Chiếc Boeing lao vun vút lấy đà rồi nhấc mình bay bổng lên không trung khởi đầu cho hành trình về đất nước Phù Tang của cha con chúng tôi. Mẹ bé Ni đã bay trước hai ngày để tham dự một hội nghị tại Tokyo.Thế là tôi đành phải đơn thân độc mã, lãnh trọng trách “ phò ấu chúa”. Trước ngực địu con gái, lưng mang balô, tay phải cầm bình sữa, tay trái thủ sẵn đồ chơi, thắt lưng, túi áo dắt đầy kẹo mút, khăn lau…Thật là oai phong lẫm liệt! Triệu Tử Long, người anh hùng Đương Dương -Trường Bản năm xưa gặp tôi lúc này chắc cũng phải mấy phần kính nể.
Dù lu bu, tất tả nhưng tôi vẫn đủ thời gian để mơ màng về đất nước của Thái Dương Thần Nữ với một tình cảm thân thiết và gần gũi. Hội An – quê tôi và Nhật Bản có mối quan hệ “ tình thương mến thương” hàng mấy trăm năm về trước. Chúng tôi là dân Hội An nên mặc nhiên đã sống và hít thở một phần văn hóa Nhật Bản từ thuở nhỏ. Năm 6 tuổi , hình ảnh Chùa Cầu đã có trong tập vẽ của tôi. Món mì Cao Lầu, một sản phẩm của sự “ giao lưu văn hóa ẩm thực” Việt- Nhật – Hoa cũng là món khoái khẩu của đa số người phố Hội. Hàng năm, Hội An đều tưng bừng tổ chức lễ hội giao lưu văn hóa với các bạn Nhật Bản: Tà áo dài xen lẫn kimono khắp các con phố rêu phong, lồng đèn cá chép tung bay trong nắng sớm…đã trở nên quen thuộc với người dân phố cổ. Do vậy, tôi cảm thấy có hương vị quê hương mình trên đất nước viễn Đông này cũng không phải là điều khó hiểu.
Con đường tơ lụa lừng danh bắt đầu từ Trung Hoa, băng qua 1 chặng đường dài hơn 4,000 dặm (khoảng 6,500 km) trước khi đến Địa Trung Hải được nhiều người biết đến, nhưng ít ai biết một nhánh khác của con đường này là con đường tơ lụa trên biển. Từ Nhật Bản, các thương nhân ngày xưa muốn vào con đường tơ lụa đã đi dọc theo bờ biển Trung Quốc, xuống Việt Nam và ghé vào cảng Đại Chiêm (Cái tên hoành tráng quá thể!) tức Hội An ngày nay trước khi dong thuyền vòng qua Ấn Độ Dương, vào Hồng Hải để đến Địa Trung Hải. Hội An đã trở thành một trong những thương cảng sầm uất bậc nhất Châu Á với đủ quốc tịch trên thế giới đến đây buôn bán thương mại, giao lưu văn hóa .
Tôi ngỡ ngàng nhận ra trong muộn màng rằng thì ra chẳng phải đợi tới khi gia nhập WTO mà dân ta , trong đó có người dân Hội An đã thực hiện việc “ toàn cầu hóa” từ vài thiên niên kỷ trước. Có một niềm tự hào “không hề nhẹ” âm thầm trào dâng khi biết rằng quê hương mình đã từng là một phần quan trọng trên con đường đường tơ lụa, chiếc cầu nối đầu tiên và vĩ đại của các nền văn minh bậc nhất nhân loại.
Thế kỷ thứ XV, lần lượt người Hoa rồi người Nhật đến Hội An sinh sống, lập phố, dựng vợ gả chồng, sống hài hòa cùng dân bản địa.Tiếc thay, không được như người Hoa, mối duyên tình Việt – Nhật đến năm 1635 thì “ nửa đàng đứt gánh tương tư”. Người Nhật ở Hội An phải rời bỏ quê hương thứ hai của họ vì lệnh của Mạc Phủ Tokugawa cấm người Nhật buôn bán, giao dịch ra nước ngoài. Kiều dân Nhật đành phải khăn gói ra đi, nhiều cảnh chia lìa, gạt nước mắt tiễn đưa có lẽ cũng đã diễn ra trong những năm tháng này. Tuy nhiên, không phải ai cũng trở về cố quốc, một số đã lựa chọn vĩnh viễn ở lại phố cổ.
Cảm phục thay, 400 năm sau người Nhật vẫn không quên tiền nhân của họ. Hằng năm, họ vẫn đến Hội An để hương khói, tế lễ an ủi những vong linh tiên tổ.
Người Nhật cúng tế tiền nhân tại làng rau Trà Quế
Tôi nhìn người Nhật mà lòng đầy hổ thẹn vì không thể thắp cho tiền nhân của mình một nén nhang như họ đã làm. Người mà tôi muốn nhắc đến đây là một “cô dâu” Hội An – nàng là quận chúa Ngọc Vân – người Nhật gọi là quận chúa Anio. Cũng như thân phận của nhiều nàng công chúa khác trong thời phong kiến, để thiết lập liên minh quân sự-kinh tế với người Nhật, chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã gả nàng cho dòng họ Araki. Không biết nàng có được hạnh phúc với phu quân của mình hay không nhưng chỉ biết cuối cùng thì nàng đã theo chồng qua Nhật và không còn cơ hội về thăm cố quốc.
Ngày nay, người Việt qua Nhật đi du lịch, công tác cũng nhiều nhưng mấy ai còn nhớ đến có một nàng quận chúa Việt Nam đã nằm lại nơi này chứ nói chi đến việc thắp một nén nhang để tưởng nhớ thân phận của một cô hồn viễn xứ?
Hoàng hôn buông xuống trên bầu trời Tokyo, tôi nghe thoảng trong gió chiều câu hát ai oán, thương cho thân phận của quận chúa Anio, và chạnh nhớ đến thân phận của một vì công nương khác – Huyền Trân đời Trần:
“ Nước non ngàn dặm ra đi,
Mối tình chi!
Đền nợ Ô Ly…!!!”
Ôi, cái cảnh sinh ly tử biệt không chỉ riêng gì một nàng quận chúa mà đã trở thành nỗi đau chung của cả dân tộc Việt hơn 300 năm sau đó. Gió từ đại dương vẫn thổi vào…nghe mặn chát thân phận người.
Tiếng loa thông báo làm tôi choàng tỉnh giấc, thì ra mình vẫn còn đang ở trên máy bay. Bao nhiêu lo nghĩ biến mất nhường chỗ cho nỗi vui mừng, hào hứng trong ánh bình minh trên xứ sở Thái Dương Thần Nữ. Tôi khẽ nghiêng người qua ô cửa kính – Xin chào Nhật Bản!
.
Tokyo, tháng 4- 2014
Lê Nguyên Vũ
Filed under: Du lịch, Góc nhìn, Quà Tặng Cuộc Sống, Quê hương, Tùy bút, Thế giới đó đây | Tagged: Hội An, Nhật Bản - Việt Nam, Nhớ quê hương, Tùy bút |
Trả lời