• Bài viết mới

  • Thư viện

  • Chuyên mục

  • Tag

  • Join 1 097 other subscribers
  • Bài viết mới

  • Blog – theo dõi

  • Enter your email address to follow this blog and receive notifications of new posts by email.

    Join 1 097 other subscribers

Tại sao người miền Bắc vào Nam dễ hội nhập? – Ngô Khôn Trí

Trong bài viết “Đôi dòng về tiếng Bắc và tiếng Nam”, tôi có viết “người miền Nam ra Bắc gặp nhiều khó khăn nhưng người miền Bắc vào Nam dễ hôi nhập”. Hôm nay, xin được viết vài lý do về việc này.

Theo thiển nghĩ, 3 khó khăn lớn nhất đối với người miền Nam khi ra Bắc sinh sống là sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ và ít có cơ hội phát triển kinh tế hoặc tiến thân. Nếu như tìm ra cuộc sống kinh tế tốt và ổn định thì có thể khắc phục được 2 yếu tố văn hóa và ngôn ngữ sau một thời gian sinh sống ?

Mô tả hình ảnh

So với người miền Bắc, người miền Nam thường viết sai chính tả, văn chương mộc mạc và có ít tác phẩm văn học lớn. Bởi vì tiếng nói miền Nam được hình thành từ nhóm người lính của triều đình với nhóm người nghèo miền Bắc bỏ quê vô Nam, kết hợp người di dân Trung Quốc và người dân tộc Chàm, Miên nơi mà các chúa Nguyễn xâm chiếm.

Đa phần những người bỏ quê ra đi vô miền Nam lập nghiệp đều thuộc giới nông dân nghèo, ít biết về văn chương chữ nghĩa, họ chỉ mang theo văn chương dân gian, phong tục tập quán và niềm tin tôn giáo. Do đó, khi đến miền Nam để khai phá vùng đất mới, họ đã kết bạn với những người bạn đồng cảnh ngộ là người Trung Hoa di dân, và với người Chàm và người Miên tại chỗ để học hỏi kinh nghiệm,  và tìm ra những phương cách canh tác, trồng trọt, chăn nuôi,….

Sau khi vượt qua giai đoạn khó khăn lúc ban đầu, nhờ điều kiện thiên nhiên ưu đải, họ có được cuộc sống sung túc nên họ có thái độ lạc quan về tương lai. Họ chế biến ra nhiều thức ăn ngon, thích nhậu nhẹt và hát cải lương. Họ thích nghi với hoàn cảnh mới, chỉ giữ lại cái gốc rễ đạo lý và phong tục tập quán, văn nghệ và đơn giản hóa những gì rườm rà chải chuốt, lễ nghi, khách sáo mang tính hình thức.

Điển hình nhất là phong tục cưới hỏi. Tại miền Bắc, theo truyền thống có tất cả 6 lễ : nạp thái, vấn danh, nạp cát, nạp trưng, thỉnh kỳ, thân nghinh. Lễ nạp thái hay còn gọi là lễ chạm ngõ được trịnh trọng nhất, rồi đến lễ ăn hỏi, gồm có 3 lễ: lễ đàng nội, lễ đàng ngoại và lễ tại gia, đòi hỏi phải có cốm, hồng, trầu cau và bánh “su sê”, ngày xưa gọi là bánh “phu thê”. Sau đó là lễ cưới thông thường là dưới 10 ngày. Khi đưa thiệp mời cưới phải đưa kèm theo chè và hạt sen.

Trong khi đó, tại miền Nam, người ta tổ chức đơn giản nhẹ nhàng lễ dạm ngõ và tổ chức chung lễ ăn hỏi và lễ đón dâu trong cùng một ngày. Do đó, lễ vật ăn hỏi và lễ vật cúng tổ tiên khi đón dâu cũng sẽ được gộp chung lại. Nghi lễ quan trọng và thiêng liêng nhất trong đám cưới miền Nam đó là Lễ Thượng Đăng hay còn gọi là Lễ Lên Đèn. Do bởi người dân cho rằng ngọn lửa tượng trưng cho sự sống, nối tổ tiên trong quá khứ với hiện tại. Lễ lên đèn thể hiện lòng thành kính của con cháu đến ông bà tổ tiên và mong sự chứng giám và phù hộ cho đôi uyên ương, nghi lễ này còn giúp gắn kết tình cảm hai bên gia đình .

Miền Bắc có 2 dòng văn chương: bác học (chữ Hán và chữ Nôm) và bình dân (không dựa vào chữ viết, chủ yếu là truyền miệng). Nhưng miền Nam chỉ có một dòng văn chương là dòng văn chương đại chúng, mang ít nhiều tính chất khẩu ngữ và phương ngữ, không được trau chuốt như tiếng nói vùng trung tâm miền Bắc. Dòng văn chương đại chúng này thiên về lối sống lạc quan, ít suy tư, nghĩ sao nói vậy nên thiên về lối văn nói. Văn không phải viết ra để thưởng thức một mình mà để tìm sự đồng cảm, hợp tác của những người chung quanh. Sự khác biệt của lối văn và đối tượng được thấy rõ qua 2 tác phẩm tiêu biểu là “Truyện Kiều” và “Lục Vân Tiên”.

Ở ngoài Bắc, chỉ có người hiểu chữ Nôm, chữ Hán, thích “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, vì vừa đọc vừa suy ngẫm sự đời, thấy thấm thía ý sâu lời đẹp, tác phẩm được viết ra để nói lên nỗi khổ đau, bất hạnh của người phụ nữ trong xã hội thời phong kiến. Nhưng ở trong Nam, quần chúng thích truyện “Lục Vân Tiên” của Nguyễn Đình Chiểu vì nó sử dụng ngôn ngữ bình dân gần gũi nên mọi tầng lớp trong xã hội, tác phẩm được viết ra để truyền dạy đạo lý làm người.

Điều này có thể thấy rõ ngay từ đoạn thơ đầu tiên của 2 tác phẩm :

Truyện Kiều :  Trăm năm trong cõi người ta – Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau – Trải qua một cuộc bể dâu – Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.

Lục Văn Tiên:  Hỡi ai lẳng lặng mà nghe – Dữ răn việc trước, lành dè thân sau -Trai thời trung hiếu làm đầu – Gái thời tiết hạnh là câu trau mình.

Vào năm 1954, có gần một triệu người từ miền Bắc di cư vào miền Nam, trong đó có khoảng 800 ngàn giáo dân, chiếm 86%. Việc này đã tác động vào đời sống xã hội miền Nam. Bởi vì trong giai đoạn này có nhiều trí thức và văn nghệ sĩ. Họ đã góp mặt trong mọi lãnh vực đời sống của người miền Nam. Từ đó đã xuất hiện nhiều văn sĩ và nhạc sĩ nổi tiếng xuất thân từ miền Bắc. Riêng về ẩm thực, các món ăn xuất phát từ đất Bắc như phở, bún riêu, bún thang, bún măng, chả cá, giò lụa, bánh chưng… đã trở nên phổ biến, quen thuộc đến mức những người trẻ ở miền Nam không biết đó là món ăn có nguồn gốc từ miền Bắc.

Người miền Bắc vào Nam dễ hội nhập là vì miền Nam tuy thời tiết có chút nóng hơn nhưng có nền văn hóa đa dạng, ẩm thực phong phú, giàu có nhờ thiên nhiên ưu đãi, đa số người dân thật thà và mộc mạc, trọng tình cảm, không tính toán, dễ dàng vui cười với người lạ và hiếu khách. Dĩ nhiên vùng miền nào cũng có người này người kia.

Montreal, ngày 9/3/2023

Ngô Khôn Trí

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Blog Chuyên Anh

Nurturing Language Talents

%d người thích bài này: