Năm nay là một năm đặc biệt sau nhiều biến động chúng ta đã trải qua cùng gia đình, xóm giềng, cộng đồng xã hội. Cả nước và thế giới đã chịu đựng không ít mất mát đau khổ để rồi tiếp tục chân cứng đá mềm mà tiến vào 2022. Năm mới là một dịp cho mỗi người nhìn lại những bài học sống mà dịch họa Corona Virus đã dạy cho ta. Bài học sâu sắc nhất chính là lòng biết ơn: “Nếu cám ơn’ là lời cầu nguyện duy nhất của bạn trong suốt cuộc đời, từng đó thôi đã đủ”, câu nói của Meister Eckhart
Nếu cám ơn’ là lời cầu nguyện duy nhất của bạn trong suốt cuộc đời, từng đó thôi đã đủ”
Chúng ta sẽ thấy mình chông chênh, lững lờ nếu sống thiếu lòng biết ơn, nhất là sau những trải nghiệm của năm qua. Người viết bài này muốn nói lời cảm ơn về những điều mà chúng ta thường coi là đương nhiên.Từ gia đình bạn hữu, những mối quan hệ gần xa trong cuộc sống đến sức khỏe, nhân ái – những người đã hy sinh vì cứu giúp, hỗ trợ cho cộng đồng : có rất nhiều điều để chúng ta biết ơn khi chúng ta bước sang năm 2022. Khi dịch Covid chưa yên, biến thể mới Omicron lây lan mạnh đe dọa thế giới, phải chăng sử dụng lòng biết ơn để vạch ra một số quyết tâm cho năm nay cũng là một điều nên làm? Lòng biết ơn! Chính là vì với nhiều người, lòng biết ơn gắn liền với hạnh phúc, hay chính là chìa khóa mở cửa hạnh phúc.
Quyết tâm cho năm mới của người cao tuổi hay đang độ thanh xuân có lẽ đều giống nhau ở những thang bậc trong tháp nhu cầu của Abraham Maslow về thể lý và tinh thần. Tuy quyết tâm của mỗi người không giống nhau, nhưng chúng ta đều muốn tăng cường sức khỏe và chất lượng cuộc sống toàn diện trên 7 yếu tố cơ bản sau:
1. Giữ tư duy tích cực
Nghiên cứu cho thấy rằng duy trì một suy nghĩ tích cực đi kèm với một loạt các lợi ích sức khỏe và còn nhiều hơn thế nữa. Khoa học đã chứng minh rằng tư duy tích cực giúp khỏe mạnh, hạnh phúc và quyến rũ hơn bởi suy nghĩ tích cực làm tăng năng lượng, động lực và hiệu suất làm việc. Suy nghĩ tích cực khiến tâm thái yên bình nên trong mọi tình huống giữ được bình tĩnh và nghị lực, đượng đầu với áp lực để giải quyết khó khăn hiệu quả hơn. Vì thế tư duy tích cực giúp chúng ta cải thiện chất lượng cuộc sống.
Theo kết quả nghiên cứu, sự tích cực có liên quan đến việc giảm nguy cơ mất trí nhớ, phục hồi nhanh hơn sau bệnh tật, chấn thương hoặc tàn tật, giảm nguy cơ mắc bệnh mãn tính, giảm cảm giác cô đơn và cô lập, và tăng khả năng tìm kiếm sự chăm sóc phòng ngừa. Trong năm đại dịch Covid-19 vừa qua, người có tư duy tích cực đã bình tĩnh, chủ động đương đầu với những xáo động, biến cố do dịch bệnh gây ra : thất nghiệp, cách ly, bất tiện sinh hoạt, hạn chế chợ búa, thiếu thốn thực phẩm, lo lắng về sức khỏe, xa rời gia đình và bạn hữu,làm việc trực tuyến hay mất mát người thân.
Người có tư duy tích cực biết chấp nhận thực tế và tìm cách ứng phó tốt nhất. Đặc biệt, tư duy tích cực khiến ta sống mỗi ngày với lòng biết ơn. Biết ơn những chiến sĩ áo trắng chiến đấu với Corona virus, những người phục vụ ở các chốt biên giới, những người phục vụ hỗ trợ cho công tác phòng chống dịch bệnh, những người tình nguyện đi tiếp tế thực phẩm, thuốc men cho người bị cách ly nhiễm bệnh…. Biết ơn những người đã hy sinh vì lây nhiễm bệnh dịch trong nhiệm vụ cao cả cứu giúp bệnh nhân.
Tư duy tích cực cũng bao gồm những thói quen do luyện tập như không phàn nàn, đố kỵ, biết đặt mình vào hoàn cảnh người khác để có thể hiểu biết, đồng cảm và khoan dung… Tư duy tích cực không phải là “mũ ni che tai”, bàng quan thờ ơ với cái xấu, cái ác trong xã hội. Chúng ta không thể thay đổi thế giới, nhưng chúng ta có thể thay đổi thế giới quan và cách thức, thái độ phản ứng với nó, cách cảm nhận về bản thân và người khác với hiểu biết và cảm thông. Chắc chắn rằng chỉ thế thôi sẽ tác động rất lớn đến hạnh phúc của chúng ta.
Suy nghĩ tích cực không có nghĩa là lúc nào chúng ta cũng đeo kính màu hồng hay phớt lờ những cảm xúc khi đau buồn, khó khăn. Thay vào đó, tư duy tích cực làm bớt căng thẳng về những điều chúng ta không thể thay đổi, tập trung vào những điều ta có thể, và ghi nhớ những gì tốt đẹp trong cuộc sống
Với tinh thần biết ơn, chúng ta có thể thực tập suy nghĩ tích cực vào thói quen hàng ngày của mình. Chẳng hạn như lập danh sách biết ơn, nói với nhau những lời khích lệ, tích cực, an ủi, biết chấp nhận bản thân và thực tế, đối xử tử tế với mình như đối đãi với một người bạn tốt thân thiết, chân thành trong những mối quan hệ và sẵn sàng giúp đỡ người quanh ta khi họ khó khăn cả bằng ái ngữ và hành động. Thực hành thiền định mỗi ngày. Hơi thở chánh niệm trong 10 -15 phút (hay có thể dài hơn ) mỗi ngày giúp chúng ta tập trung chú ý vào hơi thở trong cuộc sống — một kỹ năng quan trọng giúp ta đối phó với căng thẳng, lo lắng và cảm xúc tiêu cực, hạ nhiệt bản thân khi cơn giận bùng phát và rèn luyện khả năng tập trung.
2) Thực hiện 10 phút tập thể dục hàng ngày
Duy trì hoạt động không chỉ là chìa khóa để người cáo tuổi khỏe mạnh mà còn có thể là chìa khóa để sống lâu hơn. Nghiên cứu về tác động tích cực của tập thể dục đối với sự lão hóa rất rộng và đa dạng. Theo những phát hiện tổng hợp từ một nghiên cứu kéo dài 30 năm, nếu kết hợp chế độ luyện tập đi bộ, chạy bộ hoặc đạp xe ở người cao tuổi có thể cải thiện đáng kể các đặc điểm sinh lý như huyết áp, nhịp tim khi nghỉ ngơi, khả năng bơm tối đa và khối lượng cơ. Đối với một số người, những cải tiến về sức khỏe này có ý nghĩa và phù hợp với mức cơ bản của mình những năm 30 tuổi.
Mặc dù bạn không cần phải chạy marathon, nhưng bạn nên dành một phần thời gian trong ngày của mình cho việc tập thể dục, tập yoga, khiêu vũ dưỡng sinh … Chỉ 10 phút bơi lội, đi bộ có thể tạo ra sự khác biệt lớn về sức khỏe, hạnh phúc và tuổi thọ của bạn.
3) Chọn lọc ăn uống tốt hơn
Khi chúng ta già đi, chúng ta cần tiêu thụ ít calo hơn nhưng nhiều chất dinh dưỡng hơn. Chuyên gia dinh dưỡng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn khuyên bạn nên cố gắng ăn ít nhất năm phần trái cây và rau mỗi ngày. Từng đó là khoảng 400g, không tính khoai tây và các loại củ giàu tinh bột khác.
Nên chọn ngũ cốc nguyên hạt thay vì loại đã qua tinh chế và thịt nạc thay vì chọn loại có chất béo. Sử dụng chất béo lành mạnh hơn, chẳng hạn như dầu ô liu, và nấu với các gia vị tự nhiên để giảm lượng muối và chất béo nạp vào cơ thể.
4) Bỏ bia rượu và thuốc lá
Bia rượu hay thuốc lá là những tác nhân nguy hiểm đối với tính mạng và cuộc sống con người.
Không bao giờ là quá muộn để bỏ thuốc lá. Bất kể độ tuổi hiện tại của bạn là bao nhiêu, bỏ thuốc lá ngay bây giờ có thể giảm nguy cơ phát triển một số vấn đề sức khỏe và cải thiện chất lượng cuộc sống. Trong khói thuốc có hơn 7.000 chất hóa học, trong đó nicotine là chất gây nghiện và khoảng 70 chất là tác nhân gây ung thư, điển hình là các chất như nhựa thuốc lá, benzen, carbon monoxide. Người bỏ thuốc lá sẽ bớt nguy cơ bị ung thư, bệnh phổi…. , thấy ngủ ngon hơn, hít thở dễ hơn và có nhiều năng lượng hơn.
Rượu, bia làm chậm quá trình chuyển tải thông tin từ não đến toàn bộ cơ thể. Khi rượu bia mới vào cơ thể, ban đầu nó sẽ khiến cho bạn cảm thấy thư thái, sảng khoái, sau đó khiến bạn mụ mị, mất kiểm soát và bộc phát những lời nói hành động khác thường. Bao nhiêu oan trái, khổ đau …. đã xảy ra cho nhiều người vô tội chỉ vì người say xỉn trên đường giao thông hay không còn tỉnh táo trong cơn say mà dùng bạo lực, làm càn …
5. Chơi với cháu của bạn
“Một nụ cười bằng 10 thang thuốc bổ!” Cười sẽ giúp cơ thể phóng thích nhiều hơn endorphin, còn được gọi là hormone hạnh phúc giúp ta cảm thấy phấn chấn, yêu đời, giải tỏa tâm trạng phiền muộn. Chơi với trẻ nhỏ, cháu nội – ngoại luôn khiến ông bà cười sảng khoái.
Nghiên cứu cho thấy những người cao tuổi dành nhiều thời gian chơi vui cùng cháu của họ sống lâu hơn và có kết quả sức khỏe thể chất và tinh thần tốt hơn những người không chơi với trẻ thơ. Sự hồn nhiên của trẻ con từ trẻ biết đi cho đến biết nói và nghe ông bà kể chuyện là niềm vui bất tận không gì sánh được của tuổi vàng. Người cao tuổi cần sự tĩnh lặng nhưng cũng cần có những khoảng thời gian hợp lý trong ngày hay tuần ở cùng hay chơi với cháu để hoạt động về thể lực và trí tuệ, Suy nghĩ và trả lời câu hỏi của cháu hay tìm đọc và kể những câu chuyện hay cho trẻ, hỏi han về sinh hoạt, lắng nghe các tâm sự hay vấn đề chuyện học của trẻ….
Tất nhiên, ông bà không thế làm bảo mẫu giữ trẻ hay chơi suốt ngày với cháu, hoặc tham gia các trò chơi năng động của cháu. Bản thân người viết, khi chơi với cháu, ngày nào trong nhà cũng đầy ắp tiếng cười và thấy lòng mình trẻ lại với những hồi ức đẹp về thời con nít của mình.Trẻ nhỏ cũng là những người bạn thơ ngây tuyệt vời của ông bà thời giãn cách, giúp tránh được stress, khi chúng ta lo âu, hay phải hạn chế ra ngoài, tránh tiếp xúc gần với nhiều người…..
6) Kích thích tâm trí của bạn
Thường xuyên thách thức bộ não của bạn là một trong những cách tốt nhất để giữ tinh thần nhạy bén khi bạn già đi. Đây cũng là một trong những cách tốt nhất để giảm nguy cơ mất trí nhớ hoặc bị bệnh sa sút trí tuệ. Não kiểm soát hầu hết các hoạt động của cơ thể, có nhiệm vụ xử lý và điều phối các thông tin mà nó nhận được từ các cơ quan cảm giác…. Người cao tuổi khó tránh khỏi sự lão hóa của các tế bào thần kinh trong não bộ, ảnh hưởng nghiêm trọng tới trí nhớ của họ.
Hoạt động ngoài trời, quan sát thiên nhiên, tập những việc đơn giản như đọc sách hàng ngày, chơi ô chữ, giải câu đố, hoặc tham gia câu lạc bộ sách, viết gì đó, nhật ký hay thư từ , tham gia mạn đàm, trà đàm với bạn hữu …, là những cách tuyệt vời và thú vị để đảm bảo cơ quan lớn nhất và quan trọng nhất của cơ thể bạn – não bộ được tập luyện đầy đủ.
7) Giữ tình cảm gắn kết với những người bạn cũ và kết bạn mới
” Một lạng chân thành thắng cả một tấn khôn lỏi”
Các nghiên cứu cho thấy những người lớn tuổi hoạt động xã hội có nhận thức tốt hơn, giảm nguy cơ trầm cảm, và có sức khỏe tổng thể tốt hơn. Phương tiện truyền thông xã hội giúp bạn dễ dàng tìm kiếm và liên hệ với những người bạn cũ, và những cuộc giao lưu cũng đem lại nhiều cơ hội để kết bạn mới. Tuy vậy, tuổi nào cũng cần những người bạn tốt chân thành, những mối quan hệ chân thật: bạn có chất hơn là bạn số đông chỉ xã giao, thiếu sự quan tâm hiểu biết. Trong tình cảm bạn bè cũng nên giữ khoảng cách, chân thành và tôn trọng. Dành một ít thời gian trong tuần hay tháng bên những người bạn thân thương.
Vui bạn vui bè thời không có bệnh dịch Covid-19
Sẽ rất tuyệt nếu một nhóm bạn hữu và những người chung tâm ý muốn có ích cho cộng đồng, cùng nhau tham gia một vài hoạt động thiện nguyện tạo ra những giá trị tích cực và tốt đẹp hỗ trợ những người yếu thế cần trợ giúp. Chỉ một người thôi, bạn khó thể đi xa cũng không thể giúp được nhiều người. Cùng một nhóm với vòng tay rộng, chúng ta sẽ lan tỏa được nguồn năng lượng tích cực cho cộng đồng với sức mạnh cộng hưởng, do đó sẽ làm được nhiều việc tốt đẹp hơn và thấy rằng tuổi cao vẫn còn có ích.
8) Biết đủ là vui
Người xưa dạy :” Tri túc tâm thường lạc” . Kinh A Hàm, Pháp Cú và Di Giáo đều nói về pháp “thiểu dục, tri túc”. Phật dạy trong kinh Di Giáo : “… Phải biết người đa dục vì cầu lợi nhiều nên khổ não cũng nhiều; người Thiểu dục, không mong cầu ham muốn thì không khổ não”
“Nếu muốn khỏi các khổ não, phải quán Tri túc, vì pháp Tri túc tức là chỗ giàu có, vui vẻ và an ổn. Người Tri túc, tuy nằm dưới đất cũng được an vui; người không Tri túc, dầu ở thiên đường mà cũng không xứng ý. Người không Tri túc tuy giàu mà nghèo, người biết Tri túc tuy nghèo mà giàu. Người không Tri túc thường bị ngũ dục sai khiến, bị người Tri túc thương xót. Ấy là công đức Tri túc”
Người cao tuổi càng dễ chiêm nghiệm triết lý tri túc thường lạc này bởi lẽ tuổi này qua bao trải nghiệm buồn, khổ, sướng vui…. có thể hiểu lẽ vô thường.
“Một mai vô thường đến
Mới hay mộng huyễn thân
Muôn việc đem chẳng được
Chỉ nghiệp theo thức thần.”
Những ngày còn lại của tuổi vàng nên tiêu dao tự tại mỗi ngày theo cách riêng của mình. Ăn mặc nhu cầu cũng có chừng mực, phù hợp và tiết độ. Làm việc, làm vườn cũng đừng quá sức: chỉ vừa đủ! Đừng ham muốn làm nhiều, kiếm nhiều tiền nữa ở tuổi hoàng hôn, bởi ham muốn là nguồn gốc của mọi hành động tạo nghiệp. Ham muốn quá không đạt được cũng gây đau khổ, lo âu, áp lực, mệt mỏi và bệnh tật. Danh vọng hay lợi quyền thôi đi bởi những gì đã có cũng đủ. Và nhất là đừng ôm đồm lo lắng chuyện gia đình cho con cái để làm bảo mẫu suốt ngày!
Làm gì cho vui tùy theo sở thích cá nhân miễn sao cho phù hợp và lành mạnh : chụp ảnh selfie, hát, nhảy, vẽ tranh, đi uống cà phê với bạn… Tuy vậy, ngay cả trong niềm vui tuổi già cũng chớ nên thái quá. Vì thế cũng nên hạn chế đi lại và tiếp xúc bên ngoài khi tình hình dịch bệnh vẫn còn nguy cơ lây nhiễm và nên chấp hành các biện pháp phòng ngừa 5 K.
Cuối cùng, chúng ta đừng quên xây dựng cho mình một ngôi chùa tâm linh giản dị, hay một thánh đường khiêm cung trong lòng mình để chúng ta có thể thường xuyên tu tập, sám hối, xưng tội và cầu nguyện ở bất cứ nơi đâu để gột rửa, làm mới tâm hồn, hoàn thiện bản thân.
Từng đó thôi chắc rằng quá đủ nên bao nhiêu % của mỗi mục là tùy ở mỗi chúng ta.
Huỳnh Huệ
Filed under: Chào mừng năm mới, Dưỡng sinh cho tâm hồn, Gia đình, Sống vui, Sức khỏe & đời sống, Tư duy tích cực | Tagged: Biết đủ là hạnh phúc, hạnh phúc & lòng biết ơn, Người cao tuổi & tư duy tích cực, Quyết tâm cho năm mới |
Trả lời