• Bài viết mới

  • Thư viện

  • Chuyên mục

  • Tag

  • Join 1 092 other subscribers
  • Bài viết mới

  • Blog – theo dõi

  • Enter your email address to follow this blog and receive notifications of new posts by email.

    Join 1 092 other subscribers

Những bài học lớn về Thương yêu & Thái độ sống trong Ngày tu Cộng Hưởng tại Tịnh Xá Ngọc Phương ( 22- 10- 2017)

Kunu Tenzin Geylsten, đã nói “Nếu bạn muốn trở thành một người bạn của tất cả mọi người, bạn hãy phát huy lòng yêu thươnglòng từ bi của mình. Nếu bạn muốn trở thành hướng đạo tâm linh cho tất cả mọi người, bạn hãy phát huy lòng yêu thươnglòng từ bi của mình. Nếu bạn giúp ích cho tất cả mọi người, bạn hãy phát huy lòng yêu thươnglòng từ bi của mình”

Ngày tu học thiền cộng hưởng tại Tịnh Xá Ngọc Phương (22/10/2017)

Chủ đề: Cộng hưởng yêu thương – Thái độ sống

Hướng dẫn: Sư Minh Thành – Phó ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương – Hệ phái Khất sĩ

 Thật là một duyên lành cho gần 200 Phật tử và Thiền sinh của Tịnh xá Ngọc Phương được Sư Minh Thành về thăm và  hướng dẫn cho Đạo tràng một ngày tu tập  cộng hưởng thành công tốt đẹp nên trong tâm thức của  những người tu học tràn đầy năng lượng thương yêu trong tỉnh thức. 

Ảnh chụp Sư Minh Thành & Sư Giác Kiến cùng các Phật tử Thiền sinh cuối ngày tu học


Cảm xúc của Sư Minh Thành khi lần đầu đến với TX Ngọc Phương

Lần đầu đặt chân đến TX Ngọc Phương, thầy cảm nhận nơi đây có một đạo tràng nế nếp và tu tập trang nghiêm;  điều đó đã khiến Thầy rất hạnh phúc. Thầy cũng cảm nhận có sự cộng hưởng tổng thể  được đóng góp bởi mỗi Thiền sinh, mỗi Phật tử tu tập  đã tạo nên sự cộng hưởng chung thành một tập thể trang nghiêm, thanh tịnh.

Sư Minh Thành hướng dẫn cả Đạo tràng TX Ngọc Phương đi thiền hành

Về chủ đề tu tập trong ngày tu cộng hưởng: Thương yêu và Thái độ sống,  theo Thầy,  là một chủ đề ý nghĩa vì Thương yêu mang tính chất giao hòa giữa cuộc sống, nhưng thương yêu phải tỉnh thức. Tỉnh thức có ý nghĩa chuyên sâu hơn nhưng lại không xa rời thực tại cuộc sống. Thầy nhận ra mình được tiếp xúc với sự thương yêu và cộng hưởng lớn tại nơi chốn tu tập này. Ai ở trong một trường cộng hưởng  như vậy đều được nhận hạnh phúc, bởi cộng hưởng chính vừa là cho, vừa là nhận. Ví như khi chúng ta cho đi một năng lượng tỉnh thức thì năng lượng ấy được phóng ra đến toàn thể mọi người; cũng như khi ta nhận lại năng lượng thì cũng nhận được nguồn năng lượng ấm áp từ mọi người. Từ ngữ cộng hưởng thực sự có ý nghĩa rất hay, sâu sắc và bao trùm. Sự cộng hưởng ấy không chỉ giữa con người với con người mà còn cộng hưởng đến sinh vật muôn loài, con sâu, cái kiến,…và cả những thế giới có xúc cảm,… Thế nên mới có câu:“Vô tình bụi, đất, đá, cây bao đồng”.” Bụi đất làm tốt phần của bụi đất, bụi đất không cần nghĩ phải làm cho cây trái xanh tốt nhưng chỉ cần bụi đất làm tốt phần của mình là cây trái cũng vô tình được hưởng những điều tốt đẹp của bụi đất mà tự nhiên xanh tươi.

Vậy nên chúng ta hãy sống với thế giới cộng hưởng trong sự tỉnh thức và yêu thương.

 

  • Tóm lược bài giảng của Sư Minh Thành trong ngày tu cộng hưởng với chủ đề : Yêu thương và Thái độ sống

Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta sinh hoạt, giao tiếp, và dùng mọi phương tiện để thu hút sự chú ý của người khác. Ví như khi chúng ta đi dự một sự kiện nào đó (ở giảng đường, phòng trà, chương trình ca nhạc,…), thì chúng ta sẽ được kích thích qua các kênh giác quan.  Tác nhân kích thích có thể bằng ánh sáng của đèn màu chớp nháy, có thể bằng âm thanh đủ cung bậc, có thể bằng hình ảnh nhiều thể loại và màu sắc, có thể bằng lới nói nhiều ngữ điệu,…. Có nghĩa là chúng ta luôn tìm đủ mọi phương tiện để kích thích nhau. Đó là những cảnh giới bên ngoài luôn ồn ã náo động và thay đổi từng phút, từng giây.

Thiền thì khác biệt ngược lại. Hành giả tu thiền phải biết đối diện với chính mình, tức là đối diện với hơi thở và trạng thái của chính mình, sử dụng năng lượng yêu thương để chăm sóc cảnh giới bên trong. Hay nói cách khác, người tu thiền lấy thế giới nội tâm làm đối tượng tu tập, biết quay về chăm sóc nội tâm để tạo ra năng lượng tỉnh thức, năng lượng thương yêu. Vậy nên một trong những điểm nhấn trong chủ đề yêu thương và thái độ sống kỳ này, chúng ta cần đề cập đến chính là tỉnh thức, vì thương yêu có tỉnh thức là thương yêu có thực chất nơi tâm mình sẽ tạo ra tình thương có trí tuệ, có chất lượng cao đem an lạc, hạnh phúc cho mình và người.

Nói về cơ chế vận hành của tâm, có thể tạm chia ra 3 tầng cơ bản:

  • Hiện thực cuộc sống (tức là những gì trong cuộc sống đang diễn ra);
  • Đánh giá về cuộc sống (như thương, ghét, hay, dở,…);
  • Bản thân mỗi người chúng ta.

Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thường làm gì? Chúng ta thường bỏ quên bản thân chúng ta, hay ít nhìn hiện thực cuộc sống mà thường đánh giá về cuộc sống nhiều hơn. Khi có một vấn đề xảy ra, chúng ta thường nhận xét, đánh giá bằng cái nhìn của bản thân mình (phải chăng chúng ta đang “đeo những cặp kính màu”?  Đó là những cặp kính nào?  Cặp kính của tham, cặp kính của phân biệt, cặp kính của phiền não, cặp kính của tự mãn…). Tâm chúng ta vận hành từng phút giây theo cơ chế ấy; thế nhưng hầu hết chúng ta không  hay biết. Chúng ta hầu như không nhận thức được rằng trong thương yêu và cả trong các hoạt động sống hàng ngày, chúng ta  đang  bị tam độc : tâm tham, sân, và si điều khiển.  Thế nên, ngay cả trong tình thương yêu, trong các mối quan hệ, chúng ta vẫn thấy bản thân phiền não, đau khổ và chúng ta cũng gây thương tổn, đau khổ không kém  cho người yêu thương.   Vì vậy, chúng ta hãy thực tập tỉnh thức để  có khả năng thương yêu trong tỉnh thức đem đến hạnh phúc thường xuyên trong cuộc sống cho mình và cho các đối tượng thương yêu, vốn có thể rất rộng, không chỉ là những người yêu dấu bên đời ta.

Về tình thương yêu thì ai cũng có sẵn, từ thương yêu mang tính phổ thông đến thương yêu đặc biệt. Thế nhưng có bao nhiêu người trong chúng ta  biết rằng tình yêu thương cũng có 2 loại, đó là tình yêu thương mang tính tự phát và tình yêu thương có rèn luyện. Tình yêu thương mang tính tự phát, xuất phát từ trái tim, không phân biệt, dễ quên (loại tình này ai cũng có) và tình yêu thương có rèn luyện mới có tỉnh thức, nhiều tuệ giác, chất lượng cao (chỉ khi thực tập mới có được). Vậy nên, chúng ta hãy cố gắng thực tập mỗi ngày để tạo được tình yêu thương có rèn luyện và chất lượng.

Trong Chơn Lý, tổ sư Minh Đăng Quang có nói về trung tâm. Vòng tròn đủ các hình dạng của đạo Phật: như xây chùa, tạo tượng, cúng bái, từ thiện xã hội,… nhưng trung tâm vẫn là sự tu tập để chuyển hóa tâm thức. Mỗi người cần biết được trung tâm để sống đúng với chánh pháp. Hoạt động của chúng ta như vỏ, lời nói như thịt cơ, còn tâm ý thì như mộng (giống như hạt sen gồm phần vỏ, phần thịt và tim sen; tim sen có khả năng tồn tại, phát triển, nảy mầm lên thành cây sen mới). Chúng ta nhận thấy mọi cái đều nương tựa vào nhau nhưng mỗi chúng ta cần phân biệt cái cốt lõi và những cái chung quanh để hiểu rõ và hoan hỷ với những gì chúng ta thực tập và đạt thành mỗi ngày.

Vậy đối tượng của tình thương yêu là gì?

Chúng ta có thể chia ra 4 đối tượng của thương yêu:

  1. Trung tâm (bản thân mỗi người, phải yêu thương chính mình, giống như hoa muốn tỏa hương thì chính hoa phải tạo hương bằng cách hút dưỡng chất từ lòng đất, đưa lên nụ hoa, tình yêu cũng vậy, lòng mình có tình yêu thương thì lúc đó mới lan toả xung quanh). Thương yêu khởi đầu từ thương yêu mình. Nói đến tình thương yêu tha nhân, mà không biết yêu thương mình là chưa đúng nghĩa thương yêu. Khi biết yêu bản thân, chúng ta mới có thể cảm nhận được tình yêu thương của những người xung quanh dành cho mình và biết tri ân. Bởi vì, tất cả chúng ta đều có sự gắn kết vô hình, về mặt tâm linh, chúng ta là một.
  2. Gian chính (ông bà, cha mẹ, anh chị em,…)
  3. Đồng hành (bạn đồng tu, đồng nghiệp, khách hàng,…)
  4. Tứ hải giai huynh đệ (vạn loại chúng sinh,…)

→ Nguyên lý: Khung nhỏ, suy nghĩ nhỏ, sẽ tạo tâm hồn nhỏ. Khung lớn, suy nghĩ lớn, tạo tâm hồn lớn.

Có 2 trường hợp xảy ra:

  1. Nếu thu hẹp yêu thương (phạm vi nhỏ): áo yêu thương yêu nhỏ, sẽ tạo tình thương yêu trói buộc xiềng xích.
  2. Nếu mở rộng yêu thương (phạm vi lớn): chuyển hóa không kịp tình thương, dẫn đến tình thương mơ hồ, mông lung, lạc lõng.

Vậy nên, cần phải cân bằng trong tình yêu thương và có chừng mực, đừng ham cầu và quá sức.

“Giáo lý của Đức Phật dạy sự chừng mực, vừa phải. Mà vừa phải, chừng mực là căn bản của dân chủ. Bất cứ sự thái quá nào đều làm hỏng dân chủ. Tự do thái quá thì hỗn loạn. Tập trung quyền lực thái quá thì chuyên chế. Dân chủ là tránh hai thái cực, và tránh như thế nào là tùy óc sáng tạo của mỗi dân tộc”

(Trích trong “Đến với Phật cùng tôi” của tác giả Cao Huy Thuần)

Về ứng xử thương yêu (thái độ sống): Chúng ta nên ứng xử thương yêu với tất cả mọi người qua lời nói, hành động, nói với nhau những lời nâng đỡ, ái ngữ chân thật, cắt bỏ những lời nói tiêu cực, làm việc gì cũng phải có lợi  đem an vui cho người mình thương yêu ( chú tâm đến đời sống thể chất, tinh thần, đạo đức, đời sống tu tập, chuyển hóa…), chúng ta càng sống đạo đức thì càng hạnh phúc và ngược lại. Và chúng ta cũng phải chăm lo đến những  phương diện ấy của đối tượng thương yêu.

Những nguyên tắc vàng trong ứng xử thương yêu:

  1. Đối với đối tượng đang yên ổn: duy trì mặt bằng yêu thương trung bình vẫn làm cho người đó hạnh phúc. ( đó là tâm từ)
  2. Đối với đối tượng đang bất ổn: tăng nồng độ yêu thương lên cao, làm cho người đó hết hay bớt được nhiều khổ đau. ( là tâm bi)
  3. Đối với đối tượng thành công: hoan hỷ với những gì họ đạt được, chung vui với người mình yêu thương. ( tâm hỷ)
  4. Đối với đối tượng không cần mình: vẫn quan tâm, theo dõi nhưng không ràng buộc, cưỡng cầu người ấy phải tuân theo ý muốn của mình. Đó là phải tôn trọng người mình thương yêu và để người đó sống cho chính bản thân. Chẳng hạn một đứa con không muốn học ngành y để trở thành bác sĩ, cha mẹ đừng ép buộc con mình mà hãy để con học ngành nào phù hợp với sở thích và nguyện vọng của con  ( tâm xả)

Tóm lại, chúng ta nên dùng tứ vô lượng tâm:  tâm Từ, tâm Bi, tâm Hỷ, tâm Xả trong nhà Phật để ứng xử thương yêu trong từng trường hợp cụ thể. Tứ vô lượng tâm này, mỗi người con Phật chúng ta đều phải học, thực  tập và rèn luyện mới có được và mang hạnh phúc đến cho người mình yêu thương.

Thực tập thương yêu như thế nào?

  1. Tự mình tu tập.
  2. Chia sẻ cho người thân.
  3. Khích lệ người khác cùng tu tập.

Mỗi người hãy thực tập mỗi ngày để đạt được tình thương yêu và hạnh phúc có chất lượng..

Theo tinh thần của Đạo Phật,  thương yêu cần có tỉnh thức. Chính ánh sáng tỉnh thức  và thương yêu này sẽ soi rọi vào mọi phương diện của cuộc sống, mọi ngóc ngách trong tâm hồn của chúng ta, mọi mối quan hệ lớn nhỏ của mỗi người, và rộng ra là soi rọi vào trong tổng thể cục diện của thế giới.  Ai trong chúng ta cũng đều có sẵn lòng thương yêu trong tâm chỉ cần rèn luyện và phát huy lòng thương yêu có tỉnh thức.

Lắng nghe trong tỉnh thức

HAI  CÂU CHUYỆN THƯƠNG YÊU  –  SƯ MINH THÀNH ĐÃ KỂ  TRONG  NGÀY TU CỘNG HƯỞNG TẠI TỊNH XÁ NGỌC PHƯƠNG – BUÔN MA THUỘT

CÂU CHUYỆN THƯƠNG YÊU CÓ SẴN :

Chuyện xảy ra trên đất nước Hoa Kỳ, một xứ sở mà người dân có quyền được sở  hữu và mang theo vũ khí ”, ước chừng 270 triệu khẩu súng của dân Mỹ, nhiều nhất trong các nước trên thế giới. Vì thế chuyện  súng đạn không phải là chuyện lạ ở nước này. 

Một ngày nọ, một chàng trai trong cơn thịnh nộ, xách khẩu súng của anh ta vào một trường học, lên cò, định bắn bất kỳ ai anh ta nhìn thấy. Anh ta đang sục sạo từ phòng giáo viên, phòng họp  rồi sang phòng Hiệu trưởng…., vì mọi người đều đã chạy trốn. Trong cơn điên loạn, anh ta không dừng lại, vẫn đi lùng sục để bắn…  Lúc đó,  xe Cảnh sát đã hú còi, mấy chiếc  đã chạy đến bao vây khuôn viên trường, dùng loa gọi anh ta ra nạp súng. Khi  chạy vào một văn phòng, anh ta thấy một chị lao công còn đứng  bên trong; không hiểu vì sao hoặc giả thần kinh của người này có vấn đề mà chị ta không hề sợ hãi. Nghe tiếng  còi hụ và  tiếng gọi loa của cảnh sát, anh ta lao đến cửa sổ nhìn,  thấy lực lượng cảnh sát hùng hậu trang bị nhiều súng đạn, anh ta thụp xuống định tìm cách di chuyển ra cửa chính để  chạy trốn. Chị lao công thấy vậy, la lên gọi anh ta vào núp dưới cái bàn lớn cùng mình kẽo bị bắn chết và đưa cho một chai nước. Khi  đó anh ta chợt tỉnh buông súng, và nhận chai nước từ Chị ta mà uống….

Câu chuyện  trên cho  chúng ta những bài học rất hay. Bài học quan trọng đầu tiên chúng ta phải học là yêu thương với tâm không phân biệt. Chị lao công không quen biết anh chàng cầm súng,  chẳng biết lai lịch hay bất cứ điều gì về nhân thân, tư cách của anh ta, nhưng khi thấy anh ta trong cơn nguy cấp có thể bị bắn chết, trái tim mách bảo chị phải  hành động, kêu gọi để cảnh báo cho người đang gặp nguy hiểm. Đây cũng là một  đặc điểm rất độc đáo của tình thương yêu. Đặc điểm thứ hai của thương yêu là sự quan tâm, chăm sóc, che chở.  Chị lao công gọi anh ta đi vào núp là biểu hiện của sự bảo bọc, đưa nước cho  người lạ cầm súng  là săn sóc anh ta. Như vậy, có thể nói  sự quan tâm bảo bọc vá săn sóc là hai đặc điểm không thể thiếu của thương yêu. Đặc điểm thứ ba là tình thương yêu cho chúng ta sức mạnh và chúng ta không sợ hãi. Trong một lúc bất chợt, tình thương  trỗi dậy mạnh mẽ khiến chị không biết sợ hãi ngay cà một người cầm súng  mà theo lẽ thường ai cũng kinh hãi. Khi  tình thương yêu đủ đầy và tràn ngập và trở thành  bộ máy điều khiển chủ đạo, chủ chốt, chủ động  ngự trị trong tâm hồn một người thì người ấy sẽ có đủ 3 yếu tố trên của tình thương yêu.  Rất có thể sau sự kiện đó, chị lao công ra chợ gặp một người  khác hung hăng quát nạt, chị sẽ  sợ hãi  và bỏ chạy, vì lúc đó tình thương yêu  không còn ngự trị và dẫn dắt nên chị  sẽ hành động bình thường và sợ hãi lúc đó cũng  là thường tình.  

Người có tu tập thì  có thể học được nhiều bài học vì cả thế  gian này là những lời kinh, cả thế gian này là những quyển sách, cả thế gian này là một vị thầy vĩ đại. Người biết tu có đủ sự nhạy bén, biết học từ những câu chuyện rất  đời thường mà chẳng cần phải  đi tìm cầu những câu chuyện bí hiểm, ly kỳ, hoặc éo le. Nếu chúng ta biết rèn luyện tâm hồn như thế sẽ sống trong cảnh giới khác

Câu chuyện về Chị lao công trên nói về tình thương yêu  mang tính tự phát, không có tổ chức và thường xuyên hiện diện trong tâm.

CÂU CHUYỆN THƯƠNG YÊU CÓ RÈN LUYỆN CÓ TU TẬP VÀ CÓ THỰC CHẤT

Câu chuyện thứ hai là về tình thương yêu có rèn luyện của một vị Thiền sư  ở Nhật Bản. Thiền sư  có tên là Shichiri Kojun, sống trong một ngôi chùa ở sườn núi. Ngôi chùa ở nơi hoang vắng, lạnh lẽo với cánh cổng gỗ không có khóa. Một hôm, Thiền sư đang tụng kinh,  một tên cướp xông vào với lưỡi dao bén.

Shichiri bảo: “Xin đừng khuấy động. Tiền ở trong hộc tủ kia. Ông có thể lấy đi.” và tiếp tục tụng kinh. Tên cướp lấy tiền xong , chuồn đi. Khi hắn đi ngang qua, vị Thiền sư kêu lên: “ Ê này, sao không biết cảm ơn?”. Tên cướp thấy hắn lấy được tiền dễ dàng quá nên cũng thốt lên lời cảm ơn và bỏ đi. Khi hắn ra tới cửa, Schchiri lại bảo: “ Hãy đóng cửa lại chứ.” Tên cướp cũng theo lời,  đóng cửa lại trước khi bỏ đi.

Hôm sau, hắn bị bắt và thú tội, trong đó có vụ cướp tiền ở ngôi chùa trên.  Khi được mời đi đối chất, trước tên cướp bị trói và vị quan xét xử, Thiền sư nói : Ông này không phải là kẻ cướp, ở ngôi chùa có liên quan đến bần tăng. Bần tăng biếu ông ấy một ít tiền và ông ta có tỏ lời cám ơn, và khi ra đi còn tử tế đóng cửa giùm”. Tuy nhiên do các sai phạm trước, tên cướp phải đi tù  vài năm.

Câu  chuyện kết thúc có hậu. Ấy là khi mãn hạn tù, người từng là kẻ cướp trở về, tìm gặp và theo  Thiền sư Shichiri tu tập, trở  thành đệ tử của Người.

Hai câu chuyện trên có những điểm giống nhau là cả hai người, chị lao công và vị Thiền sư  đều  có lòng thương yêu và có sự che chở cho người lỡ sai phạm. Điểm khác nhau là tình thương yêu của chị lao công là tự phát và tình thương yêu của vị Thiền sư là có rèn luyện.

Chúng ta không thể bắt chước tình thương yêu một cách tự phát như chị lao công vì khi không có thương yêu, chị ấy có thể sai phạm, gây tổn hại đến hạnh phúc người khác. Chúng ta nên học theo và bắt chước tình thương yêu có rèn luyện đầy tuệ giác của vị Thiền sư. Đó là tình thương yêu vững chải, có hiểu biết, và luôn hiện hữu trong tâm thức chúng ta để hành động vì thương yêu dù ở bất cứ nơi đâu và với mọi đối tượng.

Hai câu chuyện – hai bài học đã soi rọi vào tâm thức người học Phật pháp trong Thiền đường Bình An, Tịnh Xá Ngọc Phương hôm nay.  Với sự phân tích và diễn giải của Vị Thầy có chất giọng miền Nam nhẹ nhàng, từ hòa mà lưu loát, bài giảng  không kém sinh động và ý vị bởi  không ít chất hài hước đã  thu hút  toàn bộ sự chú ý lắng nghe trong tỉnh thức của tất cả Tu sinh có mặt. Buổi sáng đã trôi qua lúc nào không ai trong chúng tôi nhớ ra, ngoài những lần Sư Minh Thành nhắc chúng tôi với tiếng chuông tạm dừng lại để thở cùng nhau trong an yên tỉnh thức như lời Sư nói : ” đó cũng là biết thương mình một cách cụ thể, luôn tự nhắc nhở mình trong một ngày đang sống, dù ở đâu đừng quên cho mình những giây phút ngừng lại biết thở. “

 

(Ngọc Tiên – Quảng Tú &  Chúc Quả  ghi lại)

Ảnh: Chúc Quả

 

 

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Blog Chuyên Anh

Nurturing Language Talents

%d người thích bài này: