Lý thuyết và thực tế – Thiền sư Ajhan Cha

 

https://i0.wp.com/images.alobacsi.vn/Images/Uploaded/Share/2016/12/27/6-canh-cua-dan-den-su-binh-an-noi-tam-2.jpg

Đức Phật không dạy chúng ta về tâm và tâm sở để ta bám víu vào các khái niệm ấy. Ý định duy nhất của Ngài là để chúng ta nhìn rõ thấy chúng là vô thường, khổ và vô ngã. Rồi từ bỏ. Gạt nó qua một bên. Chánh niệm và biết nó mỗi khi nó sanh khởi.

Tâm chúng ta vốn bị ràng buộc, bị tạo thành bởi các nhân tố và điều kiện. Nó đã bị rèn luyện để quay lưng lại và bật ra khỏi trạng thái thuần túy hay biết (ghi nhận thuần túy). Khi tâm quay cuồng và bật ra khỏi trạng thái ấy, nó tạo ra thêm những nhân tố và điều kiện mới nữa để tiếp tục tác động đến tâm, và cứ nhân rộng lên như thế mãi. Tiến trình ấy đẻ ra điều tốt, cái xấu, và tất cả mọi thứ trên đời. Đức Phật dạy chúng ta từ bỏ tất cả. Tuy nhiên, lúc đầu bạn phải làm quyen với lý thuyết để có thể từ bỏ chúng hoàn toàn trong giai đoạn sau. Đó là một tiến trình tự nhiên. Tâm hoạt động theo cách đó. Các tâm sở (thành phần của tâm) cũng hoạt động theo cách đó.

Hãy lấy Bát Chánh Đạo (con đường thánh đạo 8 ngành) làm ví dụ. Khi trí tuệ (paññā) nhìn nhận mọi sự một cách đúng đắn bằng tuệ giác, cái nhìn đúng đắn (chánh kiến) này sẽ dẫn đến suy nghĩ và tác ý đúng đắn (chánh tư duy), lời nói đúng đắn (chánh ngữ), hành động đúng đắn (chánh nghiệp)…Tất cả điều này đều có liên quan đến các yếu tố tâm lý, được sanh khởi từ chánh niệm thuần túy[1]. Chánh niệm và cái biết này giống như ngọn đèn hắt chiếu sáng con đường giữa bóng đêm. Nếu cái biết đúng, thuận theo chân lý, nó sẽ lần lượt chiếu sáng từng bước đi trên con đường.

Bất cứ cái gì chúng ta ý thức và kinh nghiệm được, nó đều sanh khởi từ trong cái biết này. Không có tâm thì cũng thể có cái biết ấy. Tất cả là các hoạt động của tâm.  Như Đức Phật nói, tâm vốn chỉ là tâm: nó không phải là một con người hay một chúng sinh nào cả, không phải cái tôi, không phải là bản thân mình; nó chẳng phải là chúng ta hay bọn họ. Pháp chỉ đơn giản là Pháp[2]. Nó là một tiến trình tự nhiên, không thuộc về ai cả. Nó không thuộc về chúng ta hay bất cứ ai trên đời. Nó cũng chẳng là một sự vật nữa. Bất cứ cái gì con người ý thức được, tất cả đều nằm trong 5 nhóm hợp thành mà ta vẫn gọi là ta, là của ta (ngũ uẩn-khandhas): thân, cảm giác, nhận thức, suy nghĩ-tác ý, và sự nhận biết (sắc, thọ, tưởng, hành, thức)[3]. Đức Phật dạy chúng ta hãy từ bỏ tất cả.

https://lh4.googleusercontent.com/-BXVVPTAFaz8/Vv_bT_s3yTI/AAAAAAAAGus/OA9PdnMFDWkdjgjHHoCRTT4eA4fwMQxNw/s1600/tho-buong-bo.jpg

 

Thiền tập giống như một khúc gỗ. Thiền quán (vipassanā-hay còn gọi là thiền tuệ, thiền minh sát) là một đầu, thiền chỉ (samatha-hay còn gọi là thiền định) là đầu kia. Nếu chúng ta cầm thanh gỗ lên, thì chỉ một đầu lên hay cả hai đầu lên? Khi cầm khúc gỗ, cả hai đầu cùng lên. Vậy khi đó phần nào là thiền quán, phần nào là thiền chỉ? Chỗ nào là nơi kết thúc của phần này và bắt đầu của phần kia? Cả hai phần ấy đều chỉ là tâm. Khi tâm bình an, ban đầu an lạc khởi lên từ sự vắng lặng của thiền chỉ. Chúng ta tập trung và gom tâm vào một trạng thái an lạc của định (samādhi). Tuy nhiên, khi sự an lạc và tĩnh lặng của định tan dần, cái khổ sẽ sanh khởi ngay chỗ ấy. Vì sao vậy? Bởi vì sự an lạc từ thiền chỉ vẫn dựa trên sự dính mắc. Sự dính mắc này là nguyên nhân của khổ. Tĩnh lặng không phải là điểm cuối của đường đạo. Đức Phật đã nhìn ra từ kinh nghiệm của chính bản thân rằng sự an lạc ấy không phải là đích đến cuối cùng. Nguyên nhân của sự hiện hữu các kiếp sống (bhava) vẫn chưa bị đoạn diệt (nirodha). Những điều kiện cho sự tái sanh vẫn còn tồn tại. Công việc tâm linh của ngài vẫn chưa đạt đến chỗ hoàn hảo. Vì sao? Bởi vì ở đó vẫn còn khổ. Dựa trên sự tĩnh lặng của thiền chỉ, ngài tiếp tục quán chiếu, thẩm xét và phân tích bản chất thực tại vốn bị tạo thành bởi các điều kiện cho đến khi giải thoát hoàn toàn khỏi mọi trói buộc và dính mắc, kể cả dính mắc vào tĩnh lặng. Tĩnh lặng vẫn là một phần của thế giới bị tạo thành và của thực tại thông thường. Dính mắc vào loại an lạc này là dính mắc vào thực tại thông thường, và khi còn dính mắc, chúng ta còn bị cuốn đi trong luân hồi và tái sanh. Ham thích sự an lạc của thiền chỉ vẫn dẫn đến sự tái sanh và luân hồi nữa. Khi sự bất an và xáo động lắng xuống, con người ta lại thường bám víu vào sự bình an.

Đức Phật quán xét các nguyên nhân và điều kiện hình thành nên kiếp sống và sự tái sanh. Khi chưa hoàn toàn xuyên thấu vấn đề và hiểu sự thật, ngài vẫn tiếp tục tìm hiểu ngày càng sâu hơn với một nội tâm tĩnh lặng, quán xét xem mọi thứ, dù bình an hay không, trở thành hiện hữu như thế nào. Sự quán chiếu ấy tiếp tục cho đến khi ngài thấy rõ ràng mọi thứ đang trở thành hiện hữu giống như một khối sắt nung đỏ. Năm nhóm hợp thành một chúng sanh (khandhas –ngũ uẩn) chỉ là một khối sắt nóng đỏ. Khi một khối sắt đang nóng đỏ, có chỗ nào đụng vào mà không bị bỏng hay không? Ở đó có chỗ nào mát hay không? Hãy thử đụng vào phía trên, bên dưới, bên cạnh khối sắt ấy xem sao. Có chỗ nào mát không? Không thể. Khối sắt ấy nóng đỏ tất cả mọi chỗ. Chúng ta thậm chí cũng không thể dính mắc vào sự an lạc và tĩnh lặng. Nếu chúng ta tự đồng hóa với sự an lạc ấy, cho rằng có người đang bình an và tĩnh lặng, chính điều này củng cố thêm cảm giác rằng có một cái tôi hay một linh hồn độc lập nào đó. Cảm giác về cái tôi đó là một phần của thực tại thông thường. Cứ suy nghĩ: “Tôi đang bình an”, “Tôi đang xáo động”, “Tôi tốt”, “Tôi xấu”, “Tôi hạnh phúc”, “Tôi đau khổ”, chúng ta sẽ còn bị mắc kẹt trong tái sanh và luân hồi nữa. Và càng đau khổ nữa. Khi sự an lạc mất đi, chúng ta sẽ đau khổ vì điều ấy. Khi cái buồn, cái khổ hết, chúng ta lại hạnh phúc. Bị kẹt trong cái vòng luẩn quẩn vô tận ấy, chúng ta cứ luân chuyển qua lại giữa cõi trời và địa ngục.

Kết quả hình ảnh cho dính mắc

Trước khi giác ngộ, Đức Phật đã nhận ra được điều này trong tâm mình. Ngài biết rằng các nhân gây tái sanh và hiện hữu vẫn còn chưa hết. Công việc của ngài còn chưa làm xong. Quán chiếu nhân duyên của kiếp sống, ngài thấy ra bản chất của nó: “Bởi vì có nhân này nên có tái sanh, bởi vì có tái sanh nên có chết, và cứ như thế luân hồi mãi”. Đức Phật quán chiếu đề mục ấy để hiểu sự thật về ngũ uẩn. Tất cả mọi thứ trong thân và tâm, tất cả mọi thứ được ta nhận biết và suy nghĩ, không trừ một ngoại lệ nào, đều bị tạo thành bởi các điều kiện và nhân tố khác. Khi đã hiểu được điều này, ngài dạy chúng ta hãy đặt nó xuống. Khi đã hiểu được điều này, ngài dạy chúng ta hãy từ bỏ tất cả chúng. Ngài khích lệ người khác hiểu theo đúng sự thật ấy. Nếu không hiểu đúng, chúng ta sẽ đau khổ. Chúng ta sẽ không thể buông bỏ được những thứ ấy. Nhưng khi đã thấy sự thật của vấn đề, chúng ta sẽ nhận ra chúng lừa đảo mình như thế nào.

Đức Phật dạy tâm chúng ta không phải là một thực thể nào; nó chẳng là một cái gì cả. Tâm không phải sinh ra để thuộc về một ai hết. Nó cũng không chết đi như của một người nào. Cái tâm này tự do, tỏa sáng và không bị trói buộc bởi bất cứ vấn đề gì. Lý do rắc rối khởi sanh là vì tâm bị che khuất bởi các sự việc do nhân duyên tạo thành, bị che khuất bởi ảo tưởng về một cái tôi. Vì vậy, Đức Phật dạy chúng ta hãy quan sát tâm mình. Lúc đầu ở đó có cái gì? Thực sự chẳng có gì cả. Nó không sanh khởi với các sự việc do nhân duyên tạo, và nó cũng chẳng chết đi với chúng. Khi tâm tiếp xúc với điều tốt, nó không biến thành tốt. Khi gặp điều xấu, nó cũng chẳng trở thành xấu. Đó là cách mọi việc diễn ra khi tâm có tuệ giác rõ ràng về bản chất của chúng ta. Khi đó, có một hiểu biết rằng thực ra trong nó chẳng có chút thực chất nào.

Tuệ giác của Đức Phật thấy rõ tất cả chúng chỉ là vô thường, khổ, vô ngã. Ngài muốn chúng ta cũng thực sự hiểu được theo cách đó. Cái biết khi đó sẽ biết đúng theo sự thật. Khi nó biết hạnh phúc hay đau khổ, nó vẫn không chao động. Cảm xúc hạnh phúc chỉ là một dạng của sự sinh. Xu hướng buồn khổ là một dạng của cái chết. Có chết thì có sinh, có sinh thì có tử. Cái sinh và diệt ấy bị kẹt trong cái vòng vô tận của sự sinh ra và trở thành. Tâm thiền sinh đã đạt đến sự hiểu biết này sẽ không còn chút nghi ngờ nào về sinh tử nữa. Chẳng cần phải hỏi bất cứ ai cả.

Đức Phật quán chiếu toàn diện các pháp do nhân duyên tạo thành và vì vậy đã từ bỏ tất cả chúng. 5 nhóm hợp thành (ngũ uẩn) bị từ bỏ, và cái biết được duy trì chỉ như là một người quan sát khách quan với tiến trình. Khi cảm nhận điều gì tích cực, ngài không vì thế mà trở thành tích cực cùng với nó. Ngài chỉ đơn giản quan sát và tỉnh thức. Khi gặp phải điều tiêu cực, ngài không trở thành tiêu cực theo. Tại sao thế? Bởi vì tâm ngài đã cắt bỏ và giải thoát khỏi những nguyên nhân và điều kiện đó. Ngài thể nhập vào sự thật. Những nhân tố và điều kiện dẫn đến tái sinh đã không còn nữa. Đó là cái biết chắc chắn và tin cậy. Đó là cái tâm thực sự bình an và hạnh phúc. Đó là cái không sinh, không già, không bệnh, không chết. Chẳng phải là nhân hay duyên, không còn phụ thuộc nhân duyên nữa. Nó không còn phụ thuộc vào quy luật nhân quả nữa. Các nhân sẽ diệt tận mà không còn tạo thêm nhân mới. Cái tâm đó đã vượt qua sinh tử, đứng trên hạnh phúc và đau khổ, vượt ra ngoài cả thiện ác. Bạn có thể nói gì bây giờ? Nó nằm ngoài giới hạn của ngôn từ để diễn tả. Tất cả mọi nhân duyên tạo thành đã diệt, và bất cứ cố gắng nào để diễn tả điều đó chỉ dẫn đến dính mắc (vào khái niệm, ngôn từ) mà thôi. Ngôn từ được sử dụng để diễn tả sẽ chỉ là lý thuyết.

Sự diễn tả trên lý thuyết về tâm và sự hoạt động của tâm thì rất chính xác, nhưng Đức Phật nhận thấy rằng loại kiến thức này đa phần là vô ích. Chúng ta hiểu một cái gì đó trên lý thuyết và rồi tin vào nó, nhưng nó chẳng có lợi ích thực sự nào cả.  Nó chẳng dẫn đến sự bình an cho tâm. Sự hiểu biết của Đức Phật mới dẫn đến sự từ bỏ. Kết quả là sự xuất ly và buông bỏ. Bởi vì chính tâm là cái dẫn chúng ta dính líu vào cái đúng cái sai. Nếu là người có trí, chúng ta sẽ dính với điều đúng. Nếu ngu ngốc, chúng ta đi với cái sai. Một cái tâm như vậy là tâm phàm của thế gian, Đức Phật sử dụng chính những cái trong thế gian này để quán chiếu thế gian. Khi đã hiểu được thế gian này như nó thực sự đang là, ngài được gọi là bậc hiểu hiểu biết thế gian (lokavidū).

Đối với thiền chỉ (samatha) và thiền quán (vipassanā), điều quan trọng là phải phát triển các phẩm chất ấy trong chính tâm mình. Chỉ khi thực sự tu tập để phát triển nó thì chúng ta mới biết nó thực sự là gì. Chúng ta đi mà nghiên cứu những gì sách vở nói về các tâm sở, nhưng loại kiến thức sách vở ấy vô ích trong việc cắt đứt tham, sân, si, ích kỷ. Chúng ta chỉ nghiên cứu lý thuyết về tham, sân, si, chỉ là diễn tả những tính chất khác nhau của phiền não: “tham có nghĩa thế này, sân có nghĩa thế kia, si được định nghĩa thế nọ”. Chỉ biết các tính chất của chúng trên lý thuyết, chúng ta chỉ có thể nói về chúng ở mức độ lý thuyết ấy.  Chúng ta biết, và chúng ta thông minh, nhưng khi những phiền não đó thực sự có mặt trong tâm, chúng có phù hợp với lý thuyết hay không? Chẳng hạn, khi gặp việc không như ý, chúng ta có phản ứng và khó chịu hay không? Chúng ta có dính mắc không? Chúng ta có thể buông bỏ được không? Khi có sân khởi lên, chúng ta nhận ra nó thì có dính với nó hay không? Hay khi thấy nó là chúng ta buông bỏ? Khi thấy cái gì chúng ta không thích, mà vẫn giữ sự khó chịu ấy ở trong tâm, thì tốt hơn hết là hãy trở về mà học lại bài đi. Bởi vì nó vẫn chưa đúng. Sự thực hành vẫn chưa hoàn hảo. Khi đến độ hoàn hảo, sự buông bỏ sẽ lập tức diễn ra. Hãy nhìn sự việc theo cách ấy.

Chúng ta phải thực sự nhìn sâu vào tâm mình nếu muốn được hưởng thành quả của pháp hành. Chỉ cố gắng diễn tả tâm với các sát na tiến trình tâm và các tính chất của nó, theo tôi nghĩ, thì chưa thực hành đủ. Còn rất nhiều việc phải làm nữa. Nếu chúng ta nghiên cứu những điều đó, chúng ta phải biết chúng hoàn toàn đầy đủ, hiểu biết rõ ràng và xuyên thấu. Không có tuệ giác rõ ràng, làm sao chúng ta hoàn thành xong công việc? Không bao giờ. Chúng ta không bao giờ nghiên cứu xong.

Vì vậy, thực hành pháp là cực kỳ quan trọng. Thực hành là cách tôi học hỏi và nghiên cứu. Tôi chẳng biết tý gì về các sát na tiến trình tâm hay các tâm sở cả. Tôi chỉ quan sát chất lượng của cái biết, của chánh niệm. Nếu một suy nghĩ sân hận sanh khởi, tôi hỏi bản thân mình: tại sao. Một suy nghĩ từ bi sanh khởi, tôi tự hỏi mình: tại sao. Gọi nó là một suy nghĩ hay một tâm sở thì có gì khác nhau? Chỉ nhìn thấu vào một điểm ấy thôi cho đến khi bạn có thể giải quyết những cảm xúc yêu ghét đó, cho đến khi chúng hoàn toàn biến mất khỏi tâm mình. Khi có thể dừng lại mọi yêu ghét, cho dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, thì khi đó tôi mới có thể vượt ra khỏi đau khổ. Khi đó, cho dù bất cứ cái gì xảy đến, tâm vẫn luôn an lạc, thỏa mái và nhẹ nhõm. Chẳng có gì còn sót lại. Tất cả đã chấm dứt.

Hãy thực hành như thế. Nếu mọi người muốn nói nhiều về lý thuyết, đó là việc của họ. Nhưng dù cho đàm luận nhiều đến đâu chăng nữa, pháp hành luôn phải quay lại một điểm duy nhất ở đây. Khi cái gì đó sanh khởi, nó sanh khởi ngay tại đây. Nhiều hay ít, nó cũng sanh lên ở ngay đây. Khi diệt mất, nó diệt ở ngay tại đây. Còn nơi nào khác nữa? Đức Phật gọi điểm ấy là “cái biết” (chánh niệm). Khi nó hiểu chính xác cách thức mọi việc diễn ra, đúng theo sự thật, chúng ta sẽ hiểu được ý nghĩa của tâm. Mọi thứ đều không ngừng lừa dối. Khi bạn nghiên cứu chúng, chúng lừa đảo bạn ngay lập tức. Làm sao tôi có thể nói khác được? Ngay cả khi bạn biết về chúng, bạn vẫn bị chúng bịt mắt, chính ngay tại chỗ bạn biết. Đó là thực tế. Vấn đề là ở chỗ: theo tôi, Đức Phật không có ý nói rằng chúng ta chỉ biết những thứ đó được gọi là gì; mục đích những lời Đức Phật dạy là chỉ ra con đường tự giải thoát chúng ta ra khỏi những thứ đó, bằng cách tìm hiểu những nguyên nhân đằng sau nó.

.

Nguồn:  Sư Tâm Pháp

Trích  từ Sự bình an không gì lay chuyển   – Thiền sư Ajhan Cha

Người dịch: Sư Tâm Pháp

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Blog Chuyên Anh

Nurturing Language Talents

%d người thích bài này: