Ở Bắc bán cầu, tháng chín là thời điểm bắt đầu của mùa thu, thời tiết mát mẻ nhưng se lạnh vào bình minh. Một loài hoa khoe sắc cho tháng này là hoa Chi Lưu Ly (Myosotis), theo nguồn từ tiếng Hy Lạp cổ đại là “tai chuột”, theo chữ Nho là “mắt con mèo núi bé con”. Từ năm 1532, người ta gọi hoa này là “xin đừng quên tôi”, tên tiếng Anh là “forget-me-not”, tiếng Pháp là “Ne m’oubliez pas”, tiếng Nhật gọi là
“wasurenagusa”(忘れな草).
Nhiều quốc gia cũng đặt tên theo ý nghĩa như vậy, bắt nguồn từ truyền thuyết tình yêu bi thảm của nước Đức thời trung cổ. Chàng hiệp sĩ Rudolph cùng người tình Bertha đi dọc theo bờ sông. Chàng xuống sông Danube để hái bông hoa này tặng cho nàng, nhưng vô tình bị dòng sông nuốt chửng. Khi bị chìm xuống, anh ta đã ném bó hoa cho tình nhân của mình và kêu lên “xin đừng quên tôi”. Bertha đã dâng bông hoa lên mộ của Rudolph và đặt tên nó theo lời cuối cùng của anh. Loài hoa này thường được các cô gái mang theo như là biểu hiện của lòng chung thủy và tình yêu vĩnh cửu.
Trên thực tế, tháng chín không được bình yên và lãng mạn như truyền thuyết trên.Theo dòng lịch sử của 100 năm qua, người ta nhận thấy tháng 9 là tháng xảy ra nhiều thiên tai và một vài biến cố lịch sử như sau :
– Ngày 1/9/1923, Đại thảm họa động đất Kantō đã xảy ra, cường độ 7,9 độ Richter, rung liên tục trong 48 giây. Xảy ra vào lúc 11 giờ 58 phút 32 giây, vào thời điểm người Nhật nấu cơm trưa, khiến cho hỏa hoạn xảy ra ở nhiều nơi. Cùng thời điểm đó, một trận bão đang tiến gần, gây ra gió mạnh khắp vùng Kantō, làm cho hỏa hoạn lan nhanh và kéo dài suốt 2 ngày sau. Số người chết và mất tích: 142.800 người. Từ đó
trở đi, nước Nhật chọn ngày 1 tháng 9 hàng năm trở thành Ngày Phòng chống Thảm họa.
– Ngày 3/9/1929, trị số Dow Jones đạt đỉnh 381,17 trước khi thị trường chứng khoán sụp đổ, được gọi là vụ Đại Đổ Vỡ (Great Crash), là một sự đổ vỡ lớn của thị trường chứng khoán nước Mỹ vào cuối tháng 10 năm 1929. Được xem là vụ sụp đổ thị trường chứng khoán tàn khốc nhất trong lịch sử Mỹ khi xem xét toàn bộ phạm vi tác động và hậu quả kéo dài.
Đối với những nhà đầu tư thì tháng chín là tháng tồi tệ nhất để đầu tư, bởi vì tháng 9 là tháng mà ba chỉ số hàng đầu của thị trường chứng khoán (S&P 500, DJIA, NASDAQ) thường hoạt động kém nhất. Một số người đặt tên cho việc này là “Hiệu ứng tháng chín”(September Effect). Hiệu ứng tháng 9 được coi là một dấu vết lịch sử trong dữ liệu, không chỉ giới hạn ở chứng khoán ở Mỹ mà còn liên quan đến các thị trường trên toàn thế giới. Một số nhà phân tích cho rằng tác động tiêu cực lên thị trường là do xu hướng hành vi theo mùa khi các nhà đầu tư thay đổi danh mục đầu tư của họ vào cuối mùa hè sang tiền mặt. Một lý do khác có thể là hầu hết các quỹ tương hỗ rút tiền từ cổ phiếu nắm giữ của họ để thu lỗ thuế>
– Ngày 5/9/1935: Cơn bão Đại lễ Lao động, là cơn bão Đại Tây Dương dữ dội nhất đổ bộ vào đất liền, có kỷ lục về áp suất, đúng vào Lễ Lao Động, đã gây ra thiệt hại thảm khốc ở vùng thượng nguồn Florida Keys, thị trấn Islamorada đã bị xóa sổ. 423 người thiệt mạng.
– Ngày 1/9/1939. Đức Quốc xã bất ngờ tấn công Ba Lan, mở đầu Chiến tranh thế giới thứ hai. Do đã thỏa thuận với Đức, 16 ngày sau đó, Hồng quân tràn qua tấn công Ba Lan từ phía đông. Quân Đức chính thức chiếm thủ đô Warszawa sau 26 ngày chiến đấu. Đức: 16.343 lính chết, Liên Xô: 737 lính chết, Ba Lan : gần 890 ngàn người chết.
– Ngày 2/9/1945, Ngoại trưởng Nhật Bản Mamoru Shigemitsu ký văn kiện Nhật Bản đầu hàng trên tàu USS Missouri với sự giám sát của tướng Richard K. Sutherland, ngoài khơi vịnh Tokyo. Kết thúc chiến tranh Thế giới thứ hai. Cũng vào ngày này, Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, và tuyên bố huỷ bỏ hết mọi hiệp ước do Pháp ký trong quan hệ với Việt Nam và bãi bỏ hết mọi đặc quyền của người Pháp.
– Ngày 20/9/1959, Bão Vera, còn được gọi là Isewan Typhoon, là một cơn bão nhiệt đới mạnh nhất, sức gió 305 Km/h, cực kỳ dữ dội đã tấn công Nhật Bản, gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế Nhật Bản, nơi đang hồi phục từ Thế chiến II. Mặc dù cơn bão đã được dự báo chính xác và được theo dõi nhưng phạm vi viễn thông hạn chế, kết hợp với sự thiếu khẩn cấp từ truyền thông và do Vera nhanh chóng tăng tốc nên việc di tản chậm trễ, số người thiệt mạng lên đến 5098, gây ra tình trạng ngập lụt trong thời gian dài, với một số khu vực thấp nằm dưới nước trong hơn bốn tháng, hàng triệu người bị vô gia cư, tổng thiệthại 600 triệu USD (tương đương 5,16 tỷ USD 2019). Kể từ đó, chính phủ Nhật đã thông qua Đạo luật cơ bản về phòng chống thiên tai năm 1961, đưa ra các tiêu chuẩn cho cứu trợ thảm họa và thành lập Hội đồng phòng chống thiên tai trung ương, được xem là “nền tảng của pháp luật về giảm thiểu rủi ro thiên tai ở Nhật ” < Đó là lý do tại sao Nhật Bản có bể ngầm sâu 70 m kết nối với các đường hầm có thể trữ lượng nước khổng lồ, giúp Tokyo đối phó với mối đe dọa từ ngập lụt
– Ngày 14/9/1960, 5 nước thành viện sáng lập của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã gặp nhau tại Baghdad, Iraq, và cùng ký tên vào một thỏa thuận. 5 quốc gia đó là Iran, Iraq, Kuwait, Ả Rập Xê- út và Venezuela. Hiện nay tổ chức này có 11 nước thành viên. Các nước thành viên OPEC khai thác vào khoảng 40% tổng sản lượng dầu lửa thế giới và nắm giữ khoảng 75% trữ lượng dầu thế giới. Vào cuối năm 2016, 10 quốc gia ngoài OPEC đã gia nhập OPEC để thành lập OPEC + vào cuối năm 2016 để kiểm soát nhiều hơn thị trường dầu thô toàn cầu. Các quốc gia này là: Azerbaijan, Bahrain, Brunei,Kazakhstan, Malaysia, Mexico, Oman, Nga, Nam Sudan và Sudan.
– Ngày 11/9/2001, Cuộc tấn công ngày 11 tháng 9, một loạt bốn cuộc tấn công của 19 tên khủng bố có sự tham gia của nhóm khủng bố Hồi giáo Al-Qaeda nhằm chống lại Hoa Kỳ. Trong vòng 1 giờ 42 phút, hai tòa tháp 110 tầng sụp đổ, 2996 người tử vong bao gồm 265 người trên bốn chiếc máy bay và hơn 6.000 người bị thương, hơn 3.000 trẻ em có cha hoặc mẹ thiệt mạng trong vụ tấn công. Vào năm 2002, chính phủ Mỹ thành lập Bộ An ninh Nội địa. Quốc hội cũng thông qua Đạo luật USA PATRIOT, nhằm mở rộng quyền hạn của chính phủ trong việc phát hiện và truy tố các hành vi khủng bố.
– Ngày 22/9/2004, Bão Jeanne là cơn bão cấp 3 đã tấn công vùng Caribe và miền Đông nước Mỹ, ít nhất 3.006 người chết ở Haiti trong đó có khoảng 2.800 người bị lũ lụt và lở đất cuốn trôi. Cơn bão cũng khiến 8 người chết ở Puerto Rico, 18 người ở Cộng hòa Dominica và 5 người ở Mỹ. Bão Jeanne được xem là một trong những cơn bão Đại Tây Dương gây chết chóc nhiều nhất. Thiệt hại tài sản ở Mỹ là 7,5 tỷ USD, cộng thêm 270 triệu USD ở Cộng hòa Dominica và 169,5 triệu USD ở Puerto Rico.
Tổ chức Khí tượng Thế giới cho Jeanne nghỉ việc vào mùa xuân năm 2005, do đó tên “Jeanne” đã bị ngừng sử dụng sau cơn bão và được thay thế bằng tên “Julia”
– Ngày 30/9/2009, một trận động đất có độ lớn 7,6 tương đương với độ lớn của trận động đất San Francisco 1906, động đất Quetta 1935, động đất Gujarat 2001, và động đất Kashmir 2005. Chấn động nằm ngoài biển cách Padang, Sumatra, Indonesia 50 km, gây 1115 người bị thiệt mạng. Các đường ống dẫn nước ở Padang bị vỡ gây ngập lụt đường phố.
– Hôm qua, ngày 5/9/2022, một trận động đất lớn 6,6 xảy ra ở Tứ Xuyên, Trung Quốc, 65 người thiệt mạng, hàng trăm người bị thương, 16 người mất tích.Tháng 9 năm ngoái 2021, cũng đã xảy ra một trận động đất ở Tứ Xuyên khiến ba người thiệt mạng và hàng chục người bị thương, hàng chục nghìn ngôi nhà bị hư hại.
Tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine chưa có tín hiệu hạ nhiệt. Năng lượng và lương thực có thể bị thiếu hụt vào mùa Đông sắp tới. Thế chiến Thứ ba có thể bắt đầu từ đây ? Không chỉ có Thiên tai ập đến mà Nhân tai cũng có thể xảy ra. Cuộc sống của con người trên quả địa cầu này luôn bị đe dọa.
.
Montreal, ngày 6/9/2022
Ngô Khôn Trí
Filed under: Lịch sử, Sự kịên, Tổng Hợp, Thế giới đó đây, Thời sự | Tagged: biến cố lịch sử trong tháng 9, Tản mạn tháng 9, Tháng 9 thiên tai |
Trả lời