Nguồn gốc của mọi đau khổ là ham muốn, do tham, sân, si mà ra ( Phật dạy ) “The root of all suffering is desire,which consists of three roots; greed, hatred and delusion .”
~ Buddha
“ Vui thay chúng ta sống, không tham giữa cuộc đời đầy tham;
Vui thay chúng ta sống, không sân giữa cuộc đời đầy sân;
Vui thay chúng ta sống, không mê lầm giữa cuộc đời mê lầm.” ( Pháp Cú )
How To Want Very Little – Leo Babauta
Người ta khổ vì những ham muốn của mình không đạt thành. Những ham muốn này thuộc đủ loại từ thể lý, vật chất đến tinh thần và tình cảm. Về dục lạc, chúng ta ham ăn ngon, thích mặc đẹp, muốn có nhiều tiền, thích được khen và nổi danh , muốn những tiện nghi vật chất cao, muốn thỏa mãn những sắc dục của chúng ta.
Trong xã hội tiêu dùng hiện nay chúng ta khó lòng cưỡng lại sự thôi thúc ham muốn nhiều hơn, mua sắm nhiều hơn, hành động tùy hứng, tích trữ, tiêu nhiều hơn để giải quyết vấn đề, tìm kiếm niềm vui và tiện nghi qua việc mua sắm, tìm cảm giác thích thú qua du lịch, làm nhiều hơn, trở thành nhiều hơn, sành điệu hơn như các quảng cáo tinh tế và nổi bật.
Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta bỏ cơn nghiện ham muốn và thôi mua săm thêm?
Cuộc sống sẽ như thế nào nếu chúng ta không cần những thứ mua thêm đó?
Hãy hình dung ra cuộc sống mà bạn có thể tận hưởng những thú vui đơn giản, không tốn kém như là dạo bước trong thiên nhiên, tọa thiền, đọc sách, viết. Bằng cách mua sắm ít hơn, chúng ta sẽ ít nợ tiền, ít bừa bộn đồ đạc hơn, ít phải chăm sóc, giữ gìn hơn. Chúng ta chỉ cần nhà bé hơn, kho chứa đồ ít hơn. Có lẽ chúng ta cũng có thể làm việc ít hơn để trang trải cho những thứ ta muốn sắm thêm kia, trừ phi ta yêu thích công việc mình đang làm.
Vâng, thưa bạn, tôi không nói là chúng ta có thể loại bỏ mọi ham muốn. Chắc chắn tôi chưa học làm việc đó được. Nhưng sẽ thế nào nếu chúng ta có thể nhận diện những ham muốn của mình và không bị chúng chi phối. Sẽ thế nào nếu chúng ta có thể buông bỏ chúng khi nhận ra chúng không có ích chi và thay vào đó, ta thấy hạnh phúc với những gì ta hiện có.
Tôi đang tự trải nghiệm. Tôi sẽ chia sẻ đôi điều có hiệu quả với bản thân, với ý nghĩ rằng mình đang học hỏi. Tôi vẫn còn chưa thành công hoàn toàn và còn nhiều điều phải học , nhưng cho đến giờ tôi đã đắc thủ được ít nhiều như sau:
- Nhận thức rằng ham muốn không phải là mệnh lệnh, chỉ là một cảm giác nảy sinh như mọi cảm giác khác, chỉ là nhất thời, như đám mây trôi. Hãy nhìn nó, cảm nhận về nó, ở cùng nó, nhưng cần biết rằng nó sẽ trôi đi.
- Đặt giới hạn cho đồ đạc của mình
Tôi đang thử một mức giới hạn về quần áo chỉ vừa đủ cho vào một cái va ly, nhưng bạn có thể đặt mức tạm thời là 33 món đồ tư trang, một ngăn kéo đầy quần áo, vv…. Mức giới hạn này không phải là để cảm thấy bị hạn chế, mà là khiến bạn dừng lại trước khi mua một thứ gì, là nhắc nhở bạn rằng bạn đã có đủ,
- Nhận thấy giây phút này- lúc này là đủ. Một ước muốn phải mua, để trải nghiệm những gì người khác đang trải nghiệm, làm nhiều hơn… những điều này là do ý nghĩ hiện tại vẫn chưa đủ. Chúng ta không thỏa mãn với những gì ta đang là, những gì ta đang có, những gì ở phía trước chúng ta… chúng ta muốn nhiều hơn. Nhưng tôi đã thực hành ý nghĩ rằng giây phút hiện tại là đủ . Tôi của hiện tại cũng đủ tốt. Không cần thêm nhiều hơn. Khi tôi có một ham muốn phải mua thêm, tôi nghĩ về những gì sẽ diễn ra, và tôi cối hiểu rằng như thế đã đủ.
- Thích những thứ giản dị. Đã có đủ cho ngày mai của chúng ta, ngay bây giờ, nên chúng ta không cần thêm nữa. Chúng ta có thể đi dạo, ngồi đọc sách, tập một vài động tác thể dục hay một bài yoga, vẽ 1 bức phác họa, viết một bài ngắn hay chơi nhạc, trò chuyện với ai đó, hoặc giả chẳng làm gì mà xem thử mình thế nào. Chúng ta cũng có thể bước chân trần trên cỏ, uống 1 tách trà, sáng tạo một cái gì mới, thử xem cuộc sống sẽ diễn ra thế nào. Như vậy cũng vui, mà không cần mua thêm gì nữa.
Sau cùng, phải nhận ra rằng đây chỉ là thực tập diễn ra thường xuyên. Theo kinh nghiệm của tôi, bạn không cần phải từ bỏ những ham muốn, thế là xong. Bạn bỏ đi một ham muốn mua sắm, trở về với hiện tại, tận hưởng nó, tìm thấy sự thỏa mãn với những gì đang có… và rồi một ít lâu sau, một ham muốn khác nảy sinh. Ham muốn đó đến từ các quảng cáo rất ấn tượng, trang web, tạp chí tiếng tăm, nhìn thấy những gì người khác đang làm trên các phương tiện truyền thông xã hội, truyền hình, Facebook, xem tin tức, trò chuyện, đi qua một cửa hàng thời trang, sang trọng, nhìn thấy một cái túi mới hàng hiệu bạn mình vừa mua, v.v…
Túi Hermes
Những ham muốn ấy sẽ trở lại và đến tiếp, nhưng chúng ta có thể phát triển kỹ năng nhận diện chúng, buông bỏ ham muốn và hạnh phúc với những cái đủ của hiện tại.
.
Dịch từ Leo Babauta’s How to Want Very Little
Huỳnh Huệ
Filed under: Nghệ thuật sống an lạc, Tiêu dùng | Tagged: Ít mua sắm hơn, Ham muốn ít hơn, Song Ngữ, Tỉnh giác |
Trả lời