Where We Going- Ba Ơi Mình Đi Đâu? (Phương Thảo)

Where we going, Daddy?

Đó là câu hỏi của con trẻ. Tiếp tục đọc

Cha mẹ có biết teen đang nghĩ gì?

Video điểm sách Moingay1cuonsach VTV1

Những đứa con của chúng ta đang ở độ tuổi chuẩn bị trưởng thành thực tế đang nghĩ gì? Chúng lo lắng những gì? Và điều gì trong suy nghĩ đang ảnh hưởng đến lối sống và hành động của chúng? Cảm nhận thực sự của trẻ ở lứa tuổi này về cha mẹ chúng ra sao? Đó là những câu hỏi mà bất kỳ bậc phụ huynh nào cũng muốn tìm ra câu trả lời, để từ đó có cách định hướng, giáo dục và bảo vệ con mình thật tốt. Tiếp tục đọc

Advertisement

Bài Giảng Cuối Cùng ( Randy Pausch)

Đã có nhiều giáo sư thực hiện các bài thuyết trình mang tựa đề “Bài giảng cuối cùng” và xem đây là cơ hội cuối để suy ngẫm về những điều được xem là có ý nghĩa nhất đối với họ. Và trong khi họ thuyết trình, cử tọa cũng day dứt với cùng câu hỏi: Có thể truyền đạt những thông điệp gì nếu đây là cơ hội cuối cùng của ta? Nếu ngày mai phải ra đi, ta muốn để lại gì CHO ĐỜI?

Nếu có những cuốn sách khi đọc có thể làm thay đổi cuộc đời chúng ta thì cuốn sách “Bài Giảng Cuối Cùng” là một trong những cuốn sách này Tiếp tục đọc

Ngôn ngữ tình yêu – Dành cho những người chỉ có một mình

5 Ngôn Ngữ Tình Yêu Dành Cho Những Người Chỉ Có Một Mình

Tựa sách:      5 Ngôn ngữ tình yêu – Dành cho những người chỉ có một mình

Tác giả:    Gary Chapman
*
Ngôn ngữ:   Tiếng Việt
*
Lĩnh vực:    Tình yêu – Hôn nhân – Gia đình
*
Năm xuất bản:  2010
*
Đơn vị xuất bản:  Trẻ
*
Giá sách:
58.000 VND

“Dù đã kết hôn hay còn độc thân, trẻ hay đã già thì tất cả chúng ta đều có nhu cầu quan trọng về tình cảm: Yêu và được yêu thương. Khi nhu cầu này được đáp ứng, chúng ta sẽ thể hiện trọn vẹn những đức tính tốt đẹp nhất tiềm ẩn của mình và đạt được nhiều thành quả lớn lao trong cuộc sống. Ngược lại, ta sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Tôi tin tưởng rằng những chân lý trong cuốn sách này sẽ giúp những người độc thân học được các kỹ năng cần thiết trong việc cho và nhận tình yêu.” (Tagore) Tiếp tục đọc

Bửu Ý tâm tình với Trịnh Công Sơn và Huế

TT – Nhà văn – dịch giả Bửu Ý vừa tạo nên một “sự kiện” không chỉ ở Huế mà với cả “làng” xuất bản: cùng lúc cho xuất bản ba đầu sách, cùng in bìa cứng với tranh Ðinh Cường trang nhã và rất… Huế.

Ba cuốn sách mới của nhà văn Bửu Ý,
ảnh: NKP

Hỏi ông về động thái khá bất ngờ này, ông vui vẻ nói một cách chậm rãi theo “kiểu” Bửu Ý xưa nay: “Trước đây (tháng 4-2003), mình đã có tập sách Trịnh Công Sơn, một nhạc sĩ thiên tài, nay nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất của Trịnh Công Sơn, mình muốn “tâm tình với Trịnh Công Sơn” bằng những bài viết chưa có trong tập trước và một số bài chưa công bố, trong đó đặc biệt có điếu văn mình viết ngày Trịnh Công Sơn mất và một kịch bản về Trịnh Công Sơn…”.

Bên cạnh đó còn có cuốn Nước chảy qua cầu với 33 bài viết về Huế và cuốn Ngày tháng thênh thang tập hợp hơn 80 bài viết ngắn từ năm 1963-2009; đặc biệt bạn đọc hôm nay sẽ được đọc năm truyện ngắn Bửu Ý viết từ những năm 1965-1967.

Là người bạn thân thiết của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và là một học giả uyên thâm, một nhà “Huế học”, với giọng văn giàu chất trí tuệ, suy tưởng mà vẫn mềm mại, những trang sách của ông có một sức hút riêng và làm người đọc tin cậy.

Trong Tâm tình với Trịnh Công Sơn, tuy chỉ với 170 trang sách, nhưng nhờ sự tinh lọc của tác giả, chúng ta có thể “gặp lại” Trịnh Công Sơn với đầy đủ chi tiết đời sống, tính cách, tâm trạng cùng những giá trị mà Trịnh Công Sơn để lại cho đời.

“Xưa nay không có nhạc sĩ nào viết những lời ca ưu tư đến như vậy, dằn vặt đến như vậy, lòng thì yêu đương, say đắm mà sao trí óc vẫn không nguôi khắc khoải về thân phận người, vận nước như Trịnh Công Sơn…”. Ðó là vài dòng trích từ “Ðiếu văn” do Bửu Ý viết, đã đọc bên huyệt mộ Trịnh Công Sơn ở nghĩa trang Gò Dưa ngày 4-4-2001. Còn dưới đây là cách nhìn, cách nghĩ của Bửu Ý về xứ Huế:

“…Tóm lại, nắng cháy với mưa dầm bão lụt, ấy là Huế. Nước chảy lờ đờ và nước phăng phăng cuồn cuộn, ấy là sông Hương. Người thiếu nữ nghiêng nón dạ thưa nhưng yêu thương say đắm dữ dội, ấy là con gái Huế… Hóa ra đất Huế là đất nuôi trồng những thái cực và con người xứ Huế để ra cả một đời mình gỡ rối mớ bòng bong tâm lý và mâu thuẫn nội tâm này…”.

Ba cuốn sách với trên 800 trang của Bửu Ý còn nhiều điều đáng để suy ngẫm, thưởng thức, nhất là với những người vốn từng yêu Huế và Trịnh Công Sơn…

.

NGUYỄN KHẮC PHÊ

Nguồn: Tuổi Trẻ mobile

Hạt giống tâm hồn – Quà tặng tinh thần dành cho phụ nữ

Tác giả: Jack Canfield, Mark Victor Hansen – Tổng hợp: First News

Nhà xuất bản: Trẻ

Số trang: 160

Trọng lượng:170 g

Giá bìa:20,000đ

Thượng đế tạo ra người phụ nữ bắt đầu từ…
… đôi mắt của Người, để phụ nữ có thể nhìn thấu mọi nỗi đau,
… đôi vai của Người, để phụ nữ có thể làm điểm tựa mềm mại cho chồng con sau những giông bão của cuộc đời,
… đôi tay của Người, để phụ nữ có thể dịu dàng chăm sóc và làm đẹp cho thế giới này,
… đôi chân của Người, để phụ nữ vững vàng bước qua nỗi đau và những mất mát trong cuộc sống một cách dũng cảm.
Và hơn bất cứ sinh vật nào được tạo ra trên đời, Thượng đế ưu ái tạo ra người phụ nữ từ trái tim Người, để tình yêu thương luôn dạt dào trong họ. Với tình yêu thương vô bờ bến tràn ngập trong tim, người phụ nữ sẵn sàng hy sinh cuộc đời mình để mang lại hạnh phúc những người thân yêu. Tạo ra người phụ nữ với những phẩm chất đặc biệt đó, Thượng đế đã gửi vào họ một sứ mệnh thiêng liêng, đó là thay mặt Người xoa dịu những nỗi đau, chăm sóc và bảo vệ những gì tốt đẹp của thế gian… Và người phụ nữ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cao cả đó.
Tập sách là tập hợp những câu chuyện ý nghĩa, xúc động về tình yêu thương vô bờ bến, nghị lực vươn lên trong cuộc sống, đức hy sinh cao cả… – những đức tính quý báu vẫn hiện hữu ở người phụ nữ, dù trong bất cứ xã hội nào, thời đại nào. Mong rằng bạn sẽ cảm nhận được niềm hạnh phúc và sự tự hào khi được là người phụ nữ – kết tinh của những gì tinh tuý nhất!

MỤC LỤC

Nhật ký tình yêu

Ngày hôm nay thật tuyệt

Hãy tin vào chính mình

Đồng cảm

Hành trình của những ước mơ

Mỗi ngày hãy chọn một lý do để sống

Những cuộn băng hình

Giá trị của thành công

Để cuộc sống tốt đẹp hơn

Ước nguyện của mẹ

Niềm hạnh phúc giản dị

Khoảng trống trên chiếc xích đu

Ngọn nến cháy hết mình

Lòng tốt luôn hiện diện khắp nơi

Lần đầu tiên làm mẹ

Chiếc hộp yêu thương

Ngôn ngữ của yêu thương

Sức mạnh của cái siết tay

Cho con cơ hội để trưởng thành

Bí mật của nụ cười

Niềm hy vọng vô tận

Tấm lòng người mẹ

Thư gửi Cheryl

Người chị tinh thần

Ước mơ

Niềm hạnh phúc bất ngờ

Lòng biết ơn

Vì sao tôi chọn nghề dạy học?

Tuổi 70 của bạn như thế nào?

Thiên thần của chị

Mẹ có phải là mẹ thật sự của con?

Sự giàu có của tâm hồn

Diều giản dị

Mẹ vẫn luôn nghĩ đến con

Mẹ tự hào vì con!

Vòng tay yêu thương

Lắng nghe cuộc sống

“Vị thần” của tôi

Điều bí ẩn của cuộc sống

Viết cho người tôi yêu

Bà và cháu

Bí mật của hạnh phúc

Tình mẹ

Nỗ lực

Cháu gái tôi

.

Theo chọnvàmua.vn

Bóng Nắng – thơ Nguyễn Đình Xuân

.

Ban Mai Hồng đã giới thiệu với các bạn yêu thơ một số không ít  những bài thơ ( nhưng vẫn còn khiêm tốn so với sáng tác rất phong phú của tác giả)  của nhà thơ  Nguyễn Đình Xuân. Những bài thơ của Đình Xuân  được nhiều bạn đọc yêu mến và cả mình cũng thích cái dung dị, tự nhiên nhưng rất thơ ( Chia tay mùa hạ, Trước Ngôi Nhà Hoang,Chiều, Người Đi, Bên Nắng Bên Mưa, Nghiêng Ngả, Bên Thềm Xuân….).. Một người yêu thơ ngoại đạo như mình sau khi đọc hết Bóng Nắng cảm  thấy dễ chịu nhẹ nhàng.  Có thể nói  hơi thở của cuộc sống, tình yêu  mang dấu ấn  và  kỹ thuật  cùng phong cách riêng  hoà quyện trong những vần thơ của tác giả.  Cũng có những phút lắng lòng- một chút bâng khuâng về nhân tình thế thái qua triết lý trong thơ. Rất đáng để chúng ta đọc hết các bài trong tập thơ.

Xin hân hạnh giới thiệu tập thơ Bóng Nắng gồm 75 bài với những chủ đề quen thuộc tình người, tình yêu, về  đời sống xã hội của tác giả Nguyễn Đình Xuân qua cảm nhận  sâu sắc của Mai Thanh.

Huỳnh Huệ

Giống như nhiều tập thơ khác, “Bóng nắng” của Nguyễn Đình Xuân là một tập thơ phong phú về nội dung và đa dạng về hình thức thể hiện. Tuy nhiên, có thể tìm thấy ở đây có gì riêng biệt của “Bóng nắng”? Cảm nhận của riêng tôi, đó là cảm xúc chân thật về nỗi buồn và niềm vui gia đình; về tình yêu và triết luận về cuộc đời-con người.

1. Chiếm số lượng tương đối lớn số bài trong tập là thơ về nỗi buồn-niềm vui gia đình với cảm xúc chân thật về hai mặt được- mất của người thân.

Đó là lễ đưa tang bà ngoại trong xót thương, có phần day dứt:

Một đời bà ngoại long đong

Trở về với đất chưa xong nỗi niềm

(Bà ngoại)

Đó là tình cảnh “Mẹ bị tai biến/Nằm liệt mấy năm, còn cha thì gầy ốm:Thân gầy xa xăm” (Ba tôi). Với chị gái, nhà thơ tỏ ra rầu rĩ khi bộc lộ về hoàn cảnh của chị: Chị rất yêu nghề dạy học, nhưng không thể sống bằng nghề mình yêu, nên phải: Nam Bắc ngược xuôi/Dấn thân chạy chợ/Kiếm tiền nuôi nghề/Bao niềm trăn tr“(Chị tôi). Trong bài thơ tặng nhân sinh nhật vợ, yêu thương-đầm ấm là thế, nhưng nhà thơ vẫn băn khoăn:

Những đêm cô đơn nỗi nhớ chẳng nguôi ngoai

Anh thấy em có trong từng nhịp thở

Bỗng thấy sợ có một ngày tan vỡ

Ngôi nhà hoang khi bếp lửa không hồng

(Viết tặng sinh nhật của vợ)

Nhà thơ nhìn sợi tóc vương rơi của vợ như nhìn thấy mọi nỗi gian lao vất vả của nàng:Mình em nuốt dòng nước mắt/Thay anh chăm sóc mẹ cha (Sợi tóc).

Tuy nhiên, không chỉ vậy, anh cũng nói thật những niềm vui hạnh phúc của mình. Đó là, khi người vợ thân yêu mang trong mình một sinh linh bé nhỏ:

Một mầm sống nhỏ em mang

Lòng em tràn đầy hạnh phúc

(Hạnh phúc)

Lòng em tràn đầy hạnh phúc? Cả lòng anh cũng vậy chứ sao! Sự quan tâm đối với người phụ nữ mang thai, trước hết là quan tâm đến sinh hoạt của họ trong ăn uống, đi lại… điều đó chỉ người mẹ là biết rành rẽ, nên anh kể về sự quan tâm của mẹ đối với vợ mình, cũng tức là sự quan tâm của chính anh đối với người vợ và “nhiệm vụ trực tiếp” của anh là “động viên tinh thần” vợ bằng những lời trò chuyệnn thắm tình:

Nhớ lần gặp nhau đầu tiên

Anh rụt rè nhìn em mãi

Bây giờ bắt đền anh đấy

Biền biệt xa để em mong

(Hạnh phúc)

Mai cháu đi làm dâu” cũng là bài thơ về niềm vui gia đình. Rất thật thà và ngộ nghĩnh, khi nhà thơ kể chuyện mình đã bế ẵm cháu từ thuở cháu còn là một đứa trẻ nhỏ, thế mà đến nay, cháu đã đi lấy chồng:

Mẹ vui trào nước mắt

Cậu bâng khuâng nụ cười

Cháu làm dâu quê người

Lại nhớ chiều chờ đợi…

2. Dĩ nhiên , tình cảm vợ chồng nêu trên kia cũng là tình yêu, nhưng ở đây, tôi muốn nói tình yêu với phạm vi riêng, không bao hàm tình yêu chồng vợ như đã nêu. Trước hết, tình yêu trong “Bóng nắng” bộc lộ nét dịu dàng, kín đáo; đó cũng là nét riêng của thơ Nguyễn Đình Xuân.  Ở đây, tình yêu không háo hức, vội vàng mà dè dặt, kín đáo. Nụ hôn trong tình yêu là biểu hiện dĩ nhiên và phổ biến, thế mà:

Vầng trăng nghiêng xuống làn môi

Đừng anh! Em sợ… có người, hình như

Lá rơi chợt động cuối thu

Nghe xôn xao gió, hình như ai nhìn

(Tình yêu)

Và, có lẽ tình yêu dè dặt ấy đã đưa đến bất thành của tình yêu, đưa tình yêu vào nhớ nhung, hoài niệm: Người về nơi ấy còn mong/Tôi mang nghiêng ngả nỗi lòng xôn xao(Nghiêng ngả). Nỗi hoài niệm tình yêu rõ nhất là ở bài Đồng Xa“:

Tôi về lại phố xưa khắc khoải

Ngang nhà em cửa đóng đã thay người

Ngõ vẫn nhỏ rêu phong dày hoài niệm

Đồng Xa giờ em đã xa xôi.

Rồi, nhà thơ hoài niệm với những bài thơ viết mà không tặng: Tình yêu thường để lại vào thơ/Những đắng cay, nỗi buồn thành ngọc” (Những bài thơ anh không viết tặng em). Đúng vậy! Những hoài niệm đẹp về tình yêu bao giờ cũng là những viên ngọc quý!

Đọc những bài thơ tình yêu của Nguyễn Đình Xuân, chúng ta thấy hình ảnh em – người tình luôn hòa quyện cùng cảnh quan đẹp, ví dụ:Chiều như nghiêng gió bên em/Nghe ngàn con sóng vỗ ven chân đồi (Chuyện tình Hồ Núi Cốc); hoặc: “Quê nhà như trống vắng/Em quẩy mùa hạ đi/Anh ngược chiều lá rụng/Thấy se lòng vu quy…(Chia tay mùa hạ“).

Các bài thơMùa hoa cải“, “Chiều“, “Người đi“, “Đường quê”, “Phải lòng“, “Trước ngôi nhà hoang“… là những bài thơ tình hay, bộc lộ cảm xúc luyến nhớ, man mác với cách sử dụng thi từ, thi ngữ khá thành công.

3. Những bài thơ triết luận trong Bóng nắngcũng đáng được đề cập. Bài thơBóng nắng” – bài thơ dùng làm tên cho cả tập – là bài thơ triết luận về cuộc đời:

Sáng bóng dài trước mặt

Trưa bóng tròn trên sân

Quá chiều mình bóng ngược

Đi cúi nhìn bước chân.

Sáng, trưa, quá chiều là ba thời điểm của cuộc đời con người. Mỗi thời điểm có một đặc trưng riêng. Nhưng quá chiều là thời điểm người ta có thể rút ra được nhiều kinh nghiệm cho cuộc đời. Cúi đầu nhìn bước chân để xem bước chân đã đi những bước thành công thế nào, thất bại ra sao sau khi đã đi từ sáng, qua trưa, đến quá chiều, để mà bước tiếp tốt hơn! Đó là một cách cảm nhận! Đương nhiên, có thể cảm nhận bài thơ theo cách khác. Điều đó chỉ rõ: Bài thơ có ý tưởng “mở” để người đọc rộng đường suy ngẫm.

Bài thơNgười điênkêu gọi sự đồng cảm:

Người điên hay hát, hay cười lắm

Mà cũng buồn ngay được giữa đường

Điên dại ở trần không xấu hổ

Ai từng qua khổ nhủ lòng thương?

Những người cùng khổ nhiều khi không còn biết cuộc đời mình là khổ nữa (khổ mãi nên “quen” đi mà!) Đó là tình cảnh trớ trêu của người nghèo giống như người điên không còn tri giác. Bài thơ đánh thức lương tâm mọi người chúng ta đừng bao giờ bỏ rơi người nghèo, cũng như xa lánh người điên. “Người điên” là một bài thơ triết luận giàu tinh nhân văn.

Phong phú về ý tưởng, đa dạng về cách thể hiện, tập thơ Bóng nắng còn đề cập nhiều đề tài và chủ đề khác nữa. Tuy nhiên, trên đây chỉ thẩm bình hết sức ngắn gọn về  nội dung cơ bản của tập thơ. Chúc mừng và cảm ơn nhà thơ Nguyễn Đình Xuân về tập thơBóng nắng“. Bạn đọc mong được đọc những tập thơ tiếp theo với chất lượng nghệ thuật cao hơn nữa của anh.

Hà Nội, tháng 12-2010

Mai Thanh

Những Lá Thư Ngày Thứ Tư


.

Những Lá Thư Ngày Thứ Tư
Tác giả : Jason F. Wright
Dịch giả : …
Nhà xuất bản :Trẻ
Năm xuất bản :2010
Tổng số trang :356
Giá: 58000VND
.

Sau cái chết bất ngờ của vợ chồng Jack và Laurel, các con của họ đã tìm được những lá thư mà Jack từng viết cho Laurel vào mỗi ngày thứ Tư hàng tuần trong suốt những năm dài họ chung sống.

Đó là những bài thơ dễ thương Jack dành riêng cho vợ, là lời xin lỗi chân thành của Jack về tính khí nóng nảy của mình, là tình cảm không thể thành lời đối với những đứa con, là những buồn vui trong cuộc sống thường ngày…

Những lá thư thấm đẫm tình yêu thương ấy đã giúp họ vượt qua sóng gió trong cuộc sống, khiến tình yêu của họ được thắt chặt và bền vững đến tận ngày cả hai cùng nhắm mắt lìa đời. Chính những lá thư vừa hóm hỉnh vừa sâu sắc ấy đã giúp con trai họ là Malcolm lần ra được bí mật lớn nhất của đời mình, đồng thời chúng còn là cầu nối để anh tìm lại tình yêu đích thực với Rain.

Những lá thư ngày thứ Tư khắc họa nên một câu chuyện đời thường dễ thương và gần gũi, qua đó Jason F. Wright đã gửi gắm những thông điệp chân thành về tình yêu thương gia đình, về nét đẹp của những điều giản dị trong cuộc sống và về giá trị của lòng vị tha. Khép lại câu chuyện, độc giả sẽ bắt đầu muốn viết Những lá thư ngày thứ Tư của riêng mình bởi những giá trị thiêng liêng mà quyển sách mang lại.

(Theo VTV, Mỗi Ngày Một Cuốn Sách)

.

Hiểu Về Trái Tim – Tình Thương

Hiểu Về Trái Tim

Sau một thời gian chờ đợi, cuối cùng thì cuốn sách Hiểu Về Trái Tim của tác giả Minh Niệm đã hoàn thành. Đây thật sự là món quà ý nghĩa với những ai đã từng yêu thích những bài viết của tác giả Minh Niệm trong suốt thời gian qua.

Trong dòng chảy tất bật của cuộc sống, có bao giờ chúng ta dừng lại và tự hỏi: Tại sao ta giận? Tại sao ta buồn? Tại sao ta hạnh phúc? Tại sao ta cô đơn?… Tất cả những hiện tượng tâm lý ấy không ngừng biến hóa trong ta và tác động lên đời sống của ta, nhưng ta lại biết rất ít về nguồn gốc và sự vận hành của nó. Chỉ cần một cơn giận, hay một ý niệm nghi ngờ, cũng có thể quét sạch năng lượng bình yên trong ta và khiến ta nhìn mọi thứ đều sai lệch. Từ thất bại này đến đổ vỡ khác mà ta không lý giải nổi, chỉ biết dùng ý chí để tự nhắc nhở mình cố gắng tiến bộ hơn. Cho nên, hiểu về trái tim chính là nhu cầu căn bản nhất của con người.

Hiểu Về Trái Tim là thái độ trở về tiếp nhận và làm mới lại tâm hồn mình. Bởi hiểu được chính mình, ta sẽ dễ dàng hiểu được người khác, để ta có thể thương nhau chân thật. Và Hiểu về trái tim cũng là chương trình gây quỹ từ thiện, nhằm giới thiệu quyển sách Hiểu Về Trái Tim đến với các bạn trẻ và những bậc làm cha mẹ. Toàn bộ số tiền thu được từ việc phát hành sách sẽ dành để mổ tim cho trẻ em nghèo và có hoàn cảnh khó khăn. Chính vì thế, cuốn sách Hiểu Về Trái Tim mang thêm ý nghĩa nhân ái khi có sự góp sức của các bạn.

Xin trích một đoạn trong Lời tác giả từ cuốn sách Hiểu về trái tim: “Ngay cả khi bạn không thể đọc hết quyển sách vì có những quan điểm khá xa lạ hoặc tương phản với nhận thức hiện tại của bạn, thì bạn cũng đừng vội nghĩ nó không phù hợp với mình. Khi nào rảnh rỗi hay thấy cần thiết thì bạn cứ thong thả đọc lại. Mỗi lần đọc bạn sẽ có một cái thấy mới về nó. Bởi vì bạn vốn rất tin tưởng vào hiểu biết của mình thì không dễ gì bạn mở lòng đón nhận những hiểu biết mới, hoặc có thể vì một vài thành kiến nào đó mà bạn đã tự ngăn mình đến với quyển sách một cách trọn vẹn. Và cũng có khi bạn đã vất nó vào một xó và quên bẵng đi, nhưng khi bạn vướng vào những nghịch cảnh hay đối diện với những nỗi khổ niềm đau trong chính mình, thì bạn sẽ nhận ra phản ứng của mình đột nhiên khác hẳn. Dường như có một sức mạnh nào đó đến giúp bạn. Thật ra, khi bạn đã tâm đắc bất kỳ điều nào từ những nguyên tắc sống được giới thiệu trong quyển sách này, thì nó vẫn được lưu trữ trong chiều sâu tâm thức của bạn. Nó sẽ âm thầm liên kết hoạt động cùng với những hiểu biết sâu sắc khác trong chính bạn, rồi chờ đủ điều kiện để làm thành hiệu ứng.

Chính vì thế tôi mong bạn hãy đón nhận quyển sách này như đón nhận một người bạn đồng hành, đừng quá hy vọng cũng đừng nên hờ hững. Lẽ dĩ nhiên, không thể nào diễn giải hết mọi ngõ ngách sâu kín của tâm lý con người trong quyển sách bé nhỏ như thế này, nên tôi hứa sẽ cố gắng viết tiếp khi điều kiện thích hợp và nhất là được đón nhận thêm những khám phá quý báu từ các bạn. Thật ra, nếu bạn có đức tin nơi những hiểu biết trong quyển sách này thì nó đã quá đủ để làm hành trang cho công trình khám phá hạnh phúc chân thật của bạn. Đặc biệt trong bối cảnh cái xấu đang dần lấn át cái tốt như hiện nay, thì nó là tác nhân rất cần thiết để khơi dậy giá trị tinh thần đang ngủ quên trong mỗi chúng ta…”.

Đặc biệt, khi mua sách, các bạn sẽ được tặng kèm đĩa DVD bản audio của 50 bài viết qua giọng đọc của 52 nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên, người mẫu nổi tiếng, như: Cẩm Vân, Thành Lộc, Hữu Châu, Hà Xuyên, Tú Trinh, Kim Xuân, Thanh Điền-Thanh Kim Huệ, Hà Kiều Anh, Đàm Vĩnh Hưng, Phương Thanh, Cẩm Ly, Hồng Hạnh, Thanh Bạch, Đỗ Trung Quân, Hoa hậu Nguyễn Thị Huyền, Hoa hậu Ngô Phương Lan, Á hậu Dương Trương Thiên Lý, Á hậu Võ Hoàng Yến, Dương Yến Ngọc, ca sĩ Thanh Thúy, diễn viên Thanh Thúy-Đức Thịnh, Thanh Hằng, Anh Thư, Quỳnh Hoa, Xuân Lan, Hoa hậu Thùy Dung, MC Thanh Tùng, Lê Quý Bình… Hãy đồng hành cùng chương trình Hiểu về trái tim, mỗi cuốn sách bạn mua sẽ góp thêm một cơ hội để cứu sống những trái tim trẻ thơ. Vì tại Việt Nam, hằng năm con số các trường hợp trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh lên đến hàng nghìn ca: cứ 100 trẻ em sinh ra thì có 1 em mắc bệnh tim bẩm sinh, tỉ lệ tử vong chiếm 5-10% trẻ mắc bệnh và 1 giờ thì có thêm một trường hợp trẻ em bị tử vong vì không có tiền phẫu thuật… Các em đang phải chờ đợi để có được sự sống!

( Nguồn : Sachhay.com)

.

Ban Mai Hồng trân trọng giới thiệu bài viết thứ tư trong Hiểu về Trái Tim của thầy Minh Niệm :      Tình Thương qua giọng đọc của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng.

.

TÌNH THƯƠNG

Lòng phải hiểu được lòng mới là tình thương chân thật.

Tình thương là hiến tặng

Có bao giờ ta tự hỏi vì sao ta lại thương người ấy ? Vì họ dễ thương ư?Ồ như vậy là ta chỉ đến để hưởng cái dễ thương ấy chứ ta đâu có thương. Cái đó ai làm cũng được, người nào cũng có thể thương một người dễ thương mà ……

.

Mẹ Ơi

.

BỘ SÁCH MẸ ƠI HÃY NGHE CON (4 TẬP)
Tác giả : Rosie Rushton
Nhà xuất bản :Trẻ
Năm xuất bản : 2010

Giá tiền: 142.000 $


.

.

“Mẹ ơi” là bộ tiểu thuyết nổi tiếng của tác giả người Anh Rosie Rushton, với nhân vật chính là các cô – cậu bé tuổi teen. Tác phẩm được viết bằng giọng văn dí dỏm, sinh động.
Bộ sách không chỉ dành cho các bạn trẻ mà còn cần thiết với những bậc cha mẹ đang gặp rắc rối với đứa con tuổi teen của mình.
“Mẹ ơi, xin hiểu con” là tập truyện đầu tiên trong chùm truyện nổi tiếng viết về các cô – cậu bé ở Leehampton qua hàng loạt câu chuyện thú vị, độc đáo… như câu chuyện bố mẹ của Jemma. Họ vẫn nghĩ cô con gái 14 tuổi nên mặc bộ áo liền quần có thêu hình gấu trước ngực để đi chơi… Bố mẹ của Laura thì đã chia tay khiến ngôi nhà rộng rãi xinh đẹp cũng không còn. Đã vậy, mẹ Laura lại đang có một người bạn trai khác…
Còn về gia đình Sumitha, bố mẹ cô bé vẫn mong con gái giữ gìn những giá trị truyền thống – nghĩa là không bạn trai, không trang điểm, không kiểu tóc hợp mốt… Bố mẹ Jon thì luôn khoe thành tích học tập của con trai, nhưng thực tế chẳng phải vậy…
Còn với mẹ Chelsea chuyên viết những bài báo ly kỳ cho tờ báo địa phương, cũng là chuyên gia tư vấn tâm lý cho các thính giả tuổi mới lớn ở Leehampton – nhưng lại trừ cô con gái nhỏ của bà…
Bộ tiểu thuyết “Mẹ ơi” gồm 4 tập: “Mẹ ơi, hãy nghe con”, “Mẹ ơi, cho con chút riêng tư”, “Mẹ ơi, con đã lớn”

Theo VTV – Mỗi Ngày Một Cuốn Sách

Giá Đâu Đó Có Người Đợi Tôi

Giá đâu đó có người đợi tôi

Tác giả: Anna Gavalda

Nhà Xuất Bản: Hội Nhà Văn

.

“Giá đâu đó có người đợi tôi” là tập truyện ngắn đầu tay của Anna Gavalda. Mười hai truyện ngắn là mười hai lát cắt của cuộc sống thường nhật, mười hai mảnh ghép làm nên bức chân dung tinh thần của xã hội Pháp đương đại trong cái nhìn tinh nhạy, sắc sảo, pha chút giễu nhại của nhà văn.
Giá đâu đó có người đợi tôi đưa người đọc bước vào thế giới nội tâm phong phú của các nhân vật thuộc các lớp người, lứa tuổi, giới tính…khác nhau với số phận khác nhau, trong những tình huống khác nhau.

Đó là cô nàng đỏm dáng với chuyến phiêu lưu tình ái không thành (Tập tành germanopratines), là người phụ nữ bất hạnh vừa mất đi đứa con chưa ra đời (I.I.G), là anh lính vừa dời đơn vị với cảm giác trống rỗng và đơn độc (Về phép), là chàng ca sỹ lãng tử với tình yêu kỳ lạ (Hổ phách) hay một đại diện thương mại với dằn vặt về vụ tai nạn kinh hoàng do mình gây ra (Sự kiện trong ngày)…

Mỗi truyện ngắn, trước hết là cuộc phiêu lưu thú vị với người đọc khi được hoá thân vào một cuộc sống khác, trải nghiệm một nhịp sống khác, cùng rong ruổi trên những chuyến xe hàng lang thang khắp các nẻo đường nước Pháp, cùng cảm nhận tâm trạng hồi hộp của một nữ văn sỹ đang đợi hồi âm từ nhà xuất bản…Bên cạnh đó, mười hai truyện ngắn tạo cho người đọc cảm nhận về một dòng đời đang chảy trôi với những vui buồn, phiền lo, hạnh phúc thường nhật. Anna hướng ngòi bút của mình vào cuộc sống đời thường, sử dụng chất liệu hàng ngày để kể cho chúng ta nghe câu chuyện của thời hiện tại. Lối diễn đạt gần gũi, bỏ qua vẻ hào nhoáng, những điều kiêng kỵ, đôi khi pha chút táo tợn, dữ dội đã giúp Anna tái hiện cuộc sống với tất cả vẻ đẹp gần gũi, giản gị và trìu mến vốn có. Đó không chỉ là cuộc sống của các nhân vật, mà đôi khi, còn là cuộc sống mà mỗi chúng ta từng trải qua.

Một chủ đề nổi bật trong tập truyện ngắn là tình yêu. Tình yêu hiện lên với muôn vàn cung bậc, sắc điệu khác nhau trong truyện ngắn của Anna. Đó có thể là rung động mãnh liệt nhưng chốc lát của một cô nàng đỏm dáng, là tình yêu da diết câm lặng của hai người có duyên nhưng không phận suốt hơn mười năm, là mối tình sét đánh của anh lính đêm đầu tiên xuất ngũ, là hạnh phúc của chàng ca sỹ lãng tử khi tìm thấy bến đỗ cuối cùng…

Bằng sự duyên dáng, tinh tế và đằm thắm trong lời văn, Anna đã khiến nhiều độc giả, đặc biệt là độc giả nữ khóc, cười khi lắng nghe những câu chuyện tình mình kể. Các nhân vật trong thế giới nhỏ bé gần gụi của Anna đều tha thiết yêu thương, đều tìm kiếm tình yêu, dần dần tự giải phóng cơ thể và cảm xúc của chính mình, đó có lẽ cũng là lý do câu nói của anh lính trong truyện ngắn Về phép được chọn làm tên cho cả tập truyện ngắn “Khi xuống ga miền Đông, thực lòng tôi luôn hy vọng sẽ có ai đó đang đợi tôi. Thật ngốc. Tôi biết rõ giờ này mẹ vẫn đang làm việc và Marc thì không thuộc tuýp người vượt qua vùng ngoại ô để chở hành lý giúp tôi, thế mà tôi vẫn luôn nuôi dưỡng niềm hy vọng mong manh ấy… Giá đâu đó có người đợi tôi… Kể ra ước mong này cũng đâu có gì là phức tạp.”

.

.

Nhật Thảo – ANTĐ

Visa – Tác phẩm đoat giải văn học tuổi 20 lần IV, 2010

Sách : món ăn tinh thần không thể thiếu với mọi người thuộc mọi lứa tuổi.
Theo thư đề nghị của  bạn hoang_tran_dinh@yahoo.com,  từ hôm nay BMH thêm mục Mỗi Ngày Một Cuốn Sách post từ chuyên mục cùng tên của VTV

Hôm nay,  Điểm sách giới thiệu VISA, tác phẩm đoạt giải văn học tuổi 20, lần IV năm 2010

Tác giả :Hải Miên
Nhà xuất bản :Trẻ


.

Visa là tác phẩm gồm 6 truyện ngắn. Mỗi truyện ngắn là một sự hóa thân kỳ diệu của tác giả vào thế giới phong phú của những nhân vật khác nhau, trong những cảnh sống khác nhau. Tác giả Hải Miên đã dùng chính những trải nghiệm của mình, những khả năng ngôn ngữ gọn gàng, nhanh nhẹn để viết cho những người trẻ về những suy tư đằng sau tuổi 20 đầy mộng mơ.

Tuổi 20 là tuổi của sức sống căng tràn cũng là thời của những cảm xúc lẫn lộn lên ngôi. Nhắc tới tuổi 20 là nói tới cái sôi động của tuổi trẻ, những niềm hạnh phúc hân hoan khi vào đời, khi được yêu, được tận hưởng cuộc sống. Hải Miên tiếp cận tới những thiếu nữ tuổi 20 bằng một lăng kính khác để đưa người đọc trải qua những cảm xúc khác nhau ở mỗi truyện ngắn của Visa.

Vẫn là viết cho người trẻ nhưng viết lại được cái sôi động, cái buồn vơ vẩn của tuổi 20 đã là hay, viết được cái mất mất khác biệt của tuổi 20 mỗi thời mới là khó. Hải Miên không ồn ào, nhưng câu chữ sắc lẹm đau đớn, đánh động vào tâm trí người đọc những vùng cảm xúc tưởng như bị đời sống vùi lấp.

Những nhân vật nữ trong truyện của Hải Miên đều là những người sành đời, sắc sảo trong ngôn ngữ. Họ lạnh lùng đặt ra những mục tiêu cho cuộc đời mình và gần như không gì ngăn cản nổi họ đoạt lấy nó, dù đó là đường tiến thực dụng. Những mối hận nho nhỏ trong cuộc đời họ chính là động lực tiếp sức để họ băng băng đi đến thành công.

Không lúc nào họ cảm thấy trống trải, họ vội vã chinh phục những đỉnh núi cao hơn. Họ muốn cầm nắm những thứ mình hình dung ra như: xe, như nhà, như một vị trí tốt ở một cơ quan… hơn là ngồi ngẫm nghĩ về những khoảng trống sau thành công.

Nhân vật trong truyện không ngại bộc lộ ra những suy nghĩ trong lòng mình và luôn dùng đại từ “tôi” trong mọi phán xét để người đọc tha hồ mà đánh giá mình nhưng tác giả thì lại thể hiện được sự cay độc của mình một cách trực tiếp nhất.

Visa – 1 chiếc thẻ thông hành được thể hiện đa dạng, phong phú, muôn màu muôn vẻ qua mỗi mẩu truyện ngắn. Đó là tấm visa thực của một cô gái ở một nước thứ 3 mong muốn được gặp gỡ người yêu mình trong thế giới thứ 3. Xa hơn, đó là tiền – thật nhiều tiền để có được 1 vé thông hành từ những con thú nhún (những người hát bè đằng sau ca sỹ) để được đứng chính trên sân khấu, để từ diễn viên phụ có được một vai diễn mơ ước hai chục năm trời và đỉnh cao nhất là một cái vé thông hành cho chữ nghĩa của những người viết văn.

Tác giả hoàn thiện tác phẩm trong vòng 3 tuần. Nói về con số giật mình đó, tác giả nhớ lại: “Sau đó tôi “chết” đúng một tháng, không làm gì ngoài ăn, ngủ, đi ra và đi vào và cứ nhìn thấy chữ là tránh”. Tuy vậy, đọc tác phẩm ai cũng cảm nhận được một điều rằng 3 tuần đó chỉ là 3 tuần dồn nén của bao nhiêu năm trải đời, bao nhiêu năm lăn lộn.

Hãy đọc Visa để cảm nhận cuộc sống muôn màu và hãy cùng suy nghĩ với tác giả về những suy tư của người trẻ trong thời đại này và để học cách bước qua lằn ranh của sự hiểm nguy.

.

Thanh Lan – VTV.vn

.

Tôi Tài Giỏi, Bạn Cũng Thế!

29122008204705 Tôi Tài Giỏi, Bạn Cũng Thế!

Tony Buzan và Ernest Wong

người Dịch Trần Đăng Khoa-Uông Xuân Vy

NXB Phụ Nữ
pdf (Tiếng Việt)
306
8.9 M

Trước hết, xin được chúc mừng bạn có thể tải (download) ngay và sở hữu phiên bản ebook hoàn toàn miễn phí và nhất là hoàn toàn hợp pháp (có bản quyền) của sách “Tôi Tài Giỏi, Bạn Cũng Thế!”, được cung cấp chính thức bởi hai tác giả chuyển ngTrần Đăng Khoa và Uông Xuân Vy.

Hiện nay, mặc dù sách “Tôi Tài Giỏi, Bạn Cũng Thế!” vẫn đang được bán rộng rãi tại khắp các nhà sách lớn nhỏ trên toàn quốc và các đại lý (xem chi tiết), chúng tôi vẫn quyết định chia sẻ cho các bạn độc giả gần xa phiên bản ebook đầy đủ hoàn toàn miễn phí và hợp pháp này vì những lý do sau đây:

* Thay thế cho phiên bản ebook bất hợp pháp, chất lượng kém, nhiều sai sót, nhiều lỗi chính tả và thiếu thông tin (chỉ có 140 trang thay vì 280 trang).
* Mong mỏi đóng góp chút ít sức mình vào sự nghiệp giáo dục của nước nhà, hiện thực hóa ước mơ mang tri thức đến cho tất cả người Việt trên khắp mọi miền đất nước, nhất là những bạn chưa có điều kiện ủng hộ sách in ngay bây giờ.
* Mong muốn sách sẽ đến được với cả những độc giả Việt Nam ở nước ngoài, nhất là những bạn du học sinh.

Bên cạnh đó, việc mua bản quyền và viết lại (chứ không chỉ đơn giản là dịch) một quyển sách từ tiếng Anh sang tiếng Việt như “Tôi Tài Giỏi, Bạn Cũng Thế!” đòi hỏi chúng tôi phải đầu tư rất nhiều tiền bạc, thời gian và công sức. Cho nên, nếu có điều kiện, chúng tôi rất mong bạn có thể mua ủng hộ sách in, để cùng chung tay góp sức với chúng tôi vì ước mơ mang kiến thức của thế giới về Việt Nam và chia sẻ cho tất cả cộng đồng.

Khi bạn sở hữu ebook này trong tay, bạn sẽ được hưởng những lợi ích sau đây:

* Sở hữu phiên bản ebook chính thức có bản quyền với nội dung đầy đủ của một trong những quyển sách bán chạy nhất và được “săn lùng” nhiều nhất tại Việt Nam một cách hoàn toàn miễn phí.
* Có thể tham gia và trở thành thành viên của CLB Vươn Tới Thành Công
* Nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ chính các dịch giả và thành viên khác của CLB Vươn Tới Thành Công.

Bên cạnh đó, khi bạn sở hữu ebook này trong tay, bạn cũng sẽ có được những quyền hợp pháp sau đây:

* Quyền được chia sẻ không giới hạn cho người thân và bạn bè.
* Quyền được chia sẻ không giới hạn thông qua mạng Internet dưới bất kì hình thức nào bạn thích (trên diễn đàn, trên blog,…)
* Tuy nhiên, việc chia sẻ ebook lậu (không phải phiên bản hiện đang được chia sẻ miễn phí tại Vươn Tới Thành Công) vẫn bị xem là bất hợp pháp, vì ebook lậu chất lượng kém làm ảnh hưởng nặng nề đến uy tín của chúng tôi.

Tuy nhiên, bạn KHÔNG có những quyền sau đây:

* Thay đổi, thêm hay bớt bất kì nội dung nào của ebook này.
* Sử dụng ebook này vào mục đích thu lợi bất chính (bán lại ebook, in trái phép,…)
* Trích dẫn nội dung của ebook này mà không ghi lại “nguồn vuontoithanhcong.com”

Chúng tôi tin rằng, với tư cách một độc giả có trách nhiệm, bạn sẽ biết cách sử dụng và chia sẻ ebook này vì những mục đích cao đẹp mà tất cả chúng ta cùng hướng đến.

Chúc bạn tìm thấy nhiều điều hay và mới lạ từ quyển sách này. Và hãy nhớ gởi nhận xét về quyển sách sau khi đọc xong để có được một email cá nhân hết sức độc đáo: tencuaban@toitaigioi.com

Tác giả chuyển ngữ sách “Tôi Tài Giỏi, Bạn Cũng Thế!”
Trần Đăng Khoa & Uông Xuân Vy

Nguồn : http://www.vuontoithanhcong.com/viewtopic.php?f=28&t=87

“Thật không biết phải làm sao với con trai chúng tôi. Nó được gởi đi học thêm khắp nơi mà vẫn làm bài thi tệ hại. Chúng tôi tự hỏi sau này nó có làm nên trò trống gì không nữa”…

Đó chính là những gì mà cha mẹ của Adam Khoo đã từng than vãn về sự kém cõi và kết quả thi cử thảm hại của cậu bé Adam nhiều năm về trước. May mắn thay, vào thời điểm tăm tối nhất trong đời, Adam đã tìm thấy và học tập theo công thức thành công của những người tài giỏi vượt bậc. Chính vì thế, từ một cậu học trò kém cỏi nhất trong số những học sinh kém, không những anh đã vươn lên để đạt đuợc kết quả xuất sắc trong các kỳ thi cuối cấp hai và cấp ba, anh còn đuợc xếp hạng trong số 1% sinh viên tài năng nhất của trường Đại học Quốc Gia Singapore (NUS).

Tôi tài giỏi, bạn cũng thế! tổng hợp những kỹ năng và phương pháp đã mang tới thành công vượt bậc cho cậu bé Adam kém cõi và dĩ nhiên bạn cũng có thể thành công như vậy! Quyển sách này dành cho các học sinh, sinh viên, các bậc phụ huynh, các nhà giáo và bất kỳ ai luôn mong muốn tăng cường khả năng tận dụng não bộ hoặc phát huy tối đa tiềm năng của mình.

Nếu bạn muốn “tài giỏi” trong các phương pháp học tập và suy nghĩ vượt bậc, hãy đọc quyển sách này. Bạn sẽ học đuợc cách:
Tăng cường sự tự tin và làm chủ cuộc sống của bạn
Áp dụng các công cụ học bằng cả não bộ như Sơ Đồ tư Duy
Phát huy trí nhớ siêu việt để nhớ lại các sự kiện, con số một cách dễ dàng
Thành thạo việc quản lý thời gian và xác định mục tiêu
Mang lại khả năng đạt được những thành tích cao nhất có thể
Áp dụng các phương pháp thi cử hiệu quả để “chiến đấu” và “Chiến thắng” trong các kỳ thi quan trọng.

Tài năng đặc biệt của Adam nằm ở việc anh có thể hệ thống và chia sẻ các kỹ thuật và phương pháp mà bất kỳ học sinh nào cũng có thể áp dụng để đạt được những kết quả xuất sắc như anh đã từng đạt được.

http://www.mediafire.com/?syzbvnyaxpg

Post lại từ:

http://letgo.com.vn/2010/10/21/ti-ti-gii-bn-cng/letgo.lgo

Chuyện Nhà Jean

Chuyện nhà Jean.

Bộ truyện là hoài niệm về tuổi thơ của nhiều thế hệ – khi điều kiện sống chưa bị cơ khí hoá, khi các nhóc con nhảy nhót ngoài đường nhiều hơn ngồi lì bên máy tính, khi những nhân vật như Rintintin, Spirou còn phiêu lưu trong từng giấc mơ trẻ nhỏ…

Tên sách: Chuyện nhà Jean (Une famille aux petits oignons)
Tác giả: Jean-Philippe Arrou Vignod
Dịch giả: Bich Liễu
NXB Thời Đại

Jean-Philippe Arrou Vignod luôn tha thiết với công việc sáng tác văn chương. Cuốn sách đầu tiên của ông là viết cho người lớn, Rèm buông trong đêm, đoạt giải thưởng văn học cho tiểu thuyết đầu tay năm 1984. Ấn phẩm tiếp theo xuất bản 5 năm sau đó, hướng tới đối tượng độc giả trẻ tuổi hơn, nhan đề Giáo sư biến mất, mở đầu serie truyện trinh thám về nhân vật PP Ass Verde, và cũng là tác phẩm giúp Arrou Vignod thành danh. Nhưng phải đợi đến năm 2002, khi Arrou Vignod dồn sức viết cho thiếu nhi, thì chỗ đứng của ông trên văn đàn Pháp mới thực sự được củng cố. Trong số các tác phẩm dành cho trẻ nhỏ của Arrou Vignod, bộ ba Chuyện nhà Jean có vị trí quan trọng nhất.

Bộ truyện gồm ba tập: Trứng omelet ngọt, Cục pho mát bayMón súp cá cảnh. Tác phẩm là bộ sưu tập những trò rách trời rơi xuống của một nhóm 6 anh em trai. Lũ nhóc ấy thu hút sự chú ý ở khắp mọi ngả đường chúng đi qua với đội hình bé dần đều, cái đầu tròn vo và đôi tai to vểnh. Chúng trông như một đội chơi, một gánh xiếc hay một đoàn chú lùn nhào lộn sắp sửa nhảy qua các vòng tròn.

Trang bìa tập 1 của bộ sách.
Trang bìa tập 1 của bộ sách.

Tác giả tự nhiên của 6 Jean này là một ông bố bác sĩ và một bà mẹ nội trợ, giống nhau ở tính hài hước bẩm sinh. Đẻ liền tù tì 6 đứa con trai, đứa nọ hơn đứa kia hai tuổi, họ quyết định đặt tên chúng là Jean A, Jean B, Jean C… cứ thế đến hết cho dễ nhớ. 6 đứa bé cùng tên nhau, cũng trùng tên với bố và cả ông nội ông ngoại, rồi đây sẽ biến cuộc sống, mà cha mẹ chúng hy vọng là đơn giản và ngăn nắp, thành ra phức tạp và rắc rối liên miên. Có lần Jean C mở nước tắm cho rùa, nhưng không biết xoay hướng nào để khoá nước lại, kết quả là khi ba mẹ đi xem phim về nước đã ngập mấp mé tới chân cầu thang, lũ trẻ đứng trên ghế khóc nức nở, còn em rùa tung tăng bơi lội khắp nhà. Lại có lần thấy ngoài phố người ta biểu tình, bọn nhóc cũng họp nhau lại tổ chức đình công đòi bố mẹ tăng tiền tiêu vặt và đe doạ sẽ không thoả hiệp nếu mức tăng dưới 10%. Đơn giản như việc tắm rửa mà cũng khó lòng xuôi lọt, vốn ghét tắm, bọn trẻ thường vặn vòi ra một lúc lâu, để tiếng nước chảy tồ tồ đánh lừa ba mẹ.

Đối với từng thành viên nhà Jean, sự đông đúc của gia đình hình như bất tiện và bất thường ngay cả với chính họ. Khi dắt tiểu đội tí hon này ra đường, thấy thiên hạ cứ ồ à ngạc nhiên vì sao có người đẻ nhiều đến thế, mẹ Jean thường khoả lấp “là trẻ con tôi nhận trông hộ”, ba Jean thì bực dọc “đây mới là hàng mẫu, ở nhà còn mấy đứa nữa cơ”. Ngay bọn trẻ cũng có vấn đề của riêng mình. Chúng không bao giờ chơi trò hiệp sĩ giải cứu người đẹp vì không ai chịu đóng người đẹp. Đứa nào cũng từng có lúc ước ao cực đoan rằng chúng là con một hoặc sống cô đơn để khỏi có ai gác chân lên mặt khi đang ngủ. Biết tin mẹ sắp sinh thêm em bé, Jean A lộ vẻ mệt mỏi thấy rõ, còn Jean B ngậm ngùi: “Chúng tôi có khác gì những kẻ sắp chết đuối đang chen chân trên một con thuyền nhỏ, thế mà giờ đây lại phải cố đón nhận thêm một hành khách nữa”. Chỉ ít lâu sau khi em út chào đời, một trong số Jean đã nguệch ngoạc lên cửa, ngay bên cạnh biển tên của gia đình hai chữ “Hết chỗ”. Và vì thủ phạm không chịu nhận tội nên ba đã phạt cả bọn không được đi bơi một tuần.

Sống giữa một gia đình đông đúc mà lại giống nhau quá đỗi từ ngoại hình đến tên gọi, anh em Jean phải nỗ lực đủ mọi cách để cá tính hoá bản thân, chẳng hạn Jean A luôn cố gắng học giỏi tiếng Latin và luyện sự mẫn cảm với chính tả để không bao giờ viết sai, Jean B mơ làm thám tử và luôn ghi tắt tên mình thành J.B (ám chỉ James Bond), Jean C tự nhận mình là người giỏi võ nhất thế giới, Jean D luôn hành xử như người ngoài hành tinh…

Vô vàn khuôn hình sinh động như thế đã tạo nên chất liệu ngoạn mục cho một Chuyện nhà Jean. Không chỉ để vui cười, ẩn sau những màn bát nháo của đám trẻ và sự điên đầu của người lớn là một bài học rất đỗi giản dị về tình yêu thương. Tuy bực bội vì nhà quá đông, nhưng hễ vắng ai thì chính các Jean lại ngậm ngùi: thiếu một người cũng như chơi bài thiếu lá, mọi chuyện trở nên kỳ kỳ, meo méo, khiến cả trò chơi thành ra hỏng bét. Vì đều là con trai nên không có màn hờn dỗi hay nũng nịu trong lòng phụ huynh, thay vào đó các Jean biểu lộ cảm xúc với cha mẹ chúng theo những cách rất riêng. Đi học về, chúng xúm vào giúp mẹ chuẩn bị bữa ăn, khi đi chợ, chúng mua bánh về làm quà cho mẹ. Còn cha, hình tượng ông thường hiện lên lớn lao vững chãi ở những câu cảm thán (Ba tôi khoẻ như lực sĩ, Ba tôi cực kỳ khéo tay. Ba tôi một bác sĩ trứ danh. Ba tôi đúng là chuyên gia vĩ đại về lò nướng…) Tình yêu thương không cần ầm ĩ, tình yêu thương chỉ cần lấp lánh ở những cảm xúc tự nhiên thế thôi.

Dân tộc Pháp xưa nay vẫn nổi tiếng vì bản tính hài hước. Chuyện nhà Jean là sự phản ánh một cách trọn vẹn chất thiên phú của bản tính ấy. Không lên gân, không cố ý pha trò, cả câu chuyện bập bềnh trong dòng âm sắc tỉnh bơ đến tức cười.

Xuất hiện giữa kỷ nguyên công nghiệp và thông tin đang làm xơ cứng dần thói quen sinh hoạt của mỗi người, Chuyện nhà Jean là chiếc máy thời gian giúp người đọc tái tạo ký ức về ấu thơ, về cái thời chúng ta từng đi qua với tâm hồn trong trẻo và bay bổng nhất.

T.Đ.

( Nguồn: Evăn)

Nghe lần nữa “Câu Chuyện Dòng Sông”

.

Đọc lại một cuốn sách cũ, lại là sách hay, vừa được in mới lại, cảm giác bao giờ cũng lạ. Như một người bạn cũ, lên đường đi rất xa, anh về gặp ta trong một hình dạng mới, làm ta say sưa những điều ta chưa biết hay gợi ta lại điều ta đã bỏ quên.

Người bạn này là Tất Đạt, là Thiện Hữu hay chính là dòng sông luôn chảy hướng của mình, bất chấp biến dịch, bể dâu trên mỗi phận người hay trên toàn bộ thế gian nhỏ bé.

Trong dòng miên viễn của đời sống, của khát khao hiểu biết mình, trong nỗ lực chống lại tính hữu hạn và tiều tụy dần của kiếp sống thì Tất Đạt là ai, người bạn hữu thân thiện hiền lành Thiện Hữu là ai nếu không phải là mỗi người trong chúng ta và phần thiện lương trong tâm hồn, đang đi trong hành trình tìm kiếm sự an lạc của riêng mình.

Trong hành trình ấy, người thanh niên Tất Đạt từ giã nhung lụa của gia đình quý tộc Bà La Môn, dấn thân vào gió sương Sa Môn, khổ hạnh ở rừng già, rồi quay lưng trước các phép thôi miên để đến rừng Lộc Uyển đối thoại với đức Cồ Đàm. Nhưng anh khước từ con đường vạch sẵn và lần nữa tìm kiếm trí huệ nơi dục vọng của kỹ nữ Kiều Lan; nơi khát khao địa vị, tiền bạc, gia sản của doanh gia Vạn Mỹ. Để cuối quãng đường, khi đã bước qua đời sống thế tục, Tất Đạt tìm kiếm sự bình an bên bài hát vĩnh cửu của dòng sông mát lành cùng Vệ Sử. Khi dòng sông bị vấy đục bởi đứa con lần đầu tiên thấy mặt, Tất Đạt chứng ngộ tình yêu thương, nở nụ cười viên mãn….

Hành trình của Tất Đạt (hay chính chúng ta) cũng là một vòng tròn đời người, chia nhỏ ra cho mỗi chu kỳ sống: những khát khao hiểu biết đầu đời; lúc tìm kiếm và rời xa thần tượng; những nhu cầu sở hữu, dục vọng nảy sinh khi tráng kiện; lúc tìm an ủi lúc xế chiều nơi con cái… Và rồi tất cả chỉ để học lấy một nụ cười nhẹ nhàng, một tình yêu trong sạch không toan tính, không phân biệt.

Bạn có thể là bất kỳ ai trong những chu kỳ ấy, chỉ xin nhớ rằng không bao giờ muộn để học lấy một nụ cười bình an và yêu thương. Đó là điều dòng – sông – cuộc – đời muốn giữ lại cho tâm hồn người tìm kiếm khi đã cuốn trôi tất cả lỗi lầm, buồn khổ.

87 năm khi tác phẩm Câu chuyện dòng sông hoàn thành, dòng sông và câu chuyện của mình vẫn luôn thế khi thì thầm vào mỗi con người. Mỗi người nhận từ dòng sông những tiếng chỉ dẫn khác nhau nhưng luôn đi về chung sự bình an, tính thường trụ và lòng yêu thương. “Tất cả đều hỗ trợ nhau, yêu, ghét, hủy diệt nhau và trở lại sơ sinh”, Hermann Hesse nói thế nhưng cũng luôn nhắc “đừng lệ thuộc vào những danh từ”. Đọc, để thấy lại mình bình an, tươi mới, sơ sinh trong mỗi thời khắc sống.
.

( Theo TTO)

VƯƠNG THUẤN

“Câu chuyện dòng sông” của Hermann Hesse, Phùng Khánh – Phùng Thăng dịch, NXB Văn hóa Sài Gòn tháng 9-2009

Kể chuyện Lộc Đỉnh Kí- hồi cuối.

Hồi IV

TRAI NĂM THÊ BẢY THIẾP  –  GÁI CHÍNH CHUYÊN MỘT CHỒNG

Ngẫu hứng thế nào khi tưởng tượng cảnh Vi Tiểu Bảo đuề huề bầu đàn thê tử, tôi lại nhớ đến câu tục ngữ này, dù biết ông tốt số họ Vi kia với dân tộc đồng bào này xem ra chẳng bà con hàng họ!

Gái chính chuyên một chồng!

Những bà vợ của Vi Tiểu Bảo khéo hay  lại là những nhi nữ đủ đầy tài năng phẩm hạnh. Mà  cái hạnh tuyệt khéo đến là hiếm hoi ở thời nay lại là đức chính chuyên.

Tiêu biểu cho cái đức này là  Phương Di.

Phương Di người của Mộc vương phủ, trong một lần tấn công vào cung điện nhà Thanh chẳng may thọ trọng thương, rồi lại may mắn lọt vào tay Vi Tiểu Bảo. Bị họ Vi bức ép ra giá chịu nhận làm bà vợ ruột thì mới ra tay cứu giúp. Phương Di cự tuyệt, nhưng lại bị quận chúa Mộc Kiếm Bình năn nỉ mãi, cuối cùng đành gọi Vi Tiểu Bảo mấy tiếng hảo công công! Chuyện ngỡ như đùa, ngay cả Vi Tiểu Bảo dù mặt dày cũng không coi là thật, vậy mà từ đó Phương Di lại đinh ninh xem mình là người của Vi gia rồi! Sau này nàng thành vợ của Vi tước gia thật.

Những bà vợ khác, mỗi người một hoàn cảnh, không ai giống ai, song bảy đóa đệ nhất danh hoa lần lược rồi cũng về nhà họ Vi hết.

Đường tình của Vi Tiểu Bảo cực tốt.

Trai năm thê bảy thiếp!

Vi Tiểu Bảo mồm mép trơn tuột, lại hạ lưu vô sỉ, cái đức vô sỉ của y hiển hiện rõ nhất khi mà y phát hiện ra người đẹp.

Lần đầu y tiếp xúc với nữ nhi có lẽ là tiểu quận chúa Mộc Kiếm Bình.

Tiểu quận chúa sinh ra khi nhà Minh đã mất, tuy thế lòng tôn sùng của thuộc hạ với vương gia Mộc Anh, đại công thần khai quốc của nhà Minh, vẫn còn sâu đậm. Vì vậy mà quận chúa sống trong sự tôn kính và bảo bọc của các nô bộc trung thành, lòng không bợn bụi trần. Rủi bị Vi Tiểu Bảo lừa phải chấp thuận làm bà vợ bé, lại thọ ơn cứu mạng của vị công công kì quặc này nên đem lòng trung trinh bất nhị trao gửi, về sau làm vợ  y. Gã con không cha vậy là kể như ăn hiếp được nhà Mộc vương phủ!

Người mà Vi Tiểu Bảo si mê nhất trong số các bà vợ ruột có lẽ là  Trần A Kha, đệ tử Cửu Nạn, con gái Trần Viên Viên và Lí Tự Thành., cũng tại cái cửa ngõ đầy tai ách này, Vi Tiểu Bảo chịu trăm ngàn khổ nhục, mà cũng thể hiện được tấm chân tình của y. Y một lòng một dạ nhận A Kha làm vợ ruột, lừa sư phụ Trừng Quan bắt nhốt A Kha trong chùa, dập đầu lạy Cửu Nạn là sư phụ để kề cận A Kha. Đổi lại y được đền đáp những gì? Bị A Kha đuổi đánh, dọa chém đầu, lại bị A Kha một lòng một dạ theo Trịnh Khắc Sảng làm y bẻ mặt, thậm chí còn bắt y đi giải cứu Trịnh công tử, Vi Tiểu Bảo đành ngậm ngải mà làm vừa lòng  người đẹp A Kha. Khéo hay cơ trời sắp đặt, cuối cùng A Kha cũng làm vợ đẻ con cho  nhà họ Vi. Thêm một chiếc lá ngọc rời cành vàng rớt nhằm giếng  nước đục!

Trong số các bà vợ chỉ có một bà trị được y là công chúa Kiến Ninh, em vua Khang Hy. Công chúa từ nhỏ trong cung cấm không ai bầu bạn, nên vừa gặp gã thái giám giã Vi Tiểu Bảo liền thân thích si mê, rồi trăm phương nghìn kế mà chăng bẫy, được cái họ Vi cũng dễ tính nên dễ dàng ngã ào vào chiếc bẫy của công chúa,. Họ có một con gái là Tiểu Song Song.

Lãng mạn nhất là sự gặp gỡ với Tăng Nhu, đẹ tử phái Vương Ốc, y hốt trọn ổ bọn đệ tử phái Vương Ốc, trong đó có Tăng Nhu, rồi thay vì chém đầu hết thảy, y lại bày trò gieo xúc xắc quyết định thắng thua rồi giở trò ma chịu thua mà thả hết mà binh lính dưới quyền không hay biết. Đổi laị y được nắm tay Tăng Nhu một cái, bóp bóp, cái này thì y phải kiếm chác! Sính lễ để vừa lòng cô gái là mười mấy mạng người, kể ra Vi Tước gia cũng chơi bời đáo để!               

Cái cơ duyên xảo hợp nhất trong đường tình của Vi Tiểu Bảo là bận y bị  Hồng giáo chủ bao vây ở  kỹ viện Dương Châu. May y dùng kế hạ mông hãn dược ( thuốc mê) vào rượu, hạ được phe Hồng giáo chủ, lại hốt trọn một bầy đàn tay chân gồm những nữ nhi xinh xắn trong đó có cả Hồng phu nhân,  Phương Di, Mộc Kiếm Bình, rủi thay trong số nạn nhân có cả A Kha. Y thoát đại nạn, nhìn ngắm các người đẹp, máu luông tuồng lại nổi lên, liền bế tất cả lên giường, hát bài Thập bát mô , bài hát thịnh hành ở chốn lầu xanh. Sau chuyến này các cô gái xem như bị đóng dấu đỏ của Vi phủ!

Chuyện nam nữ lăng nhăng của Vi Tước gia lê thê từ khi họ Vi trở thành vị thái giám sủng ái nhất của  Khang Hy mãi đến hồi cuối khi y dắt bảy bà vợ đi ở ẩn, tạm tóm tắt bằng vài dòng như thế.

Giờ điểm lại danh tính như sau: Tô Thuyên nguyên là vợ Hồng An Thông, giáo chủ Thần Long giáo, Song Nhi nguyên là a hoàn nhà Trang gia, Phương Di, Mộc Kiếm Bình người nhà Mộc vương phủ, Tăng Nhu đệ tử phái  Vương ốc, A Kha con gái Trần Viên Viên, và  công chúa Kiến Ninh.

Vậy là song song với thành tựu về chính trị của Khang Hy, Vi Tiểu Bảo cũng đại công cáo thành trong sự nghiệp thu phục những người đẹp. Có ý kiến cho rằng hình ảnh gia đình Vi Tiểu Bảo đuề huề chính là ẩn dụ về cục diện chính trị Trung Hoa, cuối cùng thì mọi phe phái chính trị bị dẹp bỏ, đều sống chung một mái nhà. Ý kiến này càng thuyết phục nếu chúng ta để ý đến xuất thân của các bà vợ Vi Tiểu Bảo, mỗi người một thành phần, một môn phái đại diện cho những xu hướng chính trị khác nhau ở Trung Quốc vào đầu đời Thanh.

Ngẫm vậy không sai, song e rằng nghiêm túc quá! Mà giọng điệu chủ đạo của Kim Dung khi viết về Vi Tước gia và các bà vợ cơ bản là nhạo cợt. Nhạo cợt nhất là khi để cho họ Vi hát bài “ Thập bát mô” ở kĩ viện mà chiếm được A Kha và Tô Thuyên, cả Phương Di nữa! Còn cô công chúa Kiến Ninh không có cái phước dân dã  mà vào được kĩ viện nên sau này cứ nằng nặc đòi  Vi  Tiểu Bảo đưa mình vào kĩ viện …cho vui!

Cuối  truyện là cảnh Vi Tiểu Bảo đưa bảy bà vợ về ra mắt Vi Xuân Phương. Vi Xuân Phương cứ nhìn mặt từng cô dâu một mà bình phẩm về nhan sắc bằng cái giọng của một kĩ nữ có nghề! Vậy có thể kết luận rằng khởi đầu và kết thúc cho hạnh phúc của đại gia Vi đều là kĩ viện cả. Thế thì nếu xem hình ảnh này đại diện cho cục diện chính trị Trung Hoa  thời bấy giờ thì tiện thể cũng nên hiểu thêm về ngầm ý của Kim Dung nữa. Vậy câu chuyện thê thiếp bầy đàn kia có ngụ ý gì?

Kim Dung khởi viết tiểu thuyết võ hiệp khi đã rời đại lục mà sống ở Hồng Kông. Năm 1950 gia đình cha mẹ ông bị đem ra đấu tố trong cải cách ruộng đất, từ đó ông mất liên lạc với quê nhà. Trong hoàn cảnh ấy, chắc hẳn trong lòng  tiểu thuyết gia ôm nhiều phiền muộn chán chường, nhất là chán ngán cái trò chính trị nhiều rối ren ma mị. Có phải vậy chăng mà  những nhân vật chính trị trong tiểu thuyết của ông phần lớn là kém phẩm hạnh. Riêng trong Lộc Đỉnh ký thì câu chuyện chính kiến với mấy trò cờ bạc hay cái hứng mua vui ở kĩ viện nào có khác gì nhau! Vậy nên nhất thiết phải mời cho kì được các gương mặt đại diện về Dương Châu cho Vi Xuân Phương ngã giá!

Và cái kết có hậu của trường thiên tiểu thuyết này thoáng một  nhếch mép mai mỉa.

Người kể chuyện cũng nhân chuyện mà  cảm khái:

Xanh kia thăm thẳm từng trên

Vì ai gây dựng cho nên nỗi này!

Kể Chuyện Lộc Đỉnh Kí

HỒI II

Tâm si, tâm trung, tâm nhũng nhiễu

Đao vương, thần trảo, bán kiếm vô

Hồi này kể chuyện ba nhân vật nổi  tiếng võ công siêu phàm mà quần hùng nghe danh là vỡ mật: Tổng Đà chủ Thiên Địa hội Trần Cận Nam, bách thắng đao vương Hồ Dật Chi và nhất kiếm vô huyết Phùng Tích Phạm. Cả ba được gọi là Đài Loan tam hổ.

Cùng hàng tam hổ, song bối phận, tài năng cùng phẩm hạnh Trần Tổng đà chủ hơn hẳn hai nhân vật kia. Người đương thời truyền tụng câu: “ Bình sinh không biết Trần Cận Nam, có tiếng anh hùng cũng uổng phí.”

Trần Cận Nam nổi tiếng với công phu ngưng huyết thần trảo, một trảo công ra thì đối thủ trong hai canh giờ khí huyết sẽ ngưng tụ mà chết. Song là chính nhân quân tử, Tổng đà chủ cũng nhận thấy công phu này có phần bá đạo nên không phải trường hợp quan yếu thì quyết không dùng đến. Trong truyện cũng chỉ có một lần đà chủ thi thố tuyệt kĩ công phu là khi phải khống chế Lí Tây Hoa để bảo vệ tuyệt mật của bản hội.

Lộc Đỉnh kí đã thật hấp dẫn với những hồi nhân vật anh hùng này xuất hiện, nhất là các hồi  Cận Nam giải phóng Tra Y Hoàng khỏi móng vuốt của bọn chó săn nhà Thanh, kịch chiến cùng Phùng Tích Phạm, võ công khuất phục Thi Lang.

Trần Cận Nam là bề tôi trung của Trịnh Thành Công chiếm cứ Đài Loan gương cao cờ phản Thanh phục Minh. Mưu trí hơn người, tài năng trác tuyệt, tâm chánh hành trực, tổng đà chủ được giang hồ nể phục.

Song cơ trời đã bỏ nhà Minh, nên một đời bôn ba của Trần Cận  Nam cũng thành bọt biển, cuối cùng bị chính con trai Trịnh Thành Công là Trịnh Khắc Sảng ám toán, chết oan uổng trên đảo Thông Ngật. Thiên Địa hội cũng theo số mệnh đà chủ mà tan rã.

Trần Cận Nam anh hùng thì thật anh hùng, chỉ tiếc cơ trí mà cố chấp, biết khí số nhà Thanh đã hết mà vẫn bôn ba, biết Trịnh Khắc Sảng hèn hạ mà không đề phòng, biết Phùng Tích Phạm gian giảo mà không tiêu diệt, để cuối cùng uổng tấm thân bảy thước.

Đó là hình bóng của những kẻ mang  quan điểm ngu trung mọi thời, đáng thương mà cũng đáng trách.

Song nghĩ lại âu cũng là mặt trái tất yếu của tri thức, mấy ai đủ can đảm từ bỏ mớ học thức mình một đời gom góp được, thành tôn thờ đến mức mê muội, đến thành nô lệ, thành tín đồ mù quáng.

Lắm kẻ khi luận sự đời cứ xơ cứng chết khô, một lời bàn luận cứ y như là trích dẫn từ chương cú  lạc hậu lỗi thời ma mị ra, đem cái máy móc mà phán xét sự đời, cầm tù mình đã đành, lại còn soi mói nhân thế. Lỡ nuôi thêm cái tâm chim cú thì tàn hại đời vô kể chứ đâu chỉ hại mình!

Thương ôi, may mà Trần tổng đà chủ tâm trung trong sạch, nhất bái cung tiễn!

Đứng thứ hai trong Đài Loan tam hổ phải kể đến Hồ Dật Chi, danh hiệu bách thắng đao vương.

Đao vương xuất hiện rất ít ở trong truyện. Y chỉ hiển lộ thân thủ một lần khi quyết đấu ngang ngửa cùng Phùng Tích Phạm trên sông Liễu Giang.

Điều lạ lẫm ở nhân vật này không phải là võ công mà là hành xử.

Hồ hiệp sĩ mê danh nữ Trần Viên Viên, song tự biết danh phận và thế lực mình khó có thể ngang bằng với Lí Tự Thành, Ngô Tam Quế, nên chỉ chờ khi Trần Viên Viên đi tu thì tình ngyện làm sải già quét tước canh gác cho mĩ nhân để thỏa một đời được gần gũi người đẹp! Ngẫm nghĩ món hồi môn Hồ hiệp sĩ cung tiến mĩ nhân  cũng đáng cho hậu thế ngậm ngùi!

Hèn gì bối phận hơn hẳn Vi Tiểu Bảo mà Dật Chi vẫn sảng khoái khoái kết tình huynh đệ với Vi Tiểu Bảo, ý hẳn là đồng bệnh tương lân! ( Bởi Tiểu Bảo cũng mê A Kha con gái Trần Viên Viên như điếu đổ.)

Võ công cao mà danh phận không màng.

Không chịu lụy mình vào mấy trò chính trị đa trá đa ngụy.

Một đời đam mê cái đẹp, thờ phụng cái đẹp cho thỏa chí mình!

Ứng xử kể vào hàng cốt cách.

Bách thắng đao vương xuất hiện chớp nhoáng , đao pháp chớp nhoáng để người đời thán phục rồi  nghiễm nhiên tại vị là một kẻ tình si. Có cái thân thế và thân thủ ấy bảo lãnh, ai dám cười gã một đời dại dột.

Mỗi đời người có một chọn lựa: Kẻ chuộng bạc tiền, người tham quan chức. Kẻ bán mạng cho chính trị, người  điên đảo với hư danh rốt cuộc cũng chỉ những trò chơi, vậy mà lắm kẻ lên mặt kiêu ngạo với trò chơi nhiều thắng thua ấy.

Hồ hiệp sĩ chọn riêng cho mình một nẻo chơi, và ngang nhiên thống khoái thách đố những cười nhạo của bọn bằng hữu giang hồ. Ứng xử ấy trung thực với mình và can đảm với người đời. Kể ra không phải bản lĩnh võ hiệp mà chính hành xử ấy mới vào hàng cao thủ.

Xin được kết giao cùng Hồ bằng hữu!

Người cuối cùng kể đến là Phùng Tích Phạm.

Họ Phùng võ công lẫy lừng, lại vô sĩ đa trá, kể ra trong tam hổ hắn đáng sợ nhất.

Nổi tiếng nhất kiếm vô huyết, mỗi chiêu kiếm xuất ra, chưa trọn kiếm chiêu, chưa thấy lưu huyết mà đối phương đã thọ trọng thương, thật là công phu thượng thừa.

Hắn võ công ngang hàng nhị hổ kể trên, nhưng lại hai lần chiếm thượng phong nhờ ám toán một cách vô sỉ.

Giang hồ nguyền rủa còn Trần ,Hồ thì chỉ thoát chết trong đường tơ kẻ tóc. Tiện cũng kể thêm ấy là vỏ quýt dày gặp móng tay nhọn, hắn bất thần ám toán Hồ Dật Chi, Trần Cận Nam lại bị chính gã tiểu lưu manh Vi Tiểu Bảo dùng vôi bột ám toán lại, hắn hạ lưu lại bị chính hạ lưu vô sỉ đánh bại.

Phùng Tích Phạm là sư phụ của Trịnh Khắc Sảng, về sau hai thầy trò cùng đầu hàng Khang Hy, dâng Đài Loan cho nhà Thanh, họ Trịnh được phong tước công, còn Phùng thì thọ danh Trung Thành bá.Về sau  Vi Tiểu Bảo báo thù cho sư phụ, hại Trịnh Khắc Sảng tán gia bại sản, còn Phùng Tích Phạm thì bị lừa đem ra pháp trường chém đầu thay cho tử tù Mao Thập Bát.

Khắc tinh của Phùng Tích Phạm cuối cùng lại chính là Vi Tiểu Bảo.

Phùng Tích Phạm với đời sống của y có ý nghĩa gì?

Hắn đáng sợ bởi vừa cao cường vừa vô sỉ.

Hắn là hình bóng của lắm kẻ trong đời, vô sỉ và đem bản lĩnh của mình mài nhọn cái vô sỉ, trở thành nỗi ám ảnh của nhân thế.

Những kẻ vô sỉ lại nhơ nhơn tự đắc, lại còn học hàm học vị, lại thế gia chức tước đi kèm, lại càng tác hại lắm lắm.

Mà những kẻ ấy thì đời nào lại thiếu!

Lại to nhỏ đủ loại, rộng hẹp đủ mặt, đến trốn vào chiêm bao còn gặp hắn nữa là!

Loại ấy nếu không học được cái môn công phu của Vi Tiểu Bảo để mà dĩ độc trị độc thì chỉ còn có sách kính nhi viễn chi!

Đài Loan tam hổ ba gương mặt thượng thặng là bao lời nhắn nhủ: Ba cái hại đời hại mình là siêu, si, trá.

Mà đời ấy nhũng nhiễu, không siêu, không si, không trá liệu rồi có dược yên thân?

Ngẫm các sư chùa Thanh Lương cố giữ cho mình cái tâm không bị hoặc bởi cái siêu, cái si, cái trá rồi cũng bị đời hồ đồ đuổi theo bách hại.

Ở đời khó thay!

Thôi thì nếu phải chọn một nẻo để hóa thân thì kẻ yếu bóng vía này đành chịu miệng thế chê cười mà  theo chân Hồ đại ca làm sãi già một đời cho thỏa thích!

.

Nguyễn Tấn Ái

Hè 2010

Kể Chuyện LỘC ĐỈNH KÝ

Kim Dung, chủ bút tờ Minh Báo, có lẽ ít được biết đến với tư cách một chủ bút bằng tư cách là đại gia trong ngành tiểu thuyết võ hiệp với tổng cộng mười hai bộ trường thiên, ba bộ đoản thiên.

Trong sự nghiệp đồ sộ ấy, có những bộ  từng tung hoành trong khắp các học đường, giảng đường ở Việt Nam, nhất là thời trước 1975 như: Võ Lâm Ngũ Bá, Xạ Điêu Anh Hùng Truyện, Ỷ Thiên Đồ Long Kí.

Thế giới nhân vật của Kim Dung phong phú đa dạng và hấp dẫn với phong cách hiệp nghĩa giàu sức chinh phục.

Khó có thể phân cao thấp giữa các bộ sách, cũng bởi mỗi người đọc lại có một sở thích và cảm nhận khác nhau. Nhưng theo thiển ý thì có lẽ  tại hạ thích nhất là hai bộ: TIẾU NGẠO GIANG HỒ và LỘC ĐỈNH KÍ.

Nhân gần đây trên VTV3 có chiếu lại bộ phim LỘC ĐỈNH KÍ nên cũng muốn nhàn đàm vui vui cùng bạn đọc theo cái kiểu trò chuyện dông dài mà tuyệt đối không phải là khảo cứu.

Mục đích cũng chỉ “ vui thôi mà” nên mời mọi người cùng góp chuyện, và gác lại những bất đồng trong học thuật. Vui thôi mà!


Hồi I: Sẩy chốn lầu xanh Vi Tiểu Bảo anh hùng tứ xứ

Ngự Lộc đỉnh công thằng tiểu quỉ ngạo chốn vương hầu.

Hồi này luận chuyện Vi Tiểu Bảo, nhân vật chính của Lộc Đỉnh Kí.

Tiểu Bảo xuất thân hèn hạ, mẹ là Vi Xuân Phương, một kĩ nữ chốn Dương Châu, vùng nỗi tiếng yên hoa tam nguyệt.

Cha y thì thôi đủ loại Mông, Hồi, Mãn, Hán… May mà không có Tây dương!

Có thể nói đến hai phần ba học thức mà hị Vi kia có được là từ những khách thập phương lúc trà rượu nhàn rỗi kể lại .Tức là học thức cóp nhặt không đầu không cuối.

Cũng vì giữa chốn ăn thua, lại cô thân cô thế, nên món võ công thượng thặng mà Tiểu Bảo thành đạt cũng chỉ là món võ mồm và sự giảo hoạt siêu đẳng.

Tình cờ kết giao với gã giang hồ Mao Thập Bát, được họ Mao đưa lên Bắc Kinh.

Giữa chốn hiểm nguy, dụng kế làm mù mắt Hải lão công, giết chết Tiểu Quế Tử, cứu Mao Thập Bát, rồi tự mình giả làm Tiểu Quế Tử, nhơn đó mà hí lộng vô pháp vô thiên nên kết thân cùng  Khang Hy dưới tên gọi Tiểu Huyền Tử.

Từ đó đường mây nhẹ bước, liên tiếp tiến chức thăng quan.

Sự tình cờ đẩy đưa, Vi Tiểu Bảo rơi vào Thiên Địa hội, trở thành hương chủ thiên địa hội.

Y nhờ thân tín với Khang Hy mà liên tiếp lập công với Thiên Địa hội.

Lại nhờ Thiên Địa hội mà lập công với Khang Hy.

Đến cuối cùng, Thiên Địa hội tan rã, Khang Hy vững vàng, Vi Tiểu Bảo cắp bảy bà vợ đẹp như hoa như ngọc trốn khỏi tầm quản thúc của Khang Hy về lại Dương Châu mai danh ẩn tích một đời còn lại thỏa cái thú vợ con tiền của.

Có lẽ nên gọt nhẹ để lại cái lõi của cuộc đời Vi tước gia là thế.

Giờ bàn về cá tính Vi Tiểu Bảo.

Khác với những nhân vật phi thường trong tiểu thuyết Kim Dung, thường chinh phục mọi người bởi khí phách anh hùng, đan tâm hiệp cốt.

Vi tiểu Bảo thì đến một cái vảy anh hùng cũng không có. Có lần  bị anh em họ Bạch ở Mộc gia bóp cổ tay sưng vù, họ Vi miệng oai oái kêu đau, mặt hăm hăm bắt đền ăn vạ, không khỏi làm quần hào Thiên Địa hội một phen bẽ mặt.

Đan tâm thì như Khang Hy có lần phủ mặt thân thiện: “ Đến như ngươi mà trung tâm bất nhị  thì thiên hạ không còn ai điêu trá nữa.”

Tính khí thì thôi đủ tật xấu xa: Ham đánh bạc ăn gian, hễ thấy gái đẹp thì đến chết cũng theo kì cùng! Bởi vậy mà giữa chốn triều đình vẫn có gan giấu hai gái đẹp đang bi truy nã là Mộc Kiếm Bình với Phương Di. Dù bị A Kha đuổi đánh dọa chém vẫn cứ một hai xin làm đệ tử của  Cửu Nạn để được gần kề A Kha.

Chí hướng thì ngay khi lên đến tước công vẫn không nguôi mơ màng về lại Dương Châu mở dăm bảy kĩ viện!

Vậy mà con người không ra gì ấy lại liên tục thăng tiến, luôn được trọng vọng, trong triều đình nhà Thanh và cả trong các thế lực phản Thanh. Nguyên nhân?

Trước hết là sự may mắn.

May mắn lớn nhất đời y là ngẫu nhiên tình cờ làm bạn với Khang Hy.

Khang Hy oai trời mà tịch mịch. Ai dám làm bạn với vua! Lại còn con trẻ, lại càng tich mịch. Vi Tiểu Bảo vì giả làm thái giám nên đến vua cũng chẳng nhận ra. Thế là rủ nhau đấu vật, tỷ võ, rủ cả ăn trộm thức ăn của ngự thiện phòng, tức rủ vua bốc trộm thức ăn của vua. Khang Hy dù nằm mơ cũng không tưởng đến phúc dày có ngày được một người bạn thành thật đến thế. Rõ thật là bảo bối!

Mà suy cho cùng cũng chỉ có thằng tiểu quỉ Vi Tiểu Bảo vô pháp vô thiên mới hí lộng quỉ thần cỡ đó.

Mà trong bề tôi của Khang Hy cũng chỉ có một Vi Tiểu Bảo mới trung hậu thành thật khai báo:

–         Đối với bệ hạ đôi khi thần dập đầu thành thật, mà cũng nhiều khi dập đầu qua loa cho xong chuyện!

Mà trong bề tôi của Khang Hy cũng chỉ có một Vi Tiểu Bảo mới có cái phước nhận được đạo thánh chỉ vô tiền khoáng hậu: “ Tiểu Quế tử, con mẹ nó, ngươi đi đâu thế? Ta nhớ ngươi lắm, thằng đầy tớ xấu xa nhà ngươi vô tình vô nghĩa quên lão tử rồi à?”

Sau nữa là sự khôn ngoan gian giảo.

Vi Tiểu Bảo sinh ra  lớn lên ở kĩ viện, trưởng thành chốn hoàng cung, mà hai nơi đó lại chính là hai nơi trá ngụy nhất trên đời, thành bản tính y. Chỉ có điều y xem những chuyện kia hiển nhiên là phải thế. Đánh không lại thì phải dùng tiểu xảo như chặt chân, tráo ngựa, tung vôi bột, cùng lắm thì ầm ỹ kêu khóc. Với thiên hạ là hạ lưu, với y là thượng sách. Biết được tính nết hèn hạ của vị đệ tử này, một trong những sư phụ của y là Trần Cận Nam , tổng đà chủ Thiên Địa hội có căn dặn: “ Ta trong võ lâm tiếng tăm không nhỏ, thân phận không thấp, ngươi đừng làm ta mất mặt” thì ngay lập tức được y trả giá:Con có lúc cũng không muốn mất mặt, có điều nếu mất mặt thì cũng không có cách nào. Ví dụ đánh không lại người ta, bị người ta bắt được bỏ vào thùng táo chở đi như một kiện hàng thì sư phụ người cũng đừng trách”.

Biết được Khang Hy rất quí cái thân tình thuở nhỏ, có lần có chuyện khó tâu, y đánh bài liều hét lên: “ Tiểu Huyền tử, Tiểu Quế tử có điều muốn nói”, Khang Hy lập tức bị y giáng chức mà không thể dụng cái uy quyền của một ông vua. ( chuyện về khang Hy mạo nhận là tiểu thái giám Tiểu Huyền tử đã lược kể ở trên)

Y cũng có lúc bạo phổi mà bộc bạch với vua: “ Tính đệ tử có chút gian gian xưa nay sư phụ cũng biết rồi” ( Y cũng nhận Khang Hy làm sư phụ)

Y lừa Khang Hy, qua mặt Trần Cận Nam, tiêu diệt Thần Long Giáo, bắt sống Ngô Ứng Hùng đều như những canh bạc, như chơi bài cẩu.

Mà phương diện gian gian thì quần hùng không thể bằng y. Sư phụ không bằng y. Vua cũng không bằng y.

Chính mẹ y cũng nhận xét y giống gã cha hờ ở hai con mắt kẻ cướp!

Song trong trăm nghìn nết xấu,Vi Tiểu Bảo cũng còn một tính tốt: Y trọng nghĩa khí.

Một lời kết giao thì không bỏ Mao Thập Bát.

Không vâng lời nhưng rất yêu kính sư phụ Trần Cận Nam.

Vì tình thân mà xả thân cứu Khang Hy thoát mũi kiếm của Cửu Nạn.

Thiên Địa Hội muốn y hại Khang Hy thì y không hại.

Khang Hy muốn y tiêu diệt Thiên Địa hội thì y không làm.

Khang Hy đã luận công Vi Tiểu Bảo như sau:

“ Ngươi đối với bằng hữu rất biết nghĩa khí, đó là nết tốt…Ngươi thà chết không chịu phản bạn, không vì vinh

hoa phú quí mà bán đứng bạn bè, kể cũng là hiếm có, rất có phong thái cổ nhân. Ngươi đã không chịu phản bạn ( Thiên Địa hội), tự nhiên cũng không phản ta. Tiểu Quế tử, ta tha tội cho ngươi không phải vì công lao trước đây, không phải vì hai chúng ta từ nhỏ đã rất hợp nhau, mà còn vì ngươi coi trọng nghĩa khí thì không có gì là xấu”

Có thể nói Vi Tiểu Bảo không thể đứng vào hàng anh hùng hay quân tử. Nhưng cái nết tốt nhất của chính nhân quân tử thì may mắn y lại giữ được. Đó cũng là  cái lạ ở nhân vật Vi Tiểu Bảo. Là điểm học thức khả dĩ ở y.

Luận chuyện Vi Tiểu Bảo mà không luận về học thức ở nhân vật này thì e rằng còn thiếu sót.

Vậy Vi Tiểu Bảo đại diện cho triết lý gì của  Kim Dung?

Xét lại nền học thức Trung Hoa với nhân nghĩa lễ trí tín làm rường cột đã ngự trị hàng ngàn năm, hoặc lâu hơn nữa khi đến với Vi Tiểu bảo thì chẳng trở nên nghĩa lí gì.

Y thuở nhỏ cũng nghe kể nhiều về anh hùng với mĩ nhân, về lễ nghĩa, trí tín. Nhưng chỉ toàn là những chuyện nghe mà không thấy. Đến khi y vào đời thì thứ học thức ấy toàn vô dụng vì không có lợi, dụng đến e khi mất mạng, mà mất mạng thì phỏng học thức có ích gì! Nên y toàn chế hóa từ vốn thực nghiệm mà thôi.

Ngẫm quần hùng Thiên Địa hội một lòng trung quân ái quốc mà đến chuyện thờ ai cho phải cũng cãi nhau đến thành một trường hồ đồ. Rốt lại chân lí không rõ ràng.

Trần Cận Nam nổi tiếng anh hùng mà vì tiếng trung quân nên bị Trịnh Khắc sảng làm hại, chết một cách phi lí và oan ức.

Thuận Trị bỏ ngai vàng mà đi tu cũng vì không biết xử đạo nhà ra sao cho phải.

Rốt lại những đám người có tri thức trong truyện hoặc là tri thức không đến nơi đến chốn, hoặc tri thức không thông, hoặc tri thức không thực tế.

Mà tri thức đời nào cũng thế, làm sao mà thực tế!

Rồi cứ đem cái hình bóng không có thật của lí tưởng để hại người, hại mình.

Vi Tiểu Bảo vì bản chất gian giảo nên không khó đọc ra cái gian giảo của lí thuyết.

Vì thế học thức với y cuối cùng rốt lại là những câu vui vui:

Một lời nói ra ngựa tử khó đuổi ( y nghiệm ý “ tứ mã nan truy” thành ngựa chết rồi thì khó đuổi theo)

Vua là  Điểu sanh ngư thang ( y nghiệm câu Nghiêu Thuấn Vũ Thang thành bát canh thịt chim cá)

Cái gì đó trong cái gì với cái gì ngoài ngàn dặm ( Chuyện trù tính trong trướng mà quyết thắng ngoài ngàn dặm với y chỉ là thứ rối rắm gì gì)

Rốt lại y là hiện thân của một thời kì tri thức suy tàn rỗng tuếch mà mớ lí thuyết chính trị chết khô chỉ tổ làm trò cười cho lũ tiểu lưu manh vô học.

Bao phe phái chính trị trong Lộc Đỉnh kí tan tành, chỉ Vi Tiểu Bảo nhơn nhơn đi nghêu ngao trí trá bên bờ lí thuyết mà tồn tại.

Và kịp thời lẩn khuất trước khi nhà Thanh đến lược mình cũng cáo chung!

Nhân vật Vi Tiểu Bảo đôi khi lại là một triết lí!

Xong hồi một

Hè 2010

Nguyễn Tấn Ái

Cậu Nhóc Mua Cười Suốt 50 năm

Thể loại: Sách Thiếu Nhi
Tác Giả: Goscinny và Sempé

Cậu Nhóc Mua Cười Suốt 50 năm

(Theo Tuổi Trẻ)
Thật khó để có thể hình dung hết được ảnh hưởng của một cậu nhóc đã khiến người ta vui cười suốt 50 năm và vẫn còn tiếp tục khiến người ta vui nữa! Song với Nhóc Nicolas, đó là một thực tế nên hình dung!

Mới đây, khi tập di cảo tiếp theo và có lẽ là cuối cùng của Goscinny được đem ra xuất bản (nhan đề: Nhóc Nicolas, quả bóng và các truyện khác), hãng tin BBC đã viết bài đánh giá cậu là “quốc bảo của nước Pháp”, một tờ báo Anh khác, tờ Telegraph đã chạy tít “Nhóc Nicolas (không phải là Sarkozy) đã trở lại!” Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy từ lâu đã được gọi là “Nhóc Nicolas” nhưng chắc chắn không phải với nhiều trìu mến như người ta vẫn dành cho cậu học trò trứ danh nhất nước Pháp, tức Nhóc Nicolas xịn. Các fan của Nhóc Nicolas nếu quan tâm chắc không ai bé cái lầm hai tập sách nhại viết về Nhóc Nicolas rởm là ông Nicolas Sarkozy thời ông tranh cử với bà Ségolène Royal (Nhóc Nicolas, Ségolène và các bạn) sau rồi bước vào ngồi trong điện Elysée (Nhóc Nicolas ở Điện Élysée) với cái tên tác giả cũng nhại luôn: Gospé và Sempinny – y kiểu nói lái của Việt Nam! Nhóc Nicolas quả bóng và các truyện khác chỉ là một trong ba việc lớn mà người Pháp tiến hành vào năm 2009 này để mừng sinh nhật Nhóc Nicolas 50 tuổi: ngoài việc ra sách, một triển lãm lớn dành cho cậu nhóc được bày từ tháng 3 đến tháng 5 ở tòa thị chính Paris, và tháng 8, lần đầu tiên, bộ phim về Nhóc Nicolas sẽ chính thức ra mắt khán giả. Quá nhiều vinh dự cho một thằng nhóc 8 tuổi, tài cán chả rõ, nghịch ngợm quá trời và học dốt ở mức gần đội sổ!

Nhưng thằng nhóc học trò đó dứt khoát có điều gì đó kỳ diệu, để đến nay, dù hoàn cảnh xã hội ở nước Pháp đã biến chuyển, môi trường giáo dục đổi khác, học trò từ lâu đã không tự do cắp cặp tung tăng trên phố để tới trường nữa, thì vẫn còn nguyên đó, với trẻ con và người lớn, niềm vui khó kìm được lật giở những trò bi đáo, quậy phá, dằn dỗi, khoảnh ngầm, xấu thói, khoe khoang, lên mặt và bóc mẽ… Tóm lại, cả một tấn trò đời, diễn ra trong và ngoài cổng trường học, của lũ thò lò mũi xanh.

Song Nhóc Nicolas là cả một sự xảo hợp! Cảo thơm lần giở: gặp gỡ vào năm 1955, Goscinny và Sempé, người hai bảy kẻ hai mốt, tức thì đã kết thành một cỗ máy sáng tạo hoàn hảo. Ngày 29 tháng ba 1959, trên tờ Tây-Nam Chủ nhật đã xuất hiện truyện đầu tiên về một thằng nhóc tên là Nicolas, viết bởi Goscinny, minh họa bởi Sempé. Không ai ngờ được thằng ấy sẽ thành Nhóc Nicolas ngày nay. Cũng như cỗ máy ấy sẽ tiếp tục vận hành trơn tru bảy năm ròng sau đó: Goscinny đã viết hơn 200 truyện, và Sempé thì minh họa. “Ông ấy đã sáng tạo ra tất cả… Ông ấy là người tổ chức mọi thứ và tạo ra các nhân vật nhóc con khác, Agnan, Alceste… Ông ấy đã dùng cái công thức ấy với cả những câu chuyện tôi kể cho ông ấy nghe về tuổi thơ của tôi, những gì tôi đã trải qua ở trường, không có ông ấy thì tôi không chẳng biết cách rút ra được,” Jean-Jacques Sempé, đồng tác giả của Nhóc Nicolas nói. “Ông ấy đã tìm được một giọng kể tuyệt vời, đến bây giờ vẫn khiến trẻ con thích. Sau đó, ông ấy nói với tôi nhiều lần rằng ông ấy thích Nhóc Nicolas hơn hết trong số các tác phẩm của ông ấy.” Với nhóc Nicolas, Goscinny, còn là tác giả của Astérix, Lucky Luke, đã trở thành ngôi sao. Cũng với nhóc Nicolas, sự nghiệp minh họa của Sempé đã chính thức cất cánh. Tên của ông giờ đây còn được ghi vào từ điển Larousse.

Được phụ họa, được tăng cường cho ép-phê bởi những bức vẽ đầy chất thơ, thấm đẫm cái uy-mua dịu dàng của Sempé, quả thực, nhóc Nicolas đã chinh phục được hết thảy độc giả bởi một thứ ngôn ngữ trẻ nít, mày tao chí tớ đơn giản, lặp lại, nhưng ngây thơ vô hạn, thứ ngôn ngữ mà Goscinny đã dùng để vẽ ra cả một thế giới của sinh hoạt đời thường trong nhà ngoài ngõ. Thế giới của nhóc Nicolas: bố cạo giấy văn phòng và chớm phát phì, mẹ quẩn quanh nội trợ và hơi căng thẳng, bà ngoại thi thoảng đến và xung khắc với chàng rể, các ông hàng xóm ba sôi hai lạnh, cô giáo những khi không khó chịu thì hiền, thầy Nước Lèo luôn rình rập và đáng sợ, thầy hiệu trưởng luôn dọa dẫm, Marie-Edwige cô bé hàng xóm tóc vàng thật “hết sảy” dù là… con gái… Nhưng trên hết là cái băng bạn bè của cậu nhóc. Cả một bảng màu hoành tráng về tính cách: Geoffroy hay khoe mẽ và có bố giàu, Alceste tham ăn chuyên gia cho bạn chầu mồm, Rufus có bố làm cảnh sát, Agnan mọt sách tính như cụ non và hớt lẻo, Maixent chân dài chấp cả lũ về chạy, Clotaire có xe đạp và luôn xếp bét lớp… Tính nào nết ấy, lũ học trò đã tạo ra cả một thế giới thường xuyên rối tinh rối mù đối với những người lớn bị chúng cho vào tròng, còn đối với chính chúng, đôi khi.

Cái thế giới ấy, với độc giả đứng tuổi, luôn hiện ra đơn giản mà sâu sắc, hài hước mà trìu mến, và luôn luôn, ở sau tất cả, ở trên tất cả, những khó chịu thoáng hiện, những câu thúc đủ độ, những ngậm ngùi vừa phải của thế giới người lớn… là cái cười.

Cái cười ấy, khi là về Alceste háu ăn: “- Ở nhà tao, trong bữa tiệc cuối năm, tôi nói với nó, có bà tao, dì Dorothée và chú Eugène. – Còn nhà tao, thằng Alceste nói, có xúc xích trắng và gà tây.” Khi là về ông bố chuyên bị “vùi liễu dập hoa” phải làm hộ bài tập: “Tôi bị cô giáo giữ lại trong lớp một lát, cô nói tôi đã làm sai bài tập số học; tôi phải nhắc bố để bố làm cẩn thận hơn mới được!” Khi là về chính sự dốt nát của cậu nhóc sau khi đã được bố khai tâm cẩn thận về trò đoán chữ: “Cái trò ô chữ thật bổ ích! Chẳng hạn như, chính các bạn liệu có biết rằng con ‘Xmplf’ là một loại động vật có vú thường gặp ở nông thôn, nó kêu ‘ò ò’ và cung cấp cả sữa cho chúng ta?” Khi là về thằng Maixent sung sướng vì được là em vợ và khiến cho cả lũ bạn ghen tị: “- Để làm em vợ thì mày quá là bé, thằng Eudes nói với nó. Bố tao ông ấy mới là em vợ, còn mày ấy à, mày quá là bé. – Trước tiên, tao không hề bé, Maixent hét lên, và nếu mày mà muốn thử, thì tao chấp mày chạy đấy, thế còn sau nữa, thì chả có gì liên quan cả, chị tao lấy chồng, còn tao thì, bùm, tao trở thành em vợ”…

Cái cười trong thế giới của nhóc Nicolas luôn át đi tất cả. Để chúng ta không bao giờ ra khỏi thế giới của hài hước.

Cái cười, khi trực diện, khi kín đáo, khi nở toét tức thì, khi lần hồi hóm hỉnh, bao giờ cũng có đó. Chờ ta. Ở những trạng huống trái khoáy, nơi người lớn, dù là bố hay mẹ, cô giáo hay thầy hiệu trưởng, thầy Nước Lèo hay anh hướng đạo sinh, thầy thể dục hay ông câu cá… tất cả chẳng chóng thì chầy đều chịu chung một số phận: bị tẽn.

Phải, với nhóc Nicolas và lũ bạn, ai cũng có thể bị tẽn.

Vì chúng là lũ trẻ nít.

Lũ biết một mà chẳng biết hai.

Nhưng vì chúng chẳng cần biết hai, nên thế giới của chúng mãi là một khúc đoạn xanh tươi nhất mực trong đời người, mãi là một thủa đến trường, tay lấm mực, lòng ngây ngô, ống quần xoăn tít, mơ ngờ ước nghệch, đã qua với mỗi người nhưng vẫn tiếp diễn cùng tất cả. Nhóc Nicolas nhắc nhớ sâu thẳm trong ta về một đứa học trò vĩnh cửu.

Thế nên ta chẳng ngạc nhiên khi thằng nhóc đó, dù xuất thân bình dân tầm thường, chẳng được cao sang như cậu hoàng con kia đến từ tinh cầu xa, cùng với bạn bè của nó, vẫn tiếp tục khiến người ta vui dường ấy.

.
NGUYỄN QUẾ DƯƠNG

Nằm Xuống Cỏ Và Mơ Mộng

(Cái Sân Vuông và Nơi Thờ Phật – tác giả Lữ, NXB Phương Đông)

TT – Một cuốn sách mỏng, những trang văn rời viết dọc theo Trái đất, nơi nào đó của Hà Lan với cối xay gió, một hải cảng Địa Trung Hải thật đẹp, vùng California, những cánh đồng hoa Provence Pháp, miền Bắc Mỹ giá lạnh và VN, tất nhiên.

Những trang văn nhặt nhạnh tình yêu thương nơi chiếc bàn thờ Phật nhỏ và cái sân vuông tuổi thơ đến cánh đồng tuyết mù, trắng rợn người, từ cỏ xanh sân nhà đến rừng tùng châu Âu… Sự hồn nhiên gắn chặt trên mỗi câu văn, mỗi hình ảnh.

Tác giả lớn lên, tiếp thu văn hóa và giáo dục Hà Lan, quen với hoa tulip hơn nén nhang thắp tưởng nhớ tổ tiên. Nhưng dường như nền tảng văn hóa Việt, cái nhìn phương Đông đã nằm trong di truyền, sự pha trộn hai cái nhìn, hai cách suy lý và duy cảm khiến trang văn vừa nhiều lập luận lại vừa mềm mại, yêu thương.

Tiếng Việt trong sách thật lạ, không phải là tiếng Việt của người sử dụng như một ngôn ngữ thứ hai, cũng không là một thứ tiếng Việt thuần nghĩa, mượt mà mà ta vẫn hay sử dụng. Sự lửng lơ, pha trộn trong ngôn ngữ và ý tưởng làm thành món cocktail thật lạ nhưng ngon, chắc thế. Sách dễ làm người ta liên tưởng đến Hoàng tử bé hay Con lừa và tôi, những trang văn chứa tấm lòng thánh thiện và yêu thương cuộc sống hồn nhiên của trẻ thơ. Đôi lúc chớp lóa, bất ngờ, đẹp như một vệt cắt thơ; đôi lúc hồn nhiên, thú vị như một câu thoại trong đời sống. Có lẽ ngoài văn hóa và ngôn ngữ, thể loại cũng là sự pha trộn trong sách.

Nhưng đừng để tâm phân định rạch ròi làm gì, cứ giở từng trang, thật chậm. Khởi đầu của mỗi trang là điều hết sức bình thường nhưng lạ lẫm bởi tác giả nhìn khác và nhiều bao dung. Cuộc chuyện trò với tia nắng sớm – người bạn bền bỉ nhất, những cây ngò non trong mảnh vườn con của mẹ nói gì, thơ có phải là trang giấy trắng, một chiếc bánh có thể chứa cả quê hương hay bếp lửa và tách trà nóng quan trọng thế nào với một người, cô bé hàng xóm có bay lên thật không… Những vấn đề mà ai cũng từng dăm lần đặt ra khi thơ ấu, tự trả lời và đã quên đi, trang sách nhắc nhớ, góp thêm chuyện bằng một giọng dịu dàng.

Hãy đọc chậm để nghe yên bình tràn về trên mỗi chữ, như nỗi trẻ con hân hoan. Sách gợi những nơi chốn trú ngụ cho tâm hồn trong “chiếc sân vuông” thế giới này. “Tôi muốn tạo dựng hạnh phúc trên cái sân vuông. Và tôi muốn luôn luôn có thể trở về nơi thờ Phật trang nghiêm, nơi tôi từng quỳ bên mẹ, ngây thơ và trong sáng”, ai không muốn như thế? Nơi chốn ấy đang đợi bạn tìm về!

.

VƯƠNG THUẤN

(Cám ơn em Linh Thoại đã gửi cho  Ban Mai Hồng bài viết đẹp, rất thơ của cô Thuần về một cuốn sách hay, thi vị như tựa đề bài viết)

Thấy Phật

Sách,  kho tàng tri thức nhân loại, món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống chúng ta, ở bất cứ lứa tuổi nào. Sách như một người thầy giỏi,  người bạn thân thiết, chung thuỷ, không bao giờ bỏ rơi ta.

Xin giới thiệu với các bạn một chuyên mục mới Giới Thiệu Sách. Bài mở đầu do chị Linh Thoại, tác giả gửi đến cho Ban Mai Hồng, về quyển Thấy Phật, tác giả Cao Huy Thuần


Trời trống mây thì trăng mới sáng (Tuổi Trẻ, 8-5-09)

“Trời trống mây thì trăng mới sáng” (Chuyện thiền). Ai có trí đều biết điều hiển nhiên ấy, nhưng làm sao để “trời trống mây” – ở đây có thể hiểu là làm tâm sáng lại, lau bụi cho tâm – là cả một sự thực nghiệm lâu dài. Những tản văn trong tập sách Thấy Phật là những “cái thấy” của Cao Huy Thuần từ những kinh nghiệm học và hành Phật của ông.

Linh hoạt trong ngôn ngữ; khúc chiết, phân minh trong triết luận, Cao Huy Thuần cứ “vén mây” dần dần trong mỗi câu chuyện kể bằng tất cả sự uyên thâm và hóm hỉnh của mình. Trò chuyện với người trẻ, ông có những câu chuyện về bình đẳng nam nữ, về tình yêu, đám cưới, về chiếc nhẫn đôi lứa trao nhau để chia sẻ cách yêu nhau thế nào cho… bớt khổ, để hiểu chính gia đình “là chỗ để học và để hành hai chữ vô ngã”… (Quà tết, Ðám cưới, Nhẫn). Trò chuyện với nhà văn Nguyễn Ngọc Tư sau “sự cố” nhà văn bị kiểm điểm, ông nói về “cái giận” một cách thâm thúy, để dù ai đang giận cũng phải vứt giận mà cười… mình (Vẽ cây vẽ chim).

Từ bài thơ Ði chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp, Cao Huy Thuần kết nối sang câu chuyện tín ngưỡng của dân tộc để nhắc mình, nhắc người đừng đánh mất cái tâm bình dị (Chùa Hương) vì “Tâm bình dị, dạ chân chất, nhìn đâu cũng thấy Phật”. Từ khả năng tập trung chú ý của học sinh, ông diễn giải thật thơ về “định” và “tuệ” (Trên ghế nhà trường). Từ câu chuyện với “người quét chùa”, ông đặt ra câu hỏi cho người trí thức về nghĩa vụ “làm sạch cho đất nước” (Tặng người quét chùa trên núi Túy Vân).

Trách nhiệm của người trí thức ở đời, cách thức gánh vác số phận chung cũng là cái tứ bàng bạc trong nhiều bài viết của Cao Huy Thuần. Cũng vậy, ẩn hiện sau những tinh túy của triết học Phật giáo được chuyển hóa nhuần nhuyễn trong mỗi câu chuyện còn là một tình yêu với đất nước, với dân tộc VN – một dân tộc may mắn có “một văn hóa hòa bình” mang truyền thống hiền hòa của Phật giáo: làm lành, tránh ác.

Bay trên đôi cánh của lòng tin và trí tuệ, những câu chữ cứ mở ra những nụ cười đạo vị, có nụ cười tủm tỉm, thâm trầm; có nụ cười sảng khoái, khinh an. Sự tự tại từ tác giả cứ tự nhiên mà chuyển lưu sang người đọc để càng đọc càng thấy “sáng” ra một niềm hoan hỉ.

Nếu ví trăng như một hình ảnh của sự tỉnh thức, tác giả đã “nhìn trăng”, “theo trăng” và cả đùa được với trăng bằng cái thấy của một thiện tri thức thật hiểu, thật tin vào Phật tính nơi mỗi người, biết làm cho “trống” những tạp niệm, tham dục trong tâm. Và Thấy Phật, không hề siêu hình, rốt ráo nhắc ta học chữ “không” – trước mắt là không với lợi, không với danh bởi chính sự vướng mắc, tham đắm vào đó làm ta che phủ mất bản tính vốn trong sáng như mặt trời, mặt trăng nơi mình – Phật ở trong tâm mình.

Sách do Phương Nam và NXB Tri Thức ấn hành nhân mùa Phật đản Phật lịch 2553.

.

Linh Thoại

Blog Chuyên Anh

Nurturing Language Talents

%d người thích bài này: