Thân gửi các Bạn Tuổi Vàng
Từ lúc tìm lại được năng lượng mới khi quyết định trở lại chơi tennis 3 ngày một tuần với các bạn bên Brossard. Ngày nào về nhà cũng đau lưng nhức mỏi tay chân nhưng ăn ngon, ngủ ngon, đầu óc thanh thản làm cho mình cảm thấy yêu đời hơn. Hôm nay muốn chia sẻ vài cảm nghĩ đến mọi người như sau :
Bước vào giai đoạn về hưu sau một thời gian dài làm việc cực nhọc quên mình để nuôi nấng con cái tới tuổi trưởng thành, có lẽ điều quan trọng nhất của chúng ta là sức khỏe thể chất và tinh thần.
Theo thiển ý, tinh thần đóng vai trò quan trọng hơn cả , bởi vì nếu tinh thần không được thoải mái, sống với nhiều lo âu, toan tính, bực bội, căng thẳng kéo dài sẽ dẫn đến phát sinh những căn bệnh như ung thư, tim mạch, tiểu đường,… Không những thế quan hệ vợ chồng cũng trở nên lạt lẽo. Do đó, việc ưu tiên là phải duy trì lối sống lành mạnh để không bị mắc phải các bệnh hiểm nghèo. Cố gắng tránh mâu thuẫn với người thân và bạn bè bằng cách bình tĩnh xử lý mọi việc, không vội vàng nóng tính khi bất bình, mọi việc đều có 2 mặt nên cần có sự lắng nghe ý kiến trái chiều, mỗi ngày cố tạo 1 niềm vui cho chính mình hay ít nhất là cho người bạn đời của mình?
Nếu chúng ta không phải là người thường xuyên tập thể dục thì ít nhất chúng ta phải là những người thường xuyên ngủ sớm , không xử dụng các chất gây nghiện như rượu và thuốc lá. Biết chọn thức ăn bổ dưỡng và ăn uống chừng mực sẽ cho chúng ta sức khỏe lâu dài?
Tuổi càng cao thì cơ thể bị lão hóa, sức khỏe bị sa sút, không còn khả năng khiêng vác vật nặng, làm việc mau mệt. Điều này không làm mình buồn mà phải chấp nhận nó như là 1 quy luật tự nhiên của tạo hóa , phải thích ứng với nó. Nếu không khiêng vật nặng 1 mình thì nhờ ai đó phụ giúp mình. làm việc mau mệt thì chia ra làm nhiều lần sao cho cơ thể mình không bị quá sức là được. Còn không, dùng tiền để thuê người khác làm việc đó thế mình? Một người quen lớn tuổi bị trật cột sống thắt lưng vĩnh viễn chỉ vì tiếc tiền không thuê thợ làm mà tự mình lắp ráp cửa sổ.
Điều quan trọng và cũng là điểm chính mà mình muốn tâm sự ở đây là sự sa sút tinh thần khi về già. Đó là bệnh MẤT TRÍ NHỚ và LÃNG TAI .
Phần lớn những người từ 65 tuổi trở đi đều gặp phải biểu hiện này. Quên một số sự việc vừa mới xảy ra, không nhớ ra việc dự định làm, ví dụ như quên buổi hẹn, quên thanh toán hóa đơn, không nhớ ra nơi cất đồ ở đâu, không nhớ đường khi lái xe. Thỉnh thoảng bị con cái hay vợ/chồng trách móc hay lập đi lập lại một câu hỏi nhiều lần do lãng tai và mất trí nhớ.
Khi phát hiện có những biểu hiện nêu trên, bạn đừng lấy làm buồn , đừng tránh né việc tiếp xúc với gia đình và bạn bè. Bởi vì đó là căn bệnh không tránh được khi tế bào trong cơ thể bị lão hóa . Có khoảng 46,8 triệu người trên thế giới đang sống với căn bệnh mất trí nhớ. Ở Canada có 750 ngàn người, ở Úc có 343 ngàn người, ở Mỹ có 5,3 triệu người, ở Nhật có 4,6 triệu người, ở Việt Nam mình là khoảng 3 triệu người. Riêng tại Nhật, gần 15% số người trên 65 tuổi mắc bệnh này, trên 80 tuổi là 21,8% và trên 95 tuổi là 80%. Điều này cho thấy cùng 1 số tuổi nhưng có người không mắc phải bệnh mất trí nhớ. Đó là nhờ họ có lối sống lành mạnh và thái độ lạc quan. Chỉ có 2 yếu tố này mới có thể giúp bạn làm chậm đi sự tiến triển căn bệnh này.
Muốn vậy, chúng ta phải thay đổi cách giải quyết công việc và cách suy nghĩ :
- Khi có nhiều việc cần giải quyết, đừng cố gắng nhớ hết mọi việc trong đầu mà hãy viết ra những gì mình phải làm theo thứ tự thời gian. Đừng quá tham lam giải quyết hết mọi việc cùng 1 lúc. Việc quan trọng ưu tiên giải quyết trước.
- Phải chấp nhận tính tương đối, đừng đòi hỏi quá hoàn hảo, tránh trạng thái lo xa quá đáng, nên chọn thời gian thích hợp với bản thân để thực hiện thì sẽ thấy bớt căng thẳng.
- Khi gặp chuyện buồn, căng thẳng, bấn loạn trong một vấn đề gì, cố gắng giữ bình tĩnh, hít thở thật sâu và tập trung theo dõi hơi thở, dùng thời gian để những lo lắng hay bất đồng lắng xuống rồi tìm cách xoa dịu nó. Mọi việc trên đời đều có có 2 mặt tốt xấu, không có gì là tuyệt đối cả.
- Trước khi phán quyết về hành động của bất kỳ ai, cần tìm hiểu cặn kẻ nguyên nhân sự việc, không có lửa làm sao có khói và nên đặt mình vào trường hợp của họ.
- Khi có bất đồng với người thân, hãy xem lại mình đã làm đúng chưa. Nếu thấy sai nên tìm cách xin lỗi sớm, hôm nay chưa làm được thì làm vào ngày mai hay ngày mốt, tránh kể lể dài dòng để biện minh. Đừng cố chấp những sai lầm của người khác, nên tha thứ và tự trách mình nhiều hơn.
- Hãy sống thật với chính mình, đừng phô trương quá đáng để hơn thua với bất kỳ ai. Hãy tranh đua xem ai sống lành mạnh hơn ai.
- Khi thành công phải nghĩ lại lúc thất bai để bớt khoe khoang. Khi thất bại nên nghĩ đến thành công để vươn lên. Thành công lớn thường là kết quả của 1 chuỗi nỗ lực tích lũy lâu dài.
- Quan tâm nhiều đến sức khỏe của mình, mỗi ngày cố gắng chọn một niềm vui và mỗi ngày cố gắng làm vui ít nhất cho 1 người.
Montreal, ngày 3/7/2020
Ngô Khôn Trí
Filed under: Nghệ thuật sống vui, Người cao tuổi, Sống vui khỏe, Sức khỏe & đời sống, Thái độ, Thể thao, Tư duy tích cực | Tagged: Lạc quan, Người cao tuổi sống vui |
Trả lời