• Bài viết mới

  • Thư viện

  • Chuyên mục

  • Tag

  • Join 1 050 other subscribers
  • Bài viết mới

  • Blog – theo dõi

  • Enter your email address to follow this blog and receive notifications of new posts by email.

    Join 1 050 other subscribers

Đi Thi Bằng Gì?

Đi thi bằng gì?

Câu hỏi hơi ngớ ngẩn một chút.

Thầy giáo phán: Đi thi bằng tri thức.

Nhà tư tưởng triết lí: Đi thi bằng khát vọng!

Bố mẹ lo lắng: Đi thi bằng lúa, sắn, đường…

Đường, dĩ nhiên là đường đi. Đi từ quê lên tỉnh, lên tuốt những thành phố lớn.

Từ miền Trung, Tây Nguyên lên Sài Gòn dòm được cái cổng trường đại học vòi vọi cũng ngàn cây số. Chi phí đi về cũng thường tình 600.000 đồng.

Mùa thí sinh dự thi, cánh xế thừa nước đục thả câu, bắt giá gấp rưỡi, cập kê

1000.000 đồng có lẽ. Rồi chi phí 5 ngày ăn thành ở phố, bét cũng 500.000 đồng nữa!

Đường đi tính ra đường mía: 15.000 đ/ cặp. Đúng 100 cặp đường. Non 4 bầu, hơn một sào mía tốt.

Đường đi tính ra sắn: 1500 đ/ kg sắn tươi. Một tấn sắn. Bốn sào.

Đường đi tính ra lúa: 4000 đ/ kg.Gần 4 tạ. 3 sào lúa.

Thế mới biết sĩ tử ngày nay lều chõng cũng gánh lúa gánh mùa lên phố!

Cũng có những quí tử khoan khoái chờ thi, có vé thông hành tung tẩy, tha hồ nã tiền ba mẹ hợp pháp. Lấy thi bù chi!

Song không ít học trò nghĩ đến mùa thi mà đăm chiêu tư lự, xót của mẹ công cha, mà cổng trường đại học cứ cao vời vợi, mười thằng đến đó chín thằng rơi! Mà hỏng cái chân là lổng chổng theo bao nhiêu mồ hôi nước mắt gia đình!

Tôi nhìn về phía xa xưa.

Xưa tôi lên kinh đô Huế ứng thí, ra tới Huế đã là niềm tự hào lắm của gia đình, dòng họ! Người miền Trung thường lấy Huế làm chuẩn tuyệt đối của độ dài: Xa tới Huế! Chạy tới Huế!

Chị với mẹ cắt trụi một đồi tranh núi Lẫm, công sức ước chừng 2 tháng, đủ để tôi ở Huế 5 ngày! May mà cá chép hóa rồng, vượt được Vũ Môn, không bỏ mồ hôi mặn, mồ hôi muối với nắng lửa chang chang của mẹ, của chị.

Lại còn cái vụ trước khi đi thi cũng đi quanh chào chú, chào thiếm, chào cô, chào dượng con đi , nghe lâm li như đi quân dịch! Cô dượng chú thiếm động lòng dúi tay thêm năm bảy nghìn, ki cóp thêm lỡ khi nửa đường thiếu hụt.


Tôi nhìn lại gần hơn:

Quế Sơn đang sửa lại con đường láng nhựa, nghe đâu kinh phí lên hàng vài chục tỉ đồng, mấy nhà thầu nở mày nở mặt, cười nói râm ran như cá móng nước mưa rào.

Trong rộn ràng công trường xe múc xe ủi, có hai cha con nhà nọ lom khom đi theo sau chiếc xe ủi với bộ rà sắt, công dụng như dụng cụ rà mìn hồi chiến tranh, nhưng là chế tạo thủ công, mót nhặt từ lòng đất lòng đường đâu đó sót lại mấy miếng sắt vụn từ hồi chiến trận gom về bán. Trúng mánh cũng được ngày 100 ngàn đồng. Trung bình cũng cỡ 50 ngàn đồng. Siêng làm cái chuyện bới móc thì một tháng trời cũng đủ tiền cho cậu con một mùa thi cử.

May mà nhà nước mở công trình hợp lúc hợp thời, hợp cả lòng dân. Rủi mai mốt công trình hoàn thành thì sĩ tử mót máy chi đây?

Và khi ấy lại hỏi: Đi thi bằng gì?

Và tôi nghiệm ra cái sự học cũng thật chứng minh cho bản lĩnh kiên cường của những bàn chân từ than bụi lầy bùn dám ôm khát vọng vươn mình ra ánh sáng!

Và mỗi khi lên lớp, nhìn những gương mặt học trò lớp12 vừa khao khát vừa thiểu nảo, tôi lại chạnh lòng. Và động viên:

“Các em cố lên! Ngày xưa thầy cũng thế!”

Nguyễn Tấn Ái

Quế Sơn mùa thi

14 bình luận

  1. […] Đi Thi Bằng Gì, Tản mạn, Văn, anh Nguyễn Tấn Ái […]

    Thích

  2. Chào anh Tấn Ái người thầy giáo đáng quý của vùng đát QS! Vui quá, lâu rồi anh em mình mới được hội ngộ cùng nhau, lại trong một ngôi nhà thân thiện, ngập tràn nắng mai tươi sáng, ấm áp và nhẹ nhàng! Hơn thế lại được nghe anh tâm sự về những trăn trở từ tấm lòng yêu thương học trò!
    …những bàn chân từ than bụi lầy bùn dám ôm khát vọng vươn mình ra ánh sáng! …“Các em cố lên! Ngày xưa thầy cũng thế!”
    Một trái tim ấm nồng tình người cầm phấn, làm em gái xúc động quá chừng nha! Cảm ơn anh hỉ! Chúc vui nhen! Chị Chi đã biết lối vào ngôi nhà mới chưa zậy? Em thăm cả nhà!

    Thích

  3. Chào Thầy giáo Tấn Ái

    Sắp đến những kì thi quan trọng cho học trò cuối cấp III 😛

    Những kì thi mở đường đến chân trời mới cho các thí sinh, nhưng chân trời hồng còn phải đợi một cuộc chạy maraton, giờ trước mắt là nỗi lo cháy lòng của phụ huynh làm sao cho con em được dự thi…

    Thầy giáo có con mắt nhìn tả chân sự việc, rất ân cần thấu hiểu với những lời thủ thỉ, động viên các em.

    Mong sao mọi sự lo toan của cha mẹ các em được vuông tròn và rồi các em sẽ lên đường phấn khởi…

    Cám ơn thầy Tấn Ái.

    😛 😆 😛

    Thích

    • Chúng em xin cảm ơn thầy:
      Một tình yêu cao cả từ người thầy đối với học sinh.
      Mong thầy sẽ mãi yêu thương học trò nhiều

      Thích

  4. Anh chị em BMH mến,
    Sức mạnh ngấm ngầm trong văn của Ái đã tác động mạnh đến anh chị em LLĐLR và châm lên ngọn lửa bấy lâu nay vẩn âm ỉ của LLĐLR cháy bùng lên và tạo ra chương trình ” cho em một cơ hội” của LLĐLR nhằm giúp một ít phương tiện đi thi của các em học sinh nhà nghèo.
    http://groups.google.com.vn/group/lalanhdumlarach/web/chng-trnh—cho-em-mt-c-hi-i-thi
    Thật cám ơn Ái nhiều lắm
    Phạm Lưu Đạt

    Thích

  5. Úi giời ui! Nghe người ta thường nói: thầy dạy văn thường ít thích con số, khi cần các đại lượng để xác định cũng chỉ dùng ngôn từ như: Xa tới Huế, chạy tới Huế…
    Thế mà nay thầy tôi lại tính toán chi tiết, cụ thểcon số, cân đong đo đếm rõ ràng. Thật là phục lắm phục lắm!
    Mình đâm lo, rồi mai mốt có ai đó lại điều làm cán bộ (kế hoạch)có khi mình lại mất cơ hội đọc văn, thơ như chơi! hì hì hì

    Thích

  6. Hoan ho Tan Ai

    Kiem khach ban tot luon la ban nhau.
    Noi niem tran tro cua cac ha cho tai ha chia se voi

    Thích

  7. Chào anh Hai, chị Huệ, út Tâm!
    Thật đầm ấm trong tình yêu thương của ngôi nhà mới!
    Hi vọng nhiều và Ái cũng sẽ nổ lực nhiều để góp chút ánh bình minh làm nên Ban mai hồng của mọi người!
    Anh Đạt quí mến!
    Ái chưa kịp cảm ơn anh, vốn Ái cũng ít khách sáo, vậy mà anh đã cảm ơn Ái trước rồi!
    Ái chỉ có tấm lòng, các anh đã hiện thực hóa tấm lòng ấy, Ái và học trò rất vui!

    Thích

  8. Kính chào người anh em Hồng Vũ!
    Lâu ngày vắng bạn tri âm, người vẫn mạnh giỏi chứ?
    Quen nhau tình cờ, cũng thật tam sinh hữu hạnh!
    Cảm ơn tấm lòng sẻ chia của người bằng hữu lắm lắm!
    Rất nhiều tương kính!

    Thích

  9. Cảm động quá! :((

    Thích

  10. “Đi thi bằng gì?” – “ngớ ngẩn một chút”, nhưng một đời suy tư đấy! Bởi không suy tư làm sao có được cái “ngớ ngẩn” đầy chân tâm khiến nhiều người cảm động đến vậy. Cảm ơn Ái đã nói rất thật về con đường gian nan mà học sinh trường mình và những miền quê nghèo khác đã đi. Cảm ơn anh Phạm Lưu Đạt (và các anh chị khác) đã “đọc” thấu những gì mà Ái không viết ra, để học sinh trường mình có được những chiếc “lá lành” che chở như vừa qua.
    -Thống-

    Thích

  11. Chào BMH,
    Nhân bài viết của Thầy giáo Tán Ái, TH rất xúc động trước thực trạng của một số phụ huynh học sinh , đặc biệt là vùng nông thôn . TH cũng xin chia sẻ vài dòng để bộc lộ nỗi niềm rất thật , rất chân chất , mộc mạc của bản thân .Rất rất cảm ơn mọi người đã , đang và sẽ chia sẻ mối đồng cảm này cùng TH :

    Nói về đời sống nông thôn
    Vẫn còn bao nỗi lo buồn lắm thay!
    Công việc đồng áng hàng ngày
    Luôn luôn đè nặng thân gầy mẹ cha
    Tháng Tám rồi lại tháng Ba
    Là kì giáp hạt bao nhà lao đao
    Phải lo tính toán làm sao
    Cơm ngày hai bận kẻo hao thân gầy
    Tiền ăn, tiền mặc… hàng ngày
    Chi tiêu đủ thứ, mẹ thầy phải lo
    Phải đâu sẵn có của kho
    Lắm lúc phải đợi Trời cho đôi phần
    Bởi rằng “mưu sự tại nhân”
    Đến khi thành sự ” muôn phần tại Thiên”
    Tính toan, toan tính triền miên
    Hỏi đâu sĩ tử hồn nhiên với đời
    Bắc thang lên hỏi ông Trời
    Kiếp sau liệu có đổi đời nhà nông ?
    Đói no phụ thuộc ruộng đồng
    Có khi hạn hán… thuỷ hồng,trắng tay!
    Quanh năm suốt tháng liền tay
    Thu hoạch vụ trước, cấy cày vụ sau .
    Nông nhàn, vào tít rừng sâu
    Đốn cây ,chặt củi cùng trâu kéo về.
    Chờ khi đến dịp chợ quê
    Đổi lấy một ít tiền về lo toan
    Lo sao con cái đủ ăn
    Lo sao con đỡ băn khoăn, ưu phiền
    Mùa thi Đại học kề bên
    Lộ phí, tiền trọ… con lên… tỉnh thành…
    Bao năm đèn sách học hành
    Những mong đỗ đạt hiển danh muôn đời
    Đáp đền công đức ngất trời
    Mẹ cha tần tảo suốt đời vì con
    Lên rừng , xuống biển trèo non
    Những mong thế hệ đời con đỡ buồn…
    Mến,
    Thịnh Hoa

    Thích

  12. em cam on thay vi tat ca nhung j thay da lam cho chung em.Em xin hua se co gang hoc tap that tot de ko phu long mong moi cua thay.Em cung xin cam on quy hoc bong PTT da tao dieu kien de em thuc hien uoc mo cua minh

    Thích

  13. Học trò của thầy!
    Thầy cảm ơn em với phản hồi ý nghĩa này!
    Thầy và các cô chú cần những thông tin từ các em.
    Còn 14 học trò của thầy nữa, em thông tin cho các bạn được không?
    Phản hồi của các em sẽ là niềm vui cho thầy, và cô chú thêm niềm tin để còn giúp đỡ nhiều bạn khác nữa, lớp sau các em.
    Trường mình hiện nay có thầy Thống cũng là tác giả của Ban mai hồng. Các em hãy nhìn thầy Ái, thầy Thống mà vững niềm tin.
    Hãy vào đại học, đó là ước mơ mà các thầy gửi ở các em!
    Thầy Ái.

    Thích

Gửi phản hồi cho Nguyễn Linh Thảo Vi Hủy trả lời

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Banmaihong's Blog

Nơi Đây Nắng Ban Mai Hồng Reo Vui

Blog Chuyên Anh

Nurturing Language Talents