
Theo TS. Tô Văn Trường, bài phỏng vấn GS Xuân “Đừng đổ lỗi cho Trung Quốc nữa chính chúng ta đang cãi trời”, dù rất đáng suy ngẫm, nhưng còn nhiều vấn đề cần trao đổi. Tác động bất lợi mà các hồ thủy điện ở Trung Quốc mang đến cho toàn bộ dòng sông Mekong là không hề nhỏ.
GS Võ Tòng Xuân: “Đừng đổ lỗi cho Trung Quốc nữa, chính chúng ta đang cãi trời
TS. Tô Văn Trường nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam, người đã cùng GS Võ Tòng Xuân vượt qua bao ngày gian khó để xuất khẩu cây lúa nước Việt Nam sang Sierra Leone vào năm 2008. Lúc đó, GS Xuân phụ trách về giống và kỹ thuật gieo trồng lúa còn TS Trường đảm trách nhiệm vụ làm thuỷ lợi, đưa nước từ sông lên khu vực cánh đồng thí nghiệm…
Vì đã có nhiều thời gian đồng hành, gần gũi và kính trọng GS Võ Tòng Xuân nên đối với TS Trường, nội dung bài phỏng vấn GS Xuân vừa thực hiện “Đừng đổ lỗi cho Trung Quốc nữa chính chúng ta đang cãi trời“, dù rất đáng suy ngẫm, nhưng không có nhiều cái mới, trái lại, còn nhiều vấn đề cần trao đổi.
Chúng tôi xin đăng tải những ý kiến thẳng thắn này để Quý độc giả có một cái nhìn đa chiều.
11 THUỶ ĐIỆN CỦA TRUNG QUỐC BÓP NGHẸT DÒNG MÊ KÔNG
Trong bài báo “Đừng đổ lỗi cho Trung Quốc nữa chính chúng ta đang cãi trời“, GS Xuân đã nhắn nhủ: Việt Nam không thể đổ lỗi cho Trung Quốc xây nhiều đập trên dòng Mê Kông khiến đồng bằng sông Cửu Long bị khô hạn ngập mặn. Tình trạng đó là hệ quả chung của biến đổi khí hậu toàn thế giới. Trung Quốc cũng bị khô hạn như vậy.
Sự thực không hẳn như vậy. Công luận cần tránh đưa thông tin cực đoan từ cực nọ sang cực kia theo kiểu: đổ lỗi cho Trung Quốc xây hệ thống đập thuỷ điện nơi đầu nguồn con sông quốc tế Mê Kông gây quá nhiều tác động rất xấu đến phát triển sản xuất và đời sống của người dân hạ nguồn là ĐBSCL của Việt Nam; hoặc ngược lại cho rằng Trung Quốc hoàn toàn vô can. Xin khẳng định lại một lần nữa: Nói Trung Quốc hoàn toàn vô can là không đúng!
Nói có sách, mách có chứng: Trung Quốc nằm ở thượng nguồn sông Mê Kông. Tổng diện tích lưu vực thuộc Trung Quốc và Myanma vào khoảng 18% diện tích lưu vực và đóng góp tổng lượng dòng chảy bình quân hàng năm vào khoảng 18% của cả dòng Mekong. Ở điều kiện tự nhiên dòng chảy kiệt nhất từ Lancang Trung Quốc vào khoảng 700 m3/s.
Bắt đầu từ năm 1993 thủy điện Manwan bậc thang – thủy điện đầu tiên trên Lancang được xây dựng với tổng dung tích 920 triệu m3. Tính từ 1993 cho đến nay đã có đến 11 thủy điện, với 30 hồ chứa nước được xây dựng ngay tại thượng lưu của dòng Mekong với tổng dung tích hữu ích lên tới 23,2 tỷ m3 và tổng dung tích các hồ chứa lên tới hơn 50 tỷ m3 nước.

Từ 2013 đến nay, cơ bản các hồ chứa lớn phía thượng lưu Trung Quốc đã hoàn thành việc tích nước. Từ đó đến nay hệ thống thủy điện của nước này đã làm thay đổi hoàn toàn chế độ thủy văn, thủy lực trên dòng chính hạ lưu vực sông Mê Kông. Phía thượng nguồn từ Chiang Saen đến Viêng Chăn lũ giảm, dòng chảy mùa kiệt tăng, thường ở mức trên trung bình. Một số giai đoạn dòng chảy giảm đột ngột, thấp nhất khoảng 700 m3/s tại dòng chảy kiệt nhất ở Trung Quốc xuống hạ lưu.
Khi các hồ chứa thủy điện Trung Quốc vận hành ở chế độ bình thường, dòng chảy từ thượng lưu xuống hạ lưu vào mùa kiệt thường xả ở mức 1.100 – 2.300 m3/s. Với mức đóng góp dòng chảy như vậy nó có thể chiếm 30 – 50% lượng nước chảy về sông Mekong ở Kratie, Campuchia. Có thể thấy, đây là lượng nước đóng góp rất quan cho trọng tổng lưu lượng nước của vùng hạ lưu sông Mekong vào mùa khô, đồng thời góp phần giảm xâm nhập mặn ở các cửa sông.

Tuy nhiên tác động bất lợi mà các hồ thủy điện ở Trung Quốc mang đến cho toàn bộ dòng sông Mekong là không hề nhỏ. Đầu tiên, việc vận hành các hồ thủy điện thượng lưu đã góp phần rất lớn làm suy giảm phù sa xuống hạ lưu. Hơn 90% lượng phù sa từ thượng lưu sông Mekong đã bị giữ lại tại các hồ chứa ở Trung Quốc.
Vận hành bất thường các thủy điện cũng đã khiến dòng chảy phía hạ lưu thay đổi đột ngột trái qui luật. Ví dụ một năm thủy văn của sông Mekong ở mức nhiều nước, nếu mất đi lượng điều tiết từ các thủy điện phía Trung Quốc có thể làm dòng chảy xuống hạ lưu ít ỏi như năm kiệt nước. Ngược lại, ở điều kiện năm hạn, nếu có gia tăng khoảng 2 tổ máy phát điện thì lượng nước về hạ lưu lại tương đương với những năm nước trung bình
Thực tế 2 năm qua (2020 và 2021) Trung Quốc đều giảm nước vào thời điểm đầu năm và gây ra ảnh hưởng nước về đến ĐBSCL vào đúng các dịp Tết cổ truyền. Tuy nhiên rất may năm 2021 do có ảnh hưởng của La Nina, mưa trái mùa kết hợp với việc gia tăng xả nước tại các hồ chứa phía hạ lưu đã góp phần bù đắp lượng thiếu hụt nước từ Trung Quốc.

Nếu việc cắt giảm nước cứ được lặp đi lặp lại trong những năm tiếp theo sao cho nước về đến đồng bằng thấp nhất vào dịp Tết thì việc đón Tết cổ truyền của người dân vùng ĐBSCL sẽ khó có được cảnh vui xuân trọn vẹn.
javascript:void(0)
Sao người đồng bằng vui nổi khi luôn phải canh cánh lo mặn hạn bất thường. Tết 2020 là một điển hình. Khi mặn lên bất thường, một số nhà vườn cây trái ở Vĩnh Long đã bị thiệt hại do không kịp kiểm tra độ mặn trước khi bơm tưới.
ĐỪNG SO SÁNH MỘT CÁCH SAI LẦM
Về giảm diện tích lúa, nhiều người cũng đã từng nói như GS Xuân. Kết quả là chiến lược về lúa gạo của cả nước nói chung và của ĐBSCL nói riêng đã thay đổi: Giảm dần diện tích tại các vùng khó khăn và tăng tỉ lệ gạo chất lượng cao. Như vậy, không thể nói Việt Nam vẫn giữ chính sách độc canh cây lúa ở ĐBSCL.
Tuy nhiên, muốn thay đổi một chính sách nông nghiệp, và cả một hệ thống canh tác dựa trên nền đất lúa cần phải có thời gian. Bình tĩnh ngẫm suy lại mới thấy để hệ thống sản xuất nông nghiệp thâm canh lúa nước chuyển qua cây trồng, vật nuôi khác theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao đâu phải dễ. Nào hạ tầng thủy lợi, chế biến, thị trường… Rồi quan trọng hơn cả là đào tạo nông dân, một việc không phải ngày một ngày hai.
Trước những thách thức này, Việt Nam đã có chính sách liên kết bốn nhà trong nông nghiệp. Liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, nhà khoa học dưới sự hỗ trợ của nhà nước nhằm gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ để tiến tới sản xuất hàng hóa quy mô lớn đã được văn bản hóa từ năm 2013. Trong mấy năm vừa rồi, lại có thêm 2 nhà nữa là nhà băng (ngân hàng) và nhà phân phối (nhà buôn) tham gia vào thành 6 nhà. Thêm vào đó, người tiêu dùng (khách hàng) cũng đang ngày càng tích cực trong việc tiêu thụ nông sản trong nước.
Mô hình liên kết khi viết ra có vẻ rất đẹp, rất khăng khít. Song thực tế cho thấy, doanh nghiệp phụ trách khâu cuối cùng để tiêu thụ sản phẩm nhưng các “ông lớn” của nhà nước lại đang gặp nhiều khó khăn do cơ chế quốc doanh, nợ nần chồng chất.
Thí dụ đem so sánh Vinafood II (Tổng công ty lương thực miền Nam) với các mô hình phân phối nông sản trên thế giới chỉ nhìn thấy doanh nghiệp Việt vừa nhỏ quy mô lại yếu sức lực.
Ngoài ra, để xây dựng uy tín cho thương hiệu nông sản thì vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm là quan trong nhất. Tuy nhiên qui định về Giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật MRLs của đất nước mình lại đang không tương thích với nhiều thị trường nhập khẩu lớn trên thế giới (thông tư 50 của Bộ Y tế năm 2015) nên không có tác dụng.
Như vậy, mỗi một nhà giải quyết tốt công việc của mình, minh bạch và chia sẻ và toàn bộ thông tin thì câu chuyện phát triển của ĐBSCL mới có được hướng đi bền vững. Do đó, có lẽ so sánh một chính sách trong quá khứ với tình hình hiện tại rồi phê bình là sai lầm. Trong khi chính sách này đã được thay đổi khá nhiều suốt mấy chục năm qua. Bằng chứng có thể thấy qua các thông tin do chính GS Võ Tòng Xuân đã nói trong bài phỏng vấn dậy sóng vừa rồi.

ÔNG TRỜI Ở XA QUÁ NÊN ĐỪNG SỢ MẤT LÒNG, MẤT GHẾ
Ý kiến của GS. Võ Tòng Xuân khi bàn đến câu chuyện phát triển bền vững ở ĐBSCL là rất đáng suy ngẫm. Bởi vì còn quá nhiều rào cản từ cơ chế nên “vòng kim cô” GS chỉ ra, vẫn không tháo ra được.
Phương án giảm lúa, chuyển cây trồng khác muốn thành công và tránh được những bài học cay đắng từ cây lúa chắn chắn phải kèm theo điều kiện tương xứng. Hiện giá xoài tại An Giang, Đồng Tháp… đang rớt thê thảm. Những năm trước giá mỗi kg xoài lên đến 20.000 -30.000 đồng nay còn dưới 10.000 đồng/kg. Nông dân vẫn đang sống cùng với nỗi khổ.
Cho nên việc bàn luận về chính sách trong quá khứ nếu dừng lại ở mức rút ra bài học kinh nghiệm, dường như chỉ giúp người tìm ra nó chứng tỏ kỹ năng thống kê và đọc hiểu số liệu. Bài học kinh nghiệm chỉ thực sự có giá trị cho cả cộng đồng nếu từ đó, nêu ra được các bước cụ thể phải làm gì, làm như thế nào, khi nào… cho hôm nay và mai sau.
Nói “Thuận thiên” nhưng để áp dụng vào thực tế ở ĐBSCL hẳn còn lắm nan giải vì đất chật, người đông, áp lực về phát triển kinh tế đang quá lớn.
ÔNG TRỜI Ở XA QUÁ NÊN ĐỪNG SỢ MẤT LÒNG, MẤT GHẾ
Ý kiến của GS. Võ Tòng Xuân khi bàn đến câu chuyện phát triển bền vững ở ĐBSCL là rất đáng suy ngẫm. Bởi vì còn quá nhiều rào cản từ cơ chế nên “vòng kim cô” GS chỉ ra, vẫn không tháo ra được.
Phương án giảm lúa, chuyển cây trồng khác muốn thành công và tránh được những bài học cay đắng từ cây lúa chắn chắn phải kèm theo điều kiện tương xứng. Hiện giá xoài tại An Giang, Đồng Tháp… đang rớt thê thảm. Những năm trước giá mỗi kg xoài lên đến 20.000 -30.000 đồng nay còn dưới 10.000 đồng/kg. Nông dân vẫn đang sống cùng với nỗi khổ.
Cho nên việc bàn luận về chính sách trong quá khứ nếu dừng lại ở mức rút ra bài học kinh nghiệm, dường như chỉ giúp người tìm ra nó chứng tỏ kỹ năng thống kê và đọc hiểu số liệu. Bài học kinh nghiệm chỉ thực sự có giá trị cho cả cộng đồng nếu từ đó, nêu ra được các bước cụ thể phải làm gì, làm như thế nào, khi nào… cho hôm nay và mai sau.
Nói “Thuận thiên” nhưng để áp dụng vào thực tế ở ĐBSCL hẳn còn lắm nan giải vì đất chật, người đông, áp lực về phát triển kinh tế đang quá lớn.

Ở đây, những người nông dân – chủ nhân của đồng bằng cần phải được giáo dục bài bản hơn nữa. Để chính họ chứ không phải các chuyện gia có đủ trí tuệ, bản lĩnh chọn lọc được triết lý sống khôn ngoan và bền vững.
Các giải pháp chủ động thích nghi, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng… và nhất là với các tác động đầy chủ đích đến từ chính sách điều tiết thủy văn của các nước nơi thượng nguồn sông Mekong phải là người chủ của đồng bằng biết tự quyết định.

Bài toán phát triển bền vững ở ĐBSCL có thể thấy nếu cứ nhăm nhắm “Thuận thiên” thì ông Trời ở xa quá. Nên chi bây giờ tất cả các bên chịu khó về hỏi nông dân, nhà khoa học và các “nhà” khác đang hợp tác, có quyền lợi và trách nhiệm với đồng bằng đi. Khi giải được bài toán rồi, thành qui hoạch rồi thì phải nghiêm minh trong thực hiện. Các cơ quan theo dõi, giám sát phải dám “thổi còi” đừng sợ mất lòng, “mất ghế”!
.
Theo Doanh Nghiệp & Tiếp Thị
Nguồn: SoHa
Filed under: Góc nhìn, Kinh tế, Môi trường, Nông nghiệp, Điểm báo | Tagged: GS Xuân “Đừng đổ lỗi cho Trung Quốc nữa, Trung Quốc hoàn toàn vô can |
Trả lời