“Nói làm sao hết mẹ hiền ơi
Công đức niềm đau lẫn tiếng cười
Mẹ lấy bụi đời làm phấn sáp
Che dù trời nắng đội trời mưa”
(Kiên Giang – Khói Trắng)
**
**
Tôi sinh năm NhâmTuất. Người ta nói con trai sinh được can Nhâm thì có số sung sướng, nhưng vào thập niên 80 thì có ai được sung sướng đâu. Đất nước vẫn còn đang trong thời kỳ bao cấp, cái nghèo khó dường như đã trở nên quá đỗi bình thường với tất cả mọi người. Mẹ tôi tuy phải rau cháo qua ngày từ lúc tôi vừa chào đời nhưng vẫn nuôi tôi lớn nhanh và khỏe mạnh. Có lẽ tất cả chút ít những gì bổ dưỡng nhất mẹ có được qua những bữa ăn đạm bạc, mẹ đã nhường cho tôi qua dòng sữa ngọt ngào của mình. Bà ngoại thương mẹ tôi lắm, nên thỉnh thoảng khi có con cá, miếng thịt bà lại mang cho để mẹ có sữa mà cho tôi bú. Cứ thế tôi khỏe mạnh và lớn lên trong tình thương của mẹ.
Nhưng đến năm 15 tuổi thì tôi lại đột ngột mang trọng bệnh, thập tử nhất sinh.Tôi được chuyển ra bệnh viện Đa Khoa Đà Nẵng để chạy chữa. Thời gian đó bệnh viện đông nghẹt, mẹ và tôi phải chờ đợi để nhập viện cho đến khi có một đứa trẻ cũng trạc tuổi tôi qua đời. Tôi được đưa vào nằm thay thế trên chiếc giường trống, trắng toát và lạnh đến rợn người.Dăm bảy người nhà của đứa trẻ kia vẫn còn đứng đó, tiếng khóc như ri…
Bắt đầu từ đó, bệnh của tôi chuyển biến nặng dần. Mẹ tất tả chạy khắp các phòng bác sỹ, các đình chùa với hy vọng có cơ hội cứu chữa cho đứa con trai của mẹ đang thoi thóp như đèn cầy trước gió. Bác sỹ tuy tận tình nhưng đều lúng túng không rõ nguyên nhân căn bệnh kỳ dị của tôi. Không biết Phật Trời có nghe lời van xin của mẹ hay không nhưng tôi vẫn ngày càng yếu đi, sự sống chỉ mong manh như ngàn cân treo sợi tóc. Nhiều người vào thăm tôi, khi đi ra đều lắc đầu ái ngại vì nghĩ rằng sinh mạng của tôi chỉ còn đếm từng ngày. Đêm đêm, mẹ vẫn ôm chặt tôi vào lòng, giọt nước mắt mẹ lăn dài trên đôi gò má khô khốc vì nỗi sợ hãi và kiệt sức…
Tuy nhiên, mẹ không bao giờ cho phép bản thân mình bỏ cuộc, bởi vì bỏ cuộc là bỏ đi mạng sống của tôi. Bằng trái tim của một người mẹ, mẹ vẫn tin rằng tôi sẽ được cứu sống, sẽ được bình an trở về nhà. Mẹ vẫn kiên trì cầu xin Đức Quan Âm và ông bà tổ tiên phù hộ, một mặt chạy tiền để lo thuốc men tốt nhất cho tôi dù có phải bán nhà, bán cửa. Mẹ vẫn kỹ lưỡng chăm sóc cho tôi từng ly từng tí, vẫn dỗ cho tôi từng giấc ngủ mỗi đêm. Và trong khi tử thần đã đến, cướp đi sinh mạng của nhiều bệnh nhân nằm cùng phòng với tôi thì tôi đã may mắn sống sót trở về… Phép lạ ấy chỉ đến từ tình thương của mẹ. Đến tận bây giờ tôi vẫn tin rằng, tình thương, niềm tin và sức sống của mẹ truyền cho tôi chính là phương thuốc kỳ diệu đã giúp tôi thoát khỏi lưỡi hái tử thần trong những ngày sinh tử ấy.
Biến cố này đã giúp tôi yêu quý cuộc sống của mình hơn bao giờ hết vì tôi biết không dễ dàng gì tôi được sống đến giờ phút này. Tôi đã tự tìm được cho mình đáp án về câu hỏi vẫn day dứt tôi từ lâu: “Tại sao tôi lại sinh ra và sống trong cuộc đời hỷ nộ ái ố này để rồi cuối cùng rồi cũng tới một ngày tôi sẽ rời bỏ tất cả để ra đi?”
Thật ra,mỗi chúng ta sinh ra trên cõi đời này đều có một ý nghĩa nhất định. Việc tôi sinh ra như thế nào, trong hoàn cảnh ra sao, không quan trọng bằng việc tôi đang sống như thế nào. Việc tôi đã sống bao nhiêu năm hay thọ thêm bao nhiêu năm nữa đối với tôi cũng không quan trọng bằng việc tôi sống mỗi năm đó ra sao. Tôi đã tìm được hạnh phúc trong cuộc sống khi hiểu rõ lý do vì sao tôi sống. Có lẽ chẳng có gì có thể diễn tả hết những gì mẹ đã làm cho tôi trong cuôc đời đời này. Cho nên tôi chỉ xin viết vài dòng gửi về cho mẹ, cũng là thay mẹ gửi cho bà ngoại- những người mẹ đã hy sinh cả cuộc đời của mình cho con cái:
Thưa mẹ,
Con cảm ơn mẹ đã chín tháng mang nặng để con được sống trên cõi đời này…Con xin lỗi vì đã làm mẹ đau đớn khi sinh con ra…
Con xin lỗi khi còn bé đã bao lần đòi quà mẹ mỗi khi mẹ đi đâu về, nhưng bây giờ mỗi lần về thăm mẹ, chẳng mấy khi con nhớ mua cho mẹ món gì, mà có muốn mua thì cũng chẳng biết mẹ thích gì để mua vì mẹ bảo con về thăm đã là món quà to lớn cho mẹ rồi.
Con cảm ơn mẹ ngày hôm qua, ngay nay và ngày mai vẫn thế, mỗi khi con về nhà thăm mẹ, vẫn bữa cơm ấy, con tôm rang hay miếng cá chiên, bao năm qua mẹ vẫn thương con chẳng hề thay đổi…
Con xin lỗi, khi con còn nhỏ, con vẫn thường níu áo đòi theo mỗi khi mẹ ra ngoài, nhưng bây giờ mỗi lần con ra đi, chẳng mấy khi con ngoái đầu nhìn lại để thấy bóng mẹ xiêu xiêu, cô đơn vò võ trong nắng chiều quê ngoại,.
Con cảm ơn mẹ dù tuổi đã xế chiều nhưng mẹ vẫn sẵn sàng vì con đến bất cứ nơi nào mỗi khi con cần mẹ.
Con xin lỗi vì nhiều lúc quên đấm lưng cho mẹ nhưng tấm lưng đã mỏi mệt ấy vẫn ngày ngày che chở cho con qua sóng gió cuộc đời này.
Con cảm ơn mẹ, chưa bao giờ nói dành trọn tim mình cho con, nhưng con biết nếu một ngày tim con ngừng đập, mẹ sẽ sẵn sàng cho con trái tim của mẹ.
Con xin lỗi vì đã không thể thường xuyên ở bên mẹ những khi mưa gió, ốm đau.
Con cám ơn mẹ vì đã chưa bao giờ thôi ngóng trông con.
Con xin lỗi vì đã làm mẹ khóc nhiều vì con.
Con cảm ơn mẹ vì đã bao nhiêu năm rồi vẫn luôn ôm con trong vòng tay của mẹ, qua nghèo khổ, qua gian khó, qua nước mắt, đớn đau, qua bệnh tật và qua cả cuộc đời này.
Con xin lỗi vì dù con đã viết những dòng này, con vẫn mãi là đứa con bất hiếu của mẹ. Con không bao giờ có thể trả hết những hy sinh, yêu thương mẹ dành cho con. Con cũng chẳng bao giờ xứng đáng với tấm lòng của mẹ..
Con cảm ơn mẹ, vì cho dù thế nào mẹ vẫn sẵn sàng hy sinh và thương yêu con mà không hề đòi hỏi con phải làm gì cho mẹ…
Và mẹ ơi, con muốn nói với mẹ rằng:
“Mẹ là trăng nên trần gian chỉ một
Là bầu trời nên vũ trụ không hai
Mẹ huyền nhiệm như ngày đầu sáng thế
Như cam lồ dòng ngọt thuở xuân khai…”(*)
(*) Thơ Doãn Lê
Con cám ơn mẹ là mẹ của con…
Xin nguyện kiếp sau, con vẫn được là con của mẹ….
.
Lê Nguyên Vũ
.
Filed under: Mẹ, Tùy bút, Văn hóa | Tagged: Huyền Nhiệm Mẹ, Mừng Lễ Vu Lan, Tùy bút |
Trả lời