• Bài viết mới

  • Thư viện

  • Chuyên mục

  • Tag

  • Join 1 049 other subscribers
  • Bài viết mới

  • Blog – theo dõi

  • Enter your email address to follow this blog and receive notifications of new posts by email.

    Join 1 049 other subscribers

Xin ông Trần Đăng Tuấn đừng xem Vua đầu bếp!

(GDVN) – Ngay sau khi phát sóng chương trình Vua đầu bếp, một nhà báo đã viết trên Facebook: Không muốn nâng quan điểm việc này, nhưng tự hỏi: Nếu ông Trần Đăng Tuấn còn làm Phó tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, thì liệu ông có cho phát sóng hình ảnh “hủy hoại bánh xèo”?

 

Luke Nguyễn của chương trình Vua đầu bếp (MasterChef Vietnam) tức giận đổ cả đĩa bánh xèo của thí sinh vào sọt rác.

 

Khi giám khảo Luke Nguyễn của chương trình Vua đầu bếp (MasterChef Vietnam) tức giận đổ cả đĩa bánh xèo của thí sinh vào sọt rác, thí sinh Anh Thư đã cảm thấy như mình không còn sống: “Cảm giác lúc đấy giống như một phần nào đó trong con người tôi đã chết đi vì mình quá đau đớn… Mọi thứ đã sụp đổ hết vì không còn gì để cảm thấy tin vào chính mình nữa”.

 

Nhưng không chỉ có thí sinh đau đớn. Ngay cả đối với một đất nước có lượng xuất khẩu lúa gạo lớn nhất thế giới như Việt Nam, thì một bát cơm thiu, cũng chưa bao giờ được coi là rác. Nó sẽ được tận dụng cho gia súc, gia cầm. Nhưng hãy khoan nói về gia súc, gia cầm, bởi rất nhiều người nuôi chúng, vẫn đang còn phải kêu cứu vì không thể có đủ ngày ba bữa cơm rau.

 

Bộ NN&PTNT đã tung ra một kết quả điều tra về đời sống của 75.000 hộ, 324.600 nhân khẩu, trong đó không ít người ở nhiều vùng của đất nước đang phải sống ở mức thu nhập không tin nổi: 12.000 đ/ một ngày.

 

Nếu trừ đi tất cả các khoản khác: Ma chay, cưới hỏi, học phí cho con, ốm đau, thì có lẽ chi phí cho việc ăn cả một ngày của họ chỉ là 3-4 ngàn đồng, không bằng 1/3 giá trị của đĩa bánh xèo bị vị giám khảo đổ vào thùng rác.

 

Một người mẹ ở Cà Mau đã phải treo cổ tự tử để lại 3 con thơ, cũng chỉ vì gánh nặng miếng cơm manh áo lần hồi từng bữa.

 

Miếng cơm cũng đã khiến những bệnh nhân hiền lành và đang tuyệt vọng ở bệnh viện K (ung bướu), bỗng trở nên “đáng sợ” đến nỗi họ gần như tranh cướp nhau những suất ăn miễn phí. Một nhà thiện nguyện đã phát biểu rằng: “Tôi ứa nước mắt khi nhìn thấy cảnh ấy và sau đó nỗ lực tìm mọi cách tìm kiếm thêm tài trợ để họ khỏi phải tranh cướp. Đau lòng lắm”.

 

Hình ảnh một đại gia đi ô tô khoái trá vãi kẹo xuống đường cho trẻ em nghèo ở Hà Giang, đã làm dư luận phẫn nộ. Nhưng sau khi phẫn nộ, họ đau đớn: Chiếc kẹo nhỏ nhoi mà con nhà giàu có thể dùng để ném nhau, lại trở thành những bữa đại tiệc của biết bao trẻ em nghèo miền núi. Những em bé này có nuốt nước miếng khi nhìn thấy đĩa bánh xèo bị vứt vào thùng rác?

 

Luke Nguyễn là người giàu có và thành đạt. Ở Úc, anh có cả những nhà hàng sang trọng, sang trọng đến độ nếu có vứt đi cả ngàn chiếc bánh xèo, thì cũng chẳng có nghĩa lí gì. Và người Mỹ cũng không phẫn nộ khi giám khảo Vua đầu bếp của họ thẳng tay đổ thức ăn vào sọt rác.

 

Nhưng Việt Nam không phải là Mỹ, Úc. Hàng triệu người Việt cũng không giàu như Luke Nguyễn. Một Việt Kiều như Luke có thể không hiểu rõ văn hoá coi trọng hạt gạo ở Việt Nam, trân quý gọi hạt gạo là Ngọc Thực, nhưng những người làm truyền hình đang sống giữa xứ xở này, thì phải hiểu điều đó. Cũng giống như tiền, 200 đ bây giờ không mua nổi 1 cọng hành, nhưng ai hủy hoại đồng tiền 200 đ đó vừa phạm tội hình sự vừa vi phạm đạo đức và xúc phạm dân nghèo.

 

 

Ngay sau khi phát sóng chương trình Vua đầu bếp, một nhà báo đã viết trên Facebook: Không muốn nâng quan điểm vụ việc này, nhưng tự hỏi: Nếu ông Trần Đăng Tuấn còn làm Phó tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, thì liệu ông có cho phát sóng hình ảnh “hủy hoại bánh xèo”?

 

 

Một câu hỏi khó, nhưng chắc chắn ông Trần Đăng Tuấn sẽ có câu trả lời. Mấy năm rồi, ông và những cộng sự không lương đã âm thầm vận động xã hội quyên góp từ 2.000 đồng trở lên, vì ông biết rằng, chỉ cần có 2.000 đ/ bữa cơm là nhiều trẻ em nghèo được biết mùi thịt mỡ.

 

Nhưng ông Trần Đăng Tuấn đã không còn có vị trí gì ở Đài Truyền hình nữa, nên có muốn cắt hình ảnh phản cảm đó, cũng không được.

 

Vì thế, lời khuyên sáng suốt nhất trong thời điểm này là ông Tuấn và những đứa trẻ đang mong từng bữa cơm có thịt, đừng xem Vua đầu bếp nữa.

Bởi nếu thấy hình ảnh ấy, biết đâu ông lại gặp phải cái cảm giác khủng khiếp “đau đớn như chết đi một phần con người” của thí sinh Anh Thư khi nhìn thấy “tác phẩm” của mình bị quăng vào sọt rác.

 

Bùi Hải

Báo Giáo Dục Việt Nam

2 bình luận

  1. Những cuộc chơi mang đẫm tính văn hóa, nhưng lại phô bày rất nhiều chi tiết phản văn hóa, và chúng vẫn tiếp tục “ra mắt” cho hàng triệu khán giả màn ảnh nhỏ xem. Đó là chuyện thường ngày đều đều có mặt ở tầm nhìn Việt Nam !

    Thích

  2. Chuyện thường ngày ở xứ ta đáng buồn thực đó Anh Anh Mã! Còn một số không ít những hiện tương phi văn hóa hay phản văn hóa trong những chương trình biểu diễn, cuộc chơi, cuộc thi như vậy: phản cảm lố lăng, nhăng nhít từ ngôn ngữ đến phục trang và thái độ…. Ví dụ như trong Bước Nhảy Hoàn Vũ 2011, có một nhạc sĩ nổi danh phát biểu hết sức kỳ quái, linh tinh!Scandal dàn xếp tỉ số của Phương Uyên với The Voice, hay trong một chương trình từ thiện tháng 11 năm trước, Mr Đàm hôn bậy một tu sĩ khiến ngưới ta ngỡ ngàng. …. Ôi thôi còn nhiều trò lố bịch khác mà!

    Thích

Gửi phản hồi cho Huỳnh Huệ Hủy trả lời

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Banmaihong's Blog

Nơi Đây Nắng Ban Mai Hồng Reo Vui

Blog Chuyên Anh

Nurturing Language Talents