Lần đầu tiên tôi đến thăm nhà bà Kim Chưởng và ông Lý Hùng là do một bạn đạo diễn trẻ tên Võ Huy Thăng chở đi, ra đến chợ nổi Cái Răng, đi bộ khỏi những cây cầu gỗ gập ghềnh, băng qua vài ba cửa nhà dân xóm chợ nổi, là tới chiếc ghe gia đình họ.
Bà Kim Chưởng bán cà phê trên ghe. Ông Hùng hát cho đám tiệc, đoàn du lịch – kiểu ca nhân miền Tây xưa giờ kiếm sống trên sông. Bà Chưởng kể lại rằng từ khi bà biết nhớ, gia đình bà đã mưu sinh trên chợ nổi, rồi bà cưới ông, rồi làm một cái ghe to hơn, rồi sinh con, rồi cứ tiếp tục sống cùng chợ nổi như vậy.
Tôi thường xem đi xem lại cảnh quay bộ phim làm về ông Lý Hùng – người đàn ông da đỏ nâu rám nắng, gầy trơ xương kiểu đàn ông Nam Bộ, mắt sâu đọng kín một nỗi buồn không tên gọi, ở trần và nghèo quay quắt trên tiếng nước bập bềnh. Ông lom ngon cạnh cây đàn như một chú dế rất bé giữa dòng sông khổng lồ. Nhưng chỉ cần ông khảy một phím nhạc, rồi ca, thì cả dòng sông chìm xuống, và ông bừng lên bằng cất giọng mạnh như xói thẳng vào tim người nghe.
Nghe ông ca, tôi như đứa con nít đang ngủ lóp ngóp cạnh bờ nước, giật mình thức giận vì sức mạnh của lời hát đã nhấm chìm mọi khoảng không khác của đời sống:
“về lại quê hương với cát trắng bụi mờ
với những ước ao tan tành sụp đổ”
Filed under: Âm nhạc, Cảm nhận, Du ký, Góc nhìn cuộc sống, Ký sự, Nhân vật & sự kiện | Tagged: Chợ Nổi Cái Răng, khúc vọng cổ ca trên sông, Thăm nhà bà Kim Chưởng và ông Lý Hùng, Trên đường | Leave a comment »