Các Khái Niệm Chủ Yếu Trong Phật Giáo

Trong một quyển sách nhỏ « Phật Giáo Nhập Môn » (ABC du Bouddhisme, nhà xuất bản Grancher, 2008), tác giả Fabrice Midal đã dành riêng một chương (chương 7, tr.123-137) để tóm lược thật ngắn gọn một số các khái niệm căn bản giúp chúng ta ôn lại những gì thật thiết yếu trong giáo lý nhà Phật.

.

Hình bìa quyển sách « Phật Giáo nhập môn » và tác giả Fabrice Midal
.

Các Khái Niệm Chủ Yếu Trong Phật Giáo

.

Các khái niệm trong giáo lý Phật Giáo không phải là những gì được soạn thảo một cách trí thức nhằm vào mục đích nghiên cứu, mà đúng hơn là một số phương tiện giúp chúng ta nhìn thấy chính xác hơn sự hiện hữu của chính mình. Do đó thiết nghĩ cũng nên dành ra chút thì giờ để suy nghĩ về từng khái niệm một hầu lắng nghe tiếng vang của chúng trong tim ta và để cảm thấy sự thôi thúc của chúng luôn nhắc nhở chúng ta nên cố gắng bằng cách nào để thay đổi cách nhìn của mình về những kinh nghiệm cảm nhận của chính mình.

Cõi Luân Hồi – Samsara

Chữ samsara của Phật Giáo đã đạt được nhiều thành quả thật bất ngờ trong thế giới Tây Phương. Nhiều xí nghiệp đã mượn chữ này để làm thương hiệu và chữ này cũng đã được dùng để đặt tên cho một loại nước hoa đắt tiền. Tóm lại là chữ samsara (cũng xin lưu ý là người Tây Phương không dịch chữ samsara mà giữ nguyên gốc tiếng Phạn) được hiểu như là những gì thật tích cực. Thế nhưng đúng ra thì chữ ấy lại có nghĩa là một cái vòng xoay vần bất tận của khổ đau nhằm trói buộc tất cả chúng ta. Cái bánh xe của sự hiện hữu ấy buộc chặt chúng ta vào các xu hướng của chính mình khiến chúng ta luôn phải gánh chịu những gì xảy ra ngoài sự mong muốn của mình. Chẳng hạn như chúng ta luôn bị xô đẩy vào hết cảnh huống này sang cảnh huống khác trước sự bất lực của chính mình. Theo các kinh sách xưa thì cái bánh xe của sự hiện hữu ấy được phân chia thành sáu cảnh giới, biểu trưng cho sáu loại ngục tù như sau :

* Địa ngục : trong cõi này thực phẩm vun bồi cho chúng sinh là sự giận dữ và hận thù. Nếu rơi vào cõi đó thì chẳng những chúng ta luôn bị chi phối bởi sự giận dữ mà bối cảnh chung quanh cũng luôn tạo ra những mối đe dọa khiến chúng ta không còn nhận biết được là mình đang giận dữ hay là đang lo sợ.

* Thế giới của ma quỷ đói khát (preta) : Trong cõi này lan tràn một tình trạng đói khát vô cùng nghiệt ngã. Tất cả đều chỉ là thèm khát và bất lực : thực phẩm, của cải, tiền bạc, giao du…, tất cả những thứ ấy không thể mang lại được một sự thỏa mãn nào. Các loại ma quỷ đói khát đó (preta) là các chúng sinh có một cuống họng teo nhỏ như một cái kim, thế nhưng cái bụng thì lại to tướng, to đến độ không có bất cứ gì có thể làm giảm bớt đi sự thèm khát bất tận. Cũng không khác gì cách nói « con mắt to hơn cái bụng », trong cái thế giới đó chúng sinh luôn bị đày đọa bởi sự bất toại nguyện.

* Thế giới của súc vật : đấy là thế giới của sự u mê xô đẩy chúng ta rơi vào một cái hang thật sâu khiến chúng ta không còn trông thấy gì cả. Chúng ta cứ bước đi thế nhưng lại không biết là mình đang đi về đâu. Sự hiện hữu ấy thật căng thẳng, một mặt thì lo sợ sẽ bị nuốt sống, một mặt thì lại thèm khát muốn được ăn. Thế giới ấy ngập tràn lo âu, thiếu mọi sự nhận định sáng suốt, nói chung là một thế giới đầy đe dọa.

* Thế giới của con người : đấy là thế giới của sự bất toại nguyện triền miên thúc đẩy con người thèm muốn đủ mọi thứ, thế nhưng lại chẳng bao giờ tìm thấy sự hài lòng. Chúng ta lúc nào cũng khao khát muốn đạt được một cái gì khác hơn, luôn tìm cách cân nhắc và lựa chọn những gì hiển hiện ra với chúng ta, khiến chúng ta luôn vướng mắc vào các cảnh huống bất định gây ra bởi tình trạng xao lãng của mình.

* Thế giới của các chúng sinh đại ganh ghét (asura) : thế giới này cũng chẳng khác gì với khu Wall Street (khu vực sinh hoạt chứng khoán của thành phố Nữu Ước)! Chúng sinh trong cái thế giới đó lâm vào một cuộc chiến bất tận. Đấy là cái thế gìới bị chi phối bởi sự ganh ghét, tranh dành và mọi thứ xu hướng, tất cả luôn thúc đẩy họ phải ganh đua với nhau để chứng tỏ mình là người giỏi nhất. Đấy là thế giới của sự ganh ghét triền miên, và trong cái thế giới ấy chỉ có hiệu quả là đáng kể mà thôi.

* Thế giới của các vị trời (deva – thiên nhân) : thường được hiểu lầm là một thế giới ưu đãi và cao sang. Đặc tính tiêu biểu nhất của thế giới này là một thể dạng cực lạc triền miên. Thế nhưng thật ra thì cái thể dạng ấy thiếu hẳn chiều sâu. Chúng sinh trong thế giới này thật giàu có, họ luôn chuyển từ sinh hoạt này sang sinh hoạt khác, hết cách giải trí này sang cách thụ hưởng khác, chẳng khác nào như đang bị giam hãm trong một khung cảnh đầy tiện nghi thế nhưng những tiện nghi ấy lại không mang một ý nghĩa nào cả (tác giả so sánh thật khéo léo cảnh huống của những người giàu có và sang trọng trong xã hội chúng ta, hay biết đâu tác giả cũng ám chỉ một cách thật tinh tế bản chất của thiên đường hay cõi cực lạc ?).

Đấy cũng là cái vòng lẩn quẩn mà nơi đó liên tục xảy ra một sự chuyển đổi từ hết thể dạng này sang thể dạng khác. Sự chuyển đổi đó có thể xảy ra giữa hai kiếp sống khác nhau, hoặc cũng có thể xảy ra qua từng khoảnh khắc một trong một kiếp sống. Sự xoay vần đó không bao giờ ngưng nghỉ. Một số thể dạng có vẻ như dễ chịu, một số khác thì lại mang tính cách khổ đau. Dù sao thì trên phương diện Đạo Pháp (Dharma) cũng chẳng có gì khác biệt giữa các thể dạng ấy (tất cả đều là khổ đau, sâu xa và kín đáo hay lộ liễu thế thôi). Dù có sơn các song cửa sắt của một nhà tù bằng màu nào thì cũng không làm thay đổi được gì cả. Điều quan trọng hơn hết là phải thoát ra khỏi cái cảnh ngục tù ấy.



Niết bàn – Nirvana

Niết bàn là một thể dạng mà tất cả mọi khổ đau đều được loại bỏ. Thế nhưng thông thường thì kinh sách lại không đề cập nhiều đến cái thể dạng ấy – lý do là vì đấy là một thể dạng không thể diễn tả được bằng các thuật ngữ và các kinh nghiệm cảm nhận thông thường. Điều thiết yếu là phải bước theo Con Đường trước đã. Ước mơ đạt được niết bàn thật ra chỉ là cách thúc đẩy chúng ta nuôi dưỡng sự lầm lẫn bất tận của mình mà thôi. Tóm lại là không nên nhắm vào bất cứ một mục đích nào mà chỉ nên cố gắng luyện tập thiền định và học hỏi Đạo Pháp, có nghĩa là những gì đang thúc bách chúng ta tại nơi này và trong từng giây phút này. Niết bàn là một thể dạng của tâm thức khi mà nó không còn có gì để phải làm nữa. Đấy là thể dạng không sinh, không tạo tác, không còn bị trói buộc bởi bất cứ một điều kiện nào. Không hư vô. Không hiện hữu. Vượt lên trên cả sự an bình cũng như mọi hình thức xung đột.


Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Banmaihong's Blog

Nơi Đây Nắng Ban Mai Hồng Reo Vui

Blog Chuyên Anh

Nurturing Language Talents