Bé Robby – Gương kiên trì và hiếu thảo – Nhị Tường

piano, boy, playing, learning, piano lesson, child playing piano,  instrument, music, pianist | Pikist

Lúc 11 tuổi, Robby được mẹ cậu đưa đến lớp âm nhạc trường tiểu học ở DeMoines để học bài học dương cầm đầu tiên. Cô giáo Honfort—người kể lại chuyện nầy—có vẻ thất vọng vì đa số học sinh của cô nên bắt đầu ở tuổi nhỏ hơn. Robby nói mẹ cậu luôn luôn mơ ước được nghe cậu chơi dương cầm nên cô giáo miễn cưỡng nhận cậu vào lớp.

Cô giáo càng thất vọng hơn sau khi Robby bắt đầu những bài học đầu tiên. Robby đàn tệ quá và cô nhận ra khả năng cảm thụ âm nhạc của cậu quá thấp có thể nói là vô vọng. Tuy nhiên cậu rất nghiêm túc trong việc ôn lại những bài học và những bản nhạc căn bản. Sau nhiều tháng miệt mài ròng rã, cậu vẫn chưa đàn nghe ra hồn và cô giáo cứ phải cố gắng lắng nghe và cố gắng khuyến khích. Cứ hết mỗi bài học hàng tuần, cậu luôn luôn nói, “Một ngày nào đó, mẹ em sẽ đến đây để nghe em chơi đàn.” Cô giáo nói thầm, “Thật là một mơ ước vô vọng!” Cô đã dạy nhạc 30 năm rồi, đã gặp nhiều trẻ em với những khả năng âm nhạc ở nhiều cấp độ khác nhau và không bao giờ thấy hứng thú phải dạy một học sinh “cần sư nâng đở” nào. Lần này thật là quá sức chịu đựng của cô. Robby dường như không hề có một năng khiếu âm nhạc bẩm sinh nào.Nhưng Robby luôn cố gắng để có thể đàn cho mẹ nghe.
Mẹ Robby là một phụ nữ không chồng, luôn ở một khỏang cách khá xa khi thả Robby xuống từ chiếc xe cũ mèm. Khi tới rước bà cũng đứng từ xa, luôn vẫy tay và mỉm cười nhưng không bao giờ ở lại lâu.
Không biết vì sao, một ngày kia Robby không đến lớp nhạc nữa. Cô giáo định gọi điện thọai hỏi lý do nhưng lại thôi. Có lẽ cậu bỏ học nhạc là tốt cho cậu lẫn cô vì cậu có thể theo đuổi một việc khác có lợi hơn còn cô thì sẽ được nhẹ nhàng thư thả trong việc dạy học của mình. Cậu đã là một trở ngại cho năng suất dạy nhạc của cô mà.
Vài tuần sau đó, cô giáo gởi một thư thông báo đến các học sinh của mình về buổi diễn tấu sắp tới. Không ngờ Robby tình cờ cũng nhận được thư thông báo này và gọi hỏi cô xem cậu có được tham dự cuộc biểu diễn hay không. Cô giáo nói là không thể được vì buổi diễn tấu này chỉ dành cho các học sinh đang theo học và cậu đã thôi học rồi. Cậu nói vì mẹ cậu bịnh nên không chở cậu đi học được nhưng cậu vẫn luôn luyện tập. Robby nài nỉ, “Cô Hondorf . . . cô cho em diễn một lần thôi . . .”

Không biết vì sao cô giáo Hondorf lại đồng ý để rồi phải lo lắng những hậu quả xấu có thể xảy ra khi khán thính giả nghe Robby đàn. Cô sắp xếp cho Robby đàn ở cuối chương trình để nếu có rủi ro gì thì cô còn có thể xuất hiện kịp lúc để cứu vãn và kết thúc. Cùng lắm là cô sẽ cho “hạ màn” nếu Robby làm hư chương trình một cách tồi tệ.
Đêm biểu diễn đến. Trong hội trường đông nghẹt những phụ huynh, bạn bè và họ hàng. Những học sinh diễn tấu trước Robby vì đã luyện tập nhuần nhuyễn nên trình diễn rất tốt và mọi việc trôi qua tốt đẹp với không một trở ngại nào. Cô giáo hết sức hồi hộp vì sắp tới phiên Robby. Cô sợ hãi một “tai họa” không thể tránh sẽ tới!

Thế rồi Robby bước ra sân khấu. Áo quần cậu nhàu nát và mái tóc như tổ quạ. Cô giáo nghĩ thầm, “Chao ôi, sao cậu không ăn vận như các học sinh khác? Ít ra mẹ cậu cũng phải chải tóc cho cậu vào cái đêm đặc biệt như thế này chứ?” Cô giáo như ngồi trên lửa, trong bụng kêu khổ liên hồi. Nhưng đã quá muộn.  Robby mở nắp đàn lên và bắt đầu.

Cô giáo ngạc nhiên khi cậu tuyên bố chọn bản Concerto số 21 cung Đô trưởng của Mozart. Cô nín thở chờ đợi. Và một bất ngờ như phép lạ xảy ra.  Ngay những nốt nhạc đầu đã làm cả hội trường nín lặng theo dõi. Những ngón tay của cậu lấp lánh, nhảy múa trên những phím ngà. Và trong suốt 6 phút rưỡi sau đó, cả hội trường như lạc vào một vùng trời âm nhạc tuyệt diệu. Robby đã đánh lên những giai điệu từ nhẹ nhàng, êm dịu đến hùng tráng, dồn dập. Thật là những âm điệu điêu luyện và tuyệt diệu của nhạc Mozart! Cô giáo thú thật sau đó là chưa bao giờ cô nghe một đứa trẻ ở tuổi ấy trình bày nhạc Mozart hay đến thế.

Robby kết thúc bản đàn trong một âm thanh huy hoàng mạnh mẽ làm mọi người không kềm được cảm xúc đều đứng lên vỗ tay. Cô giáo không dằn được giọt nước mắt bất ngờ và chạy lên sân khấu vòng tay ôm lấy Robby trong sung sướng nói, “Cô không ngờ em đàn hay như thế, em Robby. Làm sao em lại đàn hay được như vậy?” Robby giải thích qua chiếc micro, “Thưa cô Hondorf, cô có nhớ là em đã kể rằng mẹ em đang bệnh? Thực ra, mẹ em đã bị ung thư và qua đời sáng nay. Mẹ em bị điếc bẩm sinh và đêm nay là đêm đầu tiên mẹ em nghe thấy được em đàn. Em muốn làm điều gì đó thật đặc biệt cho mẹ như đêm nay nên đã quyết tâm tập luyện trong khi ở nhà săn sóc bệnh cho mẹ trong thời gian qua.”
Tối hôm đó, trong hội trường rất nhiều đôi mắt đã nhỏ lệ. Chắc chắn họ hình dung được sự cố gắng gian khổ để vui lòng mẹ của cậu trong những ngày tháng trước đây mới đạt tới những âm thanh kỳ tuyệt vừa qua. Rất nhiều người trong hội trường đã nhận được bài học có ý nghĩa đó.  Tuy nhiên, cô giáo Honfort là người thấu hiểu sâu sắc nhất những cố gắng triền miên và sự kiên trì vô bờ bến của Robby khi so chiếu tình trạng “trơ nhạc” một cách tuyệt vọng trước đó của cậu với tài ba không ngờ của cậu bây giờ.

Cô giáo chợt nghĩ, đời cô thật đầy ý nghĩa khi được nhận dạy một học sinh như Robby. Cô chưa bao giờ nhận dạy một học sinh “cần nâng đở” nào, nhưng đêm đó cô đã trở thành người được nâng đở bởi Robby. Cậu là thầy của cô và cô chỉ là một học trò. Cậu đã dạy cho cô ý nghĩa của sự kiên trì dũng mãnh và lòng hiếu thảo sâu xa !

Khi những người ở Bộ Xã Hội tới sân khấu để đưa cậu về trại mồ côi, mắt họ đỏ và sưng mọng.
Tiếc thay, Robby không sống lâu để tiếp tục ảnh hưởng tốt đẹp những người xung quanh. Trong vụ nổ bom điên rồ tại tòa nhà chánh phủ liên bang Alfred P. Murrah Federal thuộc thành phố Oklahoma vàotháng 4 năm 1995, Robby đã tử nạn cùng nhiều trẻ em khác khi cậu đang trình diễn.

Nhị Tường – dịch từ Reader’s Digest

Huỳnh Phương – Huệ Hương chuyển bài

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Banmaihong's Blog

Nơi Đây Nắng Ban Mai Hồng Reo Vui

Blog Chuyên Anh

Nurturing Language Talents