Nghe nhạc Trịnh Công Sơn đối với nhiều người Việt cũng gần giống như nghe một câu kinh…
.
Kỷ niệm 14 năm ngày mất của Cố Nhạc Sĩ Trịnh Công Sơn, Nhạc Sĩ tài hoa rất được yêu thích của bao thế hệ người yêu nhạc, Ban Mai Hồng xin giới thiệu lại những bài thơ có tên các ca khúc của và Playlist nhạc Trịnh do Anh Trần Năng Phùng tập hợp chia sẻ trên trang YouTube.
Những suy tưởng từ cuộc đời, bút tích Trịnh Công Sơn để lại.
“ | Sống giữa đời này chỉ có thân phận và tình yêu. Thân phận thì hữu hạn. Tình yêu thì vô cùng. Chúng ta làm cách nào nuôi dưỡng tình yêu để tình yêu có thể cứu chuộc thân phận trên cây thập giá đời. | ” |
“ | Khi bạn hát một bản tình ca là bạn đang muốn hát về cuộc tình của mình. Hãy hát đi đừng e ngại. Dù hạnh phúc hay dở dang thì cuộc tình ấy cũng là một phần máu thịt của bạn rồi. | ” |
“ | Nếu có người nào đó thách thức tôi một trò chơi nghịch ngợm thì tôi sẽ mang tình yêu ra mà đánh đố. Tôi e, không ai dám tự xưng mình am tường hết nội dung phong phú và quá phức tạp của tình yêu. Có người yêu thì hạnh phúc, có người yêu thì đau khổ. Nhưng dù đau khổ hay hạnh phúc thì con người vẫn muốn yêu. Tình yêu vì thế mà tồn tại. Con người không thể sống mà không yêu. | ” |
“ | Có những ngày tuyệt vọng cùng cực, tôi và cuộc đời đã tha thứ cho nhau. Từ buổi con người sống quá rẻ rúng tôi biết rằng vinh quang chỉ là điều dối trá. Tôi không còn gì để chiêm bái ngoài nỗi tuyệt vọn g và lòng bao dung. Hãy đi đến tận cùng của tuyệt vọng để thấy tuyệt vọng cũng đẹp như một bông hoa… | ” |
Những Ca Khúc Hay Nhất Của Nhạc Sĩ Trịnh Công Sơn – Trần Năng Phùng
.
Bài thơ từ tên 63 ca khúc của Trịnh Công Sơn gây xôn xao – TS Lê Thống Nhất
ĐẮM THEO CA KHÚC CỦA ANH
“Bạc phơ Hạ trắng tái tê
Để cho Biển nhớ gọi về tên Anh
Tình sầu nào có trôi nhanh
Tình xa xin vẫn để dành cho nhau
Tôi ru em ngủ cho mau
Tự dưng thấy – Trong nỗi đau tình cờ
Nắng thuỷ tinh cũng ngẩn ngơ
Rừng xưa đã khép tiếng tơ vẫn còn
Vết lăn trầm mãi chẳng tròn
Ướt mi chi để héo hon cho người
Biệt ly Vẫn nhớ cuộc đời
Dù rằng Xa dấu mặt trời bao năm
Khi nào Tôi sẽ đi thăm
Để người xin chớ Tưởng rằng đã quên
Ru tình mong chút nhân duyên
Một ngày như mọi ngày nên lại buồn
Này em có nhớ mưa tuôn
Cơn Mưa mùa hạ ngọn nguồn từ đâu
Người về bỗng nhớ nhịp cầu
Nối vòng tay lớn nguyện cầu cho ai
Nguyệt ca – Như tiếng thở dài
Tuổi đá buồn gửi u hoài đi theo
Quỳnh hương đưa giữa xóm nghèo
Hai mươi mùa nắng lạ vèo trôi qua
Kìa Đôi mắt nào mở ra
Cho ai được thấy Đoá hoa vô thường
Giọt nước mắt cho quê hương
Trong tim Có những con đường lá rơi
Chỉ có ta trong cuộc đời
Biển nghìn thu ở lại nơi bến nào
Bống không là Bống dưới ao
Này em có nhớ gọi chào Bống không ?
Ru em từng ngón xuân nồng
Nghẹn như Lời của dòng sông thu tàn
Huyền thoại Mẹ mãi chứa chan
Sóng về đâu để non ngàn đắng cay ?
Còn Ta thấy gì đêm nay ?
Ai đi Như cánh vạc bay cuối chiều…
Lời thiên thu gọi phiêu diêu
Phúc Âm buồn gợi những điều trong tim
Thương một người mải đi tìm
Hoa vàng mấy độ lặng im khóc thầm
Tạ ơn thắp nén hương trầm
Đã thôi Ở trọ cõi trần rồi ư ?
Cát bụi là thực hay hư
Ra đồng giữa ngọ mà như về nhà
Một lần thoáng có rồi xa
Để ai đếm – Từng ngày qua não nề
Hẹn chi Một cõi đi về
Diễm xưa nay đã yên bề sau mưa
Mang Em đến từ nghìn xưa
Mà như Cỏ xót xa đưa tháng ngày
Mình ai Lặng lẽ nơi này
Chẳng buồn theo để Níu tay nghìn trùng
Rừng xanh xanh mãi không cùng
Vườn xưa xơ xác giữa vùng xác xơ
Thương ai đã Hãy cố chờ
Vàng phai trước ngõ thẫn thờ cuối xuân
Ai ngoài cánh cửa tần ngần
Bên đời hiu quạnh những lần lệ rơi
Để gió cuốn đi cuối trời
Ru đời đi nhé! Mong đời ngủ say…”
.
Lê Thống Nhất ( Theo báo Giáo Dục )

Một Bài Thơ Khác (Không Rõ Tác Giả )
“Thương một người” để “Người về bỗng nhớ”
“Vết lăn trầm” “Tôi đã mất” mối tình thơ
“Tôi tìm tôi” “Ngẫu nhiên” mà bắt gặp
“Người con gái Việt Nam da vàng” bên “Ghế đá công viên”
“Bến sông xưa” “Như chim ưu phiền” “Ở trọ”
“Ru đời đã mất” tôi “Như đá ngây ngô”
“Như cánh chim cô đơn” tôi làm người “Du mục”
Khúc hát buồn tôi “Nghe những tàn phai”
Em đi rồi “Biển nghìn thu ở lại”
Tôi úa màu như “Chiếc lá thu phai”
Lòng tự nhủ “Tôi ơi đừng tuyệt vọng”
Cho dù “Rừng xưa đã khép” “Ta phải thấy ánh mặt trời”
Vẫn biết “Tình xa” “Tình sầu” “Tình nhớ”
Để rồi “Chiều một mình qua phố”
Gọi “Bống Bồng ơi!” Hãy hát khúc “Nguyệt ca”
Cho “Bốn mùa thay lá” “Chỉ có ta trong cuộc đời”
“Ta thấy gì đêm nay” khi “Sao chiều” chưa tắt
“Sẽ còn ai” chưa về “Sao mắt mẹ chưa vui”
“Dựng lại người dựng lại nhà” cho thôi đời “Cát bụi”
Để “Ngày dài trên quê hương” “Người về bỗng nhớ”
“Dấu chân địa đàng” nức nở tiếng “Đại bác ru đêm”
Thôi “Hát trên những xác người” “Tôi sẽ đi thăm”
“Vườn xưa” yêu dấu trên “Thành phố mùa xuân”
“Tạ ơn” người “Những thiên sứ bâng khuâng”
**
Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn sinh ngày 28 tháng 2 năm 1939, tại xã Lạc Giao- hiện nay là phường Thống Nhất, Ban Mê Thuột, Daklak. Ông lớn lên ở Huế, theo học các trường Lyceè Francais và Provindence ở Huế; tốt nghiệp tú tài ban Triết tại Chasseloup Laubat, Sài Gòn. Ông mất ngày 1 tháng 4 năm 2001, tại Sài Gòn, hưởng thọ 63 tuổi.
Nhạc sĩ Văn Cao từng nhận xét: “Trong âm nhạc của Sơn, ta không thấy dấu vết của âm nhạc cổ điển theo cấu trúc bác học phương Tây. Sơn viết hồn nhiên như thể cảm xúc nhạc thơ tự nó trào ra. Nói như nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, người bạn già của tôi, “Trịnh Công Sơn viết dễ như lấy chữ từ trong túi ra”. Cái quyến rũ của nhạc Trịnh Công Sơn có lẽ là ở chính ở chỗ đó, ở chỗ không định tạo ra một trường phái nào, một triết học nào, mà vẫn thấm vào lòng người như suối tưới. Với những lời, ý đẹp và độc đáo đến bất ngờ hôn phối cùng một kết cấu đặc biệt như một hình thức của dân ca hầu như không thay đổi, Trịnh Công Sơn đã chinh phục hàng triệu con tim, không chỉ ở trong nước, mà ở cả ngoài biên giới nữa… Nhạc Trịnh đã và còn tiếp tục có sức ảnh hưởng lớn đối với bao thế hệ người nghe nhạc.
Ca từ trong nhạc Trịnh thật đẹp và rất đặc biệt, vừa mang tính triết lý lại gần gũi với đại chúng nên đã đi vào lòng người một cách tự nhiên. Không có gì lạ hay khó hiểu khi bạn thấy người lao động thích nhạc Trịnh, người yêu nhạc thuộc giới học thuật yêu nhạc Trịnh. Người trẻ, đứng tuổi hay người già đều thích nghe và hát nhạc Trịnh ở nhiều nơi. Bạn đã từng nghe nhạc Trịnh phát ra từ những cặp loa Bose trong các Quán Karaoke trên đường phố hay từ thùng loa của những người bán dạo quảng cáo dong ruỗi khắp nẽo đường Việt Nam, cả những vùng quê nghèo? Tất cả đều hay và người nghe đều thích thú?
Ngoài ra, ông còn được xem là một nhà thơ, một họa sĩ không chuyên có tranh đẹp được triển lãm…
Tổng hợp từ nhiều nguồn ( Wikipedia và các trang khác )
Filed under: Âm nhạc, Thơ, Thơ nhạc, Tưởng niệm, Video &PPS, Văn hóa, Điểm báo | Tagged: Tên Ca khúc Trịnh trong thơ, Tổng hợp, Thơ nhạc, Trịnh Công Sơn |
Trả lời