Bạn là dân văn phòng? Bạn buộc phải nhốt mình một ngày 10 tiếng trong cái hộp kính kín bưng? Bạn, đôi khi cảm thấy stress và muốn thoát ra khỏi đám công việc buồn tẻ, cứ lặp đi lặp lại từ ngày này qua ngày khác? Đã bao giờ bạn cảm thấy mình chợt thèm biển xanh cát trắng, thèm trời rộng sông dài… Đã bao giờ bạn muốn thoát khỏi thị thành, thế giới mà bạn đang sống và làm việc 24/24? Chắc chắn là có. Và thế là cuộc đào tẩu của dân văn phòng bắt đầu. Nhưng họ đào tẩu đi đâu được nhỉ?

Có hai nơi dễ nhận biết dân văn phòng nhất, đó là cái văn phòng nơi họ làm việc và…khu nghỉ mát. Mọi người thử nghĩ mà xem, những khu nghỉ mát này, trên núi hay dưới biển, những nhà nghỉ hay khách sạn, còn trông mong vào ai ngoài đám Tây ba lô và những đoàn khách cơ quan đổ bộ đến. Chính đám người thứ hai này mới là lực lượng tiêu dùng mạnh và là nguồn cảm hứng của cư dân thị trấn nghỉ mát. Thực phẩm, đồ lưu niệm, họ không chỉ ăn mà còn mua về làm quà và để…ăn tiếp. Chứ mấy ông Tây, bà Tây đời nào mua mấy thứ lẩm cẩm ấy. Tây á, chỉ cần một bãi cát (thế thì ra công trường xây dựng cũng đầy cát), nước biển mặn muối, và quan trọng hơn, một căn phòng khách sạn nước…không mặn. Vậy nên, cảm thấy bất bình lắm thay khi có một số tờ báo viết về du lịch
đã coi khách nội địa Việt không ra gì, chê bai đủ điều và làm như họ đi đến đâu là hủy hoại môi trường đến đấy vậy (nhưng nhiều khi báo nói cũng đúng). Họ, nhất là đám dân văn phòng, là những người đi nghỉ nhiều nhất chứ không phải những người nông dân cần cù tiết kiệm hay những VIP đi resort được chăm sóc như chim lồng cá chậu hay đúng hơn là cá bè nước lợ. Họ, dân văn phòng, những người không phải VIP nhưng có tư tưởng như VIP, là những người tạo ra không khí của những bãi biển chỉ nóng vào mùa hè ở miền Bắc và quanh năm ở miền Nam. Nếu họ không đến thì nguyên sơ đây, nhưng mấy cái vòng ốc Cát Bà hay tượng đá Non Nước làm ra bán cho ai? Có mà bán cho…Tây! Nếu họ đến mà không được thoải mái hơn ở nhà hay hơn cái văn phòng sặc mùi máy lạnh thì họ lên rừng hay xuống biển để làm
gì? Đi nghỉ mát là trở về với tự nhiên, là cởi bỏ những bộ y phục công sở cứng đơ, mặc những gì thoải mái nhất cho da thịt tiếp xúc với trời đất. Vì thế, dân văn phòng nhà ta cứ tự nhiên như hổ về rừng, cá xuống biển…Hà Nôi bé con, quá bé để chứa mấy triệu người đi làm, và một mùa hè đường phố vắng xe máy, bớt người đi lại cũng nên có, giống như một kiểu giãn dân tức thời, và lúc đó, chính lúc đó chứ không phải lúc nào khác, họ, dân văn phòng, lại có mặt nhan nhản nơi đầu sóng ngọn gió hay sơn cùng thủy tận. Khi ấy thì bà con ở quê lại lên Hà Nội thăm Lăng Bác với ăn kem Tràng Tiền hộ. Chả cần nói thì ai cũng thấy đây là một sự tái tổ chức, dù là tạm thời nhưng hoàn toàn hợp lý.
Đấy là một khía cạnh chưa được nói đến bên cạnh ý nghĩa tái sản xuất sức lao động, phục hồi năng lượng đã mất trong quá trình làm việc, còn vân vân và vân vân nhiều ý nghĩa khác nữa như những gì mà Công đoàn Đỏ các nước Âu Mỹ đã đấu tran
h đầu thế kỷ trước. Đi nghỉ mát, từ một địa vị phải đòi bằng máu đã được mặc nhiên đưa vào quy chế lao động. Vậy là sau một thế kỷ, nay người ta và nhất là dân văn phòng đã đi nghỉ mát ra sao? Câu hỏi thú vị đây… Nhưng có to tát quá không khi để thời gian lâu như thế nhỉ, những một thế kỷ? Có lẽ chả cần vì chỉ vài năm đi làm là dân văn phòng biết ngay cái vị nghỉ mát nó ra làm sao. Chỉ cần vài năm là công đoàn cơ quan đã phải tua đi tua lại cái vòng “nghỉ mát” căn bản. Nghỉ mát, cũng như làm việc, đã thuộc về quán tính mất rồi. Hãy nói cho tôi xem anh đi nghỉ mát ra sao, tôi sẽ nói anh làm việc thế nào? Đã đi làm thì phải có quyền đi nghỉ mát. Đây không phải là thỏa thuận chung chung mà thành hẳn những điều khoản chắc như cục gạch ở trong các bộ Luật lao động. Đi nghỉ mát là chuyện quá sẵn, nó như một thứ giá trị gia tăng cho đời sống công sở, bên cạnh bảo hiểm y tế, tiền gửi xe được công ty trả trước hay chuyện ngồi làm việc phải có máy lạnh.
Nhưng cũng có lắm chuyện bi hài xung quanh việc đi nghỉ mát, hay nói đúng hơn là làm
cuộc đào tẩu tức thời khỏi thị thành. Thời cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, công nhân làm việc trong điều kiện chẳng có máy lạnh, chỉ là những xưởng thợ nóng nực, thì việc cuối tuần được đạp xe về miền quê mát mẻ, yên bình như ở bên Tây là điều ai cũng muốn. Nhưng bây giờ, khi những kỳ nghỉ đã trở thành thông lệ, việc đi nghỉ hóa ra không phải là điều mà nhân viên văn phòng nào cũng muốn. Họ chăm làm ư? Chả phải! Họ nghĩ rằng chỉ cần ngồi đánh máy tính trong phòng lạnh là đủ mát? Cũng chả phải! Lý do đơn giản là họ không sẵn sàng đi, trừ khi họ đã chán cái văn phòng đóng hộp, có nhu cầu cần được thoát khỏi thành phố “đường lắm cột đèn, phố nhiều ngã tư” này. Có lẽ bạn đã sốt ru
ột lắm rồi khi đọc tới đây mà vẫn chưa đi ra khỏi những dòng lý sự kiểu như “to be or not to be/nghỉ mát hay không nghỉ mát”, hãy kiên nhẫn, vì điều này sẽ giúp bạn dễ hình dung ra cảnh nhùng nhằng trước mỗi chuyến đi nghỉ. Bởi vì theo mục đích, sau mỗi kỳ nghỉ mát là một lần sức lao động được tái tạo, con người được tiếp sức mạnh để làm việc tốt hơn. Chán thành thị và không có khả năng vui thú điền viên như những sếp có biệt thự ở quê, cánh dân văn phòng chỉ có thể bằng lòng với Cửa Lò, Sầm Sơn hay Hạ Long, Cát Bà với những suất nghỉ mát công đoàn lo cho dưới một triệu đồng. Thế thôi, còn đòi hỏi gì nữa, ông chủ đã cắn răng để cả công ty đình đốn công việc suốt bốn năm ngày để mấy người vui thú ăn mực ăn ghẹ, chân trần nhảy sóng nghịch cát. Nhưng vẫn háo hức và nhiệt tình làm sao. Ôi chao, đấy là lý thuyết là khi người ta tuổi đôi mươi, khi mà đi nghỉ mát là một niềm vui sướng, kỳ nghỉ là cái gì thiêng liêng và lãng mạn. Kỳ nghỉ lúc đó là khi người ta còn trẻ trung, duyên dáng, khi người ta còn ham
thích làm điệu dưới ánh nắng mặt trời để chụp ảnh. Chứ bây giờ á, mặt nhàu như táo tàu với nhau hết cả rồi, đi nghỉ gì mà mới ra đến nhà nghỉ công đoàn ngành là đã tính xem làm sao cho tiêu hết ba ngày để còn về nhà. Vì cái vòng tua “nghỉ mát” đã được tua lại nhiều rồi, riết thành quen. Núi Cô Tiên, đền Độc Cước cây vẫn khẳng khiu nắng đến phát ngốt. Bãi tắm Đồ Sơn rác vẫn nhiều như năm ngoái. Mực năm nay vẫn tanh mùi tanh cũ. Bia năm nay cũng vẫn bia Hà Nội 450ml. Tiếp viên thì vẫn một kiểu đón khách quen thuộc, vẫn là người “muôn năm cũ” nhưng nay đã già thêm một tuổi, mà già đi nghĩa là đã trải qua một mùa du lịch tơi bời khói lửa, hết cả rào trước đón sau, hết cả hương đồng gió nội. Các chị, các em cũng như khu nghỉ mát, như đám người đi nghỉ, rút cục đều tua lại cái vòng căn bản. Vì thế, động tác đi nghỉ mát lặp đi lặp lại một quy trình với dân thành thị. Sớm tắm biển, tối lân la rượu ốc mực. Thú thực số dân văn phòng đi ngắm cảnh thiên nhiên giờ không còn mấy nữa.
Tới đây, một câu hỏi chợt nảy ra. Liệu có xảy ra một cuộc xâm lăng của những binh đoàn văn phòng không nhỉ? Người ta ra sao thì họ đi nghỉ đúng với phong cách con người của họ chứ! Là dân văn phòng, khi xung quanh không phải là những chiếc bàn giấy chật chội mà là những bàn nhậu hải sản, khi máy lạnh được thay bằng gió biển, thiết nghĩ họ không thể lột xác trong một ngày để trở thành người miền biển h
ay sơn cước ngay được. Ấy thế mà họ quen nhanh lắm. Phải nói rằng, trong xã hội, sau các lực lượng vũ trang “khó khăn nào cũng vượt qua” thì dân văn phòng dễ thích nghi lắm. Nếu những bà con nông dân ngại chuyện thay đổi khung cảnh địa lý nơi sinh sống, thì họ, những người tinh khôn thành thị, một dạng “homo sapiens” đời mới, đi đến đâu cũng đều tự nhiên như ở nhà mình. Chẳng sai, vì người Hà Nội đầy nhan nhản các bãi tắm, bia hơi là bia hơi chính hiệu Hà Nội, dù có cách nhà máy bia trên phố Hoàng Hoa Thám tới 400 cây số hay xa hơn nữa. Vậy là đế quốc văn phòng có mặt ở khắp mọi nơi, khuấy động những khu nghỉ mát mà họ dừng chân hay ghé qua. Có họ, đời vui thật. Nhưng “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, cuộc vui nào rồi cũng đến hồi kết thúc, người đi nghỉ nào cũng trở về với đời thường hẹn mùa nghỉ sau. Bởi vì hoạt động về mặt thể chất của các kỳ nghỉ, nói thẳng ra, chả có gì. Nếu không nằm ngủ nướng trong phòng máy lạnh thì cũng chỉ là rủ nhau ta đi khai phá rừng hoang, biển lạ hỏi biển khơi xa đâu luồng… đồ nhắm.
Thoát khỏi thị thành nhưng chưa chắc đã thoát khỏi văn phòng, vì đi đâu cũng gặp dân văn phòng, ló mặt ra khỏi khách sạn là gặp
một tên có nét mặt hao hao giống mình, sau một hồi à ờ, gật gù với nhau rằng ta cũng là dân văn phòng như mi. Hay như cứ một phút là lại có điện thoại rung trong túi quần. Điện thoại tình hình công việc nhiệm sở, điện thoại của đứa bạn khóc lóc vì bồ bỏ, điện thoại hỏi kết quả xổ số, điện thoại trận Chelsea gặp Barca cúp C1 đêm qua thế nào…Linh tinh đủ thứ điện thoại cần và…chẳng cần. Thoát khỏi thành thị là thoát khỏi một cuộc sống không hẳn đã trì trệ, nhàm chán, nhưng để đi tìm một cuộc sống khác mới mẻ hơn, năng động hơn cũng chưa hẳn đúng. Nói trắng ra dù hơi tuyệt vọng (và có thể gây hoang mang cho những ai chuẩn bị thành…dân văn phòng) đó là điều không thể có. Có lẽ mục tiêu cuối cùng là tìm ra mình, hoặc nhặt lại mình trên từng ngọn gió, hay tìm thấy mình đang ngồi mải mê say sưa trong những cảm xúc hồn nhiên nhất, hay khi bạn lặn lội cuốc bộ đứt hơi vào bản Cát Cát, Lao Chải, chỉ để ngắm mấy cô bán hàng người Mông dễ thương, chỉ để mua cho được một cái khăn với những họa tiết thổ cẩm kỳ lạ (theo cách hiểu của bạn khi đó), cái khăn mà nếu mua ở phố Tạ Hiện, giá chỉ bằng 1/3 giá ở đó, nhưng bạn vẫn rất hả hê, vui thích vì cô bạn đồng nghiệp đi cùng đang tỏ ra tiếc nuối.

Thoát khỏi thành thị, đó là trạng thái tức thời mà bạn biết mình sẽ quay về nơi đó. Đi xa, thật xa rồi bạn mới
thấy mình dứt bỏ nó khó biết bao. Cái văn phòng đóng hộp, những gương mặt đồng nghiệp thân quen. Con đường một tuần tắc 6 ngày. Khói bụi, ồn ào…Đã có lần, khi đi xa Hà Nội, nhớ thành phố đến mức, sau khi tất cả đã xuống xe, việc đầu tiên tôi làm là vào quán gọi một…bát phở bò. Dù phở Cửa Lò hay bún ốc Mai Châu đều dở ẹc, nhưng như thế cũng đủ thỏa mãn nỗi nhớ.
Vòng cương tỏa của con quái vật công sở thật ghê gớm. Và cuộc đào tẩu của dân văn phòng, “dân được chọn”, giống như cách nói về dân Do Thái trong Kinh Thánh, rốt cuộc chỉ càng khẳng định thêm giá trị của thị thành. Thị thành, có phải đấy là Jerusalem của chúng ta, và văn phòng của chúng ta là “bức tường than khóc”? Nói sao cũng được, nhưng rõ ràng đấy là nhà của chúng ta, và chẳng có ai trong chúng ta lại chưa từng rời nhà nửa bước. Vậy thì sao? Đi thôi!
.
Nguyễn Thanh Mai
Thích bài này:
Thích Đang tải...
Filed under: Du lịch, Góc nhìn, Xã hội | Tagged: Du lịch, Góc nhìn, Tản mạn, Văn hoá, Văn hoá, Xã hội | 2 Comments »