Bản thân tôi thấy cũng thật đúng như thế: họ là những người đi xe sang, tóc tai gọn gàng chỉnh chu, váy này quần nọ, học hành đàng hoàng, nhưng ý thức lại nhiều phần khiếm khuyết. Chẳng hạn như bờ hồ nơi tôi thường đi tập thể dục buổi sớm, nơi đây không thuộc quản lý của đội vệ sinh môi trường nên không có ai quét dọn. Quanh bờ hồ trông rất đẹp với hàng cây xanh tươi và những băng ghế đá dài, tối tối là những người đi xe máy từ các nơi đến đây hóng mát, trò chuyện.

Họ mua đủ loại đồ ăn vặt nào là ốc hút, cá viên chiên, trà sữa… cùng nhau thưởng thức rồi để một đống rác thải tại chỗ ngồi, xong dong xe đi về. Hậu quả là từ ghế đá, dọc đường đi, cạnh gốc cây loang lổ nhếch nhác với những món đồ ăn dang dở bốc mùi khó chịu. Dưới lòng hồ thì cũng nhiều lon bia, vỏ bao ni lông thi nhau ném xuống, rác ứ đọng trôi dạt về một chỗ khiến cá chết nổi lềnh bềnh lên trên, hôi thối cả một vùng.

Tôi chợt nhớ đến câu nói: “Người trưởng thành là người làm việc gì cũng biết nghĩ cho người khác” hay “Một nhà không quét sao quét được thiên hạ”. Vậy phải chăng, những người như thế chỉ có thể trưởng thành về thể chất nhưng tinh thần chưa trưởng thành và không thể làm nên việc lớn. Nơi nào sạch đẹp họ ghé tới một lần, tự thỏa mãn niềm vui của riêng bản thân mà không quan tâm đến cảm giác của người khác, không bảo vệ của chung, và làm thế cũng như chính họ đang đánh mất niềm vui của chính mình. Họ không nghĩ được rằng, nghĩ cho người khác cũng chính là nghĩ cho chính mình, người có lòng bao dung quảng đại thì luôn được nhiều hơn mất.

Tôi cũng mượn chị cây chổi để quét thử xem cảm giác thế nào, quả thật không dễ bởi cán chổi thì dài, nặng hơn chổi ở nhà nên quét vài đường đã thấy mệt, vậy mà những người lao công như chị phải quét đến hàng ki-lô-mét đường. Đôi lúc rác nhiều và nặng chất đầy xe, chị không đẩy nổi và chỉ có thể mong sự giúp đỡ của người qua đường. Nhưng chị cũng không dám mở lời, bởi đa số ai cũng sợ mùi rác và nhìn những người lao công như chị bằng ánh mắt ái ngại. Đâu đó vẫn còn vài người tốt tình nguyện đến đẩy xe giúp chị, điều đó đối với chị cũng là một sự an ủi lớn.

Đặc biệt vào những ngày giông gió bất ngờ, những người lao công cũng ra làm việc vì khi ấy rác thải hỗn độn và rất nhiều, có lúc đang quét trên đường thì mái tôn từ đâu bay tới suýt va vào mặt làm chị thất kinh hồn vía. Rồi một lần khác, vừa đẩy xe rác đến đoạn đường nọ thì cây xanh bỗng đổ xuống, may mắn là nó đè lên xe rác, không thì chị cũng không còn đứng đây mà trò chuyện cùng tôi hôm nay.

 

 

***

Vất vả, hiểm nguy là thế, người lao công phải chịu những di chứng về sức khỏe sau nhiều năm gắn bó với công việc này. Có người đồng nghiệp của chị bị bệnh phổi nặng, còn nhiều người khác thì suy kiệt sức khỏe do tiếp xúc với môi trường độc hại liên tục, vì thế họ phải nghỉ việc sớm với đồng lương bảo hiểm ít ỏi. Họ sống phụ thuộc vào gia đình và không thể làm việc nặng được.

Ai cũng muốn hít thở không khí trong lành, thư giãn tại những nơi thoáng mát sạch sẽ, con cái được sống ở nơi đường phố tinh tươm, gọn gàng, văn minh. Vậy, không có những người lao công như chị liệu chúng ta có được hưởng thụ những điều tốt đẹp như thế? Những người lao công chính là những “người hùng” thầm lặng, âm thầm chịu nhiều thiệt thòi để đem lại hạnh phúc cho đời. Tôi tự nhủ với lòng mình, sẽ dạy cho con tôi bài học đầu đời là hãy trân trọng, biết ơn những người lao công và luôn nghĩ cho công việc của họ, để có thể ý thức giữ gìn môi trường sạch đẹp.

Xin viết tặng những người lao công như chị một vài câu thơ:

Sạch tinh góc phố, mặt đường

Chổi siêng vẽ nét yêu thương cuộc đời

Hàng cây yên giấc ngủ rồi

Đèn khuya soi bóng những người lao công

Yêu nghề bằng cả tấm lòng

Bốn mùa xuân hạ thu đông nhọc nhằn

Tháng năm lặng lẽ chuyên cần

Áo quần lấm bụi mà Tâm rạng ngời

Từ ĐKN