• Bài viết mới

  • Thư viện

  • Chuyên mục

  • Tag

  • Join 1 092 other subscribers
  • Bài viết mới

  • Blog – theo dõi

  • Enter your email address to follow this blog and receive notifications of new posts by email.

    Join 1 092 other subscribers

Hồn Phố Cổ Và Tuổi Thơ Tôi – Doãn Lê

Nếu so sánh một cách ví von thì thành phố tôi đang sống nhỏ tí tẹo như một tổ chim treo lưng lửng bên thân cây cổ thụ là dòng sông Thu Bồn mà tán lá rậm rạp là biển Đông bao la. Người dân phố tôi sống hiền hòa, không phân biệt người Hoa hay Việt, như bầy chim, ban ngày bay loanh quanh đâu đó, và chiều về lại tụ tập ríu rít trong cái tổ ấm áp đầy tình thương ấy. Trải qua hằng bao nhiêu đời, thành phố càng cũ thì sự gắn bó của người dân với phố càng nhiều. Ai đó dù vì kế sinh nhai có phải đi xa đến xứ người lập nghiệp như những cánh chim di, thì suốt đời họ cũng canh cánh bên lòng hình ảnh chiếc tổ nhỏ ăm ắp tình thương đã một thời chở che, đùm bọc họ.

Ảnh ( từ Internet )

Hồi ấy, dễ đã hơn năm mươi năm trước, phố tôi cũng đã già nua như một bà lão, trầm lặng với những ngôi nhà, đình, chùa cổ kính. Cái Chùa Cầu meo mốc như một nhà hiền triết già lọm khọm nằm ven bờ sông Thu nhìn dòng nước trôi qua, chiêm nghiệm về bao nỗi bể dâu của cuộc sống, chẳng thèm để ý đến ai. Vài con phố chính không có bờ lề, chỉ rộng đủ cho hai chiếc xe hơi loại nhỏ nhất chậm chạp tránh nhau. Những nhà đối diện mỗi sáng mở cửa chào nhau vì con đường khẳng khiu rải đá từ thời Tây chẳng tạo nên một khoảng cách nào. Cái tên phố cũng thật hiền hòa: Hội An, có phải vì tổ tiên đã biết trước đây là nơi hội tụ của vùng đất lành và nhờ thế mà phố tôi không bị tàn phá bao nhiêu qua hai cuộc chiến tranh khốc liệt.

Thuở ấu thơ tôi sống cùng cha mẹ và anh chị em trong một con hẻm đất của xóm lao động nghèo với chừng hơn chục nóc nhà lợp tranh, vách cót tre, hoặc tường xây bằng vôi, gọi là xóm Tiệm Rượu vì đất này thuộc quyền sở hữu của một ông Tây có hãng làm rượu tên S.I.C.A. Cha mẹ tôi phải chắt chiu từng đồng bạc kiếm được để trả tiền mua đất, trả góp hàng quý cho ông thừa phát lại nào đó. Hồi ấy tôi không hiểu vì sao đất của nước mình mà dân mình phải mua lại của ông Tây.

Tôi vẫn còn nhớ như in từ đầu đường đến cuối đường Phan Chu Trinh, dọc theo hai bên lề đất là hai hàng phượng vĩ cao, to. Mùa hè, hoa nở xòe, cánh đỏ điểm trắng rực rỡ, các cành vươn ngang níu nhau, đan nhau tạo thành một mái vòm đỏ chói chạy suốt con đường trông đẹp tuyệt. Hoa phượng rơi xuống vệ đường một lớp dày làm nên một bức thảm hoa. Tiếng ve ngân chẳng bao giờ dứt, vừa như một kích thích, vừa như một sự thách đố cho tôi và lũ bạn cùng lứa, bỏ cả giấc ngủ trưa, chạy đi tìm mủ mít, mủ sầu đông, chấm vào đầu que dài rồi leo lên cây tìm chỗ ve đậu mà chích vào. Những chú ve cứ mải mê ca hát đâu biết tai họa sắp giáng xuống đầu, bị dính mủ đành thúc thủ. Nhưng chúng cũng thật ngoan cường, khi bị bắt làm “tù binh” cứ “ngậm miệng” không chịu kêu nữa dù chúng tôi đã tìm mọi cách dỗ dành. Giá lúc ấy chúng tôi biết khi còn ấu trùng chúng đã âm thầm sống trong lòng đất 17 năm, và chỉ được ca hát vài tuần giữa thiên nhiên thôi trước khi trút bỏ xác ve sầu thì chắc chúng tôi không nỡ làm ngắn đi cuộc vui của chúng. Đó cũng là mùa cho các loài chim từ khắp nơi bay về thi nhau hót. Chúng tôi đã phải nuốt nước bọt nhịn thèm nhìn những con chim lông tơ óng mượt đủ màu vàng, xanh, đỏ ríu rít trên cành cao. Vài đứa sắm ná cao su, rình mò cố bắn hạ làm cho lũ chim hoảng hốt bay vèo. Văng vẳng từ khu vườn rậm rạp của bà cụ Kiệm, tiếng chim tu hú kêu khan. Vào lúc đó những người bán cá dạo vào xóm, vừa chạy vừa rao đủ tên các loại cá. Họ bán cá tươi và cá đã kho sẵn. Cứ khoảng tuần lễ chúng tôi mới được dịp đứng nhìn một chiếc ô tô, hay một chiếc xe “ba lua” chở hàng chậm chạp chạy qua. Lát sau, cái yên tĩnh và trong sạch cố hữu của phố lại được trả về.

 

Chùa Bà Mụ (  Ảnh của photo Vĩnh Tân 1930 chụp từ ngoài nhìn vào chùa.)

Chiều chiều chúng tôi thường cùng nhau chia phe đá bóng ở sân chùa Bà Mụ. Chiếc cổng Tam quan cao vòi vọi với hình bánh xe tròn ở giữa trông thật hùng vĩ. Qua khỏi khoảng sân rộng là hai ngôi đình lớn nối liền nhau với các cột gỗ tròn, to, sơn đỏ đặt trên những tán đá dày và tròn chống đỡ mái ngói. Kết nối giữa hai đình là một nhà bia cao đến năm bậc cấp. Trong đó nhiều tấm bia đá có khắc chi chít các chữ nho gắn vào tường. Chúng tôi ít dám bén mảng vào bên trong đình vì sau cánh cửa dày đóng im ỉm là một bầu không khí lạnh ngắt và là thế giới huyền bí của các thần linh, của các bà mụ. Các vị thần ấy thường hay “quở” con nít, khiến chúng bị đau, gọi là “bị vương” – mẹ tôi bảo thế, nên bà thường cấm anh em tôi qua chơi ở đó vào giờ trưa hoặc ban đêm. Các bà mẹ gần đó khi có con nhỏ bị ấm đầu, sổ mũi là lập tức mang hương đèn, bánh trái qua cúng “tạ lỗi” đủ ba đêm. Ở sát bìa sân phía nam có một cây đa to lâu đời. Nghe đồn có con quỷ một giò “định cư” trên đó. Những đêm mưa to, tiếng gió hú qua tán lá càng làm tăng thêm cái linh thiêng ghê sợ đầy âm khí của ngôi chùa. Chùa Bà Mụ ngày nay đã không còn nữa.
https://banmaihong.files.wordpress.com/2014/08/8e8e0-dscn0755.jpg

Tam Quan chùa Bà Mụ ngày xưa

Vào đêm đẹp trời, các con đường lại lung linh huyền ảo với ánh sáng lập lòe xanh mát của hàng ngàn đom đóm. Rồi bọ rầy quýt xanh mượt, óng ánh, bọ rầy nâu với đôi cánh có chấm trắng như hai hạt mè bay vù vù quanh các bóng đèn đường tròn trên các cây trụ điện có khoảng cách khá xa, tỏa ánh sáng vàng vọt chỉ đủ để người đi đường thấy, khỏi bị vấp một cái rễ phượng hay một cục đá gồ lên. Hồi đó không nhà nào có ti vi nên sau khi ôn bài cho buổi học ngày mai là chúng tôi rủ nhau chơi các trò chơi dân dã, nhất là những đêm có trăng. Các anh chị lớn hơn thì ra tiệm Phi Hùng, nằm ngay góc ngã tư Lê Lợi – Cường Để (Trần Phú bây giờ) thuê xe đạp để tập. Nó là tiệm bán và cho thuê xe đạp duy nhất ở Hội An lúc ấy. Việc thuê mướn cũng rất đơn giản, chỉ cần nói với chủ hiệu nhà ở đâu, tên gì, không cần giấy tờ hay tiền cọc. Thế mà chủ hiệu chẳng bao giờ bị mất xe hay bị quỵt tiền.
Buổi sáng anh em tôi thường chờ ông bán bánh mì thịt đến để mua. Hồi đó khắp phố chỉ có một mình ông ấy bán bánh mì có chan nước thịt xíu. Thêm tiền thì được bỏ thêm vài lát thịt. Vai ông vác một bao bố bánh mì nóng, một tay xách một cái nồi thịt xíu bằng nhôm có quai cầm. Ông đi quanh khắp phố, chỉ một loáng là hết vì ông “độc quyền” món bánh mì có thịt xíu. Ngồi chờ tiếng rao bánh mì thịt xíu của ông văng vẳng từ xa mới hồi hộp làm sao! Chỉ sợ ông bán hết sớm không vào đến cái ngõ hẻm nhà chúng tôi. Thỉnh thoảng mẹ cho chúng tôi ăn mì Quảng của bà Hương Tải. Bà ở cùng xóm, mỗi sáng gánh mì đi bán dạo. Nước nhưng màu vàng đỏ làm bằng tôm giã vụn nấu chung với ít thịt heo mỡ xắt nhỏ, chan đều trên những con mì trắng, hoặc vàng. Dưới đáy bát là rau sống Trà Quế trộn với bắp chuối. Trên mặt mì trải vài lát sứa, ít miếng bánh tráng nhỏ chiên phồng với ít hành lá xắt vụn. Không có thịt gà hay thịt heo, và hẳn nhiên không hề có trứng cút như ngày nay. Dấm cũng được làm từ sứa. Sứa mềm nhưng giòn, nhai nghe sựt sựt thật thú vị. Mì Quảng được ăn với ớt xanh, trái nào cũng tròn lẳn, xanh mượt. Vị cay xè của ớt làm lũ nhỏ chúng tôi chảy nước mắt hít hà, xít xoa. Tiếc thay hương vị mì Quảng ngày nay chẳng còn như xưa. Thi thoảng tôi và em tôi cũng được anh Hai dắt đi ăn tiệm cao lầu ông Cảnh, gần hiệu xe đạp Phi Hùng. Những lần như thế gọi là đi “kéo ghế”, oách lắm, trước đó phải tắm sạch sẽ, và ăn mặc tươm tất. Lúc về tôi mặc sức khoe, tả lại cái hương vị thơm ngon của thịt heo xíu xắt lát mỏng, cái mềm mềm dai dai của con mì. Lũ bạn dỏng tai nghe mà nuốt nước bọt nghe ừng ực. Kể ra tôi cũng còn may mắn hơn nhiều đứa cùng xóm. Mỗi khi đưa chúng tôi đến tiệm cao lầu, anh Hai tôi thường mỉm cười ngâm nga:
“Ai qua phố Hội, Chùa Cầu
Chưa thử cao lầu, chưa biết Hội an”


Món cao lầu thịt heo tại quán Trung Bắc – Hội An

Mùa thu, phượng rụng hết lá, trơ những cành khô. Gió heo may phân phất mang theo về cơ man không biết bao nhiêu chuồn chuồn bay rợp một góc trời. Đó là lúc chúng tôi lội xuống các lạch nhỏ bên cạnh hai bàu rau muống lớn trước cổng và cạnh chùa Tỉnh Hội để bắt cá lia thia đem về thả nuôi trong các lọ thủy tinh để đá nhau ăn dây su.

Rồi mùa đông lạnh lẽo với những cơn mưa phùn ập tới. Người dân lao động nghèo mặc những tấm áo tơi dài đến ngang gối, làm bằng lá gồi, trông xa giống như những chú gà khổng lồ sũng nước. Một chiếc áo mưa nhựa ni lông lúc ấy là một món hàng xa xỉ mà người dân nghèo chẳng bao giờ mơ ước có được. Tháng mười nước lũ tràn về ngập các đường phố, việc mua bán ngưng trệ. Những ngôi nhà cổ ngâm mình trong nước trông thật tội nghiệp, càng tăng thêm cái vẻ thâm u, cô độc.
Những bữa ăn vô cùng đạm bạc, cơm nóng với mắm cái hoặc nước mắm nướng. Hôm nào có thêm được ít tiền lời bán chè ngọt quanh phố, mẹ mua thêm ít cá bống thệ về kho mặn. Ấy vậy mà ngon miệng vô cùng, cơm vét đến miếng cháy cuối cùng. Mẹ nhìn mấy cái bụng chúng tôi no tròn cười nói: “của không ngon đông con cũng hết”.

Khi cái lạnh của tàn đông vừa dứt, những làn gió ấm của ngày lập xuân phơi phới trong ánh nắng mới thủy tinh trong veo làm cho vạn vật như hồi sinh. Những cây sầu đông lại bắt đầu trổ hoa tím ngắt chen lẫn màu trắng tinh khiết li ti. Hương sầu đông thoang thoảng đưa trong gió. Mẹ dặn đừng hít mùi hoa này vì sẽ bị “nha cam”. Lũ con nít chúng tôi náo nức trông chờ Tết đến từng ngày, cảm giác như thời gian trở nên chậm chạp hơn. Cha và anh tôi tất bật với các quần áo mới của khách hàng đặt may. Khoảng hai mươi tháng chạp, bàn máy may từ chợ đã được khiêng về nhà để làm đêm. Tôi nằm ngủ trên chiếc phản gỗ lim bên cạnh, mơ hồ nghe tiếng máy may rầm rì như tiếng lòng rộn ràng khó tả. Hồi ấy xóm tôi chưa có điện nên nhà phải thắp bằng đèn cạc-buya (carbur) phun phì phì ra ánh lửa xanh lè, phảng phất mùi lưu huỳnh trộn lẫn mùi vải mới tạo nên một mùi hương đặc biệt vào những ngày cận tết trong gia đình tôi mà cho đến bây giờ đã hơn năm chục năm qua tôi cũng không thể nào quên mùi hương ấy. Vào những ngày này người ta đã bắt đầu đốt pháo cúng rước ông bà và làm lễ tất niên. Chao ôi, tiếng pháo mới thúc giục làm sao! Cứ tưởng như cái Tết đã thập thò đầu ngõ. Tôi sung sướng hơn một chút khi mỗi tối đưa tay gỡ thêm một tờ lịch trên tập lịch đã mỏng tanh, vậy mà vẫn thấy mấy ngày cuối năm trôi sao chậm quá.
Rồi Tết cũng đến. Mẹ và chị tôi tất tả đi chợ sáng 30, mang về nào thịt, nào cá và cả thúng rau quả vì đến chiều là chợ tan và sớm nhất cũng đến mồng 4 mới đông chợ lại. Tối ba mươi nhà tôi đã tươm tất, trên bức tường vừa mới được quét vôi hôm qua treo một bộ liễn tranh Tam Quốc Chí thật đẹp và một tấm lịch mới với một lốc lịch dày cộm còn thơm mùi giấy. Giữa nhà, trên chiếc bàn được phủ một tấm khăn nhựa in đủ hình trái cây là một hộp bánh, mứt, hạt dưa, một bộ li tách ấm trà vừa được chị tôi lấy ra từ trong tủ nhỏ dưới bàn thờ, rửa lại mới toanh. Một cái độc bình to bằng sành cắm một cành mai đầy hoa vàng rực rỡ treo lủng lẳng các thiệp chúc mừng năm mới. Bàn thờ sáng rực ánh đèn sáp, chiếu lấp lánh vào bộ lư đồng bóng loáng mà anh em tôi đã gắng chùi bằng các quả chanh tươi vào mấy ngày trước đó. Hương trầm tỏa thơm ngát tạo nên một vẻ trang trọng thiêng liêng. Cha tôi mặc chiếc áo dài lương đen thành kính lễ lạy cúng giao thừa, rồi đốt một phong pháo Điện Quang, tiếng nổ giòn tan. Bọn con nít trong xóm ùa vào sân tranh nhau lượm pháo tịt ngòi, chưa nổ, chẳng nhớ chi chuyện cấm kị đạp đất đầu năm mà cha mẹ chúng đã dặn dò trước đó mấy phút. Và ngay lúc ấy pháo giao thừa nổ vang từ đầu thôn cuối xóm, rồi thượng Chùa Cầu, hạ Âm Bổn. Tôi cũng lập tức co giò chạy thẳng ra ngõ theo lũ bạn đi lượm pháo rơi, còn nghe văng vẳng sau lưng tiếng mẹ tôi gọi ơi ới.

Ngày Tết là những ngày sướng như tiên, tôi được một bộ đồ mới, một đôi dép mới, được tiền lì xì, được ăn bánh mứt thỏa thuê, và được tự do đi chơi mà không bị cha mẹ rầy la. Có một điều đặc biệt là suốt trong những ngày Tết cho đến mồng 6, mồng 7, có khi mồng 10 tất cả các hàng quán, cửa hiệu đều không mở. Làm lụng suốt cả năm rồi, kiếm thêm ít đồng vào các ngày Tết cũng chẳng giàu gì thêm – họ thường nói thế. Thực ra người dân phố tôi không muốn làm ăn trong các ngày lễ tết vì đó là ngày truyền thống thiêng liêng, thời gian sống cho phần tâm linh rõ nét nhất, ngày gặp gỡ của tổ tiên và con cháu, để thăm viếng bà con và cho nhau những lời chúc tụng tốt đẹp. Đó cũng là thời gian cho sự nghỉ ngơi thoải mái để tận hưởng cái hạnh phúc và niềm vui quý giá của ngày đầu năm mới.

Trong tháng giêng còn có nhiều lễ hội nhỏ khác như cúng đình, cúng xóm, cúng giếng. Trong số đó lễ rước Long Chu là vui hơn cả. Lễ này được tổ chức tại đình Xuân Lâm, nằm dưới một cây đa cổ thụ, gọi là cây đa Kèn vì đội lính kèn thường ra đó tập thổi, ở ngã ba đường Trần Hưng Đạo – Trần Cao Vân bây giờ. Sau thời lễ các thanh niên trong làng mang con rồng làm bằng cốt tre, phất giấy vẽ màu sặc sỡ, dài khoảng 3- 4 m chạy khắp ngả lớn, hẻm nhỏ trong thôn, trong xóm, có trống chiêng theo gõ inh ỏi, và dĩ nhiên không thể thiếu bọn con nít chúng tôi, có đến ba, bốn chục đứa hò reo bám đuôi cho đến khi rồng chạy về lại sân đình và được đốt. Cùng với ngọn lửa bùng to, rồng sẽ bay lên trời và giúp cho dân chúng năm ấy có một mùa mưa thuận, gió hòa. Đến lúc ấy chúng tôi đã mệt bở hơi tai nhưng rất phấn khởi vì được các ông tế lễ phân phát đồng đều, đứa nào cũng được cho ít chè xôi, bánh trái mang về.

https://i0.wp.com/phungnghi.com/wp-content/uploads/2014/05/DSC_0134.jpg                                                           Lễ rước Long Chu

Vào mùa này, phố nhỏ của tôi cũng nhộn nhịp, tươi vui hẳn lên khi các đoàn hát bội miền trung, các gánh cải lương miền nam về diễn ở rạp Phi Anh. Chiều chiều những đoàn xe 5, 7 chiếc xích lô đạp, trang trí màu sắc lộng lẫy, chở các nghệ sĩ hóa trang thành các nhân vật trong vở tuồng sẽ diễn đêm ấy chạy quanh phố để quảng cáo. Trống chầu, thanh la, não bạt khua lên rộn rã. Và lũ con nít chúng tôi bỏ các trò đang chơi, co giò chạy theo sau reo hò phụ họa. Người đi đường chạy vội ra nhặt các tờ “gờ-răm” in hình các nghệ sĩ của đoàn và sơ lược nội dung vở tuồng sắp diễn, nhưng bao giờ đoạn kết cũng được kết thúc với câu: “Muốn biết ….xin mời quý vị đến rạp….mua vé vào xem…”.

Trải qua mấy mươi năm đầy biến cố lịch sử, phố tôi cũng theo luật vô thường mà thay đổi. Từ như một bà lão hom hem với những mái ngói lỏng leo như hàm răng sắp rụng, phố tôi bỗng thay da đổi thịt, tươi tắn hẳn lên, trở thành một cô gái đang độ thanh xuân phơi phới, tràn trề sức sống và đầy hấp dẫn như được một bà tiên nhân ái chấm chiếc đũa thần làm phép lạ trong truyện thần tiên, cổ tích. Vẫn cái tên Phố Cổ nhưng những nếp nhăn năm tháng dường như không còn nhìn thấy. Cái tổ chim nhỏ ngày nào như cơi rộng thêm ra khi dân số tăng lên, và nhất là để đón những đàn chim lạ từ trời Tây bay đến thưởng ngoạn.

Thành phố tươi trẻ của tôi ngày nay như một cô gái vừa trải qua một cuộc giải phẫu thẩm mỹ, nâng mũi, xẻ mí. Bàn tay con người can thiệp quá nhiều làm cho cái hồn nhiên, vốn là cái chất sống của phố, không còn nữa. Những tiến bộ bậc nhất của khoa học, kỹ thuật trên thế giới đều có mặt ở nơi đây. Nhà hàng, khách sạn, công ty, cửa hiệu mọc lên như nấm ngay cả trong khu cổ của phố để phục vụ cho ngành du lịch. Xe cộ đời mới đủ dáng, đủ loại, cho đến thức ăn, đồ uống nội xuất, ngoại nhập không thiếu thứ gì.

Bây giờ mỗi khi nhìn các em nhỏ suốt ngày hết đi học lại vùi đầu vào các trò chơi vi tính, chít chát trên mạng, phim ảnh ti vi, tôi không khỏi ưu tư. Có phải chúng từ chối những nguồn vui từ thiên nhiên ban tặng và trở nên xa lạ với các trò chơi dân dã hiền lành? Chúng không hề nhìn thấy để có được trong tâm hồn chúng một vầng trăng? Và những con đom đóm, bọ rầy đối với chúng sẽ chỉ còn tồn tại trong tranh vẽ và bài đọc? Chúng có tuổi thơ chăng? Rồi đây khi lớn lên, chúng có những kỉ niệm thật dễ thương của thời thơ ấu để mà nhớ hay không? Tôi vẫn thường bâng khuâng. Câu hỏi phải đặt ra cho những người lớn, những người có trách nhiệm, không phải cho các em.

Những hàng phượng, những mái tranh có khói lam chiều, những con đường đất nhỏ, bầy chim, lũ đóm, tiếng tu hú gọi mùa, tiếng ve ngân “nức nở buồn hơn tiếng lòng”, những gánh chè rong, hình ảnh bà bán mì Quảng, ông bán bánh mì thịt xíu, lễ hội Long Chu…chắc chỉ còn có mặt trong thi ca, nhạc kịch, khó có thể còn tồn tại trong cái không gian hiện đại hóa, đã trở nên chật hẹp, đầy bụi bặm và tiếng ồn. Thay vào đó những ngôi nhà được “lên đời” hay được tân trang giả cổ để đáp ứng cái nhu cầu “chuộng cổ” của khách, trông nó cứ khiêng cưỡng, đỏng đảnh thế nào. Những ngày lễ hội càng làm cho hoành tráng bao nhiêu tôi lại thấy nó như được tráng một lớp sơn son, thếp vàng bên ngoài. Những câu hát hò khoan của anh nông phu, cô thôn nữ thanh thoát, tự nhiên, bay lên nhấp nhô sóng biếc, sông dài, hoặc đậm đà chất trữ tình trên đồng lúa vàng mật quê hương, thì nay nó được phóng ra oang oang từ những chiếc loa phóng thanh do các cụ nam nữ nghệ nhân lão luyện, ngồi chễm chệ trong những chiếc ghế kiểu cổ với nhiều họa tiết đặt trang trọng trên tầng hai của chiếc du thuyền gỗ chạm trổ công phu hát thuộc lòng, chẳng gây một xúc động nào cho người muốn thưởng thức. Cái hồn của đối đáp hò khoan là sự ngẫu hứng thông minh và sáng tạo làm sao có được trong các “show” diễn đã được “lập trình”. Cái di sản phi vật thể ấy – như thường được gọi – lại được tái tạo bằng những cái vật thể. Nhưng biết làm sao được trong cái thời đại mà việc giao lưu văn hóa như những món quà trao tặng cho nhau. Ngày Tết, các cửa hiệu, hàng quán vẫn mở toang đón khách, người ta vẫn nghĩ đến đồng tiền hơn cái tính thiêng liêng, truyền thống của những ngày đầu năm mới. Những thanh niên, thiếu nữ không được phép nghỉ, cũng phải ráng làm để khỏi bị đuổi việc. Những thế hệ trẻ cứ thế dần dà sẽ quên mất rằng ngay trên đất tổ, quê cha vẫn còn có một ngày thiêng liêng phải trân trọng. Có thể tôi hơi lạc hậu không bắt kịp cái tư duy mới của thời đại vật chất bây giờ.

Tôi vẫn sống với phố và nhìn nó hằng ngày với bao đổi thay chóng mặt. Để được là “Di Sản Văn Hóa Thế Giới” người dân đã phải tốn nhiều công sức cũng như ý thức làm đẹp cho quê hương. Tuy thế dường như cái hồn phố ngày xưa không còn trong nó nữa. Những thế hệ cư dân bản địa tự bao đời đã gắn bó với từng viên ngói cổ, từng mảng tường rêu dần dà được thay thế bởi những người giàu tiền từ muôn phương tới. Xác còn đó mà hồn đã về đâu?
Mỗi khi đi ngang nhìn Chùa Cầu – nhà hiền triết cô độc ngày xưa- phải oằn người chào đón biết bao nhiêu du khách viếng thăm, tôi không thấy được cái rộn ràng của một thời vàng son xa xưa như trong hai câu thơ của tôi ngày trước:
“Đưa em xuống phố nắng vàng
Chừng nghe xe ngựa huy hoàng dấu xưa”


Chùa Cầu Hội An

Tôi chỉ thấy những nhịp đời đang chuyển động hấp tấp, vội vàng như không kịp sống. Tôi tự hỏi nhà hiền triết ấy có còn thì giờ để nhìn dòng sông Thu chảy qua mà chiêm nghiệm về những bể dâu nhanh đến bất ngờ của cuộc sống. Tôi hoài cổ một cách thủ cựu, và thiếu sáng tạo chăng? Tôi cũng không biết nữa. Nhưng những lúc ấy tôi lại ngậm ngùi nhớ đến hai câu thơ của Vũ Đình Liên:
“Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?”

.

Doãn Lê

Ảnh: BanMaiHong trích từ mãng Internet

Advertisement

3 bình luận

  1. Cám ơn Huệ đã chọn những hình minh họa thật sống động. Ngày nay Cổng Tam Quan chùa Bà Mụ vẫn còn tuy đã bị cư dân làm “trầy vi tróc vỏ” khá nhiều, nhưng tiếc là ngôi chùa đã bị phá đổ từ lâu. Chính quyền địa phương đang có kế hoạch trùng tu lại cổng Tam Quan và giải tỏa khu dân cư án ngữ cổng mấy chục năm nay. Hi vọng vài năm nữa, đây sẽ là một điểm tham quan văn hóa rất đẹp của phố cổ Hội An.

    Thích

  2. Bài tùy bút Hồn Phố Cổ và Tuổi Thơ Tôi rất hay, Anh Doãn Lê ạ. Bao nhiêu hoài niệm và xúc cảm của người đọc về ngày xưa, về tuổi thơ của mình, đầy ắp trong một ngăn của trái tim, hiện ra như một đoạn phim sinh động.

    Em có một tuổi thơ trong một gia đình đông con, nhà nghèo. Ba má chịu thương chịu khó, vất vả lo sinh kế, nhưng rất thương yêu, lo nuôi con ăn học. Tết và không khí Tết đối với con nhà nghèo quả là những niềm hạnh phúc không gì sánh được. Hệt như Anh miêu tả, quần áo mới ( có năm 1 đứa con chỉ 1 bộ thôi), được ăn ngon, được chút tiền lì xì, được nghỉ học bài, được đi chơi, coi xi nê …, ôi còn gì vui sướng hơn?

    Những sự thay da đổi thịt của Hội An trong thời gian qua và sắp tới nữa e là khó tránh được, thế nên người ta cố gắng lắm để gìn giữ một chút gì của phố cổ giới hạn ở kiến trúc và các hoạt động văn hóa trong một khoảng không gian và thời gian hạn hẹp bằng những hình thức mới cho hợp với thời nay hơn, như các show diễn được dàn dựng và lập chương trình vậy

    Điều đáng tiếc nhất là cái hồn phố cổ trong tâm cảm của con người đã mất đi hay phai nhạt, trong cách nhìn cuộc đời, cách sống và đối nhân xử thế…

    Vâng, chả trách được Ông Đồ Trẻ ngày nay tuy có mặc cùng loại y phục như Ông Đồ Già ngày xưa của Vũ Đình Liên thì vẫn là ông đồ của thế kỷ 21
    “Thôi thôi đến thế thời thôi nhỉ
    Mây trắng về đâu nước chảy xuôi”

    Thích

  3. Chào anh Doãn Lê,

    Em thật cảm động khi đọc bài Hồn Phố Cổ và Tuổi Thơ Tôi vì nó gợi nhớ bao nhiêu kỷ niệm thời thơ ấu của em. Những kỷ niệm về tuổi thơ, những trò chơi trẻ con, những niềm vui mộc mạc, hương vị tết ngày xưa… đều gần gũi với em. Thật ra ngay cả những điều rất riêng của Hội An cũng gợi nhớ những điều rất riêng của vùng quê em sống, là hoài niệm không phai và mãi đẹp trong hồi ức của em. Anh đã mô tả rất sinh động Hội An của những ngày xưa cũ bằng mắt nhìn trong suốt của trẻ thơ. Em đọc bài này và thèm một lần được đứng giữa mái vòm đỏ chói của hai hàng phượng đan nhau níu nhau, thèm được đi chân trần trên lề đường đất để nghe lớp thảm hoa mềm mượt trải êm dưới mỗi bước chân. Thèm được nhìn ánh sáng lập lòe của đàn đom đóm chấp chới trong đêm. Thèm được thử chạy vù qua gốc đa âm u vào một chiều chạng vạng, nghe gió thổi qua tán lá dày mà tưởng như tiếng thở của một con quỷ nào đó đang đuổi theo sau.. Chắc là rất sợ! Nhưng em sẽ rất sung sướng được ăn ổ bánh mì thịt xíu, tô mì quảng với miếng sứa nhai nghe sựt sựt, bát cao lầu đặc sản… nghe rất tuyệt vời trong mô tả của anh 🙂

    Cám ơn anh đã chia sẻ Hồn Phố Cổ và Tuổi Thơ Tôi với độc giả, những người từng đến Hội An và những người sẽ đến Hội An… Em đã luôn mâu thuẫn với chính mình khi đến Hội An. Dù em cũng là một du khách như bao người, chính em cũng góp phần làm mất phần nào Hồn Phố Cổ, em đã ước sao Hội An vắng hơn, ít du khách hơn, để em cảm được sự yên tĩnh thâm trầm của thành phố nhỏ đáng yêu này. Hội An chỉ độc đáo khi Hội An giữ được cho mình sự an nhiên tĩnh lặng rất đặc trưng, chỉ Hội An mới có. Ngày nào Hội An nườm nượp người cười nói ồn ào, ngày đó Hội An không còn là Hội An nữa rồi, trong mắt nhìn của một khách lãng du như em chứ đừng nói gì đến người đã gắn bó cả đời mình với Hội An như anh. Em tin là sau khi đọc bài này, độc giả hiểu biết sẽ bớt ồn ào khi ngắm thành phố cổ, đủ yên lặng khi hòa vào dòng trôi chậm rãi của Hội An, sẽ đủ lịch sự để tránh cho Hội An phải chịu đựng những tràng cười nói xô bồ, sẽ không nỡ cắt khoảng lặng của Hội An thành vô vàn mảnh vụn âm thanh chói chang …

    Đối với anh, có lẽ Hội An đã thay da đổi thịt đến chóng mặt, nhưng so với nhiều địa danh khác, Hội An vẫn là chọn lựa hàng đầu khi người ta muốn rủ bỏ bao xô bồ của cuộc sống đua chen. Ngoài kiến trúc đẹp như cổ tích, Hội An là một thành phố nhỏ thân thiện đủ níu chân khách phương xa, đủ khiến ai một lần đến Hội An sẽ không thể quên được thân tình ấm áp của người dân phố Hội. Em vẫn mong sớm được quay trở lại thăm Hội An, thăm ngôi chùa cổ kính Pháp Bảo, thăm Thầy, các anh chị/ các bạn… để được chăm sóc thương yêu như một người thân trong gia đình từ nơi xa trở về 🙂

    Thăm anh và nhờ anh chuyển lời thăm của em đến Thầy Kim Tâm, các anh chị, các bạn Hội An, anh Doãn Lê nha. Cám ơn anh 🙂

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Blog Chuyên Anh

Nurturing Language Talents

%d người thích bài này: