Bõ Hai – Đỗ Nhựt Thư

              Bõ Hai cố nén tiếng rên, nỗi đau ghê gớm của căn bệnh nan y vào thời cuối cùng đã hành hạ bà xơ xác, mới 42 mà da bọc lấy xương, tóc rụng liên tu chỉ còn một ít xơ gầy. Bà đơn độc trong căn phòng nhỏ nơi nhà bếp nằm ở góc chùa mà ni sư Hạnh Tú đã ưu ái cho tá túc theo nguyện vọng tha thiết của bà khi xin làm công quả cho chùa, để ăn mày cửa Phật ngày hai bữa rau dưa, mong thoát khổ. Thế mà đã gần mười năm đăng đẵng, bà vẫn không thoát được, lương tâm lên tiếng, nỗi ân hận triền miên đã bám riết lấy bà.

https://i0.wp.com/media.thethaovanhoa.vn/2010/09/25/09/00/minh.jpg

   Bấc giác bà cất lên tiếng rên như từ vô thức:  – Mẹ ơi!  Hai dòng nước mắt rơi lả chả, rồi bà khóc tức tưởi, những ngày cuối đời nỗi nhớ mẹ cùng nỗi ân hận không nguôi đã dìm bà vào nỗi đau vô lượng.

   Hồi chuông báo buổi cầu kinh sáng đã xong, bà nghe tiếng chân đi nhẹ như bấc thân quen của ni sư trụ trì càng gần. Sư cầm bàn tay gầy héo của bà ân cần:

–  Có đỡ đau chút nào không con ?

   Hai tay bà lẩy bẩy ấp lấy tay sư đưa lên ngực đầy quý trọng, thều thào:

–  Dạ bạch sư bà … cũng đỡ.

   Sư Hạnh Tú thở dài, bà vuốt mái tóc xác xơ  của một người đồng giới với một tấm lòng đầy thương cảm.

–  Để ta bảo bõ Năm mua cháo cho con.

   Sư đi rồi, bà lại ngó lên tấm ảnh mẹ treo trên bức tường mốc cũ và lại khóc. Trong cơn mê mê tỉnh tỉnh bà nhớ lại những cái buồn trong cuộc đời đã ám ảnh triền miên, ngày ngày quay lại khiến bà nhanh suy kiệt.

 

*******

      Hai dấm dẳng với mẹ trống không:

–  Vào cấp ba bán công, cả em Ba, cần cả chục triệu, ai lo ? Nếu không có tiền học tôi xin đi bán quán nhậu.

   Mùi thắt ngực, 10 triệu ư ? lấy đâu ra. Tần tảo với cái quán nước mở trước nhà, lãi không đủ cho 3 mẹ con cô đắp đổi qua ngày, những khi 2 con vào đầu năm học, cô phải vay trả góp, 2 triệu phải trả 2 triệu tư, ngày góp 80 ngàn. Giờ cần cả 10 triệu, ôi chao, số tiền mà cô chẳng dám nghĩ đến. Nếu không, nó đi bán quán nhậu thật chứ chẳng chơi.  Nữ thập tam, nó đã 16, mà bọn trẻ bây giờ sống trong môi trường sôi động, tự nhiên nên nó phát triển sớm, lại đôi mắt lá răm kia, lại cái tính trăng hoa di truyền từ thằng cha nó kia,  không khéo thì hỏng sớm. Sao mà khốn khổ. Mới 35 mà cô sao khắc khổ. Cô lảo đảo nằm phịch xuống chiếc giường như răng rụng.

   Nỗi buồn dâng ứ. Ai cũng nói cô hiền. Mà cô hiền thật. Gái nông thôn cả một đời chăm chỉ cục bột, sống giản đơn, chấp nhận mọi điều đến với mình như là chuyện đương nhiên. Cái xã cô ở mang tiếng là nông thôn nhưng lại là xã thuộc thị xã, lối sống nửa tỉnh nửa quê.

   Lấy chồng, thấy mến mến là đến, chẳng yêu đương sâu sắc gì. Chồng làm thợ hồ ngày nào cũng rượu, người hôi như cú, khuya về vật vợ hùng hục giải quyết bản năng, Mùi cũng không phản đối, lòng không vui không buồn. Những bận chồng đi làm xa cả tuần về Mùi cũng chẳng ân cần cơm nước, chẳng chải chuốt thơm tho.

   Sinh đứa con gái thứ hai chồng cô lực bực:

–  Mẹ! Đàn bà chi mà không biết đẻ. Tau tìm vợ khác kiếm thằng con trai.

   Tưởng hắn nói chơi ai ngờ hắn làm thật, đến lúc hắn ngang nhiên dắt con mụ ấy về nhà qua đêm, Mùi cũng chẳng phản ứng, chỉ khóc. May mà ngôi nhà cấp 4 này do cha mẹ Mùi cho đất, anh em cho tiền dựng lên, nhất là anh hai Thân, mẹ mất sớm, thương em gái thua thiệt, thế mà hắn định chia hai, anh cô phải nhờ chính quyền giải quyết. Hắn đi biệt.

   Hai mới lên 3, đứa em lên 1, tất cả đổ lên người phụ nữ trẻ trung nhưng cạn nghĩ.

 

        Hai đi bán thực, nhưng việc đó chỉ xảy ra sau khi em vào học lớp 10 được 3 tháng. Hai bỏ học, em không chịu nổi ánh mắt rẻ khinh, lời châm chọc độc địa của lũ bạn có hoàn cảnh may mắn hơn em:

–  Hay gì cái nhà cha bỏ vợ, mẹ giành chồng thiên hạ.

    Sau bận bị đánh ghen liệt giường, lại bị Hai sa sả chửi, rồi Hai  đi bán quán nhậu, đứa con gái sau cũng bỏ học, cả ngày nó tụ bạ với bạn bè, sống tụ bạ. Mùi xin vào chùa sư nữ sống qua ngày, mọi chuyện nhờ anh hai mình giải quyết, “ sẩy cha còn chú ”, thế mà ông cũng bó tay, Nhưng kinh kệ vẫn không làm cho người phụ nữ quê mùa nhẹ nhõm, nỗi thương con, nỗi đau tội lỗi khiến bà càng đắm sâu vào tự kỷ, ngày ngày lẩn thẩn mãi câu tự trách mình.

 

      Năm 49 nhớ ngày giỗ mẹ,  bà về lại ngôi nhà cũ của mình làm chén cơm con cá dâng cúng, lại bị Hai chì chiết vì những chuyện xưa cũ làm đời nó bất hạnh, đến cả đứa cháu ngoại mới 12 không vào nổi lớp 6 cũng lại bỏ học, nghiện game, lại sống vạ vật, bà khóc như mưa. Vợ chồng Hai bực bội bỏ đi.  Hai thảng thốt về khi cô được báo tin mẹ quyên sinh. Cậu hai ngậm ngùi với nó:

–  Vì hai đứa bây mà em tau khổ, chừ lại tự ý ra đi. Bọn mày là lũ đại bất hiếu, chỉ vì mười triệu lo cho lũ con vào học mà nó phải chấp nhận cái hậu quả tày đình. Hư… hư… Mùi ơi !

Hai há hốc, mặt mày tái mét rồi bỗng xỉu.

 

        Từ đó cô lạnh nhạt hẳn với thằng chồng ba vạ, sống gần như cư sĩ. Cô với hắn đến với nhau kiểu già nhân ngãi như lối sống lúc này. Thích thì như vợ chồng, không thích thì bỏ đi sống với đứa khác, nhẹ tênh. Chỗ ở của bọn Hai là nhà của mẹ, cái quán nước Hai mở thêm vé số bề ngoài, thực sự là bán số đề là chính – dân mình hình như có máu mê đề đóm, Hai lại ranh, nhờ thế mà bọn Hai sống khá nhàn hạ.

   Hai lại sinh một gái, không chịu sinh thêm, con bé lại hư đốn, ngày ngày thằng chồng cứ rượu vào là chửi bới, thế là cãi nhau như chó với mèo, rồi đánh nhau như cơm bữa. Hắn  bỏ đi thời gian rồi lại dẫn về một con mắt xanh mỏ đỏ, ngang nhiên sống trong nhà Hai. Không được như cha vợ, hắn chạy chọt thế nào mà được chia nửa căn nhà, do ngôi nhà đã được Hai và hắn nâng cấp, làm giấy tờ. Không chịu nổi Hai bỏ tất cả để xin vào ngôi chùa mà mẹ mình từng ở nhờ, lại nằm đúng chiếc giường ngày nào mẹ đã nằm.

 

*******

 

   Ni sư Hạnh Tú vuốt đôi mắt không chịu nhắm của bõ Hai:

–  Nam mô A di đà Phật.

   Nam mô Đại từ đại bi cứu khổ cứu nạn Quán thế âm bồ tát.

 

       Đôi mắt của người đã mất vẫn không chịu khép lại, từ trong hố mắt ứa ra 2 giọt lệ. Có lẽ bà khóc cho số phận những phụ nữ nông thôn nghèo khổ, ít học, sống giản đơn và lại chẳng có chỗ nào để dựa nên gặp nhiều bất hạnh như mình./.

.

 Đỗ Nhựt Thư

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Banmaihong's Blog

Nơi Đây Nắng Ban Mai Hồng Reo Vui

Blog Chuyên Anh

Nurturing Language Talents