Tin tức sáng nay cho biết nữ thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern, 37 tuổi, tuyên bố sẽ từ chức thủ tướng. Bà nói : “Tôi cũng là con người. Chúng ta luôn cố gắng hết sức và lâu nhất có thể, nhưng ai cũng có lúc phải ngừng lại. Đây là lúc tôi phải ngừng bước”.
Trong tuyên bố từ chức, bà có nhắc đến con gái Neve, 4 tuổi, và bà rất mong chờ được ở cạnh cô bé khi năm học mới bắt đầu. Bà cũng nhắc đến vị hôn phu Clark Gayford, nói rằng cả hai có thể bắt đầu tính đến đám cưới sau khi bà rời bỏ chính trường. Bà gửi gắm thông điệp rằng bà quyết định ra đi là do yếu tố gia đình nhiều hơn vì áp lực công việc hay nỗi sợ thất bại trước kỳ tổng tuyển cử năm nay.
Đọc tin tức trên, người viết chú ý ngay đến 2 từ ngữ : “Tôi cũng là con người” ; và ” yếu tố gia đình” .
Bà Ardern tuyên bố từ chức vào thời điểm 2 tuần sau kỳ nghỉ lễ Năm Mới, thời điểm mà mọi người vừa có cuộc sum họp gia đình ấm cúng vào ngày đầu năm. Có lẽ bà đã nhận thấy rằng việc dồn sức chăm lo cho mái nhà của riêng mình quan trọng hơn sự nghiệp chính trị ? Chắc bà đã thấy cái gương của bà Thatcher, nữ Thủ tướng Anh (1979-1990) được mệnh danh là người đàn bà thép khi về già đã từng tâm sự rằng: “Nếu thời gian có thể quay ngược lại, tôi tuyệt đối sẽ không bước chân vào đấu trường chính trị, vì gia đình tôi đã phải trả giá quá đắt cho điều ấy”.
Trên thế giới, có rất nhiều chính trị gia xin từ chức vì lý do gia đình. Đây không phải là một hành động xấu hổ vì nó không phải là trốn tránh trách nhiệm do bởi không có khả năng hoàn thành nhiệm vụ mà ngược lại đó là hành động có trách nhiệm trao lại chức vụ cho người khác xứng đáng, có điều kiện tốt hơn mình để hoàn thành sứ mệnh cao cả.
Họ quyết định giành ưu tiên cho gia đình vì họ thấy trước sự đổ vỡ hạnh phúc gia đình nếu không có sự quan tâm đúng mức.
Một người Nhật đã từng sinh sống ở Việt Nam trên 5 năm, nói rằng anh cảm kích khi nghe phần lớn người Việt Nam nói với anh rằng “Tôi hạnh phúc là vì tôi còn có gia đình, người Nhật sống không hạnh phúc bằng người Việt Nam, bởi vì người Nhật coi trọng công việc ở công ty hơn chuyện của gia đình mình.” Do áp lực công việc, nhiều người Nhật tự tử nhưng người Việt Nam thì không vì nếu áp lực lớn, người Việt đã xin nghỉ làm chứ không dại gì tự tử vì công việc. Người Việt xin nghỉ việc vì có chuyện gia đình cần giải quyết, chẳng hạn như con cái, vợ hay ông bà bị bệnh phải đi bệnh viện là chuyện bình thường nhưng nếu ở Nhật thì sẽ bị đồng nghiệp nhìn với cặp mắt lạ. Người Nhật được khen ngợi là làm việc chăm chỉ, tôn trọng giờ giấc nhưng có những tập quán không tốt về giờ hết việc. Người Việt rời công xưởng vài phút sau khi chuông ren là chuyện bình thường nhưng ở Nhật không thấy ai dám về sớm như vậy mà cứ lay hoay khoảng 10 đến 30 phút mới chịu rời công ty vì sợ bị đồng nghiệp dòm ngó.
Khi còn làm việc ở công ty Nhật, tôi đã chứng kiến một anh bạn cùng làm trong phòng thiết kế máy ở lại làm thêm giờ trong lúc vợ anh đang ở trong nhà bảo sanh. Có lúc tôi nhanh chóng thu xếp công việc để được về đúng giờ quy định, để tham gia các sinh hoạt khác, khi ra về bắt gặp những cặp mắt không thân thiện của những bạn đồng nghiệp. Ở Nhật, người lao động không những bị sức ép từ chủ hãng mà còn bị sức ép từ đám đông đồng nghiệp. Họ không bao giờ dám đưa ra lý do gia đình để từ chối mệnh lệnh của chủ hãng hay xếp trên của mình.
Dù bạn là lãnh đạo của một quốc gia hay là giám đốc của một công ty, bạn cũng là con người. Nhu cầu hạnh phúc luôn là khát vọng lớn nhất của mọi người. Hạnh phúc không phải là những ước mơ gì đó cao xa, nó đến từ những niềm vui trong gia đình nhỏ của bạn, nó luôn mãi mãi ở bên bạn. Nó chỉ cần sự quan tâm lắng nghe và chia sẻ của bạn. Đừng để vụt mất hạnh phúc gia đình rồi mới tiếc nuối.
Viết tặng em nhân dịp kỷ niệm 37 năm cưới nhau sắp đến
Montreal, ngày 19/01/2023
Ngô Khôn Trí
Filed under: Chính trị, Góc nhìn cuộc sống, Gia đình, Hạnh phúc, Sự kịên, Thế giới đó đây | Tagged: Con Người và Gia Đình - Ngô Khôn Trí, Góc nhìn cuộc sống, khát vọng lớn nhất, Nhu cầu hạnh phúc |
Trả lời