• Bài viết mới

  • Thư viện

  • Chuyên mục

  • Tag

  • Join 1 097 other subscribers
  • Bài viết mới

  • Blog – theo dõi

  • Enter your email address to follow this blog and receive notifications of new posts by email.

    Join 1 097 other subscribers

Một vài điều về suy thoái kinh tế – Ngô Khôn Trí

Trong thời gian gần đây tin tức xấu về kinh tế xuất hiện khá nhiều : một số lượng lớn công nhân bị sa thải, vật giá leo thang, đồng tiền mất giá trị, ngân hàng trung ương tăng lãi suất liên tục, chứng khoán giảm mạnh, giá vàng tăng, 3 ngân hàng phá sản,….

Dự báo kinh tế Mỹ 100% sẽ suy thoái | baotintuc.vnẢnh minh họa: Getty Images

Phải chăng đây là những dấu hiệu của “Suy thoái kinh tế”?. Nhiều nhà kinh tế nói rằng hiện nay Hoa Kỳ không ở trong tình trạng suy thoái. Bởi vì, theo họ “Suy thoái kinh tế” là sự thu hẹp đáng kể, lan rộng và kéo dài trong hoạt động kinh tế. Nó thường được định nghĩa là hai lần sụt giảm GDP hàng quý liên tiếp. Theo báo cáo tổng sản phẩm quốc nội gần đây nhất cho thấy nền kinh tế Hoa Kỳ đã tăng trưởng 2,9% trong quý IV năm 2022, sau mức tăng trưởng 3,2% trong quý trước.

Nhân dịp này, người viết tìm hiểu thêm về những tác động của suy thoái kinh tế. Xin được mạn phép ghi lại như dưới đây :

Trong thời gian suy thoái kinh tế, doanh thu và lợi nhuận của hầu hết các công, cả lớn lẫn nhỏ, đều bị sụt giảm. Họ gặp khó khăn khi tiếp cận tín dụng, thu nợ chậm và có thể dẫn đến phá sản. Suy thoái kinh tế có thể có những tác động khác nhau đối với các công ty khác nhau, một số khó khăn có thể dự đoán được dựa trên loại hình và quy mô của công ty đó.

Các công ty nhỏ ăn ngồi không yên hơn so với các công ty lớn trong thời kỳ suy thoái vì họ không có khả năng chịu được sự sụt giảm doanh số bán hàng trong bối cảnh bất ổn kinh tế gia tăng. Công ty nhỏ có thể gặp phải các vấn đề về dòng tiền khi khách hàng trì hoãn thanh toán hóa đơn, trong khi công ty lớn (trong danh sách Fortune 500) có thể tiết kiệm tiền bằng cách cắt giảm công việc, cắt giảm chi tiêu và đưa ra các điều khoản tốt hơn từ các nhà cung cấp.  Trong quá khứ, các doanh nghiệp nhỏ dễ bị phá sản khi xảy ra suy thoái. Cuộc suy thoái COVID-19 vừa qua là ngoại lệ, nhờ chính phủ đã kịp thời đưa ra các biện pháp cứu trợ đại dịch được phổ biến rộng rãi cho người sử dụng lao động ở mọi quy mô nên đã ngăn chặn làn sóng phá sản.

Chính vì thế, các chuyên gia có lời khuyên đến các chủ công ty nhỏ rằng bạn cần tìm hiểu suy thoái kinh tế để biết nó sẽ ảnh hưởng đến công ty của bạn như thế nào, để bạn không trở thành nạn nhân của cuộc suy thoái sắp đến.

Riêng tại Mỹ, các doanh nghiệp có số nhân viên dưới 500, được gọi là tiểu thương (small businesses). Họ chiếm 43,5% GDP của nước Mỹ vào năm 2014. Trong đó, các doanh nghiệp có dưới 100 nhân công, cung cấp 35% việc làm của tổng thể. Theo thống kê của Sở Thuế vụ (IRS) từ năm 2013, có 40% doanh nghiệp mà doanh thu chỉ có 100 ngàn đô la và 70% doanh nghiệp có doanh thu dưới 500 ngàn đô la. Do quy mô quá nhỏ, không có đủ đệm tài chính và đòn bẩy trong ngành, nên các doanh nghiệp này khó có thể vượt qua thời kỳ khó khăn mà suy thoái kinh tế mang lại. Người cho vay (ngân hàng) biết rõ điều đó, nên ít hứng thú với việc cho vay đối với một doanh nghiệp không có dự trữ tiền mặt và tài sản vốn đáng kể có thể dùng làm tài sản thế chấp trong thời kỳ bất ổn gia tăng và rủi ro kinh doanh liên quan đến suy thoái.

Hơn nữa, không giống như các công ty niêm yết công khai, các công ty nhỏ thường không thể huy động vốn bằng cách phát hành trái phiếu (issuing bonds) hoặc bán cổ phiếu trong đợt chào bán thứ cấp (secondary offering : số tiền thu được từ đợt chào bán thứ cấp được trả cho các cổ đông bán cổ phiếu của họ chứ không phải cho công ty).

Không chỉ các công ty nhỏ, các công ty lớn cũng không tránh khỏi suy thoái kinh tế. Vào năm 2020, các công ty có liên quan đến ngành năng lượng, bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng là những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Có 244 công ty lớn xin bảo hộ phá sản,

Khi sự sụt giảm về doanh thu và lợi nhuận thể hiện trên báo cáo thu nhập hàng quý, giá cổ phiếu có thể bị giảm mạnh, vì thị trường giá xuống thường đi kèm với suy thoái và thậm chí có thể xảy ra trước suy thoái. Nếu lợi nhuận sụt giảm nghiêm trọng, một số công ty có thể buộc phải giảm hoặc loại bỏ cổ tức cho cổ đông.

So với các công ty nhỏ, các công ty lớn có nhiều cách để chống lại sự sụt giảm doanh thu và thu nhập hơn trong thời kỳ suy thoái. Họ có thể cắt giảm tuyển dụng nhân viên mới, ngưng tăng lương. Nếu vẫn thất bại, họ sử dụng biện pháp sa thải nhân viên để cắt giảm chi phí và cũng có thể cắt giảm chi tiêu vốn và tiếp thị, hạn chế nghiên cứu và phát triển cũng như ngừng tung ra sản phẩm mới. Việc cắt giảm như vậy tại các công ty lớn có thể có tác động lan tỏa đối với nhiều nhân viên và nhà cung cấp của họ.

Một số thách thức phổ biến nhất mà các công ty thuộc mọi quy mô, cả lớn lẫn nhỏ, đều phải đối mặt trong thời kỳ suy thoái. Đó là :

-Doanh số sụt giảm :

Trong thời kỳ suy thoái, không có gì gây tổn hại cho công ty nhiều bằng việc các đơn đặt hàng giảm xuống mức nhỏ giọt. Tổng cầu giảm, dẫn đến doanh số bán hàng của hầu hết các công ty giảm.

Các ngành công nghiệp theo chu kỳ bao gồm sản xuất và năng lượng có xu hướng giảm mạnh. Các công ty có chi phí cố định cao như nhà bán lẻ và nhà cung cấp công nghệ phải đối mặt với tác động không cân xứng đến lợi nhuận khi doanh thu giảm. Các nhà sản xuất có thể phải đối mặt với hàng tồn kho tăng cao, buộc họ phải giảm sản lượng cho đến khi nhu cầu phục hồi.

Sự suy giảm nhu cầu của người tiêu dùng làm giảm lợi tức đầu tư dự kiến cho chi tiêu quảng cáo và tiếp thị, dẫn đến việc cắt giảm các khoản ngân sách đó. Điều đó có thể dẫn đến sụt giảm doanh thu cho các công ty truyền thông cho dù họ xuất bản, phát sóng hay bán quảng cáo trực tuyến.

Suy giảm tín dụng và phá sản:

Một trong những tác động đầu tiên của suy thoái đối với các doanh nghiệp là việc thắt chặt các điều kiện tín dụng. Đối mặt với sự suy thoái với mức độ nghiêm trọng và thời gian không chắc chắn, những người cho vay chuyển sang lựa chọn nhiều hơn những rủi ro mà họ sẵn sàng bảo lãnh.

Suy thoái kinh tế có thể làm tăng các khoản phải thu *  (Account Receivable)  của công ty do vấn đề thanh khoản ảnh hưởng đến người tiêu dùng và doanh nghiệp trong và ngoài chuỗi cung ứng. Những khách hàng nợ tiền của công ty có thể chậm thanh toán hơn hoặc không thanh toán được hoàn toàn. Ngược lại, công ty có thể bị buộc phải làm chậm các khoản thanh toán của chính mình.

* Các khoản phải thu (AR) là số dư tiền phải trả của một công ty đối với hàng hóa hoặc dịch vụ được giao hoặc sử dụng nhưng chưa được khách hàng thanh toán. Các khoản phải thu được liệt kê trên bảng cân đối kế toán như một tài sản ngắn hạn. Bất kỳ số tiền nào mà khách hàng nợ khi mua hàng bằng tín dụng đều là AR.

Mặc dù các công ty lớn có thể tái cấp vốn cho khoản nợ của họ với lãi suất thấp hơn khi ngân hàng trung ương (Cục Dự trữ Liên bang) hạ lãi suất để đối phó với suy thoái, nhưng hầu hết các doanh nghiệp đều phải đối mặt với chi phí trả nợ cố định ngay cả khi doanh thu và lợi nhuận sụt giảm. Đây là lý do tại sao các cuộc suy thoái trong quá khứ đã khiến các doanh nghiệp phá sản tăng mạnh.

Đằng sau vụ phá sản của ngân hàng SVB - Tạp chí Tài chính

Silicon Valley Bank (SVB) – lớn thứ 16 ở Mỹ,  ngày 10/3 đã tuyên bố phá sản.

Sa thải nhân viên và cắt giảm phúc lợi :

Các công ty lớn và nhỏ có thể tiến hành sa thải nhân viên để cắt giảm chi phí, đặc biệt nếu họ cần ít công nhân hơn để đáp ứng nhu cầu giảm đối với các sản phẩm và dịch vụ của họ. Năng suất trên mỗi nhân viên có thể tăng, nhưng tinh thần có thể bị ảnh hưởng khi khối lượng công việc tăng lên trong khi tiền lương tăng chậm lại hoặc dừng lại giữa nguy cơ sa thải thêm.

Tiền lương cố định nhưng công việc tăng, điều này có nghĩa là người lao động miễn cưỡng chấp nhận cắt giảm lương. Trong trường hợp cuộc suy thoái kéo dài và trầm trọng, người lao động đôi khi còn phải chấp nhận giảm lương và phúc lợi của mình theo đề nghị của ban quản lý để cứu công ty và duy trì việc làm.

Nếu công ty là nhà sản xuất, công ty có thể buộc phải đóng cửa các nhà máy và ngừng cung cấp các nhãn hiệu hoạt động kém, buộc phải sa thải hàng loạt nhân viên. Ví dụ, các nhà sản xuất ô tô đã thường làm điều này trong các cuộc suy thoái trước đây.

Một nghiên cứu cho thấy rằng các công ty lớn thực hiện tiết kiệm chi phí hoạt động mà không cắt giảm nhân viên trong khi đầu tư chiến lược dài hạn trong thời kỳ suy thoái có xu hướng hoạt động tốt hơn khi thời kỳ suy thoái kết thúc.

Ở Mỹ, vào năm 1953 đã xảy ra 1 cuộc suy thoái kéo dài 10 tháng, diễn ra sau khi Chiến tranh Triều Tiên kết thúc, chính phủ Mỹ tìm cách giảm chi tiêu cộng với việc Fed tăng lãi suất với mục đích kiềm chế lạm phát đã phản tác dụng một cách tồi tệ. Trước đó, vào năm 1937-1938 cũng đã xảy ra suy thoái mà nguyên nhân gây ra là do bởi chính sách dự trữ dư thừa sai lầm của Cục Dự trữ Liên bang và Kho bạc. GDP giảm 10%.

Trong 1 năm qua, kể từ tháng 5/2022 đến nay, Fed đã kéo lãi suất 7 lần, từ 0,33% đến 4,57%. Theo dự báo của giới tài chính phố Wall, Fed có thể dừng lại việc tăng khi lãi suất tới mức 4,9% vào đầu năm 2023. Và đồng USD có thể lập đỉnh giá trị vào khoảng giữa năm.

Ảnh: Reuters

Lãi suất cao sẽ làm giảm cung tiền, giữ tỷ giá không bị tăng quá mức, khuyến khích người dân tiết kiệm, các công ty tăng giá ít hơn hoặc có khi hạ giá để khuyến khích nhu cầu. Điều này làm giảm lạm phát trên lý thuyết.

Thế nhưng, thực phẩm và năng lượng đã trải qua đợt tăng giá mạnh nhất từ khi cuộc xung đột Nga và Ukraine xảy ra. Do bởi, Ukraine cung cấp 15% sản lượng ngô, 10% sản lượng lúa mì và sản xuất khoảng một nửa lượng dầu hướng dương trên thế giới. Nga là nước xuất khẩu dầu đứng hàng thứ ba thế giới. Giá xe ô tô tăng vì nhiều công ty sản xuất ô tô cần nhập 2 nguyên liệu palladium và rhodium từ Nga và Ukraine.

Sở dĩ Fed tăng lãi suất một cách quyết liệt, bởi lạm phát rất dai dẳng. Nếu không bị ngăn chặn, sẽ ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng và tác động tiêu cực đến người nghèo. Thế nhưng, đối với người tiêu dùng, lãi suất cao hơn có nghĩa là sẽ phải chi tiền nhiều hơn bởi vì khi mua những mặt hàng có giá trị lớn thường được mua bằng tín dụng, chẳng hạn như bộ salon, ô tô và không thể mua nhà để ở.

Sau mỗi lần xảy ra suy thoái kinh tế, các nhà kinh tế nhận thấy rằng tài sản của giới giàu tăng lên, nhiều người nghèo mắc nợ, từ đó sự bất bình đẳng về tài sản và thu nhập tăng lên. Những người chiến thắng trong các cuộc suy thoái là những người giữ được công việc và thời gian của họ, có thể làm việc tại nhà và nhất là những người có thừa tiền mặt và của cải để chộp lấy những thứ mà chủ sở hữu cần tiền để bán. Ví dụ như mua thêm một hay hai căn nhà với giá rẻ, cổ phiếu được định giá thấp hơn, và thậm chí có thể là một doanh nghiệp nhỏ được định giá thấp hơn.

Montreal, ngày 14/3/2023

Ngô Khôn Trí

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Blog Chuyên Anh

Nurturing Language Talents

%d người thích bài này: