• Bài viết mới

  • Thư viện

  • Chuyên mục

  • Tag

  • Join 1 050 other subscribers
  • Bài viết mới

  • Blog – theo dõi

  • Enter your email address to follow this blog and receive notifications of new posts by email.

    Join 1 050 other subscribers

Thái Độ Tiêu Cực (III) – Thiền sư Sayadaw U Jotika ( Sư Tâm Pháp dịch)

https://webproxy.stealthy.co/browse.php?u=https%3A%2F%2Fencrypted-tbn1.gstatic.com%2Fimages%3Fq%3Dtbn%3AANd9GcRvNyyAE-dJVJtlEBywgS1k0ibv4-Ve_SIflwBvTS6RN8iR1f9eFw&b=28

Hầu hết các vị thầy của tôi đều sống rất thọ. Một vị sống đến 104 tuổi. Tôi có một cuốn sách của ngài ở đây, bạn có thể thấy bức hình của ngài khi ngài tròn 100 tuổi. Rất tĩnh lặng và bình an. Rất tự chủ. Cho đến tận ngày cuối cùng của cuộc đời, ngài vẫn rất bình an và tĩnh lặng. Ngài chuẩn bị cho đám tang của mình trước khi chết.

Thái Độ Tiêu Cực – Thiền sư Sayadaw U Jotika ( Sư Tâm Pháp dịch)

Thái Độ Tiêu Cực ( II ) – Thiền sư Sayadaw U Jotika ( Sư Tâm Pháp dịch)

 

Một vị thầy khác sống đến 90 tuổi – rất gầy, da nâu, già nua nhưng rất đẹp. Bạn chỉ muốn ở gần các ngài, muốn nói chuyện với các ngài. Vị thầy 90 tuổi này, đôi khi hay quên. Ngài rất gầy, người rất nhỏ, đôi khi tôi bế ngài lên và mang đi.

Đôi lúc ngài ăn sáng, sau đó ăn trưa rồi ngủ một giấc. Khi tỉnh dậy, ngài cứ nghĩ đã sang một ngày khác và nói: “Sao chẳng có ai mang cho tôi cái gì ăn sáng cả?”. Và mấy sư đệ tử hầu hạ bên cạnh ngài trả lời: “Vâng, vâng, có ngay đây ạ. Thầy đợi một lát nhé!”. Một lúc sau ngài nói: “Hình như tôi chưa ăn sáng phải không?”. Họ trả lời: “Bây giờ ngài ăn Catumadhu nhé!”. Catumadhu là mật ong, bơ, dầu thực vật và mật đường trộn lẫn với nhau. Đưa cho ngài đồ ăn, ngài ăn, và đưa một thứ đồ uống nào đó, ngài cũng uống.

Sau đó, ngài đi ngủ và khi thức dậy ngài nói: “ngày hôm qua chẳng ai cho tôi ăn cái gì cả, tôi chỉ ăn một ít catumadhu”. Nhưng ngài không bực mình, thất vọng, không kêu ca. Ngài chỉ thể hiện suy nghĩ và cảm xúc của mình. “Chẳng có ai cho tôi ăn gì. Tôi chỉ ăn catumadhu và uống một ly nước hoa quả. Ngày hôm qua tôi chỉ được ăn vậy thôi”. Ngài luôn luôn vui vẻ.

Đôi khi tôi ngồi cạnh ngài, nói chuyện và làm việc này việc kia cho ngài, rồi nửa giờ sau ngài hỏi: “Con là Jotika phải không?”. Đôi lúc ngài chẳng nhận ra người đang nói chuyện với mình là ai. Nhưng ngài rất bình an và tĩnh lặng. Ngài hay quên, quên rất nhiều. Nhưng ngài vẫn giữ được sự bình an, tĩnh lặng, tâm xả, lòng khoan dung, sự chấp nhận, tất cả những đức tính ấy. Chúng tôi thực sự yêu thương ngài.

Khi ngài mất, ngài chẳng phải chịu chút đau đớn nào. Ngài ăn sáng xong rồi nói: “Tôi cảm thấy hơi thắt ở bụng và ngực, tôi đi ngủ đây”. Một vị sư trẻ giúp ngài nằm xuống, rồi ngài ngủ và mất. Không hề đau ốm chút nào.

Khi ở gần những người như thế, bạn mới hiểu được thế nào là cái đẹp. Cái đẹp của trái tim.

 Cái đẹp của hiểu biết, sự chấp nhận, lòng khoan dung, sự bình an và tĩnh lặng.

Đó là cái đẹp đích thực.

Chúng ta thường nghĩ nhiều đến cái đẹp của khuôn mặt và cơ thể. Thế còn cái đẹp của trái tim và tâm hồn thì sao? Bạn có thể rèn luyện mình để trở nên ngày càng đẹp hơn khi ngày càng lớn tuổi. Bạn có thích ý tưởng ấy không? Tôi rất thích nó. Tôi đang cố gắng. Tôi muốn trở nên ngày càng đẹp hơn khi lớn tuổi dần. Tôi hạnh phúc khi thấy mình ngày càng già đi, bởi vì tôi biết mình sẽ đẹp hơn. Vì vậy, đừng có buồn khi thấy mình già đi. Điều đó tốt chứ có gì xấu đâu.

Sự bất mãn khiến khuôn mặt bạn chai đá, và dạ dày rát bỏng.

Mỗi khi bất mãn, dạ dày của bạn tiết thêm nhiều axit. Và khuôn mặt của bạn cũng trở nên chai cứng như đá. Không còn mềm mại và dịu dàng nữa. Rất xấu. Ngày này qua tháng nọ, biết bao nhiêu niềm vui, năng lượng, nghị lực, thời gian và tiền bạc của bạn đã bị sự bất mãn lấy đi mất? Bạn đã lãng phí bao nhiêu – tiền bạc, thời gian, nghị lực, năng lượng, niềm vui…bạn đang phung phí nó. Thay vì an vui, bạn lại khổ sở, phiền não, buồn bực và thất vọng. Ai đang làm điều đó? Bạn đang tham dự, đang góp phần vào đấy thôi. Thực ra bạn đang tạo ra nó bằng chính những suy nghĩ của mình.

Chúng ta mua chiếc xe mới, bởi vì nó hiệu quả hơn. Chúng ta xây nhà mới cũng bởi vì nó hiệu quả hơn. Nhưng hãy nghĩ nhiều hơn đến cho thân và tâm của bạn. Hãy làm cho thân tâm bạn hiệu quả hơn. Hãy bảo tồn năng lượng của bạn. Chúng ta chỉ có một lượng thời gian và năng lượng hạn chế.

Hãy tập sống có trách nhiệm với chính mình.

Bạn chịu trách nhiệm về hạnh phúc của

 chính mình, hãy làm cho mình hạnh phúc, bình an, tĩnh lặng và yêu thương.

 

Thời điểm để bạn chấm dứt sự bất mãn chính là ngày hôm nay.

Đừng đợi đến ngày mai. Chính là ngày hôm nay – là lúc này.

Chính lúc này.

 

Hãy tự cho mình cơ hội để nguội trở lại, trầm tĩnh lại. Mỗi khi có chuyện gì xảy đến và làm bạn thất vọng, hãy dành thời gian hành thiền, thậm chí chỉ trong hai phút thôi. Thở vào, thở ra, thư giãn khuôn mặt, thư giãn cánh tay của bạn. Bởi vì khi bực bội và thất vọng, khuôn mặt của bạn trở nên căng thẳng, hai tay của bạn cũng căng cứng. Vì vậy, mỗi khi bực bội, hãy cảm nhận khuôn mặt và cánh tay của mình và thư giãn ra.

Ngay cả khi chỉ hành thiền trong vòng hai phút, nó cũng giúp cho bạn rất nhiều. Và nếu bạn có thời gian thì hãy hành thiền thêm chút nữa, trầm tĩnh trở lại và xem điều tốt nhất mình có thể làm bây giờ là gì. Hãy cố gắng hết mình. Chúng ta luôn luôn có thể cố gắng làm mọi việc tốt hơn, ngay cả bằng những cách rất nhỏ, chúng ta luôn có thể làm mọi việc tốt đẹp hơn. Vì vậy, hãy cố gắng hết mình.

Khi nghe đến câu “cố gắng hết mình” – tôi lại nhớ đến một bài hát của đất nước này. Tôi không nhớ lời của cả bài, nhưng nhớ được một vài dòng. Đoạn đầu tiên là: “Ôi Thượng đế, thật là khó để khiêm nhường khi bạn đang làm hết mình”. Câu cuối cùng là: “Ôi Thượng đế, thật là khó để khiêm nhường, nhưng con đang cố gắng hết mình”.

Đã ai từng nghe bài này chưa? “Ôi Thượng đế, thật là khó để khiêm nhường, nhưng con đang cố gắng hết mình”. Một đoạn khác là: “Ôi Thượng đế, thật khó mà khiêm nhường khi bạn hoàn hảo về mọi mặt”. Nhưng thật khó để mà hoàn hảo về mọi mặt. Đúng vậy, thật khó để mà khiêm nhường bởi vì tôi đang cố gắng hết mình. Tôi cố gắng làm hết mình. Đó chỉ là nói khoác. Tôi có thể làm mọi việc tốt hơn, nhưng tôi lại không làm, chỉ nói sẽ cố gắng hết mình mà thôi. (Bài hát Thật khó để khiêm nhường của Mac Davis).

Nhưng dù sao, ngay cả khi bạn không cố gắng hết mình, thì cũng nên tha thứ cho chính mình. Đừng để mình bất mãn. Đừng tự hủy hoại mình bằng cách suốt ngày lo lắng và bất mãn. Đừng tự hủy hoại chính mình. Khi tức giận là bạn đang tàn phá thân tâm mình. Trạng thái tâm tiêu cực ấy sẽ đầu độc cơ thể bạn. Bạn đang tự đầu độc thân tâm mình.

Thực ra, không có ai làm tổn thương chúng ta bằng chính chúng ta làm tổn thương mình.

Chúng ta tự làm tổn thương mình bằng cách  tiếp tục nuôi dưỡng những suy nghĩ tiêu cực.

Khi bạn bị stress, căng thẳng quá mức, bạn sẽ càng dễ bị kích động. Khi bạn cảm thấy rất stress, đừng tiếp tục làm việc gì nữa cả, đừng đi gặp ai hết. Hãy bỏ đấy, tìm một chỗ yên tĩnh và bình yên, dù rằng chỉ trong ít phút ngắn ngủi, 10 phút, 15 phút. Hãy bỏ đi. Hành thiền một chút và thư giãn. Hãy ra công viên, hoặc nếu bạn đang lái xe, hãy đỗ xe lại chỗ nào đó và ngồi trên xe nghỉ ngơi, thư giãn. Thư giãn, hành thiền. Thậm chí chỉ 5 phút thôi. Khi quá stress, bạn rất dễ bị kích động. Khi bị kích động, bạn càng nhanh chóng bị bất mãn. Vì vậy, đừng để điều đó diễn ra. Mỗi khi bạn cảm thấy mình đang bị stress quá mức, hãy nghỉ ngơi ngay lập tức.

Nhưng nếu bạn học được cách hành thiền trong suốt cả ngày, bạn có thể nghỉ ngơi ngay tại chỗ, ngay tại nơi làm việc hay ở nhà, bất cứ chỗ nào, và hành thiền – tại bất cứ chỗ nào bạn đang ở.

 

Khi đã tự tu tập đến mức đó, bạn không cần phải đi đâu cả, bạn có thể

 hành thiền ở bất cứ nơi nào.

Một người bạn của tôi, anh ấy làm việc rất vất vả, làm rất nhiều giờ mỗi ngày. Anh ấy thực sự rất yêu thích công việc của mình. Ngay cả khi bạn yêu thích công việc mình làm, đôi khi bạn cũng rất mệt mỏi. Bạn phải làm việc với nhiều người, và đôi khi mọi người gây rất nhiều khó chịu cho bạn. Ngay cả khi bạn cố gắng kiên nhẫn và chánh niệm, nhưng cũng có lúc vượt quá sức chịu đựng. Bạn có biết anh ấy làm thế nào không? Có ai đoán được không? Tôi nghĩ tôi đã kể chuyện này một lần rồi. Anh ấy vào nhà vệ sinh, đóng cửa lại và ngồi trên bệ xí để hành thiền. Vì vậy, không ai có thể đến và làm phiền. Không ai có thể làm phiền được. Ngồi đó 5 phút để hành thiền rồi đi ra, rất thư giãn.

Một lời khuyên rất tốt. Đôi khi bạn thực sự phải làm như thế. Đừng quên lời khuyên đó.

Hãy để quanh mình những thứ có thể ngay

 lập tức gợi lên cho bạn những suy nghĩ tích cực, mỗi khi đưa mắt xuống bạn sẽ nhìn vào nó.

Ở nhà, đừng treo những bức tranh gây cho bạn cảm giác khó chịu. Nếu có thể, hay cất chúng đi và treo một tấm hình phong cảnh thật đẹp, hoặc nếu bạn thích, một bức hình Đức Phật thật đẹp và tĩnh lặng, hay một bức tranh vẽ, bất cứ thứ gì khiến bạn cảm thấy bình yên.

Nếu bạn có một bức tranh phong cảnh thật đẹp với ngọn núi, một ngọn núi đá với cây cối và hồ nước, một ngọn núi tuyết phủ, một hồ nước trong vắt in bóng cây cối và núi rừng – hãy tìm một bức tranh như thế – và treo ở gần chỗ của bạn. Mỗi khi nhìn nó, bạn sẽ trở nên thật bình an và tĩnh lặng.

Ngọn núi tượng trưng cho sức mạnh – không lay động. Ngọn núi đá – bạn không thể làm nó lay động được. Rất vững chắc. Dù cho gió bão mạnh đến đâu, ngọn núi đá vẫn không hề lay động. Nhưng cây cũng là một biểu tượng. Khi gió mạnh đến, nó nhường bước. Nó không bị gẫy. OK, nhường bước, nhường bước, cho nó qua và rồi lại trở lại với vị trí ban đầu của mình. Tôi hay nhìn cây bạch đàn trong chùa mà tôi đã trồng ngày trước, một số cây bây giờ rất lớn, rất cao – chúng là những cây cao nhất trong chùa. Khi gió mạnh thổi đến, chúng chỉ uốn cong xuống. Và sau khi hết gió, chúng lại trở lại như ban đầu. Chẳng có vấn đề gì cả. Rất mềm dẻo. Cây cối cho bạn một biểu tượng và ý niệm về sự mềm dẻo, linh động.

Hãy linh động. Đừng cứng nhắc.
Nếu cứng nhắc, bạn sẽ gẫy, bạn tự bẻ gẫy chính mình. 

Hãy mềm dẻo và linh động.

 

Tuyết tượng trưng cho sự mát mẻ, yên tĩnh. Rất mát mẻ và bình an. Và mặt hồ giống như một tấm gương – tượng trưng cho sự tĩnh lặng, bình an, lắng đọng và trong sáng, phản chiếu tất cả mọi thứ. Một bức tranh như vậy sẽ nhắc nhở cho bạn về những cảm xúc đó. Nếu bạn nắm bắt được ý nghĩa của bức tranh, trở nên quen thuộc với nó mỗi khi nhìn vào, hãy nhìn thật kỹ và cảm nhận nó. Rất bình yên, vững vàng, mát mẻ và trong sáng. Mỗi khi nhìn bức tranh, nó gợi lại cho bạn cảm giác bình yên.

Xung quanh bạn có những thứ để nhắc nhở, khiến cho bạn cảm thấy chánh niệm hơn, bình yên hơn và mềm dẻo, linh động hơn. Những điều này rất, rất quan trọng. Bạn không nên để các loại báo hay tạp chí xung quanh làm quấy nhiễu tâm mình. Điều tệ hại nhất bạn tự làm cho chính mình là đọc báo lúc sáng sớm. Một việc tồi tệ nhất nữa là bật TV lên và xem tin tức. Tôi muốn dành ít phút nữa để nói thêm vài lời với các bạn. Hãy suy xét kỹ những từ này và xem bạn có nhìn ra được những loại cảm xúc đó trong mình hay không.

Trạng thái đầu tiên là: Sân lạnh lùng câm lặng.

Bạn đã từng gặp người nào như thế bao giờ chưa? Rất lạnh lùng, ngấm ngầm và im lặng, bạn có thể cảm nhận được người ấy có rất nhiều tâm sân và hay chỉ trích người khác.

Một số người, mặc dù họ chẳng nói lời nào, nhưng chỉ cần qua cái nhìn của họ, bạn có thể thấy anh ta/cô ta đang đánh giá, phán xét và chỉ trích. Họ không hiểu biết, không chấp nhận và không tha thứ.

Mỉa mai – một số người rất hay mỉa mai.

Hay cáu giận, dễ kích động – đó đều là những từ chỉ tâm trạng tiêu cực.

Nhưng hãy xem cho kỹ xem bạn có thể tìm thấy những trạng thái cảm xúc như thế trong chính bản thân mình hay không.

Oán giận, Tàn nhẫn, Chua cay, Hay gây sự, Ác ý, Hờn dỗi, Giận dữ mù quáng – đó thật là những điều kinh khủng.

Bực dọc, Oán ghét, Căm thù, Thù địch, Nhạo báng.

Từ ngữ tiếng Anh thật nhiều mầu sắc. Trong tiếng Miến Điện chúng tôi không có nhiều từ vựng để diễn tả các cảm xúc tâm lý tiêu cực như vậy. Thực sự là không có. Để dịch những từ này sang tiếng Miến Điện là điều rất khó đối với tôi. Quả là không thể. Hãy hỏi bất cứ người nào nói tiếng Miến ở đây mà xem, chúng tôi không có nhiều từ như vậy. Ngôn ngữ tiếng Anh thật đa dạng.

Sợ hãi, Bất an, Bứt rứt, Lo ngại, Bồn chồn hốt hoảng, Lo sợ, Khiếp đảm – rất nhiều ngữ nghĩa khác nhau.

Nghi ngại, Lo lắng, Day dứt, Cáu kỉnh, Kinh sợ, Hãi hùng, Kinh hoàng, Hoảng loạn.

Tất cả những từ này ở trong tiếng Pali chỉ là DOSA – sân. Chỉ một từ trong ngôn ngữ Pali, DOSA. Nó chứa tất cả mọi nghĩa ấy.

Ghê tởm, Khinh miệt, Khinh bỉ, Coi thường, Ghét cay ghét đắng, Ác cảm, Chán ghét, Khiếp sợ.

Rất nhiều sắc thái cảm xúc tiêu cực.

Xấu hổ, Mặc cảm tội lỗi, Ngượng ngập, Buồn tủi, Hối hận, Nhục nhã, Hối tiếc, Ăn năn hối lỗi, Điên tiết, Thịnh nộ, Oán hận, Phẫn nộ, Bực tức, Căm phẫn, Phật ý, Chua cay, Thù oán, Phiền muộn, Cáu kỉnh, Thù hằn, Căm ghét, Thô bạo, Buồn bã, Sầu khổ, Đau buồn, Ủ rũ, U sầu, U uất, Tự thương hại bản thân, Cô đơn, Chán ngán, Thất vọng, Trầm cảm – Phiền muộn.

Tất cả chỉ có nghĩa là dosa – sân. Chỉ một từ duy nhất.

Tôi muốn các bạn hiểu một từ này – DOSA, sân. Tất cả các cảm xúc tiêu cực đó đều là tâm sân. Đức Phật dạy: “Sadosam va cittam ’sadosam cittan’ti pajānāti” (Khi tâm có sân, vị ấy biết rõ tâm đang có sân). Khi bạn có những suy nghĩ tiêu cực như vậy, hãy nhìn chúng một cách thật cẩn thận và hiểu rằng chúng là tâm sân. Không phải là tâm sân của bạn – nó không thuộc về bạn. Nó không phải là một ai cả. Nó chỉ là một cảm xúc, một suy nghĩ mà thôi.

 

Càng nhìn rõ những cảm xúc và suy nghĩ  tiêu cực, chúng càng ít nổi lên. Và bạn càng làm chủ được chúng.

Hãy hiểu rõ những từ này. Chúng rất quan trọng.

.

Sư Tâm Pháp dịch

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Banmaihong's Blog

Nơi Đây Nắng Ban Mai Hồng Reo Vui

Blog Chuyên Anh

Nurturing Language Talents