• Bài viết mới

  • Thư viện

  • Chuyên mục

  • Tag

  • Join 905 other subscribers
  • Bài viết mới

  • Blog – theo dõi

  • Enter your email address to follow this blog and receive notifications of new posts by email.

    Join 905 other subscribers

Tại Sao Quảng Nam Hay Cãi? – Trần Gia Phụng

  Quảng Nam hay cãi…” là sự thật hiển nhiên không bàn cãi.  Bài nói chuyện hôm nay là tìm hiểu tại sao người Quảng Nam chúng ta hay cãi?  Những lý do đưa ra sau đây có thể chủ quan và thiếu sót, hy vọng được bổ túc thêm thì sẽ đầy đủ hơn.
 

Kính thưa quý Bà Con Cô Bác,

Câu ca dao “Quảng Nam hay cãi…” là sự thật hiển nhiên không bàn cãi. Bài nói chuyện hôm nay là tìm hiểu tại sao người QN chúng ta hay cãi? Những lý do đưa ra sau đây có thể chủ quan và thiếu sót, hy vọng được bổ túc thêm thì sẽ đầy đủ hơn.

Quảng Nam hay cãi có thể có năm lý do:
1) Nguồn gốc di dân.
2) Tranh đấu nghịch cảnh.
3) Tính ham học của người QN.
4) Giọng nói người QN.
5) Môi trường hay cãi tại QN.

alt

1) Về nguồn gốc di dân: Người QN chúng ta là con cháu của những di dân từ Bắc vào QN lập nghiệp. Có bốn hạng di dân khác nhau đến QN: Những di dân đầu tiên là những chiến binh theo các đoàn quân viễn chinh đi mở nước về phương nam. Không có những đoàn quân viễn chinh thì không có QN. Những chiến binh viễn chinh thường can đảm, liều lĩnh, sẵn sàng chiến đấu, tranh cãi.

Hạng di dân thứ hai đến QN là những người tù tội. Dưới thời Lê Thái Tổ (trị vì 1428-1433), nhà Lê chia tội phạm thành năm loại: xuy, trượng, đồ, lưu, tử. Xuy là đánh roi. Trượng là đánh trượng (gậy). Đồ là làm dịch đinh. Lưu là lưu đày. Tử là tử hình. Mỗi tội chia thành nhiều hạng. Riêng tội lưu có ba hạng: Lưu cận châu (châu gần). Lưu viễn châu (châu xa). Lưu ngoại châu (châu biên giới.) Từ thời Lê Thái Tổ cho đến khi Nguyễn Hoàng vào nam, trong khoảng trên 200 năm, QN thuộc loại viễn châu, miền biên giới xa xôi, giữa Đại Việt và Chiêm Thành. Những người phạm tội lưu nặng nhất bị đày đến QN.

Hạng di dân thứ ba đến QN là những người đào tẩu, trốn tránh vì nhiều lý do, mà trong đó quan trọng nhất là lý do chính trị, vì sự thay đổi và trả thù của các triều đại. Ví dụ khi nhà Trần sụp đổ, nhà Lê lên cầm quyền, con cháu nhà Trần trốn chạy, có gia đình chạy vào tận QN. Khi nhà Mạc sụp đổ, con cháu nhà Mạc đổi thành nhiều họ, ly tán khắp bốn phương. Có nhiều nhánh họ Mạc chạy vào tận QN.

Hạng di dân thứ tư, đông đảo nhất là những di dân vì lý do kinh tế. Vì quá nghèo khổ ở vùng đất cũ, nên đông đảo dân chúng theo những đợt di dân do chính quyền tổ chức. Sau mỗi lần mở nước, các triều đại đều tổ chức đưa người tới định cư vùng đất mới, nhất là từ thời Nguyễn Hoàng vào Nam lập nghiệp.

Dầu vì lý do gì, di dân có một số đặc tính chung như mạo hiểm, can đảm, liều lĩnh, quyết liệt, bất khuất, cấp tiến, khẳng khái, bộc trực, thích tự do, công bằng, dân chủ… Không phải tất cả những đặc tính trên đây đều tác động cùng một lần đến con cháu QN, nhưng ảnh hưởng một cách khác nhau tùy mỗi gia đình, tùy mỗi cá nhân, một vài đặc tính trên, đưa đến những kết quả riêng biệt, nhưng vẫn có một vài điểm căn bản giống nhau, như là hay tranh đấu và hay cãi để bảo vệ những điều mình đạt được trên đường di dân.

Có câu hỏi đặt ra là di dân từ Bắc vào Nam, đến định cư rải rác từ QN đến Bình Định, nhưng tại sao chỉ có dân QN là hay cãi? Xin chú ý, trước khi tiến xuống Quảng Ngãi hay Bình Định ngày nay, người di dân từ Bắc vào Nam, tập trung đầu tiên tại QN, có thể cả một thời gian dài, trên 200 năm, từ thời Huyền Trân đến thời Nguyễn Hoàng, mới dần dần tỏa xuống phía nam. Càng xuống phía nam, bình nguyên càng rộng, thời tiết càng dễ chịu, con người càng thoải mái hơn. Ngoài ra, còn nhiều lý do khác nữa.

2) Tranh đấu trước nghịch cảnh: Lý do thứ hai về việc người QN hay cãi là di dân luôn luôn va chạm và đối phó nghịch cảnh, phải tranh đấu đề sinh tồn. Tranh đấu với cư dân địa phương trước đây là người Chiêm Thành (Chàm). Tranh đấu để mưu sinh ở vùng đất lạ, thiên nhiên khắc nghiệt, rừng thiêng nước độc. Tranh đấu để được tự do, bình đẳng và dân chủ trên vùng đất mới. Tranh đấu trở thành thói quen của người QN và từ đó cũng trở thành hay cãi. Hay cãi là cách tranh đấu bất bạo động để bảo vệ quyền lợi, bảo vệ điều mình nghĩ là lẽ phải, tránh sai lầm, tìm ra sự thật.

3) Tính ham học: Lý do thứ ba là di dân vốn thích phiêu lưu, thích khám phá điều mới lạ, thích tìm tòi học hỏi, có cái nhìn mới. Thêm nữa, người QN nghèo khổ nên ham học để tiến thân bằng thi cử. Tính ham học, cầu tiến, ưa học hỏi, tìm hiểu thêm, khiến cho người QN hay cãi để tiến bộ, tìm ra chân lý.

4) Giọng nói lớn: Lý do thứ tư là không hiểu vì sao người QN có giọng nói lớn, mạnh, sắc, chói tai. Chính chất giọng lớn mạnh tạo điều kiện và hỗ trợ cho người QN hay cãi. Vào một phòng họp, nghe một giọng QN phát biểu là nhận ra ngay. Nhờ chất giọng mạnh nên người QN dễ cãi, thích cãi và trở thành hay cãi. Xin chú ý điểm nầy: ngay cả những người QN nói giọng thấp, nhỏ thì cũng ít cãi.

5) Môi trường hay cãi: Lúc đầu, người QN hay cãi với nhau. Anh em, vợ chồng, bạn bè cãi với nhau, tạo thành môi trường hay cãi, không gian hay cãi. Môi trường hay cãi càng ngày càng mở rộng, trở thành thói quen, hay nếp sống hoặc truyền thống hay cãi. Điều nầy dễ thấy ở những người QN lấy vợ hay chồng tỉnh khác. Sống với nhau một thời gian, và sống trong môi trường hay cãi, người vợ hay chồng đó tuy không phải là người QN, cũng trở thành hay cãi, có khi còn cãi hăng hơn cả vợ hay chồng người QN. Vì vậy có câu: “QN lai bằng hai QN thiệt.” Đây là kết quả của môi trường hay cãi. Nếu không có môi trường để cãi, thì người QN cãi với ai?

Thưa quý vị,

Năm lý do trên đây đưa đến thói quen người “QN hay cãi”. Câu “Quảng Nam hay cãi” có khi được xem là lời mỉa mai người QN chúng ta. Tuy nhiên, xin chú ý rằng hay cãi không phải là tính xấu. Hay cãi chỉ xấu khi cãi bướng, cãi ngang xương, cãi đâm hơi, cãi lấy được. Ngay cả uống thuốc bổ mà quá liều lượng thì cũng có hại, huống gì là hay cãi ẩu? Vì cãi quá đà nên mới bị mỉa mai là “QN hay cãi”. Trong khi thật sự không cãi thì không tiến bộ được. Xin thử tưởng tượng một nhóm người, một tổ chức hay một xã hội mà không một tiếng cãi thì chẳng những không có sinh khí mà bị đóng băng hay là chết

Xin chú ý thêm là cho đến 1802, khi Gia Long lên ngôi, QN mới chính thức ổn định. Do hay cãi để tiến bộ, hay cãi để tranh đấu chống bạo quyền, tranh đấu để bảo vệ cho mình và cho dân tộc mình nên chỉ trong thời gian ngắn, QN đã sản sinh ra một loạt anh hùng, tranh đấu chống Pháp xâm lược, từ Hoàng Diệu, đến Nguyễn Duy Hiệu, qua Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Trần Cao Vân, Thái Phiên, Lê Đình Dương…
Thưa quý vị,

Chuyện QN hay cãi là chuyện dài, nhất là người QN có tính tự trào, tức tự giễu về mình, nên có rất nhiều chuyện tiếu lâm QN hay cãi, nhưng thời lượng phải giới hạn, nên câu chuyện của chúng tôi ngang đây xin tạm dừng. Những lý giải trên đây có thể còn thiếu sót, xin quý vị bổ túc thêm để làm rõ vì sao Quảng Nam hay cãi. Chúng tôi xin cảm ơn quý vị đã lắng nghe, trân trọng kính chào quý vị và chúc quý vị một buổi tối gặp gỡ “Quảng Nam hay cãi” thật vui vẻ.

.
Trần Gia Phụng
(Toronto, 6-11-2014)

Quảng Nam Hay Cãi

 

Tuy được vua Lê Thánh Tông thành lập từ 1471, nhưng Quảng Nam trải qua chiến tranh liên tục, khi thì giữa Đại Việt với Chiêm Thành, khi thì giữa vua Lê, chúa Trịnh với chúa Nguyễn, khi thi giữa chúa Nguyễn với nhà Tây Sơn, nên tình hình Quảng Nam không ổn định cho đến năm 1802 là năm vua Gia Long thống nhất đất nước. Từ đó, Quảng Nam mới tổ chức hệ thống hành chính quy củ, với địa giới như ngày nay. Các sinh hoạt kinh tế, văn hóa, giáo dục bắt đầu phát triển.
Năm 1962 tổng thống Ngô Đình Diệm chia Quảng Nam thành hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Tín, nhưng do truyền thống Quảng Nam mạnh mẽ, dân hai vùng nầy đều tự xem là một tỉnh, đều nhận mình là người Quảng Nam. Sau năm 1975, Quảng Tín bị giải thể, trở về với Quảng Nam.

Từ năm 1802 cho đến nay (2014), Quảng Nam trải qua hơn 200 năm lịch sử, khá mới so với chiều dài lịch sử dân tộc, nhưng Quảng Nam đã đóng góp không ít trong đời sống quốc gia về tất cả các mặt, sản sinh nhiều nhân tài, nhiều anh hùng, nhiều khoa bảng, nhiều văn nhân thi sĩ…

Trong đời sống thường ngày, người Quảng Nam có hai nét đặc thù thường nổi bật được làm đề tài “bình luận”, chẳng những riêng người Quảng Nam, mà cả bàn dân thiên hạ trên toàn quốc, là giọng nói Quảng Nam và “Quảng Nam hay cãi”.

Không biểu vì lý do gì, trong Đại Nam nhất thống chí, mục tỉnh Quảng Nam, tiểu mục “Phong thổ”, các chúa Nguyễn cho rằng giọng Quảng Nam là giọng chuẩn trong nước. (Xin xem Đại Nam nhất thống chí quyển 5, tỉnh Quảng Nam, do Tu Trai Nguyễn Tạo dịch, Sài Gòn: Nxb Văn Hóa Tùng Thư (Nha Văn Hóa – Bộ Quốc Gia Giáo Dục), 1964.) Nhận xét nầy của chúa Nguyễn không được những dịch giả Hà Nội vừa lòng, nên trong bản dịch của Hà Nội, đoạn nầy bị bỏ. (Xin xem bản dịch Đại Nam nhất thống chí tỉnh Quảng Nam, tạp 2 quyển 7, Hà Nội: Viện Sử học dịch, Nxb Khoa Học Xã Hội 1970.)

Đôi khi nghĩ cho cùng, nhìn vào danh sách những ca sĩ Việt Nam nổi tiếng ngày nay, lạ lùng là luôn luôn Quảng Nam chiếm nhiều người, thì thấy có thể chúa Nguyễn cũng có lý phần nào. Một người Quảng Nam, vừa nói giọng Quảng Nam, vừa phát âm các giọng khác trên Đài Pháp thanh Quân đội nổi tiếng ngọt ngào một thời trước năm 1975 là “Dạ Lan, em gái hậu phương”. Cô Dạ Lan là một người Quảng Nam ròng, cựu học sinh Phan Châu Trinh, Đà Nẵng.

Trong khi đó, giọng Quảng Nam lớn, mạnh, sắc, có khi chói tai, nghe qua dễ phân biệt và dễ nhớ. Không riêng gì Quảng Nam, mà ở các nơi khác như Hà Nội, Huế, Sài Gòn, cư dân ở thành phố nói giọng dễ nghe, trong khi ở các vùng nông thôn chung quanh các thành phố, nói hơi khó nghe. Giọng Quảng Nam cũng vậy. Các vùng nông thôn Quảng Nam có nhiều thổ âm, nói hơi khó nghe, nếu không quen tai.

Đã nói giọng khó nghe, người Quảng Nam thường ăn nói không rào trước đón sau, không quanh co khúc khuỷu, không màu mè hoa lá. Người Quảng Nam hay nói thẳng, đi thẳng vào vấn đề, đến độ cục mịch, mà người Quảng Nam gọi là “ăn cục nói hòn”. Có nhiều chuyện tiếu lâm về giọng Quảng Nam ăn cục nói hòn, nhưng xin không kể ở đây, sợ bị trách rằng dân Quảng Nam mà quay lại nói diễu người Quảng Nam, cho thiên hạ chê cười, nhái giọng Quảng Nam nhằm chọc quê dân Quảng Nam.

Còn về Quảng Nam hay cãi, thì thiệt hết ý, không cãi được chỗ mô nữa. “Thanh minh thanh nga” gì cũng không tránh được chuyện Quảng Nam hay cãi, thôi thì xin kể ở đây vài chuyện vui về tính hay cãi của người Quảng Nam. Xin đừng cãi với người viết bởi vì đây là chuyện vui thôi mà.

Không biết có thiệt hay không, người ta nói rằng sau các cuộc họp của các hội đồng hương Quảng Nam thường không có biên bản, vì dân Quảng Nam cãi trong cuộc họp hăng quá, thư ký không biết ghi biên bản cách răng cho đầy đủ để khỏi bị cãi, hoặc là cò cưa cãi mãi, có khi thư ký cũng tham gia cãi luôn, cho đến hết giờ, rồi đứng dậy ra về, khỏi có biên bản. Không biết Hội Đồng hương Quảng Nam Toronto có rơi vào trường hợp nầy không?

Thứ hai là chuyện trường Luật Sài Gòn trước 1975. Sinh viên luật gốc Quảng Nam cãi dữ quá. Đến kỳ thi cuối năm, một vị giáo sư đưa ra đề nghị thế nầy: Ông mời một sinh viên Quảng Nam lên bảng, anh nào cãi thắng anh sinh viên Quảng Nam thì đương nhiên được lên lớp, khỏi phải thi. (Chuyện theo lời kể của một cựu sinh viên trường Luật Sài Gòn trước năm 1975.) Chuyện đúng hay không thì không có điều kiện kiểm chứng, mà cũng chẳng ai cần kiểm chứng để làm gì chuyện tào lao xịt bộp.

Còn chuyện thứ ba, người ta chứng minh rằng dân Quảng Nam hay cãi là do di truyền. Một hôm ở miền quê Quảng Nam, có một phụ nữ sửa soạn sinh con. Cô mụ đến giúp từ sáng đến tối, áp dụng tất cả các phương pháp hộ sinh, mà đứa nhỏ vẫn không chịu ra đời. Cô mụ tức quá la lên: “Đứa nhỏ nầy nhác quá, lại cứng đầu, bây giờ đã trưa rồi, mặt trời đã đứng bóng, mà không chịu sinh ra đi làm ruộng giúp mẹ cho rồi, cứ trốn mãi.” Cô mụ nói xong một chút, thì người phụ nữ sinh con. Ai cũng khen cô mụ giỏi, cô học thần chú ở đâu mà nói một câu, thì người đàn bà sinh ngay. Cô mụ trả lời: “Có gì đâu, lúc đó trời đã khuya, tối mù rồi, mà tôi nói trưa rồi, mặt trời đứng bóng. Đứa bé nghe tôi nói không đúng, lại chê nó nhác, cứng đầu, tức quá nó ra đời để cãi lại tôi mà.” Có phải tính hay cãi là tính di truyền từ trong bụng mẹ hay không? Nếu chúng ta tin vào thuyết “thai giáo”, thì cũng có thể khi còn trong bụng mẹ, đứa trẻ đã nghe cha mẹ hay cãi và tiêm nhiễm tính hay cãi của cha mẹ là người QuảngNam.

Quả thật, người Quảng Nam hay cãi, cãi không dứt, cãi chi cãi mãi, cãi mãi cãi hoài, lai rai cãi miết. Thiệt ra, hay cãi chẳng có gì xấu. Chỉ có cãi ẩu cãi bướng mới xấu. Như uống thuốc bổ cũng vậy, uống quá liều lượng thì có hại chứ ích lợi gì. Có cãi mới có tiến bộ. Cãi vừa phải để tiến bộ thì thật tốt. Chả thế mà tục ngữ Pháp có câu: “Từ sự bàn cãi nẩy sinh ra ánh sáng”. (De la discussion jaillit la lumière.)

Có điều lạ. Quảng Nam hay cãi, giọng cãi chói tai, nghe nhức đầu, thế nhưng người Quảng Nam lâu ngày không nghe giọng Quảng Nam thì cũng nhớ. Cũng như mì Quảng, tuy không phải là cao lương mỹ vị, nhưng lâu ngày người Quảng Nam không ăn cũng thèm. Đó là nỗi nhớ nhà (nostalgia) thầm kín mà người ít người chú ý. Vì vậy khi có cơ hội, nghe lại giọng nói của quê mình, thật là thú vị cho người Quảng Nam. Như lâu ngày được ăn một tô mì Quảng đạm bạc theo lối nấu đơn sơ của quê mình. Giọng nói chói tai quen thuộc đó còn có thể đưa dân Quảng Nam trở về với những hình ảnh quê nhà, bà con thân thuộc yêu quý mà chúng ta vẫn hằng ấp ủ trong tim từ khi bỏ nước ra đi.

Nếu quý vị muốn nghe giọng Quảng Nam ồn ào dễ thương đó, để nhớ lại những kỷ niệm êm đềm thuở xa xưa ở quê nhà, đồng thời hiểu thêm vì sao người Quảng Nam chúng ta hay cãi, xin mời quý vị đến tham dự dạ tiệc dạ vũ trong Đêm Hội Ngộ Đồng Hương Quảng Nam Đà Nẵng, tổ chức lúc 6G:30 tối Thứ Bảy 8-11-2014, tại Nhà Hàng Kinsley, số 50 Kennedy S., Brampton, để hàn huyên tâm sự, nghe giọng Quảng Nam cho đả lỗ tai.

Kính mong sẽ được hội ngộ cùng toàn thể đồng hương Quảng Nam Đà Nẵng và thân hữu ở Toronto và vùng phụ cận vào tối Thứ Bảy 8-11-2014 tại nhà hàng Kinsley, Brampton.
.
Trần Gia Phụng
(Toronto, 20-10-2014)

Túy  Phượng chuyển bài

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Banmaihong's Blog

Nơi Đây Nắng Ban Mai Hồng Reo Vui

Blog Chuyên Anh

Nurturing Language Talents