Chúng ta đang sống trong thời kỳ của những thay đổi và biến cố, thời kỳ khó khăn nhất khi đại dịch Covid-19 bùng phát toàn cầu và mọi người đều bị ảnh hưởng nặng nề. Hàng ngày chúng ta bị tác động bởi những tin tức xấu; những tin có thật về con số tăng chóng mặt theo cấp số cộng và cả cấp số nhân về các ca nhiễm dịch mới , ca tử vong …từng ngày và từng buổi ở khắp nơi. Những câu chuyện về suy thoái kinh tế, thất nghiệp, không tiền, thiếu lương thực, thực phẩm, người bị đói ở đâu đó trên xứ người và khó khổ trên đất nước mình ảnh hưởng đến chúng ta và tác động đến hy vọng của chúng ta, cùng với những nỗi lo âu về giãn cách xã hội, cách ly, phong tỏa, sự bình an của nhân loại, sức khỏe cộng đồng, gia đình và người thân… Chúng ta có thể bị cuốn vào làn sóng tiêu cực mà các tin giả đưa ra, hay bi quan trước thực tế khó khăn, hoạn nạn, mất mát của mình hay của người thân.
Khi đánh giá thực tế của cuộc sống, người bi quan và người lạc quan sẽ có những góc nhìn đối lập với nhau. Có thể tóm tắt bản chất của lạc quan và bi quan với câu nói vàng mười của George Bernard Shaw, “Cả người lạc quan và người bi quan đều đóng góp cho xã hội. Người lạc quan phát minh ra máy bay, người bi quan thì phát minh ra chiếc dù.”
Chắc rằng hầu hết chúng ta đều biết câu chuyện chiếc ly nước chứa một nửa. Người lạc quan nói ly nước còn đầy một nửa, người bi quan nói nước cạn hết một nửa. Người lạc quan vui vẻ với những gì họ có, biết ơn và tận dụng nó. Người bi quan nhìn sự việc nhuốm nỗi lo âu ( nước cạn rồi, sắp hết nước, sẽ không còn chi, biết làm sao đây ?… ). Tuy vậy, sự khác biệt giữa 2 mẩu người, trong thực tế, không phải là những vấn đề họ gặp phải mà chính là cách họ đối mặt với vấn đề của mình.
Cuộc đời là sự đan xen giữa những ngày tốt đẹp và những ngày không thuận lợi. Có những ngày xuân, nắng ấm ngập tràn và những ngày đông giá mưa phùn âm u ….Cuộc sống cũng không chỉ là chuỗi thành công liên tiếp, có thăng trầm, và có thất bại… Khi mọi việc tốt đẹp, ai cũng thấy cuộc đời màu hồng và trái tim nở những đóa hồng. Nhưng khi gặp khó khăn, người bi quan dễ chán nản hơn, chỉ nhìn thấy gai góc, chướng ngại, lòng trĩu nặng âu lo, sầu muộn và trái tim như sắp vỡ vì họ thường nghĩ đến những điều xấu hay tệ nhất. Đó chính là những suy nghĩ tiêu cực của người bi quan bởi sâu thẳm trong tâm thức của họ là những hạt giống tiêu cực như nghi ngờ, lo âu, sợ hãi yếu đuối và tuyệt vọng….
Trái lại, khi có sự biến, người lạc quan sẽ mạnh mẽ hơn nhờ sự trỗi dậy của những hạt giống tích cực trong tàng thức của họ như tự tin, tập trung, ít căng thẳng, nhìn sâu vào bản chất và nguyên nhân của vấn đề, để với ý chí và quyết tâm đương đầu, tích cực tìm biện pháp giải quyết… Và trên hết, họ tin rằng chuyện tốt sẽ đến, khó khăn sẽ qua như ngày mai trời sẽ sáng, mặt trời lên, ánh nắng ấm áp sau bão giông…
Nói cách khác người bi quan thường nhìn thấy khó khăn trong mọi cơ hội, trong khi người lạc quan nhìn thấy cơ hội trong mọi khó khăn như Winston Churchill, Chính trị gia – Thủ tướng Anh đã nói hoặc như nhà thơ Khalil Gibran ví von : “ Người lạc quan thấy hoa hồng, chẳng để tâm nhìn gai, kẻ bi quan chỉ nhìn thấy gai mà chẳng thấy bông hồng.”
Tóm lại trong đại dịch này, chúng ta không lạc quan tếu, không lạc quan thái quá một cách u mê mà không tìm tòi hiểu biết thực tế. Người lạc quan sẽ tuân thủ các quy định y tế về phòng chống dịch như đeo khẩu trang, khai báo y tế trung thực, tuân thủ 5 K, ở yên tại chỗ …, không nghe theo tin đồn giả mà hoang mang, lo âu quá đến độ mất ngủ nặng, trầm cảm …Trong khi họ tích cực bảo vệ bản thân và người thân cũng là góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Thay vì than vắn thở dài, kêu rêu, trách cứ và đổ lỗi, họ cảm thấy biết ơn và cảm thông với những bác sĩ, nhân viên y tế, tình nguyện viên, cán bộ chiến sĩ … đang chiến đấu trong cuộc chiến cam go chống SARS – CoV-2 vừa cứu chữa bệnh nhân vừa phòng chống dịch. Đã có không ít nhân viên y tế bị lây nhiễm bệnh dịch khi đang làm nhiệm vụ?
Cầu nguyện, thiền định, tập thể dục, đọc sách, ngắm hoa, nghe nhạc, làm việc tại nhà …. Hãy làm bất cứ gì mà chúng ta thấy có thể giúp chúng ta không bị ám ảnh bởi những tin xấu, cảm giác nặng nề, những nỗi lo âu. Nhiều người tích cực, lạc quan, cũng hành động tích cực vì tình người trong hoạn nạn. Họ thể hiện lòng tốt, tử tế với người, sẵn sàng làm gì đó trong khả năng, hợp sức để chia sẻ, giúp đỡ, hỗ trợ những người đang khó khổ vì đại dịch. Tất cả chúng ta đều thấy tinh thần tương trợ này to lớn và rộng khắp dường nào những ngày qua của người dân cả nước dành cho đồng bào ở những tâm dịch nặng như Sài Gòn, Bình Dương, Phú Yên…?
Rau củ góp tặng đồng bào Sài Gòn đang được chất lên xe ở Ban Mê Thuột – Ảnh: Hoàng Thiên Nga
Theo nhà báo Hoàng Thiên Nga, đến nay toàn tỉnh Daklak đã tiếp sức cho tâm dịch Sài Gòn và các tỉnh khác 450 tấn rau củ quả và các loại lương thực, thực phẩm khác.
Ảnh: Tuổi Trẻ
Hơn bao giờ hết, những vị lãnh đạo và quản lý các cấp, ngành cũng phải là người có tinh thần tích cực, lạc quan, nhất là phải đủ sáng suốt, nhanh nhạy tìm ra biện pháp tốt nhất để vừa chống dịch, dập dịch mà không để người dân khốn khó vì cái ăn, thiếu vaccine phòng bệnh….
Những người lạc quan cũng tin rằng với tinh thần và quyết tâm của người dân cả nước, các chiến sĩ chống dịch đang hy sinh, quên mình và sự hỗ trợ quốc tế, có sự đổi mới trong quản lý và biện pháp chống dịch, Việt Nam sẽ chiến thắng được đại dịch và thế giới rồi cũng sẽ qua được cuộc chiến với Corona, những biến thể Alpha, Beta, Gamma, hay Delta +…
Huỳnh Huệ
Filed under: Covid-19, Danh ngôn, Góc nhìn cuộc sống, Thái độ, Tư duy tích cực | Tagged: Bi quan & Lạc quan, Cách nhìn và cách giải quyết vấn đề, Giữ được lạc quan thời đại dịch |
Trả lời