Vu Lan Đọc “Nhị Thập Tứ Hiếu” – Doãn Lê

Ban Mai Hồng xin giới thiệu một bài viết luận  bàn về  tác phẩm NHỊ THẬP TỨ HIẾU rất sâu sắc, giàu  ý nghĩa giáo dục về “hiếu hạnh” trong nét đẹp văn hóa và là đạo lý của dân tộc ta.

https://i0.wp.com/images.yume.vn/buzz/20110809/hi%E1%BA%BFu.jpg

Vu Lan Thắng Hội không chỉ là một trong những đại lễ của Phật giáo mà còn là ngày truyền thống chung của dân tộc nhằm tôn vinh và phát huy lòng hiếu hạnh của con cháu, báo đáp ân sâu cha mẹ, ông bà, một trong tứ trọng ân mà mỗi người con Phật phải luôn luôn ghi nhớ và thể hiện tốt đẹp trong từng suy nghĩ và hành động của mình.

Trong Nho giáo lòng hiếu thảo của con cái cũng được xem là một trong những phẩm chất cao quý của con người. Tuy nhiên quan niệm về đạo hiếu giữa Phật giáo và Nho giáo không phải luôn luôn đồng nhất trong cả triết lí và cách thức thể hiện trong cuộc sống, thậm chí đôi khi còn mâu thuẫn, đối nghịch nữa là đằng khác. Thật vậy, với quan niệm “Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại” (Bất hiếu có ba điều, không con nối dõi là tội lớn nhất), giới Nho gia đã từng công kích hàng tăng già Phật giáo là những kẻ “đại bất hiếu”, là “một tổ chức phi xã hội, hay phản xã hội”  (GS Minh Chi-Quan hệ giữa Phật giáo và Nho giáo tại Việt Nam, Báo GN số 72). Người viết xin giới hạn những nhận định về đạo hiếu qua tác phẩm NHỊ THẬP TỨ HIẾU, một tác phẩm tiêu biểu, từng đựơc xem là khuôn vàng thước ngọc cho lòng hiếu thảo của con cái theo tư tưởng Nho giáo để có một cái nhìn thêm phần ý nghĩa về ngày Vu Lan Thắng Hội.

https://i0.wp.com/vnthuquan.net/diendan/upfiles/9566/FA3ACF497E5F405E9CD56BE17726DA46.jpg

Ngu Thuấn  (minh họa hiếu cảm động trời)

https://i0.wp.com/vnthuquan.net/diendan/upfiles/9566/4149B6A20BDF413CA335FD60FEEA1205.jpg

Mẫn Tử Khiên

Nhị Thập Tứ Hiếu do Quách Cư Nghiệp đời Nguyên (1277-1367) soạn ra, kể chuyện 24 người con có hiếu ngày xưa ở Trung Quốc, trên từ hàng vua, chúa, quan quyền (Vua Thuấn, Văn Đế, Kiềm Lâu, Châu Thọ Xương…), hạng Nho gia (Thầy Tăng Sâm, thầy Tử Lộ…), dưới đến hạng thứ dân nghèo khổ (Khương Thi, Quách Cự…). Đến đời Gia Long triều Nguyễn, tác phẩm trên được cụ Lý Văn Phức, từng làm quan 3 triều Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, một bậc túc nho, uyên bác diễn ra quốc âm bằng thể thơ song thất lục bát.

http://hncgroup2012.files.wordpress.com/2012/08/3-tu-hieu-2.jpg

Điểm đầu tiên chúng ta nhận thấy qua tác phẩm Nhị Thập Tứ Hiếu là các bậc Nho gia muốn đề cao và thăng hoa lòng hiếu thảo. Bất kể ai, hoàn cảnh nào, giai cấp nào của xã hội cũng có thể làm tròn đạo hiếu nếu có tâm thành. Mỗi truyện kể về một người con hiếu hiển hiện như một bài học luân lí nhằm giữ cái gốc của đạo đức (Hiếu đức chi bản dã, giáo chi sở do sanh dã)

Có những câu chuyện thực sự gây xúc động như chuyện Mẫn Tử Khiên, thầy Tăng Sâm, thầy Tử Lộ… Có những câu chuyện pha lẫn chút thần thoại, có sự can thiệp của các đấng siêu nhiên vì “đã động hiếu tâm đến trời” (Kiều) như Mạnh Tông khóc măng, Đỗng Vĩnh dệt lụa, Vương Tường nằm trên băng, Khương Thi suối tuôn, cá nhảy…Cũng có những cách thể hiện lòng hiếu thảo thật…lạ kỳ và  hơi…bất bình thường như chuyện Lão Lai 70 tuổi, mặc áo quần lòe loẹt múa may, bưng nước giả té, khóc oe oe như con nít lên ba để cha mẹ vui. Hoặc như Đường Thị cho mẹ chồng bú hằng bao nhiêu năm vì bà quá già, rụng hết răng, không ăn cơm được (sữa đâu nhiều thế? taị sao bà lại không thể húp cháo nhỉ?). Hoặc như Ngô Mãnh tám tuổi, cởi trần hằng đêm cho muỗi đốt, hút máu mình để chúng khỏi …đốt cha mẹ (không hiểu lũ muỗi có làm theo ý Ngô Mãnh không, và cha mẹ Ngô Mãnh – chắc còn trẻ khỏe vì ngày xưa thường lập gia đình sớm – có ngủ ngon được không khi để con thơ “hiến máu nhân đạo” như thế).

Có thể đây chỉ là sự cường điệu hơi thái quá để nói rằng dù báo hiếu cách nào cũng không đền đáp được công ơn biển trời của cha mẹ. Chúng ta vẫn có thể chấp nhận được vì đó chỉ là những “tấm gương hiếu hạnh” để ta học tập làm theo. Làm được một phần trăm, phần ngàn như thế cũng quý lắm rồi.

Tuy nhiên có một ít câu chuyện rất phản cảm, có thể gây ra những phản tác dụng về khía cạnh khác của đạo đức. Trong số đó có lẽ câu chuyện gây sốc cho chúng ta nhất là chuyện “Quách Cự Vị Mẫu Mai Nhi” (Quách Cự vì mẹ, chôn sống con thơ), vì với tinh thần của một Phật tử chúng ta sẽ cảm thấy phân vân đó có phải thật sự là lòng hiếu thảo hay không, và tất nhiên dù ở thời đại nào con người cũng không thể chấp nhận để làm theo được.

Chuyện kể rằng Quách Cự nhà nghèo thiếu gạo, thờ mẹ rất hiếu, có một đứa con lên 3 tuổi, nghĩ con mình ăn bớt phần của mẹ, sợ mẹ đói nên bàn với vợ đem chôn sống đứa con. Khi đào hố để chôn thì gặp được một hũ vàng trời dành cho “người con hiếu Quách Cự”. Hai vợ chồng lại đem con về.

Quách Cự chôn con cho mẹ

Không nói đến cái chuyện hũ vàng kia, hành động thể hiện lòng hiếu thảo của vợ chồng Quách Cự bằng cách chôn sống đứa con 3 tuổi vô tội (nhưng đối với Quách Cự là có tội) còn ẵm ngửa, ăn mỗi bữa nhiều lắm cũng chỉ nửa chén cơm, có nên được ca ngợi hay không? (Thế mà  được ông trời thưởng cả hũ vàng!) Ngoài cách chôn sống con mình, vợ chồng Quách Cự không thể tìm được giải pháp nào khác sao? Cùng lắm vợ chồng Quách Cự sao không âm thầm tự lóc thịt mình để nuôi mẹ như nàng Thoại Khanh đã từng làm cho mẹ chồng, hay như Giới Tử Thôi đời Đông Châu Liệt Quốc từng làm cho Trùng Nhĩ (Tấn Văn Công) dù đó là giải pháp tạm thời, còn hơn là giết con? Hoặc tại sao không làm như Đỗng Vĩnh “mại thân táng phụ”, một trong hai người bán mình làm gia nô để lấy tiền nuôi mẹ. Chỉ nói riêng về mặt đạo đức Nho giáo thì việc vợ chồng Q. Cự chôn sống con mình cũng đã bôi mờ đi cái “công cha như núi, nghĩa mẹ như nguồn” với con cái. “Hùm dữ còn chẳng nỡ ăn thịt con”, vợ chồng Q. Cự còn nhân tính không? Đã không có nhân thì làm sao có hiếu, bởi vì “Nhân là Trung và Thứ, là đạo đối với người. Nó là trung tâm của đạo đức theo Khổng Tử, từ đó mà phát ra các đức khác. Nó bao gồm hiếu, trung, nghĩa” (Nguyễn Hiến Lê, Khổng Tử, tr. 193-194). Trên đời này có người mẹ nào tán tận lương tâm đem chôn sống đứa con thơ vô tội của mình không? Nếu không phải bị tâm thần thì vợ Q.Cự quả là “Đàn bà dễ có mấy tay. Đời xưa mấy mặt, đời này mấy gan?” (Kiều).

Là Phật tử, chúng ta còn thấy rằng hành động của vợ chồng Q. Cự là một hành động bất hiếu. Vì sao? “Bởi vì người con không hiểu lý nhân quả, chỉ biết vun bón hạnh phúc thế gian cho cha mẹ, mà không biết mình có thể tạo ác duyên như sát sanh, hại vật…vô tình khiến cha mẹ chịu quả bất thiện ở tương lai” (Thích Thông Huệ-Truyền thống Vu Lan báo hiếu- GN 134). Do vậy, dù mẹ của Q.Cự không trực tiếp nhúng tay vào việc giết cháu, việc làm của Q. Cự cũng đã đưa bà vào nghiệp ác này. Và nếu bà biết được hành động dã man ấy của Q. Cự thì bà có nuốt nổi miếng cơm nhỏ của cháu mình để lại không? Cần lưu ý rằng mẹ của Q. Cự rất yêu cháu nội vì bà luôn bớt cơm của mình cho cháu ăn. Hành động này đã vô tình khiến Q. Cự giết con. Thấy vắng cháu trong bữa ăn, tất nhiên bà sẽ hỏi, Q.Cự phải nói dối, và liệu dối bà được bao lâu? Một ngày, hai ngày? Đến khi bà biết được sự thật cháu mình đã bị chôn sống vì mình thì liệu bà có thể sống được không? Cứ cho rằng Q. Cự vì quá hiếu với mẹ mà không thương xót đứa con, và không bị lương tâm dày vò, thì ông ta cũng chỉ thấy cái lợi trước mắt là dư thêm được ít cơm cho mẹ và kéo dài được bao lâu với hoàn cảnh nghèo đói như thế, mà không thấy có thể làm cho mẹ mình đau khổ và chết trong tương lai không xa sau đó. Nên việc giết con của Q.Cự không những là thiếu nhân tính, mà còn do sự ngu muội, thiển cận nữa.

Có người cho rằng dù sao vợ chồng Q. Cự cũng chưa giết con nên không gây tội ác. Giả dụ như không có cái hũ vàng “trời giáng” ấy thì Q.Cự nhất định sẽ chôn sống con mình, điều đó là hiển nhiên. Kinh nói: “Ý dẫn đầu các nghiệp”, nên dù chưa thực hiện hành vi tội ác, vì lí do khách quan chứ không phải do sự hối cải của tâm, nghiệp ác của Q.Cự cũng đã dấy khởi. Tây phương cũng có đồng quan điểm khi nói “Tư tưởng là hạt giống của hành động” (Thought is the seed of action). Ngay trong Nho giáo ta cũng thấy rõ tư tưởng “nhất thiết duy tâm tạo” khi đức Khổng Tử nói: “Nếu tâm không có ở đây thì nhìn mà không thấy, nghe mà không biết, ăn mà không hay mùi vị” (Tâm bất tại yên, thị nhi bất kiến, thính nhi bất văn, thực nhi bất tri kỳ vị). Ý nghiệp là quan trọng nhất trong tam nghiệp. Vậy cái ý chôn sống con của vợ chồng Q. Cự đã là một tội đại ác rồi.

Đạo hiếu của Nho giáo nhìn chung, là những hành vi đạo đức của con cái đối với cha mẹ ở thời hiện tại: phụng dưỡng vật chất, an ủi tinh thần khi người còn sống, phụng thờ hương khói khi người quá vãng với một tấm lòng tôn kính, bởi vì “Hiếu ngày nay gọi là có thể nuôi được cha mẹ, đến như giống chó, giống ngựa đều có người nuôi, nuôi mà không kính thì lấy gì phân biệt” (Kim chi hiếu dã, thị vi năng dưỡng, chí ư khuyễn mã giai năng hữu dưỡng, bất kính hà dĩ biệt hô – Khổng Tử, Luận Ngữ). Nho giáo còn đòi hỏi ở một người con hiếu phải biết gìn giữ bản thân, nuôi chí lập thân làm vẻ vang cha mẹ, không a tòng với cha mẹ làm điều bất nghĩa, phải sanh con đẻ cái nối dõi tông đường. Tóm lại, mọi hoạt động, hành vi hiếu thảo của con cái chỉ nhắm đến việc báo ân cha mẹ ở đời hiện tại, như Khổng Tử trả lời thầy Tử Lộ khi hỏi về linh hồn sau cái chết, rằng “Sự sống còn chưa biết, sao biết được sự chết” (Vị tri sinh, yên tri tử).

Đạo hiếu trong tư tưởng Phật giáo không dừng lại ở việc báo ân cha mẹ trong đời hiện tại mà còn cả trong đời quá khứ và vị lai. Kinh Nhẫn Nhục dạy: “Điều lành cao tột chẳng gì bằng hiếu, điều cực ác là bất hiếu vậy”. Trong kinh Hiếu Tử Phật dạy: “Nếu không thể dùng ba Ngôi Báu khuyến hóa cha mẹ thì người con tuy có hiếu đủ đường cũng vẫn là bất hiếu”. Kinh Bất Tư Nghì Quang dạy: “Hướng dẫn cha mẹ quay về Chánh Pháp mới thực là báo hiếu”. Đối với người Phật tử làm tròn đạo hiếu không chỉ phụng dưỡng cha mẹ ở đời hiện tại, mà còn phải biết hướng cha mẹ thọ Tam quy, trì Ngũ Giới, bỏ ác làm lành. Các bậc sa môn xuất gia, truyền thừa sứ mệnh hoằng pháp lợi sanh, là những người thực hiện đạo hiếu xuất thế gian, cao cả nhất, cùng tột nhất báo ân cha mẹ không chỉ ở đời hiện tiền mà còn từ bao đời trong quá khứ.

Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật. Ngày Thắng Hội Vu Lan chúng ta cùng ngưỡng vọng đức Mục Kiền Liên, một tấm gương đại hiếu sáng ngời ba cõi, nguyện theo bước Ngài giữ tròn đạo hiếu như lời Phật dạy. Và hãy cùng đọc lại Nhị Thập Tứ Hiếu, dù có bó hẹp trong tư tưởng Nho giáo, nhưng hầu hết vẫn là những bài học đạo đức đáng quý về lòng hiếu thảo, nhất là trong thời đại hiện nay, bị ảnh hưởng bởi nền văn minh vật chất tây phương, các giá trị tinh thần gia đình rất dễ bị phá vỡ, đạo đức như chiếc xe mất thắng đang tuột dốc, vì tuổi trẻ, kể cả những người trung niên, lớn tuổi có khuynh hướng quên dần đi những truyền thống tâm linh tốt đẹp và nguội lạnh trong mối quan hệ gia tộc, như con cái đánh đập, thậm chí giết cha mẹ mình. Chúng ta thật sự đau lòng và kinh hoàng thấy xuất hiện càng ngày càng nhiều những sự bạo hành thật khủng khiếp của con cái đối với đấng sanh thành ra mình, được đăng tải trên các phương tiện thông tin.

Sau hết, người viết chỉ là một kẻ hậu học, chỉ muốn đưa ra vài ý kiến theo sự hiểu biết còn nhiều hạn chế để các Phật tử, nhất là giới trẻ, cùng suy nghĩ về đạo hiếu nhân dịp Vu Lan, chứ không có ý phê bình một tác phẩm của bậc trưởng thượng đã được trân trọng hàng thế kỉ nay. Dĩ nhiên ở đây ta chỉ học cái tâm hiếu thuận của người xưa chứ khó có thể, nếu không muốn nói là không có thể, làm như họ được. Cách thể hiện lòng hiếu thảo mỗi thời, mỗi nơi tuy có khác nhưng tâm hiếu thì không thay đổi.

Chúng ta phải luôn ghi nhớ lời Phật dạy: “Gặp thời không có Phật, thờ kính cha mẹ chính là thờ Phật vậy” (Kinh Đại Tập).

.

     Doãn Lê   

******

  24 tấm gương hiếu thảo:

Thuấn : hiếu cảm động trời

Hằng : người con nếm thuốc

Tằng Tham : mẹ cắn ngón tay, tim con đau xót

Mẫn Tổn : nghe lời mẹ với quần áo đơn giản

Trọng Do : vác gạo nuôi cha mẹ

Đổng Vĩnh : bán thân chôn cha

Đàm Tử : cho cha mẹ bú sữa hươu

Giang Cách : làm thuê nuôi mẹ

Lục Tích : giấu quýt cho mẹ

Đường Phu nhân: cho mẹ chồng bú sữa

Ngô Mãnh : cho muỗi hút máu

Vương Tường : nằm trên băng chờ cá chép

Quách Cự : chôn con cho mẹ

Dương Hương : giết hổ cứu cha

Chu Thọ Xương : bỏ chức quan tìm mẹ

Dữu Kiềm Lâu : nếm phân lo âu

Lão Lai tử : đùa giỡn làm vui cha mẹ

Thái Thuận : nhặt dâu cho mẹ

Hoàng Hương : quạt gối ấm chăn

Khương Thi : suối chảy cá nhảy

Vương Bầu : nghe sấm, khóc mộ

Đinh Lan : khắc gỗ thờ cha mẹ

Mạnh Tông : khóc đến khi măng mọc

Hoàng Đình Kiên : rửa sạch cái bô đi tiểu của mẹ


Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Banmaihong's Blog

Nơi Đây Nắng Ban Mai Hồng Reo Vui

Blog Chuyên Anh

Nurturing Language Talents