
Xuân về, nhấp ly rượu đào, mấy ai nghĩ đến sự chuyển vận của Đất Trời, giao hòa của thời tiết để rồi bâng khuâng nhớ đến chất men nồng huyền diệu của người xưa đã khai sinh ra nó.
Nhất là phong tục Vietnam, Rượu đi đầu trong chữ Lễ, trong 3 ngày Tết.
Lịch sử của Rượu có lẽ cũng lâu đời và huyền hoặc không kém so với sự xuất hiện của loài người.
Trong Hán thư có câu: “Rượu là lộc hậu của trời ban. Bậc đế vương dùng rượu để di dưỡng thiên hạ, dùng vào việc cúng tế cầu phúc. Rượu còn để giúp người khí huyết suy vi điều dưỡng kẻ có tật bệnh. Tất cả các cơ thể giao thông được là nhờ ở rượu”. Cổ nhân cũng nói vua Nghiêu vua Thuấn uống ngàn chung, đức Khổng Tử uống trăm hộc. Thầy Tử Lộ uống liên miên.
Ngoài ra, trong một số Tôn giáo coi Rượu như một tế phẩm cần phải có khi dâng lên các đấng thần linh lúc cầu nguyện. Người Việt chúng ta, lúc cúng giỗ ông bà cũng lấy Rượu là một vật phẩm dâng cúng. Ngày Tết mời nhau Ly rượu lại càng không thể thiếu…
Ngay Thiên chúa giáo, trong Buổi Tiệc Cuối Cùng (The Last Supper), Chúa Jesus như nhắn nhủ 13 Tông đồ bằng ẩn dụ khi ám chỉ “Rượu này là máu ta, Bánh này là thịt xương ta” để ngày nay theo như Phúc Âm mỗi lần con cháu Chúa tiếp nhận Rượu thánh, Bánh thánh sẽ ngầm hiểu rằng Chúa đang hiện diện trong mình.
Văn học sử Trung Hoa và Việt Nam, cũng vì thú của “hơi men” nên đã lưu lại cho hậu thế nhiều chuyện truyền kỳ thích thú.
Văn học Viet Nam ta, bị ảnh hưởng của Nho gia cả ngàn năm Bắc thuộc, nên nói đến Rượu trong Văn học không thể không nghĩ đến Lý Bạch (701-762), với bài thơ lưu truyền nổi tiếng “Tương Tiến Tửu”, mà theo Dương Quảng Hàm, ông là một thi sĩ có thiên tài khác thường, rất ưa rượu, uống rượu vào là thơ ra, nên đương thời cho ông là một Thi sĩ ca tụng thần rượu.
Bạch Cư Dị ( 772-846, cùng thời và nổi tiếng như Lý Bạch và Đỗ Phủ), Vua tuy trọng, chứ cũng không ưa, thành thử hoạn đồ của ông cũng long đong, có lần bị biếm làm Giang châu Tư mã, về già tuy làm chức Hình bộ thượng thư, nhưng chẳng được giao cho trách nhiệm gì cả. Vì không toại ý, nên về già ông sinh chán đời, nghiên cứu đạo Phật, giao du với một vị tăng ở Hương Sơn, (Hương Sơn cư sĩ), suốt ngày ngâm thơ, uống rượu, người đời gọi là Túy ngâm tiên sinh. Có lần Ông ngâm bài thơ “Vịnh hoài”, ngâm xong tủm tỉm cười, rồi nhắc vò rót rượu, uống vài chén cho say tít cù lỳ. Say rồi lại tỉnh, tỉnh rồi lại ngâm, ngâm rồi lại uống, uống rồi lại say; say với ngâm cứ lần lượt mà theo nhau. Bởi thế Ông xem cuộc đời như giấc mộng, coi phú quý như đám mây bay, chớp mắt trăm năm… Bấy giờ là năm Khai Thành thứ ba, Ông đã sáu mươi bảy tuổi, râu đã bạc, đầu hói một nửa, răng khuyết hai chiếc, mà cái vui trong thơ tửu vẫn chưa say.
Ngảnh lại bảo vợ con rằng:
“Mình ta từ nay về trước sướng rồi, còn cái mình ta từ nay về sau chưa biết vui thế nào nữa.”
(PHAN KẾ BÍNH dịch – Việt Hán văn khảo – Nam Ký 1938)
ĐỖ PHỦ, tự Tử Mỹ, xưng là Thiếu-lăng Dã-lão, thi Tiến sĩ không đỗ, làm Quan thời Đường Minh Hoàng. Sau cuộc loạn An Lộc Sơn, vua Túc Tôn cho làm chức Tả thập di, rồi bỏ quan về nhà. Sau theo Nghiêm Vũ sang đất Thục, làm chức Viên-ngoại-công. Trong ba người nổi tiếng thơ, hầu như Đỗ Phủ ít ca tụng rượu như Lý Bạch và Bạch Cư Dị, nhưng ông lại chết vì… say rượu.
Chỉ có vài bài thơ của ông đề cập đến chất men nồng, như trong “Ngày Xuân nhớ Lý Bạch”:
“Bao giờ rượu ngọc một bình,
“Cùng nhau ta uống, bàn rành văn thơ
Chỉ trong bài “Lạc nhật”, có lẽ Đỗ Phủ mới thấm thía cái thần diệu “lãng quên đời” của thần ma men:
“Rượu kia ai chế ra mày
“Uống xong một cuộc tan ngay nghìn sầu.
Còn Lưu Linh sống vào đời Tấn, tự Nguyễn Lãng, tên chữ là Bá Luân, một trong bảy ông hiền ở Trúc Lâm, một tay phóng lãng theo đạo Lão, rất thích rượu, vợ con can mà chẳng bao giờ nghe, được tặng là Túy Thánh. Có làm bài Tửu đức Tụng.
Rượu trong Văn Học Vietnam:
Người Việt chịu ảnh hưởng của Nho gia, nên kẻ có học ngày xưa được coi thuộc dân lịch lãm thời phải biết uống rượu, làm thơ, đánh đàn, chơi cờ (cầm, kỳ, thi, tửu)… Uống rượu nhiều được phong tặng là đệ tử Lưu Linh. Chính vì vậy mà các nhà Văn, nhà Thơ trước đây của chúng ta thường có những bài nhuốm mùi men Rượu là thế.
Sử Việt đề cập chuyện vua Đinh Tiên Hoàng vì say rượu bị Đỗ Thích ám sát lúc đang ngủ. Con trai lớn là Đinh Liễn cũng bị giết vào lúc đó.
Phan Kế Bính tả “Phong cảnh Kiếp Bạc” nơi Hưng Đạo vương Trần quốc Tuấn khi về trí sĩ, ngài danh tướng cũng thi tửu như mọi kẻ sĩ thời xưa:
“Đại vương khi nhàn rê trượng trúc,
“Theo sau một vài gã tiểu đồng.
“Khi đeo bầu rượu qua sườn núi,
“Lúc dạo cung đàn bơi giữa dòng”
Nguyễn Khuyến thường mượn Rượu nói dùm mình:
“Câu thơ được chửa, thưa rằng được.
“Chén rượu say rồi nói chửa say.
“Kẻ ở trên đời lo lắng cả,
“Nghĩ ra ông sợ cái ông này.”
(Cảm hứng 1)
“Hé miệng nói ra gàn bát sách,
“Mềm môi chén mãi tít cung thang.”
(Tự trào)
“Những lúc say sưa cũng muốn chừa,
“Muốn chừa nhưng tính lại hay ưa.
“Hay ưa nên nỗi không chừa được,
“Chừa được nhưng mà cũng chẳng chừa.”
(Chừa rượu)
“Rượu ngon đến bữa nghiêng bầu giốc
“Chữ dại đầu năm sổ túi ra.
(Xuân hứng)
“Khi buồn chén rượu say không biết
“Ngửa mặt lờ mờ ngọn núi xa
(Túy cảm)
“Thơ Lý ngâm nga khi mở quyển
“Đàn Nha tình tính lúc lần dây
“Đem cờ vua Thích vui bè bạn
“Mượn chén ông Lưu học tỉnh say
(Nhân sinh thích chí)
“Lúc hứng đánh thêm ba chén rượu
“Khi buồn ngâm láo một câu thơ
(Lão cảm)
“Nghĩ đời mà lại chán cho đời
“Co cóp làm sao được với trời
“Chép miệng lớn đầu to cái dại
“Phờ râu chịu đấm mất phần xôi
“Được thua hơn kém lưng hồ rượu
“Hay dở khen chê một trận cười
“Dựa gối bên mành toan hóa bướm
“Gió thu lạnh lẽo lá vông rơi
(Ngẫu hứng)
“Mùi thế thử chơi không chếnh choáng
“Giọng tình mới nhắp chửa say sưa
(Tặng bạn mở ty rượu)
“Chén chú chén anh chén tôi chén bác
“Cuộc tỉnh say say tỉnh một vài câu
(Hỏi ông phỗng đá)
Với Dương Khuê thì hơi rượu trong thơ ông thoang thoảng trong vài nơi chứ không đậm nồng như ở các bài phong tình.
“Thức hay ngủ cớ sao nằm vậy
“Hãy tung màn gượng dậy làm vui
“Tiện đây hỏi một đôi lời
“Lòng chiều khách đã xuôi xuôi thế chửa
“Đàn cầm sắt gẩy chơi lúc nữa
“Rượu hồng hoa còn chứa nữa hay không
“Nàng vâng xin cũng chiều lòng
(Thăm cô đào ốm)
“Thú tiêu sầu rượu rót thơ đề
“Có yến yến hường hường thời mới thú
(Tài tình)
“Rượu một bầu thơ ngâm một túi
“Góp gió trăng làm bạn với non sông
(Chơi trăng)
Nói đến rượu mà quên đề cập đến Phạm Thái kể như là một thiếu sót đáng kể. Phạm Thái hiệu là Đan Phượng, thường gọi là Chiêu Lỳ, người mà Khái Hưng cảm khái viết ra truyện “Tiêu Sơn tráng sĩ”, một trang Anh hùng có thể chết vì ánh mắt giai nhân Trương Quỳnh Như. Khi nhà Tây Sơn ra đánh Bắc Hà, Phạm Thái bỏ đi tu, lấy hiệu là Phổ Chiêu thiền sư. Phạm Thái sinh thời, rất thích Rượu và sính Thơ nhưng lại có tính ngông:
“Có ai muốn biết tuổi tên gì,
“Vừa chẵn ba mươi gọi chú Lỳ,
“Năm bảy bài thơ gầy gối hạc.
“Một vài đứa trẻ béo răng nghê.
“Tranh vờn sơn thủy màu nhem nhuốc,
“Bầu dốc kiền khôn giọng bét be,
“Miễn được ngày nào cho sướng kiếp,
“Sống thì nuôi lấy, chết chôn đi.
(Tự trào)
“Một tập thơ sầu ngâm đã chán
“Vài be rượu nhạt uống ra gì
“Thôi về tiên phật cho xong kiếp
“Đù ỏa trần gian sống mãi chi?
(Cảm thán)
Nhưng bài sau đây có lẽ biểu lộ tính ngông trần đời của Chiêu Lỳ hơn hết:
“Sống ở trần gian đánh chén nhè
“Chết về âm phủ cắp kè kè
“Diêm vương phán hỏi mang gì đó:
“- Be! “
Khi Quỳnh Như không còn ở cõi đời, Phạm Thái có làm bài thơ khóc giai nhân:
“Buồn đốt lò vàng hương nhạt khói
“Sầu châm chén ngọc rượu không hơi
“……………………………
“Oanh ru bên trướng giấc hoa nồng
“Say tỉnh hồn mai nhớ lại mong”
Nhà thơ họ Phạm cũng chẳng ở cõi đời lâu. Ông chết lúc 35 tuổi.
Còn Trần Tế Xương, ông Tú đất Vị Xuyên, trong bài “Ngẫu hứng”, cũng không kém đệ tử Lưu Linh:
“Được tiền thì mua rượu,
“Ruợu say rồi cỡi trâu.
“Cỡi trâu thế mà vững,
“Có ngã cũng không đau.”
(Ngẫu hứng)
hay ngậm ngùi cho sự Bất đắc chí của ông trong bài “Say rượu”:
“Đời này thực tỉnh những ai đây?
“Ai tỉnh cho ta chịu tiếng say.
“Buồn ruột cho nên men phải nhấp,
“Dở mồm nào biết giọng là cay.
“Bạn cùng quỉ dẫy chi cho bận,
“Vui với ma men thế cũng hay.
“Ngất ngưởng hai tay vơ đũa chén,
“Đố ai đã được cái say này.
Nhưng dẹp nỗi buồn bất chí mà vẫn đeo đuổi mộng nam nhi, có lẽ không thi nhân nào sánh được với Nguyễn công Trứ (1778-1859). Cuộc đời “lên voi xuống chó” của nhà Thơ và cái hùng tâm của Uy Viễn tướng công là một gương sáng cho hậu thế, nhưng không thiếu hơi hám của Rượu trong Thơ:
“Thơ một túi, phẩm đề câu nguyệt lộ
“Rượu ba chung, tiêu sái cuộc yên hà
(Cầm kỳ thi tửu)
“Trời đất cho ta một cái tài,
“Giắt lưng dành để tháng ngày chơi.
“Dở duyên với rượu không từ chén,
“Trót nợ cùng thơ phải chuốt lời.
“Cờ sẵn bàn sơn, xe ngựa đó,
“Đàn còn phím trúc, tính tình dây.
“Ai say, ai tỉnh, ai thua được,
“Ta mặc ta, mà ai, mặc ai.
(Cầm kỳ thi tửu)
“Lưng bầu rượu say cổ kim kim cổ
“Một túi thơ vui hoa nguyệt nguyệt hoa
(Kiếp nhân sinh)
“Hẹn với lợi danh ba chén rượu
“Vui cùng phong nguyệt một bầu thơ
(Thoát vòng danh lợi)
“Trót đà khuya sớm với ma men,
“Mặc kệ người chê, mặc kệ khen.
“Ngó lại hàng rào hương cúc lộn,
“Trông ra cửa sổ bóng trăng chen.
“Vào vòng cương tỏa chân không vướng,
“Tới cuộc trần ai, áo chẳng hoen.
“Cứ những ai hay tình thú ấy,
“Có chăng Bành trạch với Thanh Liên.
(Uống rượu tự vịnh)
Chu Thần Cao Bá Quát, đất Bắc Ninh, đỗ Cử nhân năm Minh Mệnh 12, làm Giáo thụ ở Quốc Oai (Sơn Tây) , nổi tiếng văn hay chữ tốt, đến Vua Tự Đức phải ca tụng “Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán” song không được đắc dụng vì kiêu ngạo khác đời. Năm Tự Đức thứ 8 (1854) theo Lê duy Cự làm phản, bị bắt và xử tử.
Sinh thời Ông vì bất mãn cuộc đời, yếm thế nên ông mượn thơ, uống rượu mà ca tụng cảnh nhàn:
“Ba vạn sáu nghìn ngày là mấy,
“Cảnh phù du trông thấy cũng nực cười
“Thôi công đâu chuốc lấy sự đời
“Tiêu khiển một vài chung lếu láo.
“Đoạn tống nhất sinh duy hữu tửu,
“Trầm tư bách kế bất như nhàn
Sang đến thế kỷ 20, Việt Nam ta có một số thi sĩ nổi danh đã coi rượu như một người tình không thể thiếu, trong đó có Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu.
“Rượu thơ mình lại với mình,
“Khi vui quên cả cái hình phù du.
“Trăm năm thơ túi rượu vò.
“Nghìn năm thi sĩ tửu đồ là ai?
(Còn chơi)
“Công danh sự nghiệp mặc đời
“Bên thời be rượu, bên thời bài thơ.
(Tản Đà xuân sắc, 1953)
Nhà thơ núi Tản sông Đà yêu văn chương lẫn rượu nồng đến nỗi người bạn Tú Mỡ Hồ trọng Hiếu phải làm thơ nói về ông:
“Từ khi Hiếu xuất thế,
“Vẫn nhớ cảnh thiên tiên:
“Bữa cơm thường phải rượu,
“Nhưng túi lại rỗng tiền.
*
“Liền xoay nghề văn chương,
“Viết bừa bán phố phường.
“Thơ chạy tha hồ uống,
“Say khướt suốt đêm trường.
*
“Rượu ngon thức nhắm ngon.
“Giọng văn lại càng giòn;
“Khối tình con, tình lớn,
“Giấc (mộng) lớn, mộng con.
(Trời đày Nguyễn Khắc Hiếu – Giòng nước ngược I)
Nhưng để công bằng với bạn, Tú Mỡ cũng “nói xấu” về mình:
“Có một anh,
“Biếng lười như hủi.
“Cờ bạc như tinh,
“Rượu chè như quỉ.
“Trai gái như ranh.
(Xoay hòn đất)
“Tom chát quanh năm vài bốn bận,
“Say sưa mỗi tháng một đôi ngày
“Tính vui trò chuyện cười như phá,
“Lòng thẳng căm hờn nói toạc ngay
(Tự thuật)
Riêng Hàn Mặc Tử mô tả hơi rượu trong thơ rất khác đời, cho ta cái cảm giác của một khúc phim kinh dị quái đản:
“A ha hả! say sưa chê chán đã
“Ta là ta hay không phải là ta?
“Có gì đâu, cả thể với cao xa,
“Như cội rễ của trăm nguồn đạo hạnh.
“Hớp rượu mạnh, máu càng hăng sức mạnh.
“Ôi điên rồ! khoái lạc đến ngất ngư.
“Thương là thương lòng mình giận chưa nư
“Hồn vội thoát ra khỏi bờ trí tuệ.
(Siêu thoát)
Có thể nói tình bạn của người xưa đậm nồng trong chung trà chén rượu, nên Ưu Thiên Bùi Kỷ cũng chẳng khác gì Nguyễn Khuyến khi nhớ đến người bạn đã qui tiên:
“Ta cùng bác quen nhau đã lâu,
“Khi thơ lưng túi, rượu lưng bầu.
“Trời đất yêu ta, ta ở lại,
“Non sông nhớ bác, bác đi đâu?
(Viếng bạn)
Riêng nhà thơ Đỗ huy Nhiệm lại có một nỗi nhớ khác bên ly rượu:
“Buồn ở đâu theo tối xuống rồi,
“Đã tràn u ám cả hồn tôi
“Đang ngồi say khướt bên ao vắng
“Thơ thẩn nhớ người không nhớ tôi.
…
“Qua đã say rồi, nay lại say,
“Rượu vơi, buồn vẫn lẩn đâu đây.
“Nghiêng hồ tôi rót cho đầy chén
“Để giữ người yêu hết trọn ngày.
*
“Nàng chỉ thăm tôi những lúc buồn,
“Khi hồ đầy rượu, buổi hoàng hôn,
“Lúc hồn chuếnh choáng say say ấy
“Rồi lại quay về tận cuối thôn.
….
“Chiều nay nàng đến trong ly rượu
“Tôi uống vơi vơi hết cả nàng.
“Tôi uống dặt dè từng hớp một,
“Sợ mai nàng bận chẳng buồn sang.
*
“Trăng đã lên cao. Rượu cạn rồi,
“Cả nàng đã đẫm cả hồn tôi.
“Ngày mai rượu hết nghiêng hồ rỗng
“Vét chút hương còn ép sát môi.
(Say – Tiểu thuyết thứ 5)
Cũng là Say ta thấy trong Mê Hồn Ca của Đinh Hùng có một âm điệu quyến rũ lạ lùng:
“Ta bắt em cười, nói, bắt em say,
“Ta đòi lấy mảnh linh hồn bỡ ngỡ.
“Ôi! ly rượu em dâng toàn huyết đỏ,
“Ta uống cùng dòng lệ chảy đêm xưa
(Ác mộng)
“Ôi gác ca lâu, rèm buông, lửa đỏ!
“Ôi mộng xuân lả lướt những đêm tình!
“Cốc rượu hồng, hy vọng sáng rung rinh,
“Mùi son phấn khác gì hương trinh bạch?
(Hương trinh bạch)
Vũ hoàng Chương, ông anh rể của Đinh Hùng, là một thi sĩ tài hoa, một phù thủy của âm thanh, vần điệu. Đậu Tú tài Pháp, bỏ học Luật đi làm công chức hỏa xa rồi dạy học. Tuy tây học, nhưng ông lại uyên thâm về Nho học và nhiều thi phẩm của nhà Thơ đã được dịch ra ngoại quốc. Tác phẩm đầu tay của Vũ hoàng Chương là tập “THƠ SAY” (Xuất bản 1940):
“Em ơi lửa tắt, bình khô rượu
“Đời vắng em rồi, vui với ai?
Bài “Chén Rượu Đôi Đường” thì đậm mùi cay đắng:
“Nhưng đêm nay dịu quá
“Không trăng có hề chi!
“Say sưa tràn miệng cốc
“Cùng nâng hãy uống đi
“Trùng lai đâu dễ hẹn kỳ
“Đò ngang một chuyến chắc gì mai sau
“
“Giờ đây chia đôi ngả
“Sông nước càng tiêu sơ
“Hồn men cay như quế
“Hồn men đắng như mơ.
“Đắng cay này chén tiễn đưa
“Uống đi, uống để say sưa ngập lòng.
*
“Cạn đi và lại cạn
“Say rồi gắng thêm say
“Bao nhiêu mơ mà đắng
“Bao nhiêu quế mà cay
“Đắng cay trút xuống bàn tay
“Nắm tay lần trót, thuyền quay mũi rồi
*
“Thuyền anh đi thôi nhé
“Xa nhau dần xa nhau
“Tôi về trên lưng ruợu
“Đến đâu thì đến đâu
“Có ai say để quên sầu
“Lòng ta lảo đảo càng sâu vết buồn.
***
Thơ Rượu ( Hồ Trường)
Nguyễn Bá Trác
Đại trượng phu không hay xé gan bẻ cật phù cương thường
Hà tất tiêu dao bốn bể lưu lạc tha phương
Trời nam nghìn dặm thẳm
Non nước một màu sương
Chí chưa thành, danh chưa đạt
Trai trẻ bao lăm mà đầu bạc
Trăm năm thân thế bóng tà dương
Vỗ gươm mà hát
Nghiêng bầu mà hỏi
Trời đất mang mang ai người tri kỷ
Lại đây cùng ta cạn một hồ trường.
Hồ trường! Hồ trường!
Ta biết rót về đâu
Rót về Đông phương, nước biển Đông chảy xiết sinh cuồng loạn
Rót về Tây phương, mưa phương Tây từng trận chứa chan
Rót về Bắc phương, ngọn Bắc phong vi vút cát chạy đá giương
Rót về Nam phương, trời Nam mù mịt có người quá chén như điên như cuồng.
Nào ai tỉnh, nào ai say
Lòng ta ta biết, chí ta ta hay
Nam nhi sự nghiệp ư hồ thỉ
Hà tất cùng sầu đối cỏ cây.
.
Trần Lê Tuý Phượng
sưu tầm
Thích bài này:
Thích Đang tải...
Filed under: Ẩm thực, Biên khảo, Mùa Xuân, Sưu tầm | Tagged: Ẩm thực, Biên khảo, Chúc Mừng Năm Mới, Mùa Xuân, Phiếm luận, Sưu tầm, Thơ, Thơ, Văn hoá, Văn hoá | 2 Comments »