• Bài viết mới

  • Thư viện

  • Chuyên mục

  • Tag

  • Join 905 other subscribers
  • Bài viết mới

  • Blog – theo dõi

  • Enter your email address to follow this blog and receive notifications of new posts by email.

    Join 905 other subscribers

Kỹ Thuật Chăm Sóc Lan

 photo Ma3030nKhai_zps14a50f66.jpg
  Lan Cattleya – Ảnh Huỳnh Huệ

**

Cũng như mọi loài cây cỏ khác, bất cứ một giống lan nào cũng cần trải qua những giai đoạn cần thiết để trưởng thành và ra hoa. Hiểu biết, tôn trọng những giai đoạn này cây lan sẽ cho chúng ta những bông hoa đẹp.

kỹ thuật chăm sóc lan

Mọc mầm

Thông thường vào mùa Xuân, đa số cây lan đều bắt đầu nhú mầm. Tuỳ theo loài, theo giống, các mầm non này có thể mọc sau khi hoa vừa tàn như những loài Cymbidium, Dendrobium, Cattleya v.v… Lúc này việc tưới nước bón phân chưa cần thiết, vì mầm cây còn do cây mẹ nuôi dưỡng, chỉ cần giữ cho cây khỏi bị lạnh lẽo và úng nước. Hãy để cây ở chỗ ấm áp, có một chút nắng sớm, độ ẩm vừa phải 40-50%, không có gió mạnh và coi chừng ốc sên có vỏ hay không và rệp.

Khi cây non mọc rễ chừng 3-4 phân, bắt đầu tưới nước chút đỉnh. Vào lúc này có thể thay chậu, chia cành, cắt nhánh. Không nên tưới nước quá nhiều, nhất là đừng tưới vào ngọn cây non, nếu đọng nước sẽ bị thối ngọn. Nên nhớ rằng nếu thiếu nước rễ sẽ mọc dài đi tìm nước, nếu có sẵn nước, rễ sẽ không chịu mọc ra. Nhiều cây lan ra cây con rất chậm, nhưng nếu quá chậm thí dụ như Cymbidium, hay các cây lan ra hoa vào mùa Xuân, nếu cây con mọc vào tháng 6-7 khó lòng có hoa trong mùa Xuân tới.

Trưởng thành

Giai đoạn này thường vào cuối Xuân và suốt mùa Hạ, tức là khi mầm non đã cao khoảng 10-15 phân và rễ đã dài trên 5 phân. Lúc này lan cần nóng, nắng, ẩm, nước và phân.

• Nhiệt độ tối thiểu khoảng 60-65°F (15-26°C) cho ban đêm và không quá 85°F (27°C) cho ban ngày.

• Ánh nắng vừa phải không quá gắt gao.

• Ẩm độ 50-70 %

Tưới nước mỗi tuần 1-2 lần tuỳ theo nhiệt độ lên cao hay xuống thấp. Nắng to và nóng nực trên 85°F hay 27°C tưới 2-3 lần một tuần, còn thấp hơn, nên tưới mỗi tuần một lần là đủ. Nên nhớ: lan cần ẩm nhưng không thích bị ướt rễ liên miên.

Khi cây đã mọc mạnh, trời lại nóng nực nên tưới cho thật đẫm, không nên tưới mỗi ngày một chút, tưới như vậy rễ cây sẽ bị đọng muối có sẵn trong nước và phân bón làm chết rễ. Nếu nhiệt độ trên 90°F (32°C) cần tưới hàng ngày hoặc cách một ngày.

Những giống có rễ phụ mọc ra ngoài như Vanda, Aerides cần tưới cho đến khi rễ đổi thành mầu xanh có đốm trắng.

• Các loài như: Cymbidium, Miltonia,Odontoglossum, Paphiopedilum, Phalaenopsis, Miltonia, Stanhopea cần luôn luôn ẩm rễ nhưng không phải lúc nào cũng sũng nước.

• Các loài như: Brassia, Cattleya, Dendrobium và Oncidium cần để khô rồi mới tưới nhưng đừng để quá khô.

• Các loài như: Ascocenda, Vanda cần phải tưới hàng ngày hoặc mỗi ngày vài lần, nhưng cũng nên để khô rễ mới tưới. Thay vì tưới nước liên miên, nên tăng độ ẩm lên trên 60% bằng cách tưới đẫm dưới đất, hoặc phun sương, nhưng đừng phun trên cây lá mà phun ở dưới đất cho hơi ẩm bốc lên. Nên tưới vào khi mặt trời đã lặn, tránh tưới từ 10 giờ sáng đến 5 giờ chiều, tưới vào lúc này nước sẽ bị mặt trời hâm nóng có hại cho cây.

Bón phân, giai đoạn này lan cần phân bón nhưng nên bón với liều lượng rất nhẹ chỉ cần 1/4 hay 1/2 một thìa cà phê gạt cho 4 lít nước. Nên dùng phân có chỉ số của nhóm đầu cao hơn các nhóm sau như 30-10-10 chẳng hạn, để giúp cho cây mọc mạnh, nếu có ít cây có thể dùng 20-20-20 cũng được. Chỉ số càng cao phân bón càng mạnh, thí dụ 30-10-10 mạnh hơn 7-1-1 gấp 4 lần.

Nên nhớ câu: Weekly and Weekly tức là thật loãng và bón hàng tuần, ngoại trừ các loài như Vanda, Mokara v.v… Bón ít phân, cây không chết, nhưng nếu bón nhiều cây sẽ không ra hoa và sẽ chết.
 photo DSC06100_zps0e9a4f1a.jpg

Ảnh :  Huỳnh Huệ

Ngủ nghỉ

Khi cây không còn tăng trưởng, đây là giai đoạn ngủ nghỉ, lan chuẩn bị ra hoa. Nếu bị sáo trộn lan sẽ không ra hoa. Thời gian này có thể là vài ba tháng, và thường vào Thu-Đông, bắt đầu bằng những cơn gió lạnh. Ban đêm nhiệt độ dần dần hạ xuống dưới 60°F, rồi 50°F hay thấp hơn nữa. Vài loài lan bắt đầu rụng lá, như phần đông giống Dendrobium, những cây xanh lá quanh năm như Aerides (Giáng hương), Rhynchostylis (Ngọc điểm) cũng không còn ra thêm lá, mọc thêm rễ.

Cây không tăng trưởng, không mọc rễ cho nên không cần nhiều nước như mùa hè. Nắng dịu đi, nhiệt độ ban ngày cũng hạ xuống cho nên không cần loại phân bón giúp cho cây lá tăng trưởng nữa như 30-10-10 mà cần đổi sang loại giúp cho hoa như 10-30-20 hay mạnh hơn như 10-50-30. Nhiều người lạm dụng loại phân này cho nên sau mùa hoa, cây sẽ bị còi cọc và chết dần. Tóm lai vào giai đoạn này, thường vào tháng 9 dương lịch chúng ta nên đổi phân bón, tưới nước thưa đi mỗi tuần một lần. Vào mùa Đông sẽ tưới 2 tuần hoặc 1 tháng một lần và không bón phân.

Mùa Đông khi nhiệt độ ban đêm xuống dưới 50°F (10°C) tránh cho cây bị ướt để khỏi bị thối rễ và có đốm trên lá. Lúc này chỉ tưới mỗi tháng một lần và tưới vào ban ngày khi nhiệt độ trên 60°F (16°C). Nếu giai đoạn này vẫn tưới nước và bón phân có chỉ số Nitrogene cao như 30-10-10 cây lan sẽ khó lòng ra hoa, các giống Dendrobium sẽ ra cây con (keiki) thay vì ra hoa.

Thời gian này thay vì tưới nước nên phun sương để giữ hơi ẩm khoảng 40% cho cây khỏi bị teo tóp lại.

Ngoài trừ một số ít, cuối mùa Đông là thời kỳ lan chuẩn bị ra nụ. Khi đó cây lan cần giữ cho độ ẩm đừng xuống quá thấp và đừng để rễ lan bị ướt. Các cây lan như Den. anosmum (Dã hạc), Den. nobile hay những cây có thân rũ nên treo dốc ngược.

Ra hoa

Vào mùa Xuân, khi cơn gió lạnh ngừng thổi, nắng Xuân mang theo hơi ấm, đa số cây lan bắt đầu nhú nụ trên thân cây già đã rụng lá hay từ năm trước. Lúc này cần phải đề phòng sự thay đổi bất chợt thái quá về nhiệt độ, ánh nắng và ẩm độ nhất là những khi có cơn gió Lào (VN) hay gió Santa Ana (California) đổ về làm cho thui hoa, chột nụ.

Những loài lan ra hoa cùng một lúc với cây non như Catassetum, Chysis, Cuitlauzina hay Coelogyne v.v… cũng chỉ nên tưới nước rất ít, khoảng mỗi tuần một lần mà không cần phân bón. Các cuộc nghiên cứu của trường Đại học: Iowa state University và Colorado State University, đều đồng ý như vậy.

Một số lan như: Cymbidium, Paphiopedilum và một số Dendrobium ban đêm cần phải lạnh dưới 50°F (10°C) mới ra hoa. Mặt khác nên nhớ lan nở theo mùa, ngoại trừ những cây đã được lai giống có thể nở khác mùa. Có những cây Cattleya ra bẹ hoa hay lưỡi mèo từ mùa Xuân, như Cattleya bowringiana nhưng mãi tới Thu mới nở hoa. Trái lại cây Cattleya skinerii cùng ra bẹ hoa một lượt và nở hoa ngay. Tuy nhiên lan có thể nở sớm hơn nếu nhiệt độ lên cao, hoăc chậm hơn nếu nhiệt độ xuống thấp.

 photo DSC05880_zps054c77d8.jpg
Lan Hồ Điệp – ảnh Huỳnh Huệ

Hoa tàn

Thông thường hoa sẽ tàn trong 2-3 tuần lễ, nhưng các loại: Cymbidium, Phalaenopsis có thể tới 2-3 tháng. Nhưng chúng ta không nên giữ hoa và để trong nhà quá lâu mà nên cắt bỏ hoa trước khi bắt đầu tàn. Như vậy cây sẽ cho thêm dò hoa mới như Phalaenopsis, Vanda v.v… hoặc cho nhiều cây con và cây non cũng khỏe mạnh hơn.

Giai đoạn này nên tưới rất ít, rất thưa gần như không tưới và không bón phân cho tới khi ra mầm mới tưới trở lại.

Nên nhớ trong giai đoạn này nếu để quá khô lan sẽ còi cọc, nhưng nếu tưới quá thường xuyên lan sẽ chết.

Trên đây là những điều căn bản, mong rằng các bạn sẽ lưu ý và thành công mỹ mãn.

——————————-

CHẾT MẦM VÀ HƯ RỄ

Một số người trồng lan thắc mắc:

– Vì sao các mầm lan đang lên tốt, đột nhiên thối đen ?

– Vì sao chậu lan đang tươi tốt, ra hoa, sau đó nhanh chóng chết cả cụm rễ, thối gốc ?

Có nhiều nguyên nhân gây chết mầm, hư rễ thối gốc. Qua việc xem xét vài vườn lan có hiện tượng trên, tôi thấy có vài nguyên nhân cơ bản.

Đa số phong lan là loài tự dưỡng. Nhiều loài có cơ chế hô hấp từ lá, thân và rễ. Vì vậy, các bộ phận cây phải luôn luôn được thoáng, kể cả bộ rễ, cần tiếp xúc với oxy và một mức độ ánh sáng. Nếu bộ rễ thường xuyên bị ẩn nén trong chất trồng đặc kín thì có thể dẫn đến các trình trạng sau đây:

– Không được tiếp xúc với oxy, làm hạn chế các biến dưỡng ở bộ rễ, dẫn đến giảm thế năng hút nước, các chất dinh dưỡng và khoáng;

– Lớp nước liên tục ứ đọng trong chất trồng, cùng với lớp mùn rã, phân bón lên ***, làm cho pH giảm (độ chua tăng cao). Bản thân bộ rễ bị giảm liên tục trong môi trường kỵ khí cũng sinh ***, càng thêm tác động gây hại.

Do rễ không hấp thu được oxy, hạn chế việc hút các chất dinh dưỡng và khoáng, nên không tạo đủ năng lượng, làm giảm hoặc mất chức năng biến dưỡng, độ axit của tế bào chất tăng lên, làm chết tế bào, đặc biệt nhanh là các tế bào rễ và mầm cây.

Nguyên nhân đi cùng là việc bón phân không đúng cách. Cùng với chất trồng dày đặc, việc bón quá nhiều phân, phân không sạch cũng góp phần làm chết rễ và mầm cây.

Trong một số sách hướng dẫn trồng lan, có nói đến việc dùng nước xả rửa cây lan sau vài tiếng đồng hồ tưới phân. Đây là việc nên làm nhất là với một số loại phân NPK + chất khoáng. Loại phân này lúc mới các chất dễ hòa tan, để quá lâu có thể có vài chất hóa cặn. Nếu tưới phân có cặn mà không rửa, khi nước trong dung dịch phân bay hơi, để lại lớp cặn phủ kín khí khổng và lớp cutin trên lá, các kẽ hỡ của mầm non, làm cây giảm hoặc suy yếu, mầm dễ chết.

Nước tiểu, phân động vật, xác bã động vật ngâm ủ đúng cách (kỵ khí – vô trùng) là loại phân cung cấp nhiều dinh dưỡng cho cây lan. Nó cũng dễ gây hại nếu ngâm, ủ không đúng cách; lọc, khử trùng không kỹ. Nhưng dù có hoai sạch thì nó cũng là loại phân dễ tạo nên môi trường thuận lợi cho các loài vi sinh vật có hại, dễ gây nhiều loại bệnh cho cây. Loại phân này xử lý không kỹ, khi vào trong chất trồng dày đặc, cùng với việc tạo nên lớp cặn bao kín bộ rễ, nó còn góp phần tăng nhanh độ chua.

Chất trồng có độ chua cao liên quan đến sự hòa tan của CO2. Khi CO2 thừa trong dung dịch, nó ảnh hưởng đến sự hút các Cation Mg + +, Ca + +, Fe++… Ngược lại, các nguyên tố Al, Mn… có chứa trong chất trồng lại bị hấp thu nhiều, gây độc hại cho cây.

Dùng các loại phân nói trên, sau khi tưới vài tiếng đồng hồ, phải rửa cho trôi sạch, nhưng với chất trồng dày đặc thì việc rửa phân là rất khó.

Để ngăn ngừa sự thối rễ, hư mầm, cùng với việc tưới nước đúng cách, dùng phân hợp lý, tạo độ ẩm, ánh sáng và nhiệt độ thích hợp … trước hết, chất trồng phải sạch, thoáng. Tránh để bộ rễ vùi kín trong môi trường thiếu oxy và ngâm nước quá lâu; tránh để các loại cặn, rêu bao kín rễ.

Trên đây chỉ là một phần trong số nhiều nguyên nhân gây hư rễ, chết mầm, thối gốc… Chỉ cần một tổn thương nhỏ ở rễ, mầm cây, thân, lá vào đúng lúc môi trường bị nhiễm trùng, nhiễm khuẩn, thì rất dễ trở thành bệnh cho cả cây lan. Không thể coi thường các động vật như kiến, gián, chuột…, ngoài việc gặm tổn thương rễ và mầm lan, chúng còn là tác nhân vận chuyển vi sinh vật gây bệnh. Động vật lớn như rắn mối, cắc kè tuy bắt sâu bọ, nhưng chúng chạy nhảy có thể làm tổn thương cây lan. Có trường hợp chất thải đặc của rắn mối làm hư rễ và mầm lan.

——————————-

CHĂM SÓC HOA LAN SAU KHI Mua về chơi —> Tàn hoa, cắt hoa

Cây hoa lan sau khi tàn hoa cần có chế độ chăm sóc đặc biệt:

– Sau khi trổ hoa cây hoa lan mất rất nhiều sức lực, việc chăm sóc và dinh dưỡng đúng mức sẽ giúp cây lan mau hồi phục sức khoẻ, tiếp tục tăng trưởng tạo điều kiện cho lần ra hoa sau thêm tốt đẹp.

– Sau khi trổ hoa điều đầu tiên chúng ta cần quan tâm là làm sao cho cây lan nhanh chóng tăng trưởng trở lại, dấu hiệu đầu tiên dễ quan sát nhất là sự phát triển rễ mới, làm sao cho cây lan ra rễ mới càng nhanh là tiền đề cần quan tâm, rễ mới càng nhiều tạo điều kiện cho sự hấp thu nước và chất dinh dưỡng dễ dàng, đưa cây lan mau chóng trở về trạng thái phục hồi tăng trưởng.

– Sau khi trổ hoa chúng ta nên đưa cây lan vào một chỗ thoáng mát, có nắng sáng, tốt nhất là có ánh sáng tới 9 giờ mà thôi(sau đó nên qua lưới che hay mái che)
+sau đó quan sát cây lan nếu thấy chậu quá ẩm ướt thì phải để chậu khô ráo hẳn từ một đến hai ngày mới tưới nước lại, điều này đặc biệt quan trọng với những cây lan mới mua về hay được cho tặng. Nên nhớ sau đó chỉ tưới nước không được pha thêm phân vào nước tưới, chỉ tưới phân khi có dấu hệu tăng trưởng trở lại (ra rễ bám vào chậu).

– Để cây lan nhanh chóng ra rễ mới lần tưới nước đầu tiên nên pha thêm B1 thái có chứa kích thích tố NAA, ANA…(NỒNG ĐỘ 0, 5cc/1lít nước) hoặc atonik cũng được, sau đó tùy điều kiện nơi mình trồng lan mà tưới nước lại sao cho đảm bảo đủ nước mà không gây úng nước làm hư rễ (chờ khô chậu hãy tưới lại, thời gian khô chậu tùy chỗ nuôi trồng cụ thể).

– Thông thường ở miền nam, mùa nắng tưới nước từ một đến hai lần vào buổi sáng sớm và chiều mát, tưới phun sương qua lại vài lần cho vừa thấm nước hoặc cũng có thể tưới đẫm như mưa rào sao cho thấm nước toàn bộ chậu lan, chỉ tưới lại khi khô đáy chậu và rễ khô trắng bề mặt (có thời gian khô chậu giúp cho rễ phát triển rất nhanh, điều này đặc biệt quan trọng với cattleya và dendrobium, với hồ điệp không có giả hành dự trữ nước thì thời gian khô chậu không cần quá lâu, với hồ điệp có thể tưới nước hai ba lần/ngày thậm chí có thể hơn nếu thời gian khô chậu quá nhanh, do hồ điệp trồng lại ít bị sốc hơn cattleya và dendrobium.

– Mùa mưa ở miền nam thì sau khi tưới lan ta phải quan sát khi nào khô chậu mới tưới lại, thời gian này tùy thuộc vào nơi bạn trồng lan, có chỗ hai ba ngày có khi cả tuần, mười ngày thậm chí cả tháng mới khô chậu.
– Tùy theo thời gian khô chậu lúc nào ta tưới lại lúc đó, riêng với những cây lan trồng trên cao, thời gian khô chậu có khi rất nhanh, thì thời gian tưới lại gần hơn, các bạn phải nhớ rằng cung cấp nước mỗi ngày bất kể khô chậu hay chưa là cách giết cây lan chúng ta nhanh nhất.

Lý do :là cây lan do dư nước sẽ không ra rễ mới được, độ ẩm trong chậu ngày càng tăng cao, nước dư làm úng rễ, chết rễ, lan úng thối là chết lan.

– Trung bình cứ ba lần tưới nước thêm một lần nước tưới có B1 thái cho đến khi ra rễ mới, thì lúc đó chỉ cần thêm một lần tưới nước có pha B1 là đủ, sau đó cứ một tháng một lần mới cần pha thêm B1 vào nước tưới, tuy nhiên các bạn phải nhớ thêm nếu thấy cây lan phát triển quá mềm yếu thì có thể tạm ngưng thuốc kích thích tăng trưởng, nếu rễ đã bám chậu có thể dùng N, P, K nồng độ P, K cao hơn 20-20-20 hay 15-30-15 hay 6-30-30 tưới tăng cường cho cây cứng cáp lại khi cây ra rễ mới bám vào chậu là ta có thể yên tâm tưới phân bình thường như những cây lan khác, có thể tưới 3-4 lần 30-10-10 thì một lần 15-30-15 hay 20-20-20 sau đó thêm một lần phân hữu cơ (phân hữu cơ chỉ nên tưới gốc)

– Chú ý việc tưới loại phân nào còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, cơ bản là cây non xanh, phát triển mềm yếu, lá dài bản mỏng thì có thể dư đạm hay dư thuốc kích thích tăng trưởng, thì tăng lượng phân có P, K cao còn cây xanh đậm quá cứng là có thể dư lân hay kali thì phải tăng số lần tưới 30-10-10 lên.

– Chú ý đối với cây lan sau khi ra hoa mà cây còn quá nhỏ, ta có thể tưới 30-10-10 nhiều lần hơn cho cây nhanh ra lá, mau phục hồi tăng trưởng.

– Nếu không thích tưới phân nhiều lần có thể mua phân tan chậm nồng độ thấp cho vào chậu, tiếp theo tùy tình hình bổ sung thêm phân cho lan

– đối với những cây hồ điệp quá bé chỉ có ba bốn lá nhưng khá nhiều hoa(hơn 10 hoa) khả năng là bị kích hoa dữ dội từ nhà vườn, nếu muốn chơi tiếp, trồng lâu dài các bạn chỉ nên ngắm hoa vài ngày rồi bỏ hoa đi, nếu để tới tàn thì khó lòng nuôi sống tiếp vì cây coi như hết nhựa sống, có sống cũng èo uột khó nuôi.

Bài viết từ :  http://thegioilan.com/ky-thuat-cham-soc-lan.html

 

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Banmaihong's Blog

Nơi Đây Nắng Ban Mai Hồng Reo Vui

Blog Chuyên Anh

Nurturing Language Talents