Từng là cựu vận động viên đua xe đạp leo núi nổi tiếng, Paul Lasenby, bắt đầu chuyến đi chinh phục dải đất Đông Dương từ tháng 3/2016. Và Việt Nam là một trong những điểm đến của ông.
Tay xe đạp leo núi người Anh đã từng đi rất nhiều nơi, nhưng “Hội An là nơi yêu thích nhất của tôi,” ông Lasenby nói sau khi đặt chân đến Hội An tháng 5/2016.
Duy chỉ có một vấn đề.
“Có quá nhiều rác,” ông nói, “tôi rất thất vọng.”
Chính vì vậy Lasenby quay lại Hội An lần thứ hai để tham gia tour River Clean Up (Tour Làm Sạch Sông).
Rất ngại vì nghe khách Tây phàn nàn
Anh Nguyễn Thành Long, giám đốc Hoian Kayak Tours, cho BBC biết, công ty anh chỉ mới tổ chức tour River Clean Up từ giữa tháng 2/2017 nhưng đã nhận được sự hưởng ứng và chú ý từ khách du lịch và người dân địa phương.

Với hơn 10 năm kinh nghiệm làm du lịch, anh chàng gốc Hà Nội chuyển đến Hội An định cư năm 2014 và ý tưởng về du lịch xanh nhe nhóm ở đây.
“Tôi làm hướng dẫn viên ở Hội An trong một thời gian ngắn nhưng nghe khách phàn nàn về rác trên sông thì thấy rất ngại, cho nên đã có ý định từ lúc đó,” anh Long nói.
Anh Long cho biết tour được tổ chức thứ 7 hàng tuần từ 8:30 đến 12:00 trưa, chèo thuyền từ rừng dừa Cẩm Thanh dọc sông Hoài đến phố cổ Hội An.
Mỗi đợt gồm 20 người do anh Long và một nhân viên hướng dẫn. Khách sẽ chèo tản ra dọc bờ sông thu gom rác rồi đổ lên một thuyền gỗ chèo cùng đoàn.
Theo anh Long, thường mỗi lượt tour thu về 3-5 tạ rác, đủ các loại.

Anh thu phí $10 cho khách nước ngoài, nhưng miễn phí cho người dân địa phương và sinh viên.
Anh nói phí thu này là để chi trả cho tiền mua túi đựng rác, vật dụng chèo thuyền và thuê nhân công.
“Có rất nhiều đoàn sinh viên nước ngoài thích tham gia vào tour này vì nó vừa là công việc dã ngoại thú vị, chi phí thấp và còn rất ý nghĩa,” anh Long nói thêm.
Chị Lê Thị Mỹ Dung, 22 tuổi, sinh viên ngành du lịch vừa tham gia vào đợt tour hôm 18/3 nói ban đầu chị tham gia để học hỏi và giao tiếp với khách nước ngoài, nhưng sau khi tham gia vớt rác thì cảm thấy vừa làm một việc “rất ý nghĩa”.
Anh Phan Công Đạt, 23 tuổi, một thành viên của Đoàn Thanh Niên phường, nói chuyến tour “rất vui” và anh có giới thiệu thêm cho bạn bè và gia đình.
Ý thức người dân
Về phản ứng của người dân địa phương, anh Long nói, một số người sau khi thấy khách nước ngoài vớt rác thì họ cũng chủ động vớt rác cùng.
“Nguồn rác thải trên sông chủ yếu bắt nguồn từ chợ Hội An và một số người dân địa phương sống bên sông xả khác không đúng chỗ,” anh Long nói.

“Thành phố có một bộ phận chuyên đi gom rác, nhưng không xuể với người dân,” anh nói thêm.
Ông Lasenby cũng nói, khi ông trở lại khách sạn sau chuyến tour, dòng sông đã sạch hơn nhưng hai ngày sau, rác lại đầy.
Trao đổi với BBC, Chánh văn phòng Ủy ban Nhân Dân thành phố Hội An, ông Nguyễn Minh Lý cho biết, “Thành phố rất ủng hộ việc làm của người dân địa phương cũng như khách du lịch trong việc dọn dẹp rác.”
Ông Lý nói thành phố có một bộ phận chuyên đi thu gom rác nhưng do kinh phí thấp nên chỉ có thể làm hai lần một tuần. Thành phố chưa đề nghị xin thêm kinh phí.
Ông Lý nói thêm rằng rác thải trên sông chủ yếu do thượng nguồn sông Thu Bồn đổ về, “nhưng khi đến Hội An thì chúng tôi cũng dọn thôi.”
“Chúng tôi tổ chức rất nhiều công tác tuyên truyền, như thứ sáu hàng tuần, chúng tôi tổ chức một cuộc tổng vệ sinh toàn thành phố,” ông nói, “nhưng chưa triệt để.”

“Hiện tại các chương trình bảo vệ môi trường ở Việt Nam có rất nhiều, nhưng tôi mong các hoạt động này sẽ được nhân rộng trong tương lai để nâng cao ý thức người dân,” anh Long cũng nói.
Khi trò chuyện với BBC, ông Lasenby cũng đang chuẩn bị rời Hội An, ông nói “Việt Nam là một đất nước xinh đẹp,” ông nói, “nhưng có quá nhiều rác.”
“Tất nhiên việc thu dọn rác không phải là một công việc sạch sẽ,” ông Lasenby nói, “nhưng tôi ước sẽ có nhiều người tham gia hơn, không chỉ tham gia tour, mà chủ động nhặt rác trên sông,”
Nguồn: BBC Việt Nam
Filed under: Du lịch, Môi trường, Phong cảnh quê hương, Điểm báo | Tagged: Bảo vệ môi trường, Hội An dưới mắt khách nước ngoại, Vừa du lịch vừa vớt rác |
Trả lời