MAY MÀ CÓ TÓC ƯỚT
Thôi không nghĩ tới ngày đã qua. Ngay lúc này đây, hãy nghĩ tới bây giờ đây, ăn cơm xong rồi thì đi đâu?
Phòng trọ đã trả lại cô Hòa, đồ đạc sách vở đóng gói gởi phòng Hải Anh. Còn lại cái thân mình đây. Ngày mai kiểm tra toán, môn toán thì không sợ, nhưng mà có chỗ để ngồi học bài vẫn hay hơn. Không thể để chú thím lấy điểm số tụt thấp làm cái cớ. Nhưng quan trọng nhất là tối nay ngủ ở đâu đây?
Khải lục lọi bộ nhớ tìm địa chỉ phòng trọ của mấy đứa bạn trai cùng lớp.
Không tìm ra đứa nào.
Ăn xong, thằng Huân nói:
– Tao về trước nghe.
Khải nhìn theo thằng Huân, hai chân nó bước lẹ làng thấy mà ghen tỵ, nếu mình có một chỗ để lẹ làng bước về.
Thấy Khải còn đứng đó, bà Lập hỏi:
– Cháu chờ bạn hả?
Câu hỏi làm Khải nhớ lời hẹn với thằng Hùng. Cái thằng chỉ điểm đó.
Tởm.
– Dạ không – Khải đáp ngay.
– Không thì đứng xớ rớ đó làm gì? Về học bài đi cháu.
Khải “dạ” rồi đi thật nhanh ra khỏi quán.
Thật nhanh, để ông bà Lập nhìn thấy là mình rất nhanh nhảu về nhà học bài, đúng tinh thần tự lập tự giác mà ông bà ủng hộ bọn học trò bồi bàn. Thật nhanh như đúng là có một chỗ đang đợi mình về, có một đứa ngóng mình ngay cửa mà càu nhàu “Sao bữa nay mày trễ vậy?”.
Qua khúc cua, Miểng Thíu đã khuất hẳn, chân Khải chậm lại. Đi đâu đây?
Đường phố dập dìu… Hàng quán hai bên đường sáng đèn lấp lánh…
À, trước tiên là mua cái điện thoại. Khải thọc tay vô túi quần, những tờ giấy bạc mỏng manh. Một cái điện thoại để liên lạc… Người đầu tiên Khải gọi sẽ là Hải Anh. Nhờ Hải Anh sáng mai đem sách vở của mình lên lớp dùm.
May mà có Hải Anh.
Cảm giác dịu dàng là lạ vừa chớm dâng lên khi tên Hải Anh hiện trong tâm trí vụt tan đi khi những ngón tay Khải mân mê những tờ tiền mỏng trong túi. Năm trăm ngàn bà thím cho trừ tiền mấy chuyến tắc xi còn lại bốn trăm hai mươi sáu ngàn, sáng nay ăn sáng ổ bánh mì tám ngàn, và một dĩa cơm trưa mười lăm ngàn, còn lại bốn trăm lẻ ba ngàn.
Tạm đủ cho một cái điện thoại cũ. Ồ không, không chi hết cho điện thoại được, còn phải dành lại cho những bữa cơm trưa, bữa sáng thì nhịn cũng được.
Cho tới khi mình được lãnh lương.
Mà hôm nay mới là ngày đầu tiên.
Thầy giáo dạy toán thường nói học giỏi toán mà chỉ giải được bài trên giấy thì chỉ là giỏi như con vẹt.
Một nửa cho điện thoại và dành lại một nửa là hợp lý nhất.
Hai bên đường có nhiều tấm bảng “Sim số đẹp – Mua bán điện thoại các loại – Mới – Cũ”. Khải đi qua tấm bảng thứ nhất, thứ nhì… ùi chà, những mặt tiền quá rộng với những tủ kính quá to và sáng choang. Hẹn dịp khác.
Khải ngừng lại ở một tấm bảng nhỏ trước một mặt tiền hẹp, chỉ một cái tủ kính nhô ra sát mép cửa. Người thanh niên chủ quán nở nụ cười chào mời.
– Em muốn mua một cái điện thoại cũ.
Nụ cười tươi tắn hơn:
– Em muốn mua cái cỡ giá bao nhiêu?
– Khoảng hai trăm.
Khai ra kiểu này là biết ngốc rồi. Đứa rành sẽ không nói gì hết, bình thản ngắm nghía rồi chỉ tay yêu cầu lấy ra ít nhất là hai cái. Khi chủ quán đưa ra, sẽ móc túi lấy sim của mình nhét vô, nhấn tứ tung để thử phím có còn nhạy không, rồi gọi cho đứa nào đó không tốn cước phí nội mạng để thử xem loa có còn ngon không,… rành hơn thì còn đòi sạc pin tại chỗ nữa kìa. Rồi khi chủ quán hét giá thì cười cười tỉnh bơ trả xuống một nửa thôi.
Chủ quán nhìn nhìn Khải, lấy ra một cái điện thoại mà vừa nhìn thấy Khải đã muốn quay đi khỏi quán và mãi mãi đừng bao giờ gặp lại, nhưng cái miệng không hiểu sao lại hỏi:
– Có bảo hành không anh?
– Bảo hành hả? Ờ, bảo hành ba ngày.
Bỗng Khải chúi người gần đập mặt vô quầy kính. Không hề bước, đang đứng yên nhìn trân cái điện thoại trong bàn tay đang xìa ra chợt thân hình Khải ngả xiên về phía trước như có một cú xô mạnh từ sau lưng.
Chủ quán tưởng Khải phản ứng câu trả lời, bèn nâng lên:
– Làm gì ghê vậy, muốn thêm thì nói, bảo hành một tuần được chưa?
Khải loạng choạng cố gượng đứng vững rồi ngạc nhiên nhìn xuống., không chướng ngại vật và cũng không có bãi nước nào để mà trợt chân. Khải bối rối, mồ hôi toát ra.
– Sao? Mua không thì lấy sim ra thử đi.
Sim!
Khải nhớ ra mình không có sim. Thật là quê nếu nói thật là mình không có, chưa có.
Thộn người, Khải nhìn ra đường.
Và Khải nhìn thấy một tấm quảng cáo giăng cao giữa hai cột điện trên vỉa hè bên kia vẽ những cái điện thoại di động và dòng chữ “Với 299 000 đồng, có sẵn một trăm năm mươi ngàn trong tài khỏan – Hãy đón Dế Yêu về – Líu lo suốt ngày. Bảo hành một năm”.
Khải ấp úng chào chủ quán và đi ra thật nhanh suýt đá trúng cái ghế của quán hủ tíu vỉa hè.
Hóa ra có nhiều tấm quảng cáo giống như vậy trên đường nhưng vì Khải không để tầm mắt mình nhìn cao lên mà cứ chăm chăm nhìn ngang vô quán cho nên không thấy sớm hơn.
****
Cái tên Hải Anh hiện ra ngay trong tâm trí ngay lập tức, hay là nó ở sẵn trong đó?
Khùng quá.
Khải mân mê cái điện thoại mới tinh trong tay như một tên ngốc.
Vì chưa biết số điện thoại của Hải Anh.
Phải tới tận nơi thôi.
Đầu đường hẻm vô nhà cô Hòa đối diện chênh chếch quán Miểng Thíu, lỡ ông bà Lập nhìn ra thấy mình còn quanh quẩn ngoài đường rồi nghĩ là mình ham chơi không tạo điều kiện cho chạy bàn thì mệt. Nếu có một căn phòng… ông bà Lập tới chơi… sẽ thấy thằng Khải chăm học như thế nào…
Nhưng… ờ mà… từ huyện chuyển ra phố học để làm gì nếu chỉ cần chăm học? Chăm học là đủ thì người ta cần gì phải đi xa nhà chịu đựng đủ điều và tốn kém đủ thứ?
Tốn kém cả nỗi buồn niềm vui nữa.
Tránh ánh mắt của Miểng Thíu, phải đi vòng đường khác xa hơn một khúc. Khải nhìn bóng mình liên tục di động giữa hai ngọn đèn đường, khi dài khi ngắn. Nhớ Lâm, hồi đó hai đứa đi đâu cũng rủ nhau đi cùng, như hình với bóng, cùng học cùng chơi và khi bị bà Rít phạt thì hai đứa cùng chịu, rất vui. Bọn thằng Minh thằng Sâm thằng Khiết không uy hiếp được Lâm bèn phao tin Lâm pêđê với Khải.
Đoạn đường vòng này có nhiều quán sinh tố vỉa hè, bỗng mùi nước dừa sầu riêng sực nức. Mùa sầu riêng đã qua rồi mà sao vẫn có quán sinh tố còn mùi này?
Những khi đấu nhau giải toán, Khải thắng, thường là Khải thắng, Lâm hỏi muốn khao gì, câu trả lời của Khải luôn là sinh tố nước dừa sầu riêng. Đến khi Lâm chết, Khải mua một trái sầu riêng thật to đem tới đặt lên bàn thờ, mẹ Lâm vừa lau nước mắt vừa nói “Thằng Lâm của bác không chịu được mùi sầu riêng cháu à”.
Ô… Lâm… mày… thật là…
Khải đi thật chậm, nhưng rồi quán có mùi sầu riêng cũng ở lại phía sau lưng. Còn lại tiếng cười rộn ràng chạy dài cả con đường, vừa đi qua hàng này thì lại đụng hàng kia, tiếng í ới trêu chọc của những nhóm đang ăn chè vang vọng sau lưng và trước mặt Khải, tiếng muỗng khuấy lanh canh va đụng những viên đá lanh canh lanh canh lanh canh khuấy động buồn nhớ.
Thiên hạ có bạn có bè đông vui quá.
Khải cắm cúi đi thật nhanh. Tới hẻm rồi.
Cổng đường luồng nhà cô Hòa hiện ra hai thanh sắt bắt chéo hình chữ V.
Vào.
Mời Vào.
Không phải mời mình. Ngốc. Gọi Hải Anh ra, nói xong, rồi đi. Vậy thôi. Nhanh, kẻo hàng xóm tưởng mình là ăn trộm thì phiền.
“Mẹ ơi mẹ ơi mẹ ở đâu rồi?” Giọng Gấu Xù vọng ra líu lo nhỏ dần, chắc là vừa gọi mẹ vừa đi xuống bếp để tận mắt nhìn thấy mẹ.
Miệng Khải vừa há ra định gọi Hải Anh chợt ngậm lại. Điều gì đó nhói lên và tiếp tục kéo lướt trong lòng Khải… Em chào anh Khải em đi học về… Mấy chị nói ăn ớt cay mọc mụn… Cháu vô phòng đi. Trời nắng quá. Chiều tối mát mẻ rồi cô cháu mình nói chuyện. Hải Anh đưa chìa khóa cho bạn dùm cô… Khải biết chơi cờ vua không?…
Cảm giác thân ái và nồng ấm. Lạ lùng, mình chỉ mới biết nơi này thôi.
Đường luồng chừng như sâu hơn trong bóng đêm, hun hút. Mảng ánh sáng rộng hắt ra từ cửa sổ nhà bếp của cô Hòa nhô lên bóng của cái đầu tóc xù, là Gấu Xù đã xuống tới bếp rồi. Những mảng sáng hình chữ nhật màu vàng mơ thấp thoáng dáng người. Tim Khải bỗng thắt lại – Cửa sổ căn phòng từng là của Khải cũng đang hắt ra một mảng ánh sáng, là đang có người ở trong đó, là căn phòng đã có chủ mới rồi!
Hết.
Tự nhiên thấy tiếc kinh khủng.
Vô duyên, gọi Hải Anh nhanh, rồi đi.
Mảng ánh sáng trước cửa phòng Hải Anh bỗng nhòa đi, một đứa con gái vừa bước ra, cái đầu cúi xuống rủ mớ tóc dài vung văng. Hình ảnh này nhiều lần Khải thấy vì mấy đứa con gái khu trọ bà Rít gội đầu xong thường hong tóc kiểu này. Anh sáng điện phía sau lưng nên khuôn mặt đứa con gái chìm trong bóng tối.
Tim Khải đập nhanh. Hải Anh?
Cái đầu đang hong tóc chợt quay mặt về phía cổng. Đúng là Hải Anh.
Khựng một giây, rồi Hải Anh hất mái tóc ra sau vai, đi ra cổng. Không gian dậy lên mùi thơm.
– Lấy sách vở hả? Sao đi tối vậy?
– À, mình đi… công việc tới giờ mới xong.
– Tìm phòng trọ được rồi hả?
– …
– Chưa có phòng phải không?
– … Ừ, mình chưa… chiều nay bận quá…
– Rồi tối nay Khải ngủ đâu?
Hải Anh tìm công việc làm dùm, rồi Hải Anh giới thiệu phòng trọ cho, bây giờ lại để Hải Anh thương hại mình nữa sao? Không.
Mùi tóc ướt thơm ngọt quá…
.
Nguyên Hương
Filed under: Chia Sẻ Tuổi Học Trò, Giáo dục, Truyện Ngắn, Văn hóa | Tagged: Giáo dục, Truyện nhiều kỳ Nguyên Hương |
thê thảm quá.@@!
ThíchThích