Năm Yếu Tố Hoàn Hảo – Nguyễn Duy Nhiên

https://i0.wp.com/www.teeweg.de/graphik/buddh/dogen-re.jpg

Thiền sư Đạo Nguyên của thế kỷ thứ 13, vị tổ của dòng thiền Tào Động ở Nhật bản, có lần được một người học trò hỏi rằng, “Thầy sẽ làm gì nếu Thầy bị vướng vào một cuộc tranh cãi? Thầy có cố gắng để thắng cuộc tranh luận ấy không, hay là Thầy sẽ nhượng bộ, mặc dù biết rằng mình là đúng?” Thiền sư Đạo Nguyên đáp, “Ta không cần phải chọn một trong hai điều ấy. Chỉ cần ta không quan tâm và thiết tha đến nó nữa, thì tự nhiên sự tranh cãi sẽ mất đi năng lượng.”

Và tôi nghĩ chúng ta cũng có thể áp dụng lời khuyên ấy cho cái thái độ ganh đua, hơn thua của mình trên con đường thực tập: buông bỏ cái ý niệm rằng mình mới là “người hiểu biết nhiều”, là người “thực hành theo đúng nhất.”

Ta hãy thực tập với những gì đang xảy ra với chính ta ngay trong giây phút này, với những cảm xúc nào đang có mặt, với những bất an, và ngay với cả những suy nghĩ vẩn vơ của ta. Nó có nghĩa là ta hãy thực tập với con người thật của mình, ngay nơi đây và trong giây phút này.

Và năm điều sau đây có thể giúp chúng ta thực hiện được việc ấy:

1.     Giây phút hoàn hảo nhất để thực tập là ngay bây giờ – chứ không phải là ngày mai hay tuần tới, cũng không phải là khi nào ta bớt bận rộn hơn, có thì giờ hơn, nhưng phải là ngay lúc này. Trong giây phút này ta đâu có thiếu thốn một yếu tố hay điều kiện nào đâu? Pháp lúc nào cũng đang rộng mở. Tất cả những “nhưng mà”, “tại vì”, “phải chi” trên cuộc đời này chỉ là những sự bào chữa ngăn chận không cho ta gặp gỡ và tiếp xúc với thực tại chung quanh mình.

2.     Nơi chốn hoàn hảo nhất để thực tập là chính ngay nơi mà ta đang có mặt – chứ không phải là trong một thiền viện nào ở Miến điện hay Nhật bản, cũng không phải ở một trung tâm tu học, hay khi ngồi trên tọa cụ của mình. Ta thì lúc nào cũng muốn so sánh. Nhưng thay vì đòi hỏi một hoàn cảnh thuận tiện nào đó, bạn hãy thực tập ngay nơi này, nơi bạn đang đứng, đang đi, hay đang ngồi. Hãy bắt đầu bằng sự có mặt của mình ngay ở đây.

3.     Lời dạy hoàn hảo nhất là những gì đang có mặt ngay ở trước ta – Thiền sư Richard Baker Roshi có lần kể lại một giấc mơ của ông. Trong mơ ông thấy mình đang suy nghĩ cố tìm kiếm câu trả lời cho một vấn đề nào đó, và ngay lúc ấy chuông điện thoại reo vang. Ông làm ngơ đi, không trả lời, và tiếp tục cố gắng tập trung tìm cho ra câu trả lời. Sau vài mươi tiếng chuông thì ông đành nhấc điện thoại lên, bên kia đầu dây có người nói cho ông biết câu trả lời mà ông đang mãi mê tìm kiếm. Cái có mặt ngay trước mắt, gần sát bên, mà ông cho rằng không cần thiết, lại chính là điều mà ông đang tìm kiếm.

4.     Vị thầy hoàn hảo nhất là người đang có mặt với ta – Vì đó là một mối tương quan có thật, chứ không phải là một sự so sánh, hơn thua hoặc suy đoán. Bạn biết không, chúng ta vẫn có thể học hỏi được rất nhiều từ những vị thầy hay những người bạn vẫn còn có những lầm lỗi.

5.     Người học trò hoàn hảo nhất chính là ta – Ta có hết tất cả trong ta những điều kiện và yếu tố cần thiết cho sự thực tập. Bạn là một người hoàn toàn có đầy đủ khả năng. Và khi bạn ý thức được điều này, bạn sẽ tìm thấy được những sự hỗ trợ cần thiết nâng đở cho sự thực tập của mình. Và đây là điều quan trọng nhất trong năm điều.

Tuy vậy, đôi khi, biết nhìn lại mình với người khác cũng có thể mang lại cho ta ích lợi.https://banmaihong.wordpress.com/wp-content/uploads/2017/06/10f95-touch2bwater.jpg
Trên con đường tu tập, sẽ đến một lúc mà bạn nghĩ rằng mình đã sửa đổi hết những điều dễ dàng cần được sửa đổi, nhưng những vấn đề khó khăn thì vẫn chưa thể chuyển hóa được. Khi bạn có cảm tưởng như mình đã đi vào một ngã bí, không tiến thêm được nữa, và nhìn lại sự tu tập của mình thấy dường như không còn tiến bộ. Lúc ấy bạn có thể khơi lại niềm tin bằng cách quan sát những người bạn cùng đi trên con đường tu học với mình. Bạn sẽ nhận thấy được rằng, thật ra là tất cả chúng ta cũng vẫn đang tiến bước, một cách chậm rãi và kín đáo.

Khi ta càng nhìn thấy được những người khác trong ta bao nhiêu, thì ta lại càng có thể dùng những gì có mặt, và xảy ra chung quanh, để tự hiểu được mình rõ hơn. Và khi ta càng chuyển hóa được mình bao nhiêu, thì ta lại càng có thể trở thành một nhân tố để chuyển hóa người chung quanh. Tất cả đều có những liên hệ rất mật thiết với nhau vì ta rộng lớn hơn mình nghĩ.

Giác ngộ là một sự cố gắng

nhưng không hề có chút ham muốn

Mặt nước trong xanh đến tận đáy hồ

một con cá bơi lội thong dong như cá

Bầu trời trong xanh thênh thang vô cùng tận

một con chim bay lại tự tại như chim

−  Đạo Nguyên

Trích “Đức Phật Bên Trong

Nguyễn Duy Nhiên

 

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Banmaihong's Blog

Nơi Đây Nắng Ban Mai Hồng Reo Vui

Blog Chuyên Anh

Nurturing Language Talents