhưng hộp phấn trang điểm đã hết cả tuần nay chưa mua mới được. Ở ngoài đường, càng không ai quan tâm đến mình. Thậm chí mẹ si-nhan qua đường mà còn không được nhường đường.

Đến cơ quan, mẹ đi cầu thang bộ lên văn phòng ở tầng 2. Từng bước, từng bước đi lên   để thấy mình vẫn còn bước được. Rồi mẹ lại đi xuống, từng bước từng bước như từng ngày rồi từng ngày trôi qua. Có ngày buồn, có ngày vui; có ngày được, có ngày mất; có ngày thất bại, có ngày thành công.

Tưởng là nước mắt đã lặng lẽ rơi, nhưng không, hình như chỉ là cảm giác ngộp thở. Và mẹ vẫn thở, cố kéo dài hơn, sâu hơn những hơi thở gấp của sáng nay. Mẹ quyết định im lặng, bình tĩnh và im lặng, im lặng nhưng vẫn mỉm cười với mọi người, vì mẹ biết rằng ngày mai sẽ khác đi.

.

Nguyễn Phương Thảo

Toa thuốc bổ của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc

5.

Thầy thuốc động viên bệnh nhân

–         Hôm nay giọng ho của bác nghe khá hơn rồi.

–         Cám ơn. Tôi luyện suốt đêm qua mà

.

6.

–         Tôi kiếm ăn được là nhờ vào những lỗi lầm của người khác.

–         Anh là luật sư à?

Không, tôi chuyên sản xuất gôm (tẩy).

.


Nguyễn Phương Thảo

Toa Thuốc Bổ của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc.

3/ – Thưa bác sĩ, ông dùng thuốc gì mà hay thế.

Bệnh biếng ăn của bà vợ tôi mất hẳn.


– Có gì đâu, tôi chỉ nói với bà nhà bệnh biếng ăn là dấu hiệu của tuổi già

.

4.

–         Alô, mời bác sĩ đến gấp,

thằng con tôi nuốt cây bút máy của tôi vào họng.

–         Vâng, tôi sẽ đến ngay

–         Thế trong khi chờ đợi, tôi phải làm gì?

Thì hãy tạm viết bằng viết chì vậy.

.


Nguyễn Phương Thảo

Toa Thuốc của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc.

… Ông bà ta nói “Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”, vậy sao một người thầy thuốc đã từng trải những nổi đau vì bệnh tật như tôi lại không thể kê một toa thuốc bổ bằng những nụ cười. Vì thế mà bạn có trong tay cuốn “Như ngàn thang thuốc bổ” này…

Thân mến,

.

Đỗ Hồng Ngọc

.

1.

Bác sĩ nói với bệnh nhân:

–         Tình trạng của ông tiến triển tốt rồi đó.

Còn chỗ tay trái đang bị sưng đau cũng không có gì đáng lo cả.

–         Tôi cũng vậy. Nếu tay trái của bác sĩ sưng đau thì tôi cũng chẳng lo gì cả.

.

2.

–         Thưa bác sĩ, có đúng là ăn nhiều cà rốt thì mắt tôi sẽ tinh hơn?

–         Dĩ nhiên rồi. Đã bao giờ ông trông thấy một con thỏ đeo kính cận chưa?

Vô Cảm?

Sáng nay trên đường đi làm, tôi gặp một người mẹ trẻ đang dẫn bộ chiếc xe tay ga. Trên xe có đứa bé chừng 5 tuổi đứng ở bửng phía trước xe, chắc đang trên đường đến trường mẫu giáo. Người mẹ mặc váy công sở, thấy đã thấm mệt.

Tôi nghĩ nhanh trong đầu xem vì sao xe chết máy: hết xăng, mất điện? Liệu có đạp cho xe nổ thay vì đề được không? Nhưng hôm trước té xe, tay mình vẫn còn đau, và chân mình cũng không đạp hộ cho xe nổ máy nổi. Và nếu dừng lại, mình sẽ đến cơ quan trễ.

Trong lúc suy nghĩ, xe tôi vẫn tiến về phía trước, bỏ lại người mẹ và chiếc xe kia phía sau ngày càng xa. Tôi lại nghĩ nhanh sao mình không quay lại hỏi một câu, nhưng con đường tôi đang đi lại là đường một chiều.

Cuối cùng, tôi đã bỏ xa người mẹ, đứa bé và chiếc xe để hòa vào dòng người hối hả và vô cảm. Không dám quay lại nhìn, nhưng tôi hy vọng đã có người tốt bụng hơn, dứt khoát hơn, tích cực hơn tôi hiện ra phía sau để giúp đỡ hoặc ít ra cũng chia sẻ được một lời với hai mẹ con. Và cũng tin rằng, dù gì thì cuối cùng người phụ nữ ấy cũng sẽ hoàn thành xuất sắc việc đưa con đến trường và đến cơ quan trong sáng nay.

Nếu gặp tình huống này một lần nữa, chắc chắn tôi sẽ xứ lý khác. Tuy nhiên, tôi vẫn mong được nghe lời chia sẻ của người phụ nữ phải đẩy xe và con trong tình huống này.

Mọi người hãy vào vai được không ạ?

.

Nguyễn Phương Thảo

Tại Sao Lại Nắng Ấm

Nhân một ngày nắng đẹp, xin giới thiệu với các bạn học sinh lời tựa của tờ báo tường đầu tay của lớp 8A9 trường Hai Bà Trưng, thành phố Hồ Chí Minh.

Với chủ đề về mái trường và mùa xuân, các bạn đã chọn tên “Nắng Ấm” cho tờ báo của mình.

TẠI SAO LẠI “NẮNG ẤM”?

Sau một tuần suy nghĩ, chúng tôi quyết định lấy cái tên “Nắng Ấm” làm tựa đề cho tờ báo tường của lớp với chủ đề mái trường, thầy cô, bè bạn. Phải vất vả, đắn đo lắm, vì chúng tôi biết rằng tựa đề cũng chính là linh hồn của tờ báo. Nếu tựa đề không phù hợp, chưa đặc sắc thì sẽ phần nào giảm sức hấp dẫn và giá trị của nội dung các bài viết. Thật may chúng tôi có đủ lí do để mỉm cười ưng ý khi chọn cái tên ‘Nắng ấm’.

Đọc đến ‘Nắng ấm’, bạn sẽ dễ dàng liên tưởng đến mùa xuân. Nhưng nó cũng mang ý nghĩa về mái trường đấy, một ý nghĩa đặc biệt hơn nhiều. Ở đây, chúng tôi muốn ví ngôi trường mình như một mặt trời, và bạn bè, thầy cô trong trường chính là cái nguồn, là những người toả nắng. Thầy cô truyền đạt cho học sinh bao kiến thức quí giá, khi đó học sinh chính là những người được nhận ‘nắng ấm’. Bạn bè chia sẻ, yêu thương, giúp đỡ nhau, khi đó ‘nắng ấm’ đang lan toả đến từng bạn. Cả thầy cô khi đến trường dạy, tận tâm với nghề, hết lòng vì học sinh thì cũng đang nhận được những tia ‘nắng ấm’. Nói cách khác, ‘nắng ấm’ ở đây cũng chính là kiến thức, là niềm vui, là tình thương giữa thầy trò, bè bạn dưới mái trường.

Mỗi ngày đến trường, ta nhận được nhiều ‘nắng ấm’: tiếp thu kiến thức từ thầy cô, vui chơi đoàn kết với bạn bè, nhận được tình yêu thương từ cả thầy cô và và bè bạn. Đồng thời, chính ta cũng là người trao tặng ‘nắng ấm’ nếu biết chăm chỉ học tập, kính trọng thầy cô, yêu thương bạn bè.

Bạn đã nhận và trao được bao nhiêu ‘nắng ấm’?

Hãy đọc và cảm nhận những bài viết, những dòng suy nghĩ dưới đây để rồi cùng nhau trân trọng và gìn giữ ‘nắng ấm’ nhé!


Nguyễn Phương Thảo

Banmaihong's Blog

Nơi Đây Nắng Ban Mai Hồng Reo Vui

Blog Chuyên Anh

Nurturing Language Talents