Câu chuyện của những ngón tay

Chiều lại buông. Một chiều thu se lạnh. Gió thổi mơn man mặt hồ. Gió đánh đu cho lá vàng rơi rụng. Gió thầm thì nhắc nhớ đôi bàn tay ai lần qua hàng khuy, khép hờ vạt áo…

Bữa đó vào ngày cuối tuần, ông chủ không bận rộn mải mê với công việc, năm ngón tay khum khum ngồi tựa vào nhau. Chúng thư giãn. Chúng nói chuyện phiếm. Chuyện qua chuyện lại, chuyện Đông chuyện Tây… vãn cuộc Ngón Cái buồn tình nói:

– Chúng ta đều là những kẻ đi nhiều biết rộng, việc hay việc dở, việc xa việc gần, việc tinh việc thô… thôi thì cứ gọi là ‘thượng vàng hạ cám’: điều gì ông chủ muốn hoàn thành là chúng ta đều phải làm cho kỳ được. Vậy nay ta thử phân định xem ai trong số chúng ta đây mới là người quan trọng nhất…

Vừa nghe Ngón Cái nói tới đó, Ngón Giữa đã nhấp nha nhấp nhổm rồi. Nó đứng phắt dậy vươn vai vỗ ngực nói lớn:

– Tôi đây. Tôi chính là người quan trọng nhất, vì tôi ở vị trí trung tâm của các ngón. Tôi cao hơn tất cả, điều này ai nhìn vào cũng biết. Tôi cũng chính là người đại diện cho uy quyền của chủ. Các cậu xem đi, khi ông chủ muốn gõ đầu ai đó thì nhất định sẽ dùng tôi nhé!

Đương nhiên là các ngón khác không phục, chúng nói:

– Tuy cậu ở vị trí trung tâm và cao hơn tất cả nhưng cũng chỉ là ngồi ở đó cho có vị thôi chứ có giúp được gì nhiều cho cái việc cầm nắm của cả bàn tay đâu! Hơn nữa chắc cậu yếu xìu nên mới phải chui vào giữa cả đám chúng tôi để mà dựa dẫm.

Nãy giờ Ngón Trỏ xem chừng đã khó chịu lắm rồi, cái đầu nó ngúc nga ngúc ngắc, toàn thân co duỗi liên hồi. Nó quay sang Ngón Giữa nói lớn:

– Ngón Giữa ạ, cậu lúc nào cũng thích đặt mình ở vị thế cao hơn người khác, chẳng chịu phục ai. Cậu luôn có xu hướng tự cho mình là nhất, là số một. Như thế cậu đã không thực hiện được đức Nhẫn. Vì cậu chẳng chịu thua thiệt, nhẫn nhịn trước ai bao giờ.

Kẻ mạnh ấy, họ luôn luôn biết đặt mình ở vị trí thấp hơn người khác để giúp đỡ đồng loại, họ lặng lẽ khiêm nhường, có tâm học hỏi, biết bạn biết ta. Có câu: ‘Sơn ngoại hữu sơn, thiên ngoại hữu thiên’ – trên núi có núi, ngoài trời có trời. Càng ra vẻ ta đây lại càng như ếch ngồi đáy giếng. Nói thật nhé: chúng tôi sớm đã nhận ra cậu thuộc kiểu người ‘thùng rỗng kêu to’. Cậu ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, làm như mèo mửa ấy. Cứ như vậy mãi thì rốt cuộc cậu cũng chẳng làm nên đầu nên đốt gì, chỉ là phường giá áo túi cơm, dài lưng tốn vải…

Cả bọn còn lại thấy Ngón Giữa bị Ngón Trỏ chỉ trích như vậy thì lấy làm khoái lắm, có đứa thầm nghĩ: đúng là thằng Ngón Trỏ này nó đang nói thay cho cả phần mình đây! Quả không hổ danh là một tay lừng đời phán xét! Ôi thôi! Hắn mà đã chỉ tay vào mặt ai thì kẻ đó chẳng khác nào gặp phải ‘sao búa tạ’.

Hả hê ra mặt là Ngón Đeo Nhẫn – Chẳng là bấy lâu nay nó luôn bị lép vế khi đứng kế bên Ngón Trỏ mà, nó vênh mặt lên nói với một giọng đầy tự hào, sung sướng:

– Các cậu nghĩ xem, ai mới là người đại diện cho sự trưởng thành của ông chủ? Chính là tôi đây!

Này nhé, hồi còn ở quê, ai mà chưa lấy vợ thì đều bị các cụ nhà ta gọi là ‘thằng cu’ ráo cả! Cho dù tuổi tác của họ có cao, râu ria của họ có dài đến rốn mà ế vợ thì vẫn bị gọi là ‘thằng cu’ hết, ngay cả ông chủ nhà ta cũng không ngoại lệ! Thế rồi kể từ khi cái đám cưới linh đình của ông bà chủ diễn ra thì tôi mới chính là người quan trọng nhất. Tôi biểu trưng cho người đàn ông đã thành gia lập thất. Tôi cũng đại diện cho ‘quyền sở hữu’ của bà chủ đối với ông chủ. Tôi thay mặt bà chủ nhà ta báo hiệu khéo cho các cô ả ‘lăm xa lăm xăm, tý ta tý tởn và hay làm đỏm’ (ấy là nói theo lời của bà nhà) biết rằng: Chớ có dại gì mà ve vãn tán tỉnh ông nhà, vì đây là hoa… ấy quên, là: ‘Trái… đã có chủ rồi’! 

Ngón Đeo Nhẫn cứ huơ tay lên, múa mênh múa mang mà nói thao thao bất tuyệt như thế…

Nhưng các ngón tay khác đều cười ồ lên, chúng nhao nhao bảo với cu cậu rằng:

– Này Ngón Đeo Nhẫn, thà cậu im đi còn hơn. Cậu đúng là nói dối không biết ngượng miệng mà! Chiếc nhẫn cưới ấy hàng ngày cứ bước chân ra khỏi cổng là ông chủ lại len lén tháo ra ngay. Ông cất nó trong túi còn nhiều hơn là đeo nữa! Cậu mới chính là kẻ hay đem đến phiền phức cho ông chủ ấy! Tất cả chúng ta đây đều biết chắc chắn một điều rằng: chưa bao giờ quý ông nhà ta muốn các cô gái trẻ đẹp khác biết là ông ấy đã có vợ! 

Ngón Đeo Nhẫn đứng ngây người. nó đâu ngờ lại bị cả bọn phản đối một cách rùm beng đến thế. Nhìn bộ mặt xị như cái bị của nó ngắn tũn lại mới tội nghiệp làm sao! Đã vậy Ngón Giữa – vốn là kẻ vẫn ưa thích đặt mình ở trên mọi người và thường tỏ ra ‘nguy hiểm’, lại nói bồi thêm:

– Cậu giống như một kẻ: ‘Ăn vụng mà không khéo chùi mép’ ấy! Ông chủ đã lén tháo nhẫn bỏ túi rồi mà trước mặt các chị các cô váy ngắn váy dài, xinh tươi ngúng nguẩy, cậu vẫn chường cái dấu vết đeo nhẫn tròn tròn cớm nắng trắng bợt trắng bạt ra, làm lộ hết cả! 

Mấy ngón tay khác cũng cùng hùa theo chế giễu:

– Phải đấy, phải đấy!

Chúng lại bảo với Ngón Đeo Nhẫn:

Cậu đúng là một đời không rửa hết tội mà! Chỉ vì cái dấu vết đeo nhẫn trên thân cậu mà biết bao phen ông chủ bị lộ cái mặt nói dối, rồi tẽn tò trước các cô nàng trẻ đẹp. Và dù thế nào thì cậu cũng chỉ là một kẻ bất Chân – đã thiếu chân thành lại không chân thực.

Trong khi cả bọn còn chưa hết lao xao thì Ngón Trỏ lại xua tay nói lớn:

– Kể ra thì người quan trọng nhất vẫn là tôi! Thử hỏi: Ai là người chỉ đường dẫn lối? Ai là người vạch ra những sai lầm thiếu sót của huynh đệ trong nhà và cơ quan tập thể? Chính là tôi. Các cậu cứ nhớ lại mà xem, mỗi lần ông chủ mà nói kiểu như: ‘Này các bạn, nguyên nhân sự chậm tiến của chúng ta chính là ở đây; chúng ta đang thiếu nỗ lực và cần đề cao như thế, như thế’… thì mọi người đều sợ tôi trỏ vào, vì không ai muốn mình là nguyên nhân chậm tiến của tập thể cả. Cũng không ai muốn bị người khác phê bình chỉ trích…

Các ngón tay khác lại được một phen bất bình phản đối. Chúng ấm ức quay sang mà bảo với Ngón Trỏ rằng: 

– Cậu có biết mỗi lần cậu hùng hổ chỉ trỏ vào mặt người ta như thế, thì bốn đứa chúng tôi đây phải chịu mất mặt tới cỡ nào không? Nói cho cậu biết: Mỗi lần cậu trỏ tay ra phê bình chỉ trích hay xúc phạm bất cứ một ai thì tất cả bốn đứa chúng tôi đều ngay lập tức phải cúi gầm mặt xuống, xấu hổ thẹn thùng mà trỏ vào… ông chủ! Vì sao ư? Có một câu ngạn ngữ đã miêu tả rất xác thực như thế này: 

‘Khi bạn trỏ tay vào người khác thì bốn ngón còn lại đang trỏ vào chính mình!’.

Thế đấy, cậu là đại diện cho hành vi làm tổn thương người khác của ông chủ! Mà bất cứ khi nào ông chủ gây tổn thương hay xúc phạm đến người khác thì cũng là đang tự làm tổn thương và xúc phạm chính mình, thậm chí hậu quả nhận về còn lớn hơn gấp bội! Nhân đây chúng tôi nhắc lại cho cậu nhớ: Mỗi lần cậu trỏ tay vào người khác là bốn đứa chúng tôi lại phải đồng loạt cúi đầu và trỏ vào ông chủ. Chúng tôi cúi đầu là để thay mặt cậu mà xin lỗi với người ta, cũng là một cách bù đắp cho những lỗi lầm của cậu; Đồng thời chúng tôi nhất loạt trỏ về phía ông chủ là để cảnh tỉnh với ông rằng: chớ có vì nóng giận hồ đồ mà làm tổn thương bất kỳ ai đó, bởi chưng làm thế cũng bằng như:

‘Hả một cơn nóng giận, chịu thua thiệt bốn lần!’

Ngón Cái – vốn là đứa to lớn nhất trong bọn, lại hay ra dáng huynh trưởng, bằng vẻ mặt thâm trầm, nó nói với Ngón Trỏ:

– Ngón Trỏ ạ, cậu làm như thế là chưa có đức Thiện. Chẳng những chưa thực hành được đức Thiện mà đức Nhẫn của cậu cũng còn chưa đạt nữa. Có câu: Người mà không thiện, Thiên lý bất dung. Chỉ khi ta biết bao dung độ lượng, ‘lấy Thiện đãi người’ thì mới lập dựng được uy đức cho mình và cảm hóa được kẻ khác. Tôi nói như vậy cậu có hiểu không?

Dừng lại một hồi lâu, Ngón Cái lại quay sang cả bọn trịnh trọng tuyên bố:

– Các huynh đệ ạ, xét qua một lượt thì xem ra chỉ có tôi mới là người quan trọng nhất! Bởi tôi vốn dĩ là tay già dặn trải đời, thông kim bác cổ. Tôi cũng là người đại diện cho ông chủ nhà mình mà phân định người tốt kẻ xấu, việc đúng việc sai. Này nhé: Khi tôi trỏ trỏ lên trời thì có ý biểu thị rằng người ấy, việc ấy là đúng, là hay ho tốt đẹp; Ngược lại khi tôi mà trỏ trỏ xuống đất thì chính là có ý nói rằng: người ấy, việc ấy là sai, là xấu xa dở tệ…

Mặc cho Ngón Cái có tỏ ra đĩnh đạc và thông thái cỡ nào, các ngón khác vẫn lắc đầu nguây nguẩy. Ngón trỏ – vốn dĩ là đứa ở gần Ngón Cái nhất, cũng là đứa xa xỉ lời lẽ nhất, nhìn nó mà rằng:

– Bác ạ, em thấy bác có chút tuổi thật nhưng vì bác quá tự tin vào vốn sống và kinh nghiệm của mình nên thành ra bảo thủ cố cựu, tự mình lại ‘đóng khung’ hạn cuộc chính mình. Ví như những gì nằm trong tầm hiểu biết và phù hợp với quan niệm sở trường của bác thì bác cho rằng nhất thiết nó cứ phải là đúng. Còn những gì vượt xa khỏi tầm hiểu biết hoặc không phù hợp với quan niệm sở trường của bác thì bác khó lòng mà tiếp thụ. Nhưng bác có biết không: bấy nhiêu vốn liếng Đông Tây kim cổ gì đó của bác cũng chỉ tựa như một hạt cát giữa sa mạc cuộc đời mà thôi, lại càng chẳng có gì đáng kể nếu đem đặt nó giữa bất tận thời không, mênh mông vũ trụ. Vả lại nếu ta cứ mang theo quan niệm cố chấp của bản thân mà nhìn người, nhìn việc, nhìn đời thì có khác chi: ‘Thầy bói xem voi’, trông trăng đáy giếng, biết đến khi nào mới khá khẩm lên được. Xưa nay, những bậc thượng sỹ trọng đức đều tối kỵ hai từ ‘bất Ngộ’: học mà không chịu biết, biết mà không chịu hiểu, hiểu mà không chịu làm, như thế chẳng đáng buồn lắm ru!

Ngón trỏ còn chửa dứt lời mấy đứa còn lại đã đồng thanh phụ họa: 

– Chí phải, chí phải! Ngón Cái trỏ trỏ xuống chắc gì đã là sai, Ngón Cái trỏ trỏ lên chắc gì đã là đúng!

Từ nãy tới giờ duy chỉ có Ngón Út vẫn lặng im bất động. Vả lại, nó còn biết lên tiếng thế nào nữa đây giữa đám đàn anh ‘trên tầm bản sự này?’

– Kìa chú Út tại sao chú chẳng nói gì? – Những ngón tay khác lao xao hỏi.

Ngón Út lúc bấy giờ mới khe khẽ đáp lời:

– Dạ thưa các anh, tấm thân em bé nhỏ, chẳng làm nên sự tích gì. Xưa nay em chỉ đứng men mén sang một bên mà phối hợp, mà viên dung với mọi người, tâm sức tới đâu thì gắng mà làm tới đó. Tự em lúc nào cũng đặt mình ở nơi thấp nhất: mọi thời mọi khắc, cho dù là lúc ông chủ đang bận rộn mải miết với công việc hay thư thả đan tay để xuống bàn thì Ngón Út em vẫn luôn được kê ở dưới, bốn ngón các anh nằm đè cả phía trên, chỉ thế thôi em cũng đủ thấy ấm lòng.

Út em không học cao hiểu rộng, nhưng nãy giờ nghe các anh trao đổi em mới nhận ra rằng muốn làm một người tốt thì phải luôn luôn chiểu theo ba chữ: Chân – Thiện – Nhẫn mà đối đãi hành xử, mà tự ước thúc bản thân. Ngược lại nếu bất Chân, bất Thiện, bất Nhẫn thì ấy là phường tệ bạc. Em biết bản thân mình còn thiếu sót và sai kém nhiều lắm, chính vì vậy mà mỗi khi ông chủ cần hướng nội và tự phản tỉnh bản thân, ông ấy mới thường dùng em mà chỉ chỉ vào ngực, nhưng cũng tại em bé nhỏ quá đi, lại dễ bị các anh che khuất nên dường như chẳng ai trông thấy cả! Cũng may được các anh yêu thương che chở, chứ cá nhân em nào có dám nhận mình là người quan trọng!

Theo Dương PhongĐKN 

_______________________________________________

 

truyen co tich

 

Một hôm rảnh rỗi, những ngón tay tranh luận với nhau xem những ngón nào là quan trọng hơn cả. Thoạt tiên, ngón tay giữa nói:

– Tôi chiếm vị trí trung tâm của bàn tay, không có tôi thì bàn tay chẳng ra bàn tay nữa.

Các ngón khác đều cãi rằng:

– Tuy cậu ở vị trí trung tâm và cao hơn tất cả nhưng chỉ ngồi đó cho có vị thôi, chứ có giúp được việc gì cho bàn tay để cầm nắm đâu!

Ngón tay đeo nhẫn vênh mặt nói một cách tự hào rằng hắn đóng vai trò quan trọng nhất: chính hắn là người mang dấu hiệu tượng trưng cho sự trưởng thành của chủ, tức là đeo nhẫn cưới.

Nhưng các ngón tay khác đều cười và nhận xét rằng:
– Thà cậu im đi còn hơn. Chiếc nhẫn cưới ấy ông chủ cất trong túi nhiều hơn, cốt để các cô gái trẻ tưởng ông ấy chưa lập gia đình, chứ có đeo đâu. Ngoài ra cậu có làm được việc gì khác đâu?

– Quan trọng nhất vẫn là tôi! – Ngón tay trỏ nói – Ai là người chỉ đường? Ai là người vạch ra những thiếu sót của cơ quan? Chính là tôi. Thử nghe ông chủ thường nói: Các bạn, nguyên nhân sự chậm tiến của chúng ta chính là ở đây…, mọi người đều sợ tôi trỏ vì không ai muốn mình là nguyên nhân chậm tiến của cả tập thể.

– Bạn nhầm rồi, bạn thân mến ạ – Ngón tay cái phản đối – không phải chỉ mình bạn biết chỉ. Tôi cũng chỉ, nhưng chỉ một cách khéo léo, tế nhị hơn cơ. Tôi không chỉ thẳng vào người ta mà lại chỉ qua bên phải, qua sau lưng, nhưng vẫn trúng thủ phạm như thường. Hơn nữa, trong một số trường hợp, khi muốn thoái thác trách nhiệm, tôi giúp ông chủ chỉ cho khách sang cửa khác, gặp người khác mà cầu xin, phản đối…

Từ nãy chỉ có ngón tay út im lặng. Vả lại, nó còn biết khoe khoang gì nữa: nó vốn là ngón tay bé nhất. Nhưng…

– Kìa, tại sao chú út không nói gì? – Những ngón tay khác hỏi.

– Em cũng biết chỉ đấy chứ. Vì em vốn nhỏ bé cho nên trong những lúc ông chủ cần tự phê bình, ông ấy dùng em chỉ vào ngực mình thì chẳng ai trông thấy cả. Ngoài ra, em còn được việc trong những khi cần móc ngoặc: nếu thỏa thuận với ai, chỉ cần nói xong ngay. Thế là cả hai người đều chìa em ra móc với nhau.

Nguồn: Truyện cổ tích Tổng hợp.

 

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Blog Chuyên Anh

Nurturing Language Talents

%d người thích bài này: