Nước Mỹ Có Thể Sẽ Đi Đến Hồi Kết Với Nạn Dịch Covid-19
Bùng Phát Tồi Tệ Nhất Trong Thế Giới Công Nghiệp.
Tình Hình Sắp Tới Sẽ Diễn Tiến Thế Nào.
Cách đây ba tháng không ai biết SARS-CoV-2 đã có mặt rồi. Đến giờ vi khuẩn này đã lan tràn đến gần như mọi xứ sở, nhiễm bệnh cho 446,000 người như chúng ta biết, và còn nhiều người nữa đã bị nhiễm mà chúng ta không biết [tính đến ngày 11 tháng 4 đã có1733,792 trường hợp nhiễm Covid-19, nd**]. Nó đã làm sụp đổ kinh tế, phá hỏng hệ thống y tế, khiến các bệnh viện chật kín bệnh nhân trong khi các nơi công cộng lại không một bóng người. Nó bắt người ta phải làm việc cách xa nhau và tách họ khỏi bạn bè. Nó đảo lộn xã hội hiện đại ở một quy mô mà trước đây đại đa số những người đang sống chưa bao giờ chứng kiến. Chẳng bao lâu nữa hầu như mọi người ở Mỹ đều sẽ quen biết một người đã bị nhiễm. Giống như Thế chiến thứ hai hoặc cuộc tấn công ngày 11 tháng 9, cơn dịch này đã hằn sâu vào não trạng của dân tộc Mỹ.

Một cơn dịch toàn cầu có quy mô như thế là điều không tránh được. Trong những năm gần đây, hàng trăm chuyên gia y tế đã viết sách, báo cáo tường trình và đề xuất ý kiến cá nhân cảnh báo về khả năng xảy ra đại dịch. Bill Gates đã từng nói cho những ai muốn lắng nghe, gồm cả 18 triệu người xem cuộc nói chuyện của ông do TED tổ chức.*** Năm 2018 tôi đã viết một bài đăng trên báo The Atlantic nói rằng nước Mỹ chưa sẵn sàng đối phó với một trận dịch cuối cùng sẽ xảy ra. Hồi tháng mười Trung tâm An Ninh Y Tế Johns Hopkins đã diễn tập một cuộc chiến tranh trò chơi điện tử với tình huống một vi khuẩn corona mới càn quét khắp thế giới. “Nếu xảy ra…thì sao?” đã trở thành “Bây giờ gì nữa đây?”
Thế thì bây giờ gì nữa đây? Vào những giờ cuối cùng của ngày thứ tư [24 tháng ba, nd]vừa qua, mà giờ đây tưởng như đã là quá khứ xa xôi, tôi còn nói chuyện với người bạn gái bạn đang mang thai, chỉ vài hôm nữa sẽ đến ngày sanh. Tôi nhận thấy rằng đứa nhỏ có thể là một trong những trẻ đầu tiên thuộc lớp trẻ sinh ra trong một xã hội đã bị Covid-19 thay đổi sâu xa. Chúng tôi quyết định gọi đấy là thế hệ C.
Rồi chúng ta sẽ thấy, cuộc sống của thế hệ C được định hình bởi các lựa chọn người ta thực hiện trong những tuần lễ sắp đến, và bởi những mất mát hệ lụy từ các quyết định đó mà chúng ta phải gánh chịu. Nhưng trước hết, xin nói qua về con số ước tính. Dựa trên Chỉ Số An Ninh Y Tế Toàn Cầu, tức bảng tường trình chỉ số dùng để đánh giá các nước về việc nước đó chuẩn bị đối phó với dịch bệnh ra sao, nước Mỹ đạt 83.5, điểm cao nhất thế giới. Giàu, mạnh, phát triển, Mỹ được cho là nước sẵn sàng nhất để đối phó trong tất cả các quốc gia. Ảo tưởng đó nay đã vỡ tan tành. Mặc dù nhiều tháng trước đã có khuyến cáo vào lúc con vi khuẩn đang lan tràn ở các quốc gia khác, đến khi nước Mỹ cuối cùng bị COVID-19 thử sức, nước này đã thất bại.
Nahid Bhadelia, một bác sĩ chuyên về bệnh truyền nhiễm tại trường Y khoa thuộc đại học Boston nói: “Trong mọi tình huống, vi khuẩn [như vi khuẩn SARS-CoV-2] đều trắc nghiệm tính dẻo dai bền bỉ của ngay cả những hệ thống y tế được trang bị tốt nhất.” Dễ lây lan và có thể làm chết người hơn bệnh cúm theo mùa thông thường, vi khuẩn corona mới này còn lẩn khuất khó thấy, phát tán từ người bệnh sang người khác nhiều ngày trước khi triệu chứng hiện ra rõ rệt. Để khống chế lại mầm bệnh như thế, các quốc gia phải có cách thử nghiệm và dùng cách đó để xác định danh tính người nào mắc bệnh, cô lập họ, và theo dõi những ai họ đã tiếp xúc. Đó là điều Nam Hàn, Singapore, và Hồng kông đã làm được có hiệu quả to lớn. Đó lại là điều nước Mỹ đã không làm.
Như các đồng nghiệp của tôi Alexis Madrigal và Robinson Meyer tường thuật, Trung tâm Phòng Chống Dịch Bệnh [gọi tắt là CDC, nd] đã đặt ra và phân phối một cách thử nghiệm sai lầm hồi tháng hai. Những phòng thí nghiệm độc lập đã tạo ra các cách thử khác, nhưng lại bị sa lầy trong tệ quan liêu của cơ quan Quản Lý Thực Phẩm và Dược phẩm Hoa kỳ [gọi tắt là FDA, nd]. Trong một tháng quyết định, khi số người nhiễm bệnh tại Mỹ vọt lên đến số chục ngàn, chỉ có vài trăm người được thử nghiệm mà thôi. Nói thẳng thừng, thật không thể tưởng tượng nổi việc một nước mạnh về y sinh như Mỹ lại có thể hoàn toàn thất bại trong việc tạo ra một thử nghiệm thật đơn giản để chẩn đoán bệnh. Alexandra Phelan, một người chuyên về các vấn đề pháp luật và chính sách liên quan đến bệnh truyền nhiễm tại đại học Georgetown nói: “Tôi không biết bất cứ một mô phỏng trên máy điện toán nào do tôi và những người khác thực hiện lại có chuyện bị chúng tôi xem là thất bại trong thử nghiệm.”

Thảm bại về thử nghiệm là tội lỗi gốc của việc Mỹ thua trong trận chiến chống dịch này, một lỗi duy nhất này thôi đã làm suy sụp mọi biện pháp chống đỡ khác. Giá như Mỹ đã theo dõi chính xác sự lây lan của vi khuẩn này, các bệnh viện đã có thể thực thi các kế hoạch chống dịch bệnh của mình, khoanh vùng bằng cách sắp xếp phòng điều trị, đặt mua thêm trang bị y tế, thay ca nhân viên trực, hoặc ấn định cơ sở vật chất cụ thể để đối phó các trường hợp bệnh Covid-19. Những chuyện như thế đã không xảy ra. Thay vào đó, hệ thống y tế gần như đã làm việc hết mức, và đã bị thách thức bởi dịch cúm nặng mùa đông rồi, đột ngột phải đối đầu với một thứ vi khuẩn được để tự do tung hoành, không theo dõi được, trong các cộng đồng trên toàn nước Mỹ. Các bệnh viện quá sức giờ trở thành quá tải. Trang bị phòng hộ cơ bản như khẩu trang, áo khoác, găng tay bắt đầu cạn dần. Chẳng bao lâu nữa sẽ đến hết giường nằm, hết máy trợ thở dùng để cung cấp dưỡng khí cho phổi của người bệnh đang bị con vi khuẩn bao vây.
Gần hết chỗ để ngoi lên khỏi cơn khủng hoảng, hệ thống y tế Mỹ hoạt động trong tư thế cho rằng, trong trường hợp khẩn cấp, các tiểu bang không bị nạn dịch có thể giúp cho những tiểu bang đã bị lâm nguy. Nguyên tắc đạo đức đó quả là có kết quả đối với những thảm họa ở địa phương như bão tố hoặc nạn cháy rừng, nhưng không thể dùng được đối với một trận đại dịch hiện đang xảy ra khắp 50 tiểu bang. Thay vì hợp tác, các tiểu bang cạnh tranh lẫn nhau; một số lo lắng khi các bệnh viện mua trang bị với số lượng lớn, giống kiểu người tiêu thụ hoảng sợ đi mua hết giấy vệ sinh.
Một phần là vì Tòa Bạch Ốc là một thành phố ma không có bóng chuyên gia khoa học nào. Một văn phòng chuẩn bị đối phó với đại dịch vốn là một phần thuộc Ủy Ban An Ninh Quốc Gia đã bị giải tán năm 2018. Ngày 28 tháng giêng, Luciana Borio, một thành viên trong đội ngũ đó, đã thúc hối chính phủ hãy “hành động ngay bây giờ để ngăn chặn một trận dịch tại Mỹ,” cụ thể làm việc với khu vực tư nhân nhằm chế ra các thử nghiệm chẩn đoán dễ dàng và nhanh chóng. Nhưng vì văn phòng ấy bị đóng, những lời cảnh báo đó chỉ đăng trong báo The Wall Street Journal, chứ không đến được tai tổng thống. Thay vì bắt tay vào hành động, nước Mỹ vẫn bình chân như vại.
Không người lèo lái, mù quáng, lừng khừng, và thiếu sự hợp tác, Mỹ đã xử lý tồi tệ cơn khủng hoảng Covid-19 đến mức độ tệ hại hơn nhiều so với điều mà tất cả các chuyên gia y tế tôi từng nói chuyện đã lo sợ. Ron Klain, người điều phối việc Mỹ tiếp ứng trong cơn dịch Ebola xảy ra tại Tây Phi năm 2014, đã nói: “Tệ hơn nhiều.” Lauren Sauer, người chuyên lo việc chuẩn bị đối phó với tai họa tại trường Y Khoa đại học Johns Hopkins, cho là “Vượt ngoài những gì chúng tôi nghĩ sẽ xảy ra.” Seth Berkley, người đứng đầu GAVI [tổ chức liên hữu y tế công tư toàn cầu chuyên về thuốc chủng ngừa, mục đích nhằm giúp dân các nước nghèo trên thế giới có thể được chủng ngừa để miễn dịch bệnh, nd], nói: “Là một người Mỹ, tôi kinh hoàng. Nước Mỹ có thể đi đến tình trạng bùng phát dịch tệ hại nhất trong thế giới công nghiệp.”
Like this:
Số lượt thích Đang tải...
Filed under: Covid-19, Góc Nhìn, Phòng trị bệnh, Thảm họa, Thế giới đó đây, Điểm báo | Tagged: " nước Mỹ chưa sẵn sàng đối phó ", Nước Mỹ bse4 ra sao với đại dịch Xovid-19?, Quan điểm cá nhân, Đại dịch Covid-19 | Leave a comment »