• Bài viết mới

  • Thư viện

  • Chuyên mục

  • Tag

  • Join 1 051 other subscribers
  • Bài viết mới

  • Blog – theo dõi

  • Enter your email address to follow this blog and receive notifications of new posts by email.

    Join 1 051 other subscribers

Tà Áo Bay Bên Trời Quê Đất Khách – Hoàng Huy Giang

Nơi tôi sống trời đang vào tháng tư. Tháng của những ngày thu vương vấn nhuộm chút bâng quơ để cho những con đường chong chanh trong bộ áo vàng hoe của lá chẳng mấy chốc chuyển sang một màu đỏ tía, thẫm lịm lối đi. Màu đỏ của lá chợt hừng lên dưới trời chiều hanh hanh chút nắng, vội vàng ẩn mình khi hoàng hôn xuống vội. Và cơn gió sang mùa không ngần ngại cuốn nhanh những chiếc lá vàng đỏ xào xạc cuống quít bước chân.

Tôi thả bộ dọc theo con đường ra bãi đậu xe. Tiếng gió rì rào ve vãn bên tai như niềm vui đang hiện hữu nơi tôi. Tôi đưa một bàn tay lùa nhẹ mái tóc còn bàn tay kia níu vội tà áo chực tung bay theo gió về một khoảng không vô định. Áo dài và tôi. Áo dài và gió. Sự dằng co giữa tôi và gió tạo thành một niềm vui bưng bít trong lòng.

Xa quê hương người ta thường nhớ đủ thứ. Nhớ những người thân yêu. Nhớ nhà cửa, nhớ con đường xưa đã bao lần đi qua, nhớ bạn bè của thời đánh đinh, đánh đáo. Và trong tôi cũng vậy. Một khi cơn nhớ cuộn lên như sóng lớp thủy triều thì ôi thôi bao nhiêu là nỗi nhớ ồ ạt trở về. Từ những ngày ấu thơ đến những ngày mới lớn. Từ những hàng phượng đầu mùa đầy ắp nụ non đến những con đường hiu hắt ánh đèn đêm. Biết bao hình ảnh lần lượt lướt qua ký ức. Thật vậy! Bất cứ cái gì của Sài Gòn, của những ngày xa xưa tôi đều nhớ cả. Càng nhớ bao nhiêu, tôi lại càng yêu Sài Gòn bấy nhiêu. Mà yêu Sài Gòn bao nhiêu thì tôi lại càng trân quý chiếc áo dài bấy nhiêu. Thế là tôi trở về tìm kiếm trong tôi hình ảnh cố hữu của chiếc áo mà xa quê hương rồi tôi mới thấy quý nó thật sự.

Mỗi quốc gia trên thế giới, kể cả những bộ lạc ở những nơi thâm sơn cùng cốc đều có sắc phục riêng của họ. Đối với phụ nữ Việt Nam, chiếc áo dài là một trang phục và cũng là một sắc phục thật độc đáo vì nó mang đủ các tính chất: kín đáo, sang trọng, trữ tình, lãng mạn, thanh nhã, thướt tha, dịu dàng mà chị em phụ nữ Việt hẳn phải hãnh diện mỗi khi mặc. Chiếc áo dài mà ngày nay mỗi lần được dịp mặc là mỗi lần tôi thấy cả một khoảng trời xanh của thời con gái, của lứa tuổi đôi mươi, của quãng đời xuân sắc được dịp sống lại trong tôi.

Tôi nhớ lúc còn nhỏ, lúc ấy chắc tôi chỉ chừng sáu hoặc bảy tuổi, mỗi lần thấy người chị họ của tôi ghé chơi sau buổi chiều tan học, tha thướt dáng nét yêu kiều trên chiếc xe Velo Solex là tôi cũng lục đục bày trò chơi mặc áo dài và lái xe sắt. Tôi lấy hai chiếc ghế lùn, bằng sắt, cao khoảng ba tấc, đặt nối đuôi nhau và gác một chiếc ghế con bằng gỗ mà mẹ tôi vẫn ngồi nhặt rau, vào giữa hai chiếc ghế sắt làm yên xe. Rồi tôi lấy hai chiếc khăn tắm, một quàng vào trước ngực và một quàng vào sau lưng để làm áo dài. Thế là tôi có được chiếc áo dài làm bằng khăn lông với hai tà áo lết phết dưới đất. Tuy hơi dài quá khổ nhưng tôi cũng có được chiếc áo dài như ai. Sau vườn nhà tôi có một cây chuỗi ngọc, quanh năm lá luôn xanh và hoa nhỏ màu tím thẫm từng chùm bốn mùa nở rộ. Mùi hoa thơm thoang thoảng như mùi bánh khảo luôn mời gọi những chú ong bướm say tình bay lượn. Về phía con gái, tôi là nhỏ nhất nhà nên ba tôi thương tôi lắm. Cứ mỗi lần chơi mặc áo dài là ba tôi lại hái một cụm hoa chuỗi ngọc cài lên tóc tôi. Thế là tôi được mặc áo dài, được cài hoa trên tóc và lái xe yểu điệu giống người chị họ tôi.

Có phải tôi và chiếc áo dài có duyên có nợ nên chiếc áo dài luôn quấn quít bên tôi? Và có phải tôi và màu tím hoa chuỗi ngọc có nợ có duyên? Nên nền tím thẫm luôn sống mãi nơi tôi trên tà áo dài qua bao tháng năm trôi giạt dòng đời.

Lúc còn sống ở quê nhà không bao giờ tôi quan tâm đến giá trị cũng như chẳng bao giờ tôi tìm hiểu về cội nguồn của chiếc áo. Giờ đây nhớ trời quê khi sống trên đất khách, tôi mới nhận được chân giá trị của chiếc áo và cảm thấy thật hãnh diện mỗi khi mặc, dù ngày xưa nơi quê nhà tôi đã từng mặc nó hằng bao nhiêu năm trời.

Nơi tôi định cư không có phép nghỉ lễ Tết Nguyên Đán hằng năm như ở quê nhà. Và những ngày Tết đến thường xảy ra trong tuần nên năm nào cũng vậy, nếu đi làm trong ngày mùng Một Tết tôi đều mặc áo dài. Đây là dịp mà những người bạn đồng nghiệp của tôi được dịp ngắm nghía và trầm trồ chiếc áo dài tôi đang mặc.

Nhớ một lần tôi phải đi tham dự một buổi họp lớn tổ chức tại hội trường của một khách sạn lớn nằm ven bờ biển Glenelg tại Adelaide, thành phố nơi tôi đang sống. Buổi sáng hôm ấy, thấy trời đẹp thế là tôi nẩy ý mặc áo dài. Tôi chọn chiếc áo màu tím thẫm. Khi đến nơi tôi định đậu trong nhà đậu xe của khách sạn. Nhưng nhìn thấy trời đẹp, nắng nhè nhẹ nên tôi đậu xe bên đường để được dịp đi bộ.

Vâng! Hôm ấy trời ban mai nắng dịu. Cái nắng của một ngày cuối hạ. Nắng thoi thóp không gay gắt như những tháng về trước lại có một chút gì hanh hanh của những ngày chớm thu. Từng sợi nắng đổ ngập lối đi, đổ dài trên tôi, tóc và áo. Gió ban mai gợn mùi nước biển thoảng nhẹ thổi về đẩy đưa hai tà áo nhẹ bay bay, để lộ chiếc quần sa tanh lụa trắng muốt. Tôi thanh thản bước đi trong nắng. Còn nắng quấn quít bên tôi theo từng bước chân ngập ngừng trên con đường đá dăm rệu rạo. Và đằng sau cặp kính râm, tôi chừng thấy được những đôi mắt tò mò, những gương mặt nhìn theo, những nụ cười cảm nhận. Khi tôi sắp đến nơi, một người đàn bà ‘tóc vàng’ đi ngược chiều dừng lại hỏi tôi với một cung cách nhã nhặn, lịch sự, bằng tiếng Anh,:
– Cô đi đám cưới phải không? . . . . Chiếc áo cô đang mặc đẹp quá. Rất lịch sự và rất đẹp.
Rồi bà đưa tay vuốt lớp vải mềm mịn trên cánh tay tôi. Tôi mỉm cười nhìn xuống chiếc áo tôi đang mặc. Chiếc áo dài màu tím than, đơn giản không trang hoàng sặc sỡ. Tôi lắc đầu trả lời:
– Tôi đi tham dự buổi khánh thành đổi tên của cơ quan Uniting Care.
Bà lập lại:
– Cái áo đẹp quá. Rất là lịch sự.
Rồi bà hỏi tiếp:
– Cô đến từ nước nào ?

Sau khi nghe tôi trả lời, người đàn bà lạ bên đường còn nấn ná hỏi thêm về văn hóa Việt, điều mà tôi rất hãnh diện để nói, để ca tụng mỗi khi có ai hỏi đến. Thấy không còn đủ thì giờ để lan man câu chuyện tôi chỉ nói sơ và xin lỗi khiếu từ bà khách lạ rồi vội vã bước đi. Khi đến cổng khách sạn tôi quay đầu nhìn lại. Người đàn bà ‘tóc vàng’ lạ mặt vẫn còn trông theo. Tôi cảm động và thấy vui trong lòng làm sao. Khi bước vào hội trường, rất nhiều cặp mắt hướng về phía tôi. Tôi đoán là họ đang ngưỡng mộ chiếc áo tôi đang mặc, chiếc áo mang tính chất truyền thống của dân tộc Việt. Điều đó làm tôi cảm thấy thật hãnh diện và thích thú.

Thật vậy, chiếc áo với phần trên ôm sát tấm thân thon thả của phụ nữ để hai tà bay lửng lơ cuốn quít theo làn gió trông thật thơ mộng, thật trữ tình đã là nguồn cảm hứng cho biết bao tâm hồn nghệ sĩ, phong phú hóa kho tàng thơ, văn, nhạc, họa, nhiếp ảnh trong nền văn học nghệ thuật Việt Nam như cố thi sĩ Nguyên Sa đã ngất ngây gửi hồn trong hai tà áo người tình:

Có phải em mang trên áo bay
hai phần gió thổi một phần mây
hay là em gói mây trong áo
rồi thở cho làn áo trắng bay ?
                         Nguyên Sa
                        (‘Tương Tư’)

Còn Nguyễn Tất Nhiên đã hãnh diện đề cao nét trang nhã, đài các của tà áo dài Việt Nam đáng là đại diện cho sắc phục phương đông.

Tháng giêng em áo dài trang nhã
Tỉnh lỵ còn nguyên nét Việt Nam
Đài các chân ngà ai bước khẽ
Quyện theo tà lụa cả phương đông
                         Nguyễn Tất Nhiên
                          (‘Tháng Giêng, Chim’)

Khoảng trời xanh với những mộng mơ lãng mạn ươm kín sách vở học trò cùng tà áo dài trắng trinh nguyên đã được biết bao tâm hồn thi nhân chở chuyên tâm sự như nhà thơ Luân Hoán đã một thời vướng mắc suy tư, để rồi dù dòng đời trôi chảy ông vẫn không quên những gì đã xảy ra nơi sân trường mắt biếc:

em có nhớ trong sân trường bữa ấy
giờ ra chơi em phơi nắng chiều đông
gió bấc khô làm đôi má se hồng
cùng chúng bạn em ngồi quanh gốc phượng
tà áo trắng xoè như đôi cánh lượn
trải dịu dàng trên cỏ mượt mà xanh
                          Luân Hoán
                         (‘Trong Sân Trường Bữa Ấy)

Và Bảo Cường cũng cùng một hoài niệm như Luân Hoán đã chắt chiu trong lòng bao kỷ niệm xa xưa của thời áo trắng:

Ngày xưa áo lụa tung bay
Tóc em theo gió vờn mây cuối trời
Trường Tiền áo trắng tinh khôi
Em nghiêng nón… giấu nụ cười làm duyên
                           Bảo Cường
                          (‘Áo trắng ngày xưa)

Trong khi Thanh Trắc Nguyễn Văn đã nhẹ nhàng trách hờn người yêu bé nhỏ của quãng đời học trò đã vội quên tháng ngày xưa cũ, quên con đường dẫn lối đến trường, tìm vui nơi bờ bến lạ.

Con đường xưa đi học
Hai đứa giờ hai nơi
Em theo người xứ la.
Anh lưu lạc phương trời.
Em quên thời áo trắng
Rơi nỗi buồn đâu đây
Con đường anh trở lại
Thăm thẳm một màu mây.
                         Thanh Trắc Nguyễn Văn
                        (‘Con đường xưa đi học’)

Thường khi nói đến tà áo trắng rất nhiều người nghĩ đến mái trường thân yêu, đến phấn bảng học trò, đến tiếng ve gọi hè sang, đến hàng phượng vĩ với những bông hoa trĩu nặng thắm đỏ sân trường. Và màu đồng phục cho nhiều trường trung học nữ ở Việt Nam thường là màu trắng. Nhưng cũng có một số ít trường chọn màu xanh. Và màu tím cũng được chiếu cố. Điển hình là trường Gia Long đã một thời mang tên là ‘Trường Nữ Sinh Áo Tím’ từ ngày thành lập vào năm 1915 cho đến 1952. Đến năm 1953, đồng phục áo dài tím được thay thế bằng chiếc áo trắng với phù hiệu của trường – đóa mai vàng – khâu lên trên áo.

Dù những tà áo dài trắng được ca ngợi nhiều trong thi văn thật sâu đậm nhưng điều này đã không làm xóa mờ nét dáng thanh dịu của tà áo dài xanh biêng biếc mà bao thi nhân, nhạc sĩ cũng đã hoà tiếng lòng của mình trong từng cõi thi tứ diệu vợi như nhà thơ Mường Mán đã thố lộ tâm tình khi nhớ về những ngày xưa cũ.

Mùa cốm xa rồi hương còn đây
Sâm cầm về đâu cánh nghiêng trời
Biếc xanh tà áo em qua ngõ
Gói cả sông hồ thương nhớ ai.
                        Mường Mán
                       (‘Với Xuân Hà Nộí)

Thử vòng quanh thế giới âm nhạc, qua những nhạc phẩm Áo Lụa Hà Đông (Ngô Thụy Miên), Ngàn Thu Áo Tím (Hoàng Trọng), Tà Áo Cưới (Hoàng Thi Thơ), Tà Áo Tím (Hoàng Nguyên), Tà Áo Trắng (Trần Ngọc Lân), Tà Áo Đêm Noel (Tuấn Lê), Tà Áo Em Bay (Nguyễn Dũng) v.v. chúng ta hẳn sẽ thấy một số nhạc sĩ đã chuyên chở lòng mình qua hình ảnh tà áo dài trong dòng nhạc của họ. Đặc biệt nhạc sĩ Đoàn Chuẫn đã đưa hình ảnh ‘tà áo xanh’ vào cung phím rất nhiều. Đối với nhạc sĩ, màu xanh biểu tượng cho những ước mơ, cho những đợi chờ, cho từng gợi nhớ chấp chới trong từng tiết điệu âm giai.

Anh mong chờ mùa Thu
Tà áo xanh nào về với giấc mơ
Mầu áo xanh là mầu Anh trót yêu
Người mơ không đến bao giờ
                      Đoàn Chuẩn- Từ Linh
                      (‘Thu Quyến Rũ’)

Với bao tà áo xanh, đây mùa thu,
Hoa lá tàn, hàng cây đứng hững hờ,
Lá vàng, từng cánh, rơi từng cánh,
Rơi xuống âm thầm trên đất xưa..
                     Đoàn Chuẩn-Từ Linh
                     ( ‘Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay’)

Em còn nhớ, anh nói rằng:
Khi nào em đến với anh,
Xin đừng quên chiếc áo xanh …
                      Đoàn Chuẩn- Từ Linh
                       (‘Tà Áo Xanh’)

Thật vậy, kể từ khi trôi giạt xứ người tôi mới thấy trân quý và lưu tâm đến giá trị của chiếc áo dài Việt Nam. Chiếc áo tiềm ẩn sắc thái quê hương mà những ngày còn lê lết ở mái trường Trung học tôi nào để ý đến. Ngày ấy, đã rất nhiều lần vì ham nhảy dây tôi đã cột vạt trước, vạt sau thành nắm tay để không bị vướng mắc lúc chơi nên bị cha Tổng Giám Thị quở phạt khi thấy tà áo của tôi nhăn nhúm trông thật thảm thương lúc đứng chào cờ.

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Banmaihong's Blog

Nơi Đây Nắng Ban Mai Hồng Reo Vui

Blog Chuyên Anh

Nurturing Language Talents