• Bài viết mới

  • Thư viện

  • Chuyên mục

  • Tag

  • Join 905 other subscribers
  • Bài viết mới

  • Blog – theo dõi

  • Enter your email address to follow this blog and receive notifications of new posts by email.

    Join 905 other subscribers

Bà Seki – Ngô Khôn Trí

Từ khi dọn qua sinh sống ở Montreal đến nay, năm nào tôi cũng cố gắng viết thiệp chúc Tết gởi cho Bà Seki, ông thầy ở đại học và vài người bạn thân lúc còn ở bên Nhật. Thông thường, vào khoảng tuần đầu của tháng giêng thì tôi nhận được lại tất cả thiệp của mọi người. Nhưng năm nay sao chưa thấy thiệp hồi âm của Bà. Chắc có lẽ vì lớn tuổi , đi đứng không tiện nên Bà ngại đi tới bưu điện để gởi thiệp cho tôi ?

Tôi nhớ năm ngoái, khi đi Nhật lúc tôi đến thăm Bà, Bà có than phiền là đầu gối bị đau, không đi đứng được như xưa nữa nên không đi đâu xa được. Tôi đã mua sẵn 2 thẻ điện thoại, định sẽ gọi qua Nhật hỏi thăm Bà một tiếng. Thế nhưng, lúc cầm điện thoại lên là lúc Bà đang ngủ , sáng bên Montreal là tối bên Tokyo. Thôi thì để cuối tuần gọi cho tiện, rồi cơn bão tuyết đến, bận lu bu với một số công việc đã làm tôi quên đi . Mãi đến tuần lễ sau, hôm định gọi điện thoại cho Bà thì một người bạn thân ở Nhật gởi mail cho biết tin Bà Seki vừa được bác sĩ chẩn đoán là đã mắc bệnh lãng quên (tiếng Nhật là ninchishò :nhận tri chứng, Tiếng Anh là dementia). Bác sĩ nói đôi khi Bà không còn nhớ gì cả, nếu phát triển thêm Bà sẽ không còn biết mình là ai.

Nhận tin này lòng tôi thật sự buồn. Tôi đã liền điện thoại cho Bà liên tiếp mấy lần nhưng mỗi lần chỉ được nghe tiếng Bà nói : “A lô,a lô, ai đó” rồi im bặt, không thấy trả lời tiếp mặc dù tôi có nói “Tôi đây, Tôi là Trí ở Canada đây” ,… Vài mươi giây im lặng, im phăng phắc đó đã làm cho tim tôi co lại nghẹn ngào. bùi ngùi. Tôi tự hỏi :“Bà đã thật sự mất trí nhớ rồi sao ?”. Tội nghiệp quá, thật thương tâm.

Bà Seki năm nay đã ngoài 89 tuổi rồi. Hơn 26 năm nay, từ khi chồng Bà mất vì bệnh tim, Bà sống một mình quá lâu nên mới dẫn đến tình trạng như ngày hôm nay ? Được biết bệnh này khá phổ biến ở Nhật, nhất là ở nhóm người cao tuổi, hiện nay có khoảng 2 triệu rưởi người ở Nhật mắc bệnh này. Ở độ tuổi 80 thì trung bình tỷ lệ mắc bệnh này trên thế giới là 15-20% nhưng ở Nhật con số này đã đạt tới 25%. Dự đoán năm 2015, số người Nhật mắc bệnh lãng quên này sẽ đạt tới 3 triệu người.

Trong khoảng thời gian(1973~1989) tôi du học và làm việc ở Nhật, Bà là người Nhật mà tôi quen thân và mang ơn nhiều nhất. Lúc chồng Bà còn sống tôi đã nhiều lần đến nhà Bà dùng cơm tối chung, nói chuyện tới khuya và ngủ lại. Năm 1982, lúc tôi thành lập công ty Ông Bà đã cho mượn tiền và cho mượn tên để đăng ký thành lập công ty theo đúng luật pháp Nhật. Vào năm 1986, lúc tôi lập gia đình, Ông Bà đã thay mặt Cha Mẹ tôi để xin hỏi cưới vợ cho tôi. Ông Bà đã từng ngỏ ý muốn nhận tôi làm con nuôi nhưng tôi đã từ chối vì sợ rằng mình không làm tròn bổn phận và trách nhiệm.

Nhân duyên của tôi và Bà bắt đầu từ năm 1980, khi tôi đang làm việc trong phòng thiết kế máy (injection moulding machine : máy đúc nhựa phun vào khuôn) của công ty Matsuda seishakusho, một nhân viên hãng nói cho tôi biết là có 1 nữ giáo sư đại học (Nihon joshi tanki daigaku) muốn học tiếng Việt để đi du lịch tìm hiểu Việt Nam. Tôi nói nếu chỉ dạy ở trình độ sơ đẳng thì tôi có thể giúp và bằng lòng gặp Bà để nói chuyện. Thật ra, lúc đó tôi rất hiếu kỳ muốn biết Bà ta là ai mà chịu đi thăm quê hương tôi trong thời buổi này, một đất nước nghèo nàn, còn bề bộn vì vừa mới trãi qua một cuộc chiến tranh tàn khốc, kéo dài trên 20 năm. Bản thân tôi là một sinh viên đi du học từ miền Nam cũng chưa được phép về thăm quê hương của mình.

Đúng theo lời hẹn, tôi đến nhà Bà vào khoảng 5 giờ rưởi chiều sau khi tan sở làm. Lúc đó Bà cũng vừa dạy xong lớp tập viết chữ (Shodò : thư đạo) cho vài học trò gần nhà. Bà mời tôi ngồi và rót cho tôi một tách trà xanh. Sau những câu xã giao chào đón rất thuần túy Nhật Bản, Bà bắt đầu đi vào vấn đề chính, Bà nói Bà cần có thêm một số tài liệu mới để giảng dạy ở đại học nên muốn đi Việt Nam tìm hiểu thêm, Vào thời điểm đó, Việt Nam là đất nước được báo chí Nhật nói nhiều sau chiến tranh. Bà muốn tôi dạy cho Bà tiếng Việt Nam để Bà có thể nói và hiều một số câu nói thông thường. Bà nói Bà cần học 2 lần 1 tuần, mỗi lần từ 30 đến 45 phút, trong vòng 2 tháng. Bà hỏi tôi muốn nhận thù lao là bao nhiêu?. Không cần suy nghĩ lâu, tôi trả lời ngay là dạy tiếng Việt không phải là nghề chính của tôi, vì Bà đi Việt Nam với một mục đích tốt nên tôi bằng lòng giúp Bà và không nhận thù lao, vả lại từ công ty tôi tới nhà Bà chỉ mất có 15 phút. Bà nói không được, tôi phải nhận ít nhiều, nếu không Bà khó xử. Tối nói tôi còn độc thân, không bận bịu việc gia đình, sau khi tan sở ghé lại nhà Bà dạy tiếng Việt, chỉ mất có 1 tiếng. Bà nói vợ chồng Bà không có con, chồng Bà đi làm về nhà khoảng 6 giờ. Bà đề nghị sau khi dạy xong tôi ở lại ăn cơm chung cho vui. Tôi đồng ý.

 photo Picture2_zps28352b4c.jpg photo Picture3_zps3a84553d.jpg

Chụp hình với Ông Bà Seki lúc mới quen (năm 1980)

Kể từ đó tôi có dịp trao đổi nhiều câu chuyện với ông bà sau mỗi bữa cơm tối. Bà nói vợ chồng bà rất thương cho hoàn cảnh của tôi là không về thăm gia đình được và không biết tương lai sẽ ra sao? (vào thời điểm đó 2 /3 số sinh viên du học Việt Nam đã xin đi định cư ở các nước như Mỹ, Pháp, Canada và Úc). Bà thường đem những cuốn album ngày xưa lúc Bà còn là sinh viên mặc váy chơi soft ball (tennis với banh mềm), trông giống như công chúa con nhà quyền quý, xinh đẹp và cao sang. Bà có nét đẹp rất thuần Nhật. Ngoài ra, Bà cũng có rất nhiều cuốn album ghi chép rõ ràng về những chuyến đi du lịch khắp thế giới. Chồng Bà, Ông Seki là một người đàn ông dễ tánh, ít nói (nghịch lại với Bà), ông làm việc trong một công ty nhỏ ở Tokyo chuyên cung cấp các loại kim loại đặc biệt. Tôi hiếu kỳ hỏi về tình duyên của 2 người thì được Bà cho biết Bà thích Ông ở 2 điểm là thông minh và nấu ăn giỏi. Bà nói có lần trong một buổi tiệc đông người, ông trả lời 1 câu đố rất thông minh và ông thường làm hộp cơm trưa (bento) rất ngon biếu Bà. Quả thật mỗi lần tôi đến nhà Bà đều thấy Ông xuống bếp nấu nướng, ăn xong Bà là người dọn dẹp và rửa chén bát. Tôi áy náy vì chỉ ngồi ăn không giúp gì nên có lần giành phần rửa chén. Bà nhường cho tôi làm một lần nhưng sau đó thì Bà không để cho tôi làm nữa. Sau này lúc tôi đến chơi không có Bà ở nhà thì được Ông cho biết là Bà không tin tôi rửa sạch vì tôi rửa nhanh quá.

Lúc ông nhập viện vì bệnh tim tái phát sau 10 năm thay tĩnh mạch, tôi tình nguyện ở lại bệnh viện một đêm để Bà được về nhà tắm rửa,ngủ ngon giấc lấy lại sức. Đêm đó tôi thấy ông bổng nhiên đứng dậy trên giường , vói tay lên trần nhà như muốn chụp lấy một vật gì. Tôi đỡ ông nằm xuống giường, hỏi ông có sao không? Nhưng ông chỉ nói trong miệng vài tiếng gì đó như là phải lấy, phải đi. Tôi ngồi xuống trầm ngâm tự trách mình khi nghĩ đến việc cùng ông lén lút hút thuốc khi không có Bà ở nhà. Chiều hôm sau, khi đang làm việc ở công ty tôi được Bà điện thoại báo tin là ông đã ra đi. Bà khóc sướt mướt, đầm đìa nước mắt khi thấy tôi trở vô bệnh viện.

Bà là một phụ nữ ngay từ lúc còn trẻ đã được nhiều người yêu mến qua sắc đẹp và trình độ học vấn, lấy chồng hiền, dễ tánh, luôn được chiều chuộng, lại thêm quen tánh sai bảo học trò cho nên có lúc tôi cũng gặp phải tình huống khó xử giữa Bà và vợ tôi khi mới cưới về . Đúng ra lúc đó tôi còn trẻ, chưa có kinh nghiệm và để tâm vô những chuyện mà tôi cho là không đáng để mất thì giờ. Mỗi lần đi chơi chung, Bà muốn tôi phải chăm sóc và ưu tiên cho Bà nhiều hơn. Bà thường cho quà , nhiều nhất là những khăn vải, bóp đựng tiền, áo đầm xưa của Bà cho vợ tôi. Dù không hợp nhưng cũng phải miễn cưỡng nhận và cám ơn cho Bà vui. Khi đi du lịch Việt Nam về Bà nói có 1 món quà (omiyage) đặc biệt cho tôi. Tôi thắc mắc hỏi cái gì thì Bà đem ra một bao giấy báo Việt Nam bọc nhiều lớp, trong đó là quả mãng cầu, là loại hàng không được phép mang vào Nhật. Mặc dù tôi không thèm muốn ăn lắm nhưng phải cố gắng làm ra vẽ mừng vui như được ăn lại trái cây quê hương sau nhiều năm không ăn, vì tôi trân trọng tình cảm mà Bà giành cho tôi. Từ đó tôi biết thêm là Bà cũng rất thích ăn trái cây lạ ngon ngọt như trái mãng cầu. Hàng ngày Bà rất thích ăn bánh ngọt và cà rem loại đắt tiền. Món quà của Ông Bà mà tôi quý nhất là lá bùa phù hộ mà Ông Bà xin được ở một ngôi chùa ở Narita nhân lúc đi hái lộc đầu năm. Tôi vẫn luôn giữ mãi trong bóp tiền của tôi.
 photo Picture1_zps06a9893d.jpg
Lần cuối gặp Bà Seki (tháng 8/2014)

Lần cuối tôi gặp Bà là tháng 8 năm ngoái, khi tôi qua Nhật cùng với 2 đứa con và 1 người cháu. Lúc đó tôi thấy tóc Bà trắng toát, Bà có chút lẩm cẩm, quên đem theo hàm răng giả khi đi ra nhà hàng, về lại nhà lấy hàm răng giả thì lại bỏ quên bóp tiền, thế nhưng Bà nói rất nhiều, nhắc lại những kỷ niệm ngày xưa với tôi. Bà có gọi cô học trò cũ mà Bà đã từng có ý muốn giới thiệu cho tôi đến để cùng đi thăm mộ của chồng Bà. Bà có mua sẵn bia để mời tôi uống khi tôi đến nhưng Bà quên đem ra. Bà khóc khi tôi chia tay với tôi, Bà vui mừng khi tôi gọi điện thoại từ Canada hỏi thăm Bà nhắn tôi thỉnh thoảng hỏi thăm Bà nhe. Nhưng hôm nay Bà không còn nhận ra tôi là ai nữa ?
Dù sao đi nữa, tôi vẫn muốn viết lại những dòng chữ ở trên để ghi nhớ lại những kỷ niệm mà sau này có thể tôi sẽ quên dần theo thời gian và cũng muốn bày tỏ lòng biết ơn Ông Bà Seki mặc dù Ông đã ra đi từ lâu và Bà không còn nhận biết được gì nữa.
“Sinh Lão Bệnh Tử” là một quy luật tạo hoá đối với mọi người, cho dù là người Nhật Bản hay là người Việt Nam ?
Cầu mong những gì tốt đẹp sẽ đến với Bà ở chuỗi ngày còn lại của đời Bà.
Montréal, ngày 9/2/2015 (một ngày có tuyết nhẹ -9 độ C)

Ngô Khôn Trí

 

2 bình luận

  1. Cám ơn bạn cho tôi đọc bài tuỳ bút rất cảm động.tương tu tôi cùng được một bà thầy dậy cho tôi nghề ep mặt Búp bê vải .về VN tôi lập cty Làm búp bê vải . Nhờ nghề này mà gia đình thân sinh của bó Mẹ tôi nuôi được bầy con 11 ngươi nên người.

    Thích

  2. Xa quê hương, du học ở nước Người , bạn giỏi và thật may mắn gặp Ông Bà Seki giàu tình cảm và thật chân thành , sự thành công của bạn càng nhiều hơn nữa.

    Vinh

    Thích

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Banmaihong's Blog

Nơi Đây Nắng Ban Mai Hồng Reo Vui

Blog Chuyên Anh

Nurturing Language Talents