Ông Tài (ngoài cùng bên phải) đã trú ẩn dưới hầm suốt 20 ngày trước khi chạy thoát sang Ba Lan.
Chỉ sau một đêm của ngày 24 Tháng Hai 2022, hàng triệu người dân Ukraine bỗng trở thành người tị nạn. Họ mất nhà, rời bỏ quê hương, xa người thân để tạm lánh đến vùng đất khác. Theo thống kê dữ liệu của Cao Uỷ Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR), tính đến ngày 9 Tháng Năm 2022 đã có 5,917,703 người Ukraine chạy thoát khỏi quê hương sau hai tháng chiến tranh diễn ra. Họ vượt biên giới để đến các quốc gia lân cận như Ba Lan, Hungary, Romania, Belarus. Trong đó, Ba Lan là nước đón nhiều người Ukraine tị nạn nhất – khoảng 3,234,036 người, theo UNHCR.
Rất nhiều tổ chức phi chính phủ, tổ chức thiện nguyện trên thế giới chung tay hỗ trợ người dân Ukraine. World Central Kitchen (WCK) – một tổ chức nhân đạo do đầu bếp nổi tiếng người Tây Ban Nha José Andrés cùng tổ chức phi lợi nhuận của ông, đã có mặt ở Ba Lan và các quốc gia khác để cung cấp miễn phí bữa ăn cho người tị nạn Ukraine. Nhiều người dân từ khắp nơi trên thế giới đã ghi danh làm thiện nguyện viên (volunteer) cho WCK, với mong muốn đóng góp một phần nhỏ nhoi giúp người dân Ukraine trong cuộc chiến phi nghĩa của Putin.
Chính vì mỗi ngày có trăm ngàn người khắp thế giới tìm cách ghi danh làm tình nguyện viên cho WCK, trang web của tổ chức này luôn trong tình trạng “quá tải”, khó nhận được hồi âm cho những câu hỏi cần biết.
Cathy Hằng, một bạn trẻ ở California là một trong những người đó. Tuy nhiên, cô không bỏ cuộc, mà trái lại, có một quyết định táo bạo. Cathy vừa trở về Mỹ sau hai tuần đến Ba Lan làm thiện nguyện viên cho WCK. Tại đây, mỗi ngày cô đã chứng kiến những chiếc xe bus chở người tị nạn từ biên giới Ukraine, nghe và thấy những câu chuyện tị nạn của thế kỷ 21. Trong những câu chuyện đó, có cả những gia đình Việt Nam.
Từ California, Cathy kể lại với Saigon Nhỏ về những cảm xúc, những hình ảnh đau thương cô chứng kiến trong hai tuần làm thiện nguyện viên ở “trại tị nạn” World Central Kitchen Warsaw, Ba Lan.
*****
‘World Central Kitchen ở Ba Lan thật sự là 1 trại tị nạn’
Cathy đã ghi danh để trở thành tình nguyện viên cho WCK như thế nào?
Cathy Hằng: Thật sự ghi danh rất là khó, vì họ luôn nói là đủ người rồi, hoặc phải ghi danh qua nước khác, nhưng chủ yếu là em muốn qua Ba Lan. Em gửi email, message đi rất nhiều nhưng không thấy hồi âm. Khi đến nơi (Ba Lan) em hiểu ai cũng rất bận rộn. Chiến tranh đang xảy ra, sự an toàn của người dân Ukraine là trên hết nên không có ai có thời gian trả lời.
Tình cờ em biết có một tình nguyện viên vừa về Mỹ từ Ba Lan. Họ đăng trên Facebook của WCK về hành trình của họ như thế nào. Em gửi tin nhắn cho người đó, tên là Cascade, nói là em muốn sang Ba Lan làm tình nguyện viên thì phải làm thế nào. Người này cho em biết là chỉ cần đến trạm xe lửa Warsaw Central Train Station, mình nói là muốn ghi danh thì họ sẽ cho mình vào.
Thế là em mua vé máy bay sang Ba Lan. Trước khi đi, em có hỏi Cascade là ở đâu cho an toàn. Cascade nói là ở Ba Lan rất an toàn. Em đặt Airbnb bốn ngày, dự tính là qua đó xem tình hình thế nào, nếu họ cần mình và mọi chuyện an toàn thì sẽ ở lại thêm nữa.
Khi em đến sân bay Ba Lan, tiếp theo như thế nào?
Cathy Hằng: Em đến Ba Lan rồi đón Uber đến Airbnb. Em cất hành lý rồi đi bộ đến ga xe lửa, chỉ khoảng 10 phút. Trước khi đi Cascade đã dặn em là khi đến trạm xe lửa thì đi vào bên trong, có một phòng dành cho ai muốn ghi danh làm tình nguyện viên. Em vào đó, nói mình là quốc tịch Mỹ, muốn giúp cho những người tị nạn.
Lúc tới đó, cảnh đầu tiên em thấy là rất nhiều xe bus tới chở theo người tị nạn từ biên giới Ukraine qua Ba Lan. Họ xuống xe, 90% là đàn bà và trẻ em. Vì đàn ông từ 18 đến 60 tuổi là phải ở lại chiến đấu. Sau đó, em thấy có hai cái lều, một cái của WCK, một cái dùng để đựng những vật dụng cần thiết nhu yếu phẩm để phát cho người tị nạn. Em nộp đơn volunteer. Họ hỏi em muốn volunteer cách nào, ví dụ như mình có chỗ cho người tị nạn trú ẩn không? Hay mình muốn giúp để lo về pháp lý? Trên giấy có chữ “Others”. Em chọn “Others” và em nói với họ là em muốn gia nhập WCK để phụ trong bếp. Họ chấp thuận rồi phát cho em một cái thẻ volunteer.
Thẻ tình nguyện viên WCK của Cathy Hằng.
Sau đó, mọi người cùng đi đến chùa Nhân Hoà, là một chùa lớn. Đến nơi, gặp được thầy trong chùa và thầy cho biết là ở đây đang có người Việt Nam từ Ukraine sang tị nạn, họ đang tạm trú lên lầu.
Em xin được lên thăm thì thấy có khoảng 40 người. Trước đây có khoảng 400 người. Những người này được Thầy Thích Trung Đạt và cộng đồng Việt ở Ba Lan giúp đỡ. Em có nói chuyện với vài người Việt đang lánh nạn ở đó. Mọi người kể rằng thầy cùng với các Phật tử ở chùa ra biên giới Ukraine và Ba Lan, vẫy cờ Việt Nam, cho những đoàn người tị nạn biết đây là cộng đồng Việt. Sau đó họ được thầy đưa về chùa trú ẩn.
Ảnh trong bài: Cathy Hằng
Huỳnh Phương – Huệ Hương chuyển bài
Filed under: Góc nhìn cuộc sống, Phật giáo, Sự kịên, Thảm họa, Thấy biết, Thế giới đó đây, Thời sự | Tagged: Nga xâm lược Ukraine, nhiều người Việt trú ẩn trong chùa Việt, tình nguyện viên Việt Nam, trại tị nạn” World - Central Kitchen Warsaw |
Trả lời