Kỳ 7: VÌ CHỤP CÁI THỚT QUÁ CHUYÊN NGHIỆP
Mười giờ đêm, có tiếng gõ cửa phòng Khải.
Buồn, và chán, Khải đi như lê xuống cầu thang. Là cô chủ. Không cần giàu tưởng tượng cũng biết trước cô sẽ nói gì.
Không phải cô Hòa. Là Hải Anh.
Dựa người vào bức tường đối diện cửa phòng Khải, Hải Anh thọc sâu hai tay vô túi áo khoác kẻ ô ca rô. Mảng ánh sáng từ cánh cửa Khải vừa mở ra khiến Hải Anh nheo mắt.
– Cô Hòa vừa hỏi chuyện mình – Hải Anh nói và né người qua một bên tránh ánh sáng chiếu thẳng vô mặt.
Khải nản đến nỗi ngồi phệt luôn xuống ngưỡng cửa.
Hải Anh nhún vai:
– Xui cho mình. Thỉnh thoảng cô Hòa túm đứa nào đó và hỏi “hôm nay khu trọ của mình có gì không cháu?”. Câu hỏi đó hôm nay lẽ ra không đụng trúng mình vì lúc xảy ra chuyện thì mình đang chạy bàn ở quán Miểng Thíu, nhưng vì người giới thiệu Khải về đây là mình cho nên… Và cũng xui cho Khải, Gấu Xù chứng kiến từ đầu tới cuối cho nên không cần đứa nào khai ra cô Hòa cũng biết toàn bộ sự thật.
– Sự thật sao? – Khải hỏi để mà hỏi.
– Sự thật là Khải chụp cái thớt quá chuyên nghiệp.
Khải nín lặng, rồi cay đắng:
– Và ăn cắp chuyên nghiệp nữa.
Hải Anh nhún vai:
– Mình chỉ tin những gì chính mắt mình nhìn thấy, nhưng thú thật là việc bạn đùng đùng chuyển chỗ trọ cũng đáng là một nghi án. Điểm trừ chính là điều đó.
Khẩu khí của một cán bộ lớp.
– Còn điểm cộng là ba thằng đó ỷ thế đông, cũng là một kiểu hèn, cho nên cô Hòa đồng ý mấy thằng đó là đồ hèn. Mà với lũ hèn thì tử tế là uổng phí.
– Cám ơn.
– Khoan vội cám ơn, mình còn phải thông báo điều tệ hại nhất – Hải Anh đằng hắng như một bà già – Cô Hòa biểu mình nói lại với Khải là chuyển đi chỗ khác trọ.
Khải thấy nhói trong lòng.
Giọng Hải Anh đều đều:
– Cô Hòa nói cô hoàn toàn thông cảm với sự cần thiết phải tự vệ của Khải, tuy nhiên cô không muốn vì có Khải ở đây mà những đứa không ra gì có cớ lui tới gây ảnh hưởng tới Gấu Xù.
Khải ngạc nhiên:
– Anh hưởng tới Gấu Xù?
– Gấu Xù nói với cô Hòa là… để mình lập lại nguyên văn cho Khải nghe – Hải Anh nhại giọng nhão nhão con nít – Mẹ ơi, cái thớt nặng lắm anh Khải phải cầm bằng hai tay mà sao anh Khải không cầm con dao cho nhẹ tay hả mẹ?
Lặng im.
Khải nặng nề đứng lên:
– Ngày mai mình sẽ đi.
– Đi đâu?
Chợt thấy ghét ánh mắt tội nghiệp của Hải Anh đang nhìn mình từ trong bóng tối, Khải xẵng giọng:
– Tìm một phòng trọ không khó gì.
– Ừ đúng, không khó gì – Hải Anh thản nhiên – Khải còn ý định xin chạy bàn không?
Lần này thì ông chú bà thím sẽ thẳng tay là cái chắc.
Hải Anh cười, hàm răng sáng lên trong bóng tối:
– Mình nhầm, hỏi lại, cháu của đại gia có còn ý định tự lập nữa không?
Đúng là tế nhị kiểu con gái.
Khải gật đầu:
– Mình đi làm buổi chiều phải không?
Hải Anh gật đầu:
– Trước mắt là vậy. Từ bốn giờ bốn lăm đến sáu giờ. À, Khải biết chơi cờ vua không?
Câu hỏi này thật chưng hửng vào lúc này, con gái đôi khi rất khó hiểu là vậy. Khải trả lời cụt lủn “Biết”.
– Cô Hòa đang tìm người dạy cờ vua cho Gấu Xù.
Hải Anh quay lưng bước đi.
Đường luồng không có bóng điện chiếu sáng nhưng có những mảng sáng màu vàng mơ hình chữ nhật hắt ra từ những khung cửa sổ và cửa chính. Và trong những mảng sáng vàng mơ đó là bóng của dáng nghiêng đầu học bài bên bàn, bóng của bàn tay chợt đưa lên vuốt tóc.
Khải nhìn theo Hải Anh bỗng chợt nhòa đi khi qua mảnh sân phơi tối âm u, rồi Hải Anh hiện ra ở mảng sáng của khung cửa kế tiếp… những vùng sáng tối xen nhau, mái tóc đen bóng dờn dợn ngang vai. Đi tới ô ánh sáng trước cửa phòng mình, Hải Anh ngoái đầu lại nhìn về phía Khải.
Thoáng nụ cười mỉm chúc thoát nạn… rồi Hải Anh bước qua ngưỡng cửa… biến mất vào bên trong. Màu vàng mơ chợt rực lên.
“Cô Hòa đang tìm người dạy cờ vua cho Gấu Xù”.
“… Nhưng mà lỡ một lần này thôi nghe chưa, thêm một lần chuyển đi chuyển lại nữa thì về huyện luôn”.
****
Đúng vậy, cô Hòa đang tìm người dạy cờ vua cho Gấu Xù, chính xác hơn là tìm người luyện cờ vua cho Gấu Xù đi thi Hội Khỏe Phù Đổng cấp thành phố.
Là khách trọ và đồng thời là sư phụ kèm cặp cho Gấu Xù thì thật tuyệt, cô Hòa khỏi phải bận rộn đưa đón và cũng không cần phân lịch thời gian cho môn này môn kia, ví dụ đang đợi mẹ dọn cơm thì chạy xuống phòng anh Khải chơi một ván cờ, quá tiện. Ví dụ như đang chơi nhảy dây mà mỏi chân, chuyển qua ngồi chơi cờ vua, quá tiện. Hoặc chơi cờ vua tư duy căng thẳng quá thì chuyển qua vận động chân tay, rủ anh Khải nhảy dây, phòng khách thường đẩy bộ bàn ghế vào góc để lấy chỗ cho Gấu Xù nhảy dây mà. Nhảy dây với mấy chị con gái chán ngắt, có anh Khải thì thật là…
Nhưng…
– Cô rất tiếc là cháu không thể ở lại được Khải à.
Giọng cô Hòa nhỏ nhẹ. Khác hẳn bà Rít mỗi khi xảy chuyện.
– Cô rất tiếc – Cô Hòa lập lại.
Cờ vua không phải là quan trọng nhất. Quan trọng nhất là Gấu Xù.
– Cô xin lỗi không giúp được gì cho cháu. Ngoài việc trọ ở đây, nếu cần cô giúp gì thì cháu cứ nói.
Chưa thấy bà chủ nào đuổi người ta đi bằng giọng dịu dàng như vậy.
“Hôm bữa có mấy bạn nam thuê phòng ở mới được đúng một ngày mà hút thuốc khói bay hôi hám, cô chủ trả tiền lại cho đi chỗ khác luôn”.
Không ngờ mình cũng chỉ là loại khách trọ chỉ một ngày.
*****
Chường mặt ra trong tư thế bưng bê thật là…
Lấy nỗi tự hào ta đây tự lập làm thành cái mặt nạ hiên ngang, nhưng khi đụng mặt thực khách là mấy đứa mặc đồng phục học sinh nhìn mình kiểu như nhơ nhớ đã gặp ở đâu đó…
Cũng ê.
Nếu mà bọn thằng Minh thằng Sâm thằng Khiết kéo nhau tới đây thì sao ta?
Rồi không còn rảnh để mà ê với ẩm để mà nhớ tới những thằng khốn kia. Bàn số hai một cơm sườn và hai cơm gà bàn số bảy hai cơm trứng kho tàu và một cơm heo quay bàn số mười một cơm thịt bò xào một cơm sườn nướng và một cơm cá xốt cà chua bàn số sáu một cơm mực xào một cơm thập cẩm và hai cơm trứng kho tàu… Bưng tới địa chỉ đầu tiên thì đúng nhưng tiếp những địa chỉ sau thì Khải lộn tùng phèo. Mới nhìn thì thấy bàn số sáu một người khách ngồi thôi mà khi bưng cơm tới thì đã có thêm hai người… chẳng thể nhớ họ đã gọi cơm hay chưa và những dĩa cơm trên tay mình có phải của họ không. Lại còn người này đòi cho thêm xíu nước mắm người kia cho miếng ớt bàn nọ thêm chút xì dầu…
Nhìn thằng Huân hai tay bưng bốn dĩa cơm đi tới đúng bốn địa chỉ trong nháy mắt rồi cũng trong nháy mắt nó quay lại quầy bưng thêm bốn dĩa và cứ vậy mỗi vòng bốn dĩa chưa kể tiện tay nó dọn luôn dĩa chén đũa muỗng khách đã ăn xong và một cú quơ tay là mặt bàn sạch bóng sẵn sàng chào đón lượt khách mới.
Thấy phục nó quá chừng, khác hẳn cái dáng ngáp ngủ trưa hôm qua. Mà nó còn tranh thủ coi ti vi được nữa, hễ đặt dĩa cơm xuống bàn rồi thì nó lại quay nhìn về phía màn hình ti vi khiến Khải đâm ra cũng nhìn theo hướng mắt của nó, mới biết lũ lụt ở Thái Lan cũng có đinh tặc, các đoàn xe cứu trợ lũ lụt liên tục bị cán đinh trên những con đường ngập lụt ở các quận huyện phía bắc thủ đô Bangkok, mọi nghi ngờ tập trung vào những nhà thuyền, bởi các đoàn xe cứu trợ luôn chở người dân đi lại miễn phí làm ảnh hưởng tới cơ hội chặt chém của nhà thuyền.
Bọn nhà thuyền này chắc chắn là họ hàng với bà Rít.
Chạy, ờ không phải chạy, chỉ là đi thôi, đi từ bàn này qua bàn kia qua bàn nọ lòng vòng trong diện tích quán ba mươi hai mét vuông từ bốn giờ bốn lăm phút tới gần sáu giờ, hai cẳng chân Khải rã rời.
Hậu quả của những cuộc nằm nướng tới sát giờ học ở khu trọ của bà Rít.
Hồi còn ở huyện, sáng nào Khải cũng nhảy ùm xuống sông, bơi một mạch từ bờ này qua bờ kia chỉ là chuyện nhỏ thôi, và chiều nào ít nhất cũng là một trận đá bóng suốt chín mươi phút chạy cật lực trên sân.
– Ê Khải, ăn nhanh rồi về – Thằng Huân cắt đứt dòng luyến tiếc quá khứ huy hoàng của Khải bằng một cú thúc cùi chỏ vô hông khiến Khải đau thốn.
Quán chỉ còn lẻ tẻ vài người khách đi muộn.
Khải chìa tay cầm dĩa cơm đầy vun thức ăn, hơi ngượng ngùng. Bà Lập cười:
– Ăn mạnh đi cháu, phải ăn vô mới có sức mà làm mà học. Ăn nữa thì đưa dĩa bác bới, đừng có ngại ngùng gì hết.
Ông Lập nhìn Khải bằng con mắt hình lưỡi mác:
– Con trai mà ngại ngùng cái gì.
– Nhưng hai bác…
– Hai đứa mày ăn nhanh để về học bài. Hai bác ăn sau một chút cũng không sao.
Chợt xuất hiện một hàng nằm đứa nhóc đặt tay lên vai nhau ở vỉa hè phía bên kia đường. Giữa phố xá mà cái kiểu đặt tay lên vai như đang từ sân trường đi vô lớp thấy quá ngoan một cách bất bình thường. Chắc mấy đứa nhóc này nội trú ở đâu đó có nội quy rất hắc là ra đường cấm khác ở trường.
Bà Lập la lên và xô Khải ra cửa:
– Miệng cống đang mở kìa. Chạy qua bên đó nhanh lên.
Chạy qua bên đó thì Khải hiểu là qua bên kia đường, nhưng tới cái miệng cống thì không hiểu nổi.
Nhưng mà Khải cũng cắm đầu phóng nhanh tới miệng cống rồi cúi nhìn xuống. Một người công nhân đang lom khom trong đó, không có vẻ gì cần ứng cứu cả. Chẳng hiểu nổi, Khải thẳng người lên, bỗng một cú đập vô lưng và tiếng la “a…”…
Khải ghìm người để không bị chúi xuống cống rồi quay lại. Thằng nhóc đầu tiên của hàng dọc năm đứa vừa đập mặt vào lưng Khải, những đứa phía sau theo hiệu ứng đô mi nô cũng ập mặt vào gáy nhau vì phía trước bị chặn bất ngờ.
Cả năm đứa đều bị mù.
Trong phút giây Khải đớ người chỉ biết nhìn bọn nhóc đưa tay xoa mặt và trán.
– Dạ… ai vậy? – Đứa đầu tiên nhướng hốc mắt và cất tiếng hỏi.
Khải lúng túng:
– Chào các em.
Bên kia đường, bà Lập ra trước cửa quán và vẫy vẫy tay ra hiệu cho Khải dắt bọn nhỏ về Miểng Thíu.
– Các em đi theo anh.
Khải nói rồi bắt chước bằng cách khom người xuống cho đứa đầu tiên đặt tay lên vai mình và lái đi tránh miệng cống. Thử nhắm mắt lại mà đi vài bước… ồ… không thể… như là đang rơi giữa khoảng không. Chợt thấy khâm phục hai bàn tay nhỏ bé đang nắm chặt vai mình.
Bà Lập chào bọn nhỏ bằng những cái cầm tay và vuốt tóc và giọng như phát thanh viên chương trình thiếu nhi:
– Mấy đứa hôm nay đi học vui không? Có gì trên trường hay hay kể bác nghe với nè.
Năm dĩa, à, không phải, năm tô cơm đầy những món ngon nhất đích thân ông Lập đặt vào tay từng đứa cùng với cái muỗng và lời dặn dò nồng hậu “Ăn mạnh vô nghe mấy đứa, xong tô này thêm tô nữa cho mau lớn nghe con”.
Cứ như năm đứa này là năm cục cưng vậy.
À, Khải chợt nhớ, Hải Anh nói “cục cưng” của ông bà chủ, nó ở đâu mà không thấy ăn cơm?
Câu trả lời xuất hiện ngay – Chiếc xe thồ thắng kít ngay trước cửa, cái túi nilon đựng một gói giấy tròn tròn bên trong, hơi nóng tỏa ra từ cái gói giấy khiến túi nilon mờ đọng hơi nước.
Bà Lập nhanh nhẹn đi ra cầm cái túi, còn ông Lập thì rút tiền ra:
– Tính luôn tiền xăng là bao nhiêu?
Bà Lập cầm cái túi đi vô nhà trong, chợt nhớ, bà quay lại lấy một cái dĩa. Nhìn thấy Khải đang chú ý, bà Lập cười:
– Ngày nào nhà bác cũng bày mùi thịt cá gà chả em nó ngán quá cho nên hôm nay bác cho em đổi bữa – Đi tới chân cầu thang, bà Lập lớn giọng – Con ơi, đang làm gì trên đó?
Tiếng chân chạy xuống cầu thang, rồi một thằng nhóc xuất hiện, trắng trẻo, hai má phúng phính. Nó reo lên:
– A, má mua bánh bao cho con hả má?
Miếng thịt nướng trong miệng Khải chợt nhạt thếch, hồi còn ba má…
.
Nguyên Hương
Filed under: Chia Sẻ Tuổi Học Trò | Tagged: Chia Sẻ Tuổi Học Trò, Giáo dục, Truyện nhiều kỳ Nguyên Hương |
Trả lời