Thuê người Việt làm đại diện
Theo dự thảo “Báo cáo đánh giá tác động của một số loại hình kinh tế chia sẻ chính tới nền kinh tế” do Bộ Kế hoạch – Đầu tư thực hiện và đang được lấy ý kiến các bộ ngành, hiện tại Việt Nam có khoảng 100 công ty P2P lending (bao gồm cả công ty đã đi vào hoạt động chính thức và một số công ty đang trong giai đoạn thử nghiệm). Trong đó, một số công ty P2P lending có nguồn gốc từ Nga, Singapore, Indonesia… và nhiều nhất là Trung Quốc.
Trên thực tế, nhiều app cho vay qua mạng sau khi bị điều tra thì ông chủ đứng sau là người Trung Quốc. Chẳng hạn vào giữa tháng 4 vừa qua, Công an TP.HCM đã khởi tố bắt tạm giam 5 bị can trong đường dây cho vay lãi nặng qua app với lãi suất lên 90%/tháng. Kết quả điều tra xác định, 3 công ty gồm Công ty TNHH dịch vụ tư vấn V., Công ty TNHH CNTT B.M.V và Công ty TNHH tư vấn tài chính Đ.P do hai người Trung Quốc tên là Li và Miao làm chủ nhưng thuê người đứng tên giấy phép kinh doanh, thành lập vào khoảng tháng 4.2019. Hai người này thuê 2 nhân viên quản lý là người Trung Quốc và thuê một số lao động Việt Nam làm phiên dịch, kế toán, nhân viên…
Thủ đoạn chính của nhóm này là Li và Miao tạo ra các ứng dụng trên điện thoại di động để cho vay tiền mang tên “vaytocdo”, “Moreloan” và “VD online”. Qua ứng dụng “Vaytocdo”, khách hàng được vay từ 1,7 – 2,75 triệu đồng nhưng với 1,7 triệu đồng, thực chất người vay chỉ nhận được 1,42 triệu đồng vì trừ phí dịch vụ hết 272.000 đồng.
8 ngày sau khi nhận tiền, người vay phải trả vốn lẫn lãi là 2,04 triệu đồng. Nếu trả chậm 1 ngày sẽ bị phạt 102.000 đồng.
Các công ty P2P cho vay qua nền tảng giao dịch trực tuyến tại Việt Nam (ảnh minh họa/ tổng hợp).
Còn vay qua ứng dụng “Moreloan” và “VD online”, người vay chỉ được vay tối đa 1,5 triệu đồng và chỉ được nhận 900.000 đồng, 600.000 đồng là phí dịch vụ và tiền lãi trả trước của 1 tuần. Sau 7 ngày, người vay phải trả tiền gốc là 1,5 triệu đồng, trả chậm phạt mỗi ngày từ 2 – 5%. Tính ra, mức cho vay qua ứng dụng là 3%/ngày, 90%/tháng. Theo kết quả điều tra của cơ quan công an, chỉ sau gần 6 tháng hoạt động đã có đến 60.000 người vay qua 3 ứng dụng nói trên với tổng số tiền lên đến 100 tỉ đồng. Những nghi can cầm đầu sống ở Trung Quốc, chỉ điều hành qua mạng điện thoại.
Còn vào tháng 6, Công an TP.HCM cũng điều tra vụ việc tại Công ty TNHH Cashwagon cho người dân vay tiền qua app với lãi cao và thực hiện các hành vi “khủng bố” khách hàng không trả nợ. Ví dụ, để vay 5 triệu đồng ở Cashwagon, app chỉ giải ngân cho vay 3,5 triệu đồng, số tiền 1,5 triệu đồng bị trừ trước là phí, người vay phải trả đủ 5 triệu đồng trong khoảng thời gian ngắn 7 – 14 ngày theo đăng ký.
Trường hợp không trả đúng hẹn, lãi sẽ tăng dần hằng ngày vài trăm ngàn đồng và chỉ mấy ngày sau có thể vượt cả con số nợ của người vay. Lãi vay qua app có khi lên đến 1.000%. Cơ quan công an xác định thực chất Công ty TNHH Cashwagon và Công ty TNHH Lendtech (công ty giải ngân tiền cho vay) dựng lên để “hợp thức hóa”, làm bình phong che đậy hoạt động “tín dụng đen” trên mạng. Người đại diện pháp luật của cả hai công ty đều khai chỉ được thuê làm. Vụ việc hiện đang được cơ quan công an tiếp tục điều tra. Hay trong tháng 7, Công an Q.4 (TP.HCM) cũng triệt phá đường dây cho vay nặng lãi qua app VNCard, ABLOAN do người Trung Quốc điều hành. Công ty TNHH đầu tư tư vấn tài chính Thái Bình Dương do vợ của Tôn Dục Tân (Sun YuXin) đứng tên giấy phép kinh doanh…
Mô hình cho vay ngang hàng (peer-to-peer lending hoặc viết tắt là P2P) là một mô hình kinh doanh sử dụng các dịch vụ online để kết nối các nhà đầu tư với cá nhân hay doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn.
Thông tin trên báo South China Morning Post vào tháng 10 cho thấy ước tính có hàng chục triệu người Trung Quốc đã bị mất tiền bởi sự sụp đổ của các chương trình cho vay ngang hàng tại nước này. Kể từ khi chính phủ bắt đầu siết mạnh hình thức cho vay ngang hàng hơn 3 năm trước, tính tới cuối tháng 6.2020 vẫn còn khoảng 800 tỉ nhân dân tệ (119 tỉ USD) bị nợ lại. Hiện tại, ngành công nghiệp cho vay ngang hàng tại Trung Quốc gần như biến mất hoàn toàn, chỉ còn 15 nền tảng hoạt động vào cuối tháng 8.
Chặn app này, mọc app khác
Nguy cơ nước ngoài chiếm lĩnh thị trường gọi xe công nghệ, chia sẻ phòng ở, cho vay
Theo M. Phương – Thanh Niên
Filed under: Cảnh báo, Kinh tế, Trung quốc, Điểm báo | Tagged: cho vay nặng lãi, Mối nguy cho dân Việt, người Trung Quốc đứng sau đại diện Việt được thuê, phí dịch vụ rất cao - cắt cổ người vay |
Trả lời