Tâm lý lấy mình làm trung tâm là một thói quen của tất cả, và khi ấy, về mọi phương diện, bạn thấy mình xứng đáng được nhiều hơn những gì đang có. Đây là lý do từ khi còn nhỏ bạn đã biết trách móc sớm hơn nhiều cái biết khác và đó là cội nguồn của bất an và đau khổ.
Còn nhỏ thì trách mẹ sao gọi con dậy sớm học bài mà không cho ngủ nướng. Đến lớp thì than trách thầy cô cho bài nhiều, bắt học nhiều. Lớn tí nữa học nhiều môn nhiều người dạy thì trách thầy A dạy khó hiểu, cô B nghiêm quá. Ra trường đi làm trách việc nhiều lương ít. Về nhà thì so sánh chồng/vợ mình với người hàng xóm hoặc đồng nghiệp ở cơ quan rồi chê bai đủ cách với người mình từng khăng khăng chọn lựa để chung sống trọn đời. Hễ có chỗ nào trút được tâm bực bội cau có là bạn cứ thoải mái làm mà không cần biết đến hậu quả sau đó.
Xâu kết thời gian bạn trách móc, giận hờn lại, bạn sẽ thấy đó là chuỗi ngày không hạnh phúc. Dò xét và trách móc đã lấy đi một phần lớn quỹ thời gian và bình an trong cuộc sống đầy ý nghĩa của bạn. Vô lý quá đúng không? Bạn trách người khác, đồng nghĩa với việc bạn tự thấy mình tốt hơn, đáng để được đối xử tử tế hơn. Ấy vậy mà ở đây, chính bạn là người đối xử quá tồi tệ với bản thân mình. Bạn đày đọa mình trong căng thẳng, buồn bực, ghen tỵ, trách móc… thì đời còn gì vui? Bạn đáng được hưởng nhiều hơn vậy mới phải.
Nếu phải sống với tâm lý trách móc, giận hờn, không hài lòng, hằn học, bạn đã đánh mất chìa khóa hạnh phúc của mình rồi. Chấp nhận cuộc sống này là bất toàn, và không ai có thể làm hài lòng tất cả mọi người. Có thể bạn đang than phiền người khác cũng chính là lúc họ đang chịu đựng bạn mà bản thân mình không biết. Điều chúng ta cần làm là nỗ lực tối đa để cải thiện bản thân và góp phần làm cho cuộc sống thêm tốt đẹp hơn trong khả năng có thể mà thôi. Đây chính là chìa khóa mở cánh cửa hạnh phúc trong tâm bạn vậy.
.
Liên Trí
Filed under: Hạnh phúc, Nghệ thuật sống an lạc, Sống vui, Thái độ, Tư duy tích cực, Điểm báo | Tagged: Sống vui = ba\o dung, Tư duy tích cực, Đừng trách móc hay giận hờn |
Trả lời