Hôm qua, ngày 1 tháng 3 năm 2021, nhân ngày lễ kỷ niệm “phong trào Ba Một” kháng Nhật giành độc lập. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã nói rằng chính phủ của ông luôn sẵn sàng đối thoại với Nhật Bản, ông cũng cho biết hai nước đã trở thành láng giềng, mọi lĩnh vực giao lưu như kinh tế, văn hóa và con người rất quan trọng.
Người Triều Tiên gọi Phong trào Ba Một này là Phong trào Sam-il (3-1)(Hangul: 삼일 운동; Hanja: 三一 運動) bởi vì nó xảy ra vào ngày 1 tháng 3 năm 1919, cách đây đúng 102 nặm. Phong trào phản đối này bắt nguồn từ giới sinh viên Hàn Quốc kêu gọi độc lập khỏi Nhật Bản và phản đối việc cưỡng bức đồng hóa vào cách sống của người Nhật. 33 nhà lãnh đạo văn hóa và tôn giáo Hàn Quốc đã đưa ra một tuyên bố và hàng ngàn cuộc biểu tình đã nổ ra ở nhiều thành phố. Phong trào đã bị đàn áp dã man, với khoảng 7.500 người bị giết và 16.000 người bị thương, và 46.000 người bị bắt.
Ảnh do Tiến sĩ Frank Schofield chụp về cuộc nổi dậy hòa bình ngày 1 tháng 3 năm 1919 bên ngoài Tòa thị chính Seoul
Năm 1895, Vương hậu Minh Thành bị ám sát bởi các điệp viên Nhật Bản. Tướng Nhật Bản, Miura Goro, là người đã chỉ đạo cuộc ám sát này. Trước đó, Vương hậu đã có mưu tính đưa Triều Tiên ra khỏi vòng kiềm tỏa của Nhật Bản bằng cách tìm kiếm những sự giúp đỡ từ Đế quốc Nga và Trung Quốc. Biết được ý định này, Nhật Bản đã ra tay trước, đưa điệp viên xâm nhập Cảnh Phúc cung và ám sát Vương hậu ngay trong cung điện.
Ngày 21/1/1919, vua Cao Tông của Triều Tiên qua đời ở tuổi 66. Nhiều người tin rằng ông đã bị giết hại bởi đặc vụ Nhật, một số các nhà lãnh đạo khác cũng đã bị ám sát bởi các đặc vụ Nhật Bản. Điều này đã làm dấy lên Phong trào Samil vốn đã được nung nấu kể từ khi quân đội Nhật bắt ép Triều Tiên kí Hiệp ước Giang Hoa năm 1876. (Vào thời kỳ quân sự Nhật lớn mạnh hơn Triều Tiên nhờ sớm áp dụng các kỹ thuật quân sự tân tiến của phương Tây) .
Trước đó, Nhật Bản đã đi xâm lược Triều Tiên 2 lần, cuộc xâm lược thứ nhất (1592–1593), cuộc xâm chiến thứ hai (1594-1596). Ngoài thiệt hại nhân mạng, văn hóa Triều Tiên như nhiều tác phẩm nghệ thuật, thư tịch lịch sử đã bi thiêu hủy, nhiều thợ thủ công và nhà kỹ thuật bị bắt đi, nhiều phụ nữ đã bị bắt đi làm nô lệ tình dục trong chiến tranh, v.v… Trong Thế chiến thứ hai, Nhật đã chiếm Trung Quốc, đánh Việt Nam và nhiều nước khác ở châu Á-Thái Bình Dương, gây ra hàng loạt tội ác.
Muốn chung sống hòa bình để cùng phát triển tốt, đòi hỏi phía gây ra tội ác cần phải thành tâm xin lỗi và chia sẻ lợi ích, phía bị nạn cần khoan dung, không hẹp hòi và sẳn sàng hợp tác giống như lời phát biểu của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm qua ?
Montreal, ngày 1/3/2021
Ngô Khôn Trí
Filed under: Góc nhìn, Lịch sử, Quan hệ quốc tế, Thái độ, Thấy biết, Thế giới đó đây | Tagged: Ứng xử của Nhật Triều, chung sống hòa bình, hối lỗi - khoan dung, Quan hệ quốc tế |
Trả lời