Tán dương điều thiện, không rêu rao lỗi lầm của người khác là Đức …..

Tán dương điều thiện của người khác, không rêu rao lỗi lầm của người khác 
Cách đây nửa thế kỷ, Joel – một cậu bé da đen 9 tuổi theo gia đình chuyển từ vùng núi cao bang Chicago tới một khu phố nghèo ở New York để kiếm sống. Cuộc sống mới ở New York tráng lệ và sôi động khiến Joel cảm thấy sợ hãi. 

Ở trường học mới, tất cả các bạn học đều xa lánh, chế giễu và miệt thị cậu. Joel lờ mờ hiểu rằng ở đây chẳng ai ưa một đứa trẻ da đen con nhà nghèo, gầy gò và quê mùa như cậu. Suốt ba tháng, tâm lý sợ hãi và bị bỏ rơi khiến cậu gần như đứng bét lớp.

Sau kỳ nghỉ đông, thầy Paul chủ nhiệm lớp phải nằm viện nên thầy Sean đã tới dạy thay. Thầy rất nghiêm khắc, nhưng không nặng lời với bất kỳ ai. Điều khiến Joel cảm thấy được an ủi là thầy Sean cũng là người da đen.

Một ngày, thầy Sean công bố kết quả thi giữa kỳ. Thầy nhìn khắp cả lớp, từng người một, và khi tới Joel, thầy dừng lại thật lâu làm cậu bé cảm thấy run sợ. Nhưng rồi thầy vui vẻ nói: “Bài thi này các em làm rất tốt, nhưng luôn có một người làm tốt nhất. Thầy hoan nghênh tất cả các em”. Khỏi phải nói lúc đó Joel vui như thế nào, vì tất cả các lần thầy Paul đọc điểm thi thì cậu bé đều bị than phiền.

Cuối buổi học, thầy Sean bảo Joel ở lại, và nói: “Ồ, Joe, hôm nay em là người làm bài tốt nhất đấy, tuyệt lắm!”. Cậu bé òa khóc. Thầy Sean ôm Joel vào lòng: “Đừng sợ, cố gắng lên, có thầy luôn bên em”.

Kể từ ngày hôm ấy, lúc nào trong tâm trí Joel cũng hiện lên hình ảnh của thầy Sean đang cổ vũ cho cậu bé. Và Joel đã trở lại là chính cậu, học sinh xuất sắc nhất lớp vào cuối năm học đó, giống như khi cậu còn ở Chicago. Những năm về sau, Joel vẫn luôn là người đứng đầu lớp.

Cậu bé Joel nhút nhát thuở nào sau này đã trở thành Tiến sĩ Joel Bawilleygiảng dạy tại Đại học bang Michigan danh tiếng của Hoa Kỳ. Tiến sĩ Joel tâm sự: “Ngay giờ đây khi tôi đang đứng giảng bài trước hàng trăm sinh viên của một trường đại học danh tiếng, không khi nào tôi quên được hình bóng thầy”.

Sau bốn mươi năm không gặp lại thầy Sean, đến khi may mắn biết được chỗ ở của thầy giáo cũ, Tiến sĩ Joel Bawilley lập tức lái xe vượt ba trăm cây số để thăm thầy. Cuộc tái ngộ thật cảm động. Thầy Sean khi ấy mới tiết lộ rằng, năm xưa bài thi của bé Joel thật ra chỉ xếp vào loại khá, nhưng thầy vẫn hết lời khen ngợi vì biết em đã rất cố gắng.

***

Người xưa nói: “Thiện ý một câu ấm ba đông, lời ác lạnh người sáu tháng ròng”. Đôi khi, chỉ một lời nói khích lệ, khen ngợi của bạn có thể mang tới nguồn động lực và hạnh phúc lớn lao cho người khác.

Phàm là người không có ai hoàn mỹ, trong mỗi con người đều tồn tại cả mặt thiện và mặt ác. Những nhà hiền triết, bậc giác ngộ trong lịch sử đều khuyên chúng ta nên “ẩn ác dương thiện”, nghĩa là thấy người khác có lỗi lầm thì gặp riêng khuyên bảo, đừng ra ngoài rêu rao nói xấu làm người ta mất hết danh dự. Ngược lại, khi gặp được việc làm tốt của ai thì nên ghi nhớ mà học theo, đồng thời hết sức biểu dương ca ngợi để mọi người cùng được biết.

Khi chúng ta biểu dương điều thiện của người khác, người khác biết được sẽ càng vui vẻ, gắng sức làm thiện nhiều hơn. Thiện niệm trong tâm chúng ta sẽ cảm hoá, khơi gợi được thiện tâm của người khác mà ức chế phần ác trong họ, giúp họ ngày một hướng thiện, tốt đẹp hơn.

Trích từ Tán dương điều thiện, không rêu rao lỗi lầm của người khác là Đức của bậc thánh hiền

Nguồn: ĐKN 

Khiêm Từ

_____________________________________________

Tiến sĩ đề xuất dùng lu chống ngập và ‘ hội chứng ‘ném đá tập thể’

Tiến sĩ đề xuất “dùng lu chống ngập” và hội chứng “ném đá tập thể”
Phải chăng vì trước đó người dân đã mất hết lòng tin với một bộ phận những “ông nghị”, “bà nghị” chỉ biết gật gù hưởng lộc mà không lo cho nước cho dân?

Trong phiên họp HĐND TP.HCM vào chiều 12/7 vừa qua, đại biểu Phan Thị Hồng Xuân đã đề xuất trang bị “lu” cho người dân để chống ngập. Đề xuất này đã gây bão cộng đồng mạng, nhiều người phản đối, giễu cợt, cho là không khả thi. Việc bất ngờ trở nên “tai tiếng” khiến bà Xuân rất buồn và rơm rớm nước mắt khi chia sẻ với báo chí.

 

Phòng chống ngập lụt là một bài toán còn đang được thảo luận, và đề xuất của PGS.TS. Phan Thị Hồng Xuân cũng chỉ là một ý tưởng trong rất nhiều ý tưởng mà thôi. Điều đáng nói ở đây là nhiều người đã vội hùa theo đám đông mà cười cợt, miệt thị bà Xuân khi mới nghe mấy từ “dùng lu chống ngập”, mà chưa nghiêm túc tìm hiểu xem ý nghĩa thực sự của nó là như thế nào.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, PGS.TS. Phan Thị Hồng Xuân cho hay:

“Đây không phải là sáng kiến do tôi tự nghĩ ra mà đã được các chuyên gia của JICA (Nhật Bản) nêu trong chương trình lắng nghe trao đổi vừa qua”.

“Góc nhìn của tôi là góc nhìn nhân học, tôi dùng từ “cái lu” vì muốn nhấn mạnh ở khía cạnh tri thức bản địa, theo phương diện dân gian, nhưng mọi người lại đẩy câu chuyện quá xa.

Tôi nghĩ nếu mình dùng cụm từ “dụng cụ chứa nước” thay vì nói “cái lu” thì chắc là không bị phản ứng như vậy, không tạo ra hiệu ứng gây phản cảm như vậy”.

Bà Xuân cũng chia sẻ thêm với báo chí rằng:

“Hiện nay các nhà ở nông thôn thì trước sân thường có những cái lu to đựng nước với nhiều tính năng, trong đó có chứa nước mưa”.

“Tôi từng tới Philippines, ở đó người dân đặt một thùng nước trên xe ba bánh. Khi nhà ngập nước nội bộ người ta sẽ cắm vòi hút nước chứa tạm vào thùng đó, khi hết mưa, hết ngập họ lại dùng chính nước đó để rửa, tưới tiêu cây vườn”.

Hiệu quả và tính khả thi của ý tưởng này tại TP.HCM còn cần được nghiên cứu, thảo luận; người viết bài này cũng không bảo vệ ý kiến của bà Xuân. Điều đáng suy ngẫm ở đây là vì sao lại có nhiều người vội vã giễu cợt, phản đối, thậm chí là nhục mạ một đại biểu HĐND và cũng là một PGS.TS?

Phải chăng vì trước đó người dân đã mất hết lòng tin với một bộ phận những “ông nghị”, “bà nghị” chỉ biết gật gù hưởng lộc mà không lo cho nước cho dân?

Phải chăng vì sự giả dối trong ngành giáo dục đã lan tràn, điểm giả, bằng giả, nên người ta dễ dàng cho rằng cái mác PGS.TS cũng chỉ là giả?

Phải chăng vì cuộc sống quá nhiều những căng thẳng, phi lý và bất công, khiến nhiều người chỉ còn biết xả hết nỗi oán hận của mình sau mỗi tin tức giật gân như thế?

Hay phải chăng vì lối dạy và học khuôn mẫu, giáo điều, bắt người học phải chấp nhận đáp án có sẵn mà không được tư duy phản biện bao nhiêu năm nay khiến cả một thế hệ đã không còn bình tĩnh, lý trí phán xét đúng sai nữa?

Hay liệu có phải vì cái thứ “văn hoá đấu” đã âm thầm len lỏi trong mỗi con người kể từ khi đấu tranh được đặt lên bệ thờ mang tên “động lực của sự phát triển”, nên người ta bất tri bất giác mà đả kích lẫn nhau?

Từ thuở xa xưa, nền văn hoá truyền thống của các dân tộc Á Đông coi trọng Nhân Nghĩa Lễ Trí Tín, “Cái gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác”. Ở phương Tây, triết gia vĩ đại Socrates cũng dạy con người cách đối xử với một tin đồn là để nó đi qua ba cánh cửa: Sự thật, Lòng tốt và Hữu ích. Nếu như mỗi người khi nhận được thông tin từ truyền thông có thể dùng cái đầu lạnh (lý trí) và trái tim ấm (lòng tốt) để phân tích, dù có ý kiến phản đối thì cũng dùng những lời lẽ nhẹ nhàng, tôn trọng phụ nữ hơn, thì có lẽ sẽ bớt đi nhiều nỗi buồn và tổn thương không đáng có.

Nếu xã hội ngoài kia là một bức tranh màu xám, chúng ta có thể tự thắp lên màu xanh tươi bằng chính sự dịu dàng, bao dung của tâm hồn mình?

Khiêm Từ

Theo ĐKN 

 

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Banmaihong's Blog

Nơi Đây Nắng Ban Mai Hồng Reo Vui

Blog Chuyên Anh

Nurturing Language Talents