“Muốn sống lâu thì phải… già”. Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc đã nói như vậy trong buổi ra mắt cuốn sách mới nhất của ông sáng 12.8, khiến cả khán phòng của Nhà sách Phương Nam (Q.Phú Nhuận) bật cười vui vẻ. Người ta ồ lên khi vỡ ra một sự rất thường tình: ai rồi cũng già!
Né tránh tuổi già mãi sao được, vì thế cho nên đón nhận nó một cách thản nhiên, một cách khoa học là điều hạnh phúc vậy!
Để có một tuổi già hạnh phúc, cách nào đây? Câu trả lời có trong cuốn sách vừa tay cầm, khổ 17x17cm, mà Phương Nam Book cùng NXB Văn hóa – Văn nghệ vừa ấn hành: Già sao cho sướng? – Để có một tuổi già hạnh phúc.
Đông đảo độc giả đến với buổi giao lưu ra mắt sách của bác sĩ – thi sĩ Đỗ Hồng Ngọc
Cuốn sách nhỏ gồm 187 trang với những bài viết ngắn là những lời tâm tình chia sẻ của vị bác sĩ “già khú đế nhưng trẻ lạ lùng” đến độc giả. “Có tuổi già không?”, một câu hỏi đặt ra. Bác sĩ trả lời: “Khi người ta 20-30 tuổi, người ta còn quá trẻ; 30-40 tuổi, đang trẻ; 40-50 tuổi, hãy còn trẻ; 50-60 tuổi, trẻ bất ngờ; 60-70 tuổi trẻ lạ lùng! Và trên 70 người ta trẻ vĩnh viễn!”; ông còn nhắc lại lời bạt mà sinh thời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết cho cuốn sách Gió heo may đã về của ông, rằng: “Không có già không có trẻ. Nói với một người trẻ “tôi già rồi em ạ” là vô lễ”…
Bởi vậy mới thấy, người ta không đánh giá sự già trẻ qua tuổi tác mà qua chất lượng cuộc sống.
Bên cạnh những tư vấn “sát sườn” về cách chăm sóc thân thể như: Hạnh phúc… nằm ở ruột già, Lãng tai đâu chỉ mình ta!, Rèn tập não bộ, Từ từ và đều đều…, cuốn sách đặc biệt chú trọng khía cạnh đời sống tinh thần của tuổi già qua các bài viết: Sống trong hiện tại, Người già… “Ăn Tết”, Thiền “quán niệm hơi thở”, Từ bi với mình…
Giọng viết duyên dáng “đặc trưng Đỗ Hồng Ngọc” mang đến những “pha” cười đột ngột, thú vị: “Ai mắc bệnh Gút thì hình như ít nhiều đều có “chân mạng đế vương” cả! Bằng cớ là bệnh thường luôn bắt đầu từ dưới chân… và mặt khác, từ xa xưa, người ta cũng gọi Gút là bệnh của vua (maladie des rois)” (“Chân mạng đế vương”); nhưng cũng không hiếm những đoạn thấm đẫm nỗi niềm: “Mới rồi, nhận được cái “meo” có kèm bài viết không biết tác giả là ai cảm thán thế hệ chúng tôi, lứa U80 như sau: “Các lão bằng hữu ơi, cần phải ghi nhớ chúng ta đều là những con người của cái thế hệ cuối cùng hiếu thuận với cha mẹ, lại cũng là những con người của cái thế hệ đầu tiên bị con cái bỏ rơi”” (Giúp cha mẹ già vui)
Có vui có buồn, có giải tỏa và ngẫm ngợi, người đọc dù ở độ nào tuổi đều thấy bóng dáng mình nơi cuốn sách. Trong lời ngỏ, BS Đỗ Hồng Ngọc viết: “Già sao cho sướng? – Để có một tuổi già hạnh phúc viết riêng cho những người đã già, đang già, sắp già…”. Nhưng không phải vậy, mà cả người trẻ, những người đang là con cái cũng rất cần đọc, vì bởi nếu đọc sách rồi ta sẽ biết nhắc mình không thờ ơ khi thấy cha mẹ ở nhà “lẩm cẩm” xóa đi dãy số điện thoại trên tường để nguệch ngoặc viết lại bằng dãy số to hơn (mắt đã yếu rồi), hay dịp giỗ quẫy lại nghe bậc sinh thành kể những câu chuyện mình nghe đến thuộc (sống bằng niềm vui). Người trẻ đọc để học cách hiểu và khiến người già trong nhà hạnh phúc, ấy là cách làm cho bản thân người trẻ hạnh phúc – niềm hạnh phúc cộng hưởng!
Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc được độc giả biết đến với nhiều cuốn sách chia sẻ kinh nghiệm từ thực tiễn cá nhân: Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng, Thấp thoáng lời kinh, Gió heo may đã về, Già ơi chào bạn, Thư cho bé sơ sinh và những bài thơ khác, Thiền và sức khỏe, Già sao cho sướng? – Một tuổi già hạnh phúc…
Lâm An
Nguồn: nhavantphcm.com
Tâm Hoa chuyển bài
Filed under: Giới thiệu sách, Sống vui, Tuổi già | Tagged: BS.Đỗ Hồng Ngọc, Già Sao Cho Sướng, Sách mới |
Trả lời