• Bài viết mới

  • Thư viện

  • Chuyên mục

  • Tag

  • Join 907 other subscribers
  • Bài viết mới

  • Blog – theo dõi

  • Enter your email address to follow this blog and receive notifications of new posts by email.

    Join 907 other subscribers

Nhà hàng của lòng tự trọng

Ở Singapore có một nhà hàng rất đặc biệt, nơi phần lớn nhân viên là người khuyết tật và người yếu thế trong xã hội, đó là Dignity Kitchen.

Quầy gọi món ở Dignity Kitchen, Singapore - Ảnh: SIFQuầy gọi món ở Dignity Kitchen, Singapore – Ảnh: SIF

Tại đây, họ được trao cơ hội để lần thứ hai sống cuộc đời có ý nghĩa.

Kể từ khi ra mắt vào năm 2010, Dignity Kitchen (tạm dịch: Nhà hàng tự trọng) ở Singapore đã giúp đào tạo hơn 400 người về nghiệp vụ chuẩn bị thực phẩm, nấu ăn và làm dịch vụ.

Vì sao nhà hàng có tên “Tự trọng”?

Với tấm bằng từ Vương quốc Anh, kỹ sư Koh Seng Choon đã làm việc ở châu Âu, Trung Quốc và Mỹ trước khi trở về Singapore để bắt đầu sự nghiệp trong lĩnh vực tư vấn.

Được thúc đẩy bởi mong muốn giúp đỡ những người khuyết tật và những người yếu thế trong xã hội, ông bắt đầu hoạt động tình nguyện cộng đồng trước khi sáng lập Dignity Kitchen vào năm 2006, sau khi nhận thấy người khuyết tật thường không được trả công tương xứng hay thậm chí rất khó tìm việc làm.

Dignity Kitchen thành hình với ý tưởng về một nhà hàng quy tụ những người khuyết tật đứng bếp, bồi bàn và thậm chí giao hàng tận nơi.

Ban đầu không ai muốn đầu tư vào dự án của ông Koh Seng Choon vì đào tạo người bình thường nấu ăn đã khó, với người khuyết tật sẽ gặp nhiều thách thức hơn.

Khi biết rằng không thể dựa vào người khác để được tài trợ, ông Koh đã thế chấp tài sản, huy động được 200.000 SGD (148.000 USD) để xây dựng Dignity Kitchen đầu tiên vào năm 2010, bốn năm sau khi ông nghĩ ra ý tưởng này.

Ban đầu ông muốn nhân viên, bao gồm cả những người có vấn đề về sức khỏe tâm thần hoặc khiếm thị, đeo huy hiệu nhận dạng là người khuyết tật để khách hàng thông cảm.

“Tôi đã hơi lý tưởng. Tôi nghĩ rằng mọi người sẽ mua thức ăn từ những người khuyết tật… Nhưng không ai mua cả. Mọi người đến và nhìn thấy chữ “tâm thần” trên áo đều quay đi”, ông Koh nói.

Theo ông Koh, bất chấp việc người dân Singapore ngày càng chấp nhận những người khuyết tật, lĩnh vực thực phẩm vẫn còn nhạy cảm. “Họ sẽ không mua từ những người có, ví dụ, vết đốm trên tay do chạy thận hoặc bệnh chàm”, ông bộc bạch.

Đó cũng là nguồn gốc của cái tên Dignity (Tự trọng). “Chúng tôi muốn thu hút thực khách bằng đồ ăn ngon chứ không vì làm từ thiện”, ông Koh chia sẻ với Tuổi Trẻ.

Người khuyết tật đến với Dignity Kitchen sẽ được phỏng vấn, sau đó trải qua quá trình đào tạo 22 ngày về quy trình làm bếp cùng nhiều việc khác trước khi được nhận vào làm.

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, tới giờ trưa khách đến Dignity Kitchen rất đông, phần lớn là nhân viên văn phòng ở gần đó. Khu vực phục vụ được chia làm các khu riêng như khu vực dành cho các món cơm, món mì, món Âu và nước uống.

Thực khách tới quầy gọi món, trả tiền, lấy số và chờ lấy bữa trưa cũng tương tự như các nhà hàng khác mà không gặp chút khó khăn nào. Tất cả nhân viên, bất chấp có những giới hạn riêng, đều được sắp xếp các nhiệm vụ cụ thể dựa trên kỹ năng và hạn chế của họ.

Nhiều sáng kiến vì người khuyết tật

Sau khoảng 10 năm hoạt động, cho tới 2020, Dignity Kitchen đã đi vào ổn định. Tuy nhiên đại dịch COVID-19 đã làm giảm nhu cầu cho các dịch vụ ăn uống trực tiếp và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của Dignity Kitchen.

Lúc này nhà hàng cần tìm cách tạo ra nguồn thu nhập khác. Điều này đồng nghĩa với việc phải thay đổi cách đào tạo nhân viên.

Một trong những thử nghiệm đầu tiên với công nghệ của Dignity Kitchen bắt đầu vào tháng 4-2021 khi họ khởi động dự án Dignity on Wheels. Trong đó, nhân viên sẽ sử dụng xe lăn điện giao đồ ăn cho khách hàng sống trong bán kính 1km tính từ nhà hàng.

Vì là kỹ sư, ông Koh Seng Choon tiếp tục với những cải tiến công nghệ khác, chẳng hạn như dịch vụ robot bồi bàn.

Với nỗ lực của Singapore nhằm sản xuất ít nhất 30% nguồn cung cấp thực phẩm tại địa phương vào năm 2030 và không lãng phí, ông Koh nhận ra rằng việc quản lý chất thải thực phẩm và nông nghiệp đô thị sẽ phát triển trong những năm tới. Nhà hàng của ông đã xây dựng trang trại nhỏ để đào tạo nhân viên chăm sóc các loại rau trồng trên kệ thủy canh.

Khi nhận ra rằng không phải ai cũng có thể được đào tạo để làm công việc bán hàng, ông đã triển khai Dignity Mama. Đây là dự án dành cho thanh niên mắc các hội chứng về thần kinh như Down, cùng với mẹ của họ để bán sách cũ tại các bệnh viện địa phương.

Ý tưởng của ông Koh là để thanh niên bị Down học được kỹ năng kinh doanh cơ bản và đồng thời tạo ra việc làm cho mẹ của những người bệnh Down. Tuy nhiên, ban đầu các bệnh viện không mặn mà với ý tưởng này.

“Một người mẹ sẽ không bao giở bỏ rơi con mình”, ông Koh nói với Tuổi Trẻ. Nhưng sau khi dự án Dignity Kitchen được phát sóng trên một chương trình truyền hình địa phương, các bệnh viện đã bắt đầu hỗ trợ.

Một chặng đường dài đã qua kể từ khi ông Koh Seng Choon bắt đầu dự án doanh nghiệp xã hội Dignity Kitchen. Có những lúc khó khăn tưởng chừng phải bỏ cuộc, nhưng bằng tấm lòng, ông vẫn vững vàng cho tới ngày nay.

“Có lúc ngày nào tôi cũng nghĩ tới việc bỏ cuộc. Tôi là kỹ sư, không được đào tạo về người khuyết tật hay vận hành kinh doanh. Nhưng tôi vẫn tiếp tục vì chính những con người đang ở đây”, ông Koh nêu quyết tâm.

Những bữa trưa miễn phí

Kể từ năm 2010, Dignity Kitchen thường tổ chức những bữa ăn trưa miễn phí dành cho người cao tuổi mà tại đó họ được ăn uống, trò chuyện và ca hát với nhau.

Chương trình cũng bao gồm một chuyến tham quan. Các tổ chức và cá nhân đều có thể tài trợ cho chương trình này.

.

Theo Minh KhôiTuổi Trẻ

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Banmaihong's Blog

Nơi Đây Nắng Ban Mai Hồng Reo Vui

Blog Chuyên Anh

Nurturing Language Talents