Bài thơ Chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp được nhiều người phổ nhạc, nhưng chỉ riêng Gs Trần Văn Khê là phổ nhạc toàn bài và lấy tên Đi Chùa Hương.
Theo Gs Trần Văn Khê:
“…Đó là năm 1946, khi đang lánh nạn ở Lộc Ninh, ban đầu tôi chưa hề có ý định, nhưng vì rất thích nên tôi đã đọc bài thơ đó nhiều lần. Tôi thường hay ngâm thơ nên ban đầu có ý ngâm bài thơ, nhưng vì là thể thơ ngũ ngôn, có rất nhiều đoạn khó. Vì thế tôi thấy rằng làm như vậy không hấp dẫn bằng có nhiều đoạn mình ngâm “theo kiểu mới”. Một hôm, khi chuyển qua ngâm thơ theo điệu mới, một vài nét nhạc thoáng qua đầu, trong 10 ngày, tôi ghi lại những đoạn tâm đắc, lúc đó mới nghĩ đến việc ký âm lại cho dễ nhớ và từ đó bắt đầu phổ nhạc.
Gs Trần Văn Khê
… Tôi không phải là nhạc sĩ sáng tác, nhưng lúc đàn piano phụ họa theo tiếng ngâm của mình, tôi bắt đầu bằng gam Pha trưởng, rồi nhiều đoạn chuyển sang gam Rê thứ, chỉ có lúc cuối cùng, do tình cảm nhớ thương da diết nên tôi chuyển sang ngâm theo phong cách Sa mạc, nhưng cũng dựa theo gam Rê thứ. Lúc đó, tôi cũng định ghi nhạc để hát chơi cho các bạn nghe chớ không định phổ nhạc một bài thơ.
– Người đầu tiên tôi đưa bài phổ nhạc là nhạc sĩ Lê Thương, bạn rất thích. Khi tôi chuẩn bị sang Pháp thì Lê Thương gởi thư nói rằng nến không giới thiệu với công chúng thì rất uổng. Lê Thương đã nhờ ca sĩ Mộc Lan học thuộc lời và giới thiệu trong một buổi hoà nhạc có nhiều bạn bè của ông, lúc đó tôi đang ở Pháp.
Sau đó, NXB Tinh Hoa, qua giới thiệu của Lê Thương, đã viết thư yêu cầu tôi cho phép xuất bản bài Đi Chùa Hương. Lúc đó tôi đang bịnh, đang nhập viện nên rất cần tiền. NXB bằng lòng trả tiền tác giả để in lần đầu khoảng 2000 bản và không lâu sau, báo tin đã bán hết và xin tái bản lần hai, đồng thời gửi đầy đủ tiền tác quyền sang Pháp cho tôi. Lúc đó, 1 đồng VN bằng 17 franc cũ. Nhờ tiền tác quyền, tôi sống bình yên 4 tháng trời tại Paris!
Lê Thương còn cho biết, Mộc Lan cũng trình bày bài đó trên Đài phát thanh Pháp Á. Rồi bên nhà báo sang là Thái Thanh cũng hát. Nhưng tôi không nhận được bản ghi âm nào. Sau này, tôi biết bên Mỹ cũng có vài ca sĩ giới thiệu bài Đi Chùa Hương, trong đó có Ý Lan – con gái Thái Thanh – đã thu được nhiều kết quả. Khi về nước làm việc, tôi được Thanh Lan tặng một cuốn băng video ghi lại bản nhạc Đi Chùa Hương rất đầy đủ. Trong các nghệ sĩ hát bài này, có Hồng Vân là thuộc hết bản nhưng chỉ thường giới thiệu trích đoạn chứ không hát cả bài…”…
Mà nói đến bài Thơ “Chùa Hương” của Nguyễn Nhược Pháp, thì không thể không liên tưởng đến nét Văn hóa độc đáo Xứ Đoài.
Giữa lòng miền đồng bằng Bắc Bộ, cái nôi của nền văn minh sông Hồng, nền văn hóa Việt cổ , có vùng văn hóa Thăng Long-Hà Nội , và chung quanh bốn phương tám hướng có bốn vùng văn hóa Đông Đoài Nam Bắc, đã làm nên vùng đại văn hóa Bắc Bộ Việt Nam ngàn năm.
Người Thăng Long xưa tự hào mình là người Kẻ Chợ và gọi những kẻ từ khắp nơi khắp chốn đến với kinh đô, là dân tứ xứ (Đông Đoài Nam Bắc) hay dân tứ trấn (Hải Đông, Sơn Tây, Sơn Nam, Kinh Bắc) hay dân tứ chiếng (chữ “chiếng” đọc trại từ chữ trấn mà ra) với sắc thái xem thường (nhiều hay ít).
Xứ Đoài có Phú Thọ, Vĩnh Phúc ở phía bắc, Hà Tây ở phía nam, tiếp giáp Thăng Long – Hà Nội. Phú Thọ – Vĩnh Phúc là đất trung du, nơi gặp gỡ của ba dòng sông lớn : Hồng, Lô, Đà, nơi có kinh đô Phong Châu của vua tổ Hùng Vương, nơi người Việt cổ tổ tiên ta đã dựng nước Văn Lang, rồi Âu Lạc, đã sáng tạo nên những trống đồng, thạp đồng to đẹp, tượng trưng cho một văn hóa Đông Sơn hay văn hóa Lạc Việt, hay văn minh sông Hồng cách nay trên dưới ba ngàn năm.
Hà Tây có bốn sông : Hồng, Đà, Đáy, Nhuệ. Đây là quê hương của nhiều anh hùng, danh nhân, từ Hai Bà Trưng, Phùng Hưng đến Ngô Quyền, Nguyễn Trãi… Hà Tây còn có nhiều làng nghề nổi tiếng : gấm và lụa vân Vạn Phúc, lụa, the, lĩnh La Khê, tiện gỗ Nhị Khê, thợ nề thợ mộc làng Chàng… Bên cạnh nhiều đền thờ anh hùng, danh nhân là những ngôi chùa danh bất hư truyền : Đậu, Mía, Thầy, Hương Tích, Tây Phương… đã cùng với những ngôi đình cổ kính nhất của các thế kỷ 16, 17 : Chu Quyến (đình Chàng), Tây Đằng, Yên Sở, Sơn Lộ, Hạ Hiệp… đã đi vào lịch sử văn hóa nghệ thuật Việt Nam.
Về Âm nhạc dân gian, Hà Tây nổi tiếng với hai loại dân ca nghi lễ : hát Rô (Dô) và hát Chèo Tàu, thịnh hành cách nay nhiều thế kỷ. Hát Rô ở xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai gồm 22 bài được hát lên để tôn vinh thánh Tản, trong đó có 10 bài vừa hát vừa múa, gọi là hát bỏ bộ. Sôi nổi hơn nữa là hội hát Chèo Tàu ở bốn thôn của xã Tân Hội, huyện Đan Phượng, gắn với tục sùng bái và thờ cúng Hai Bà Trưng, Triệu Quang Phục, Lý Phật Tử. Đây là một tập hợp nhiều diễn xướng , nghi lễ, điệu hát và điệu múa trình bày trên các sân khấu mô phỏng hình thuyền ( tàu ) và voi ( tượng ) thu hút đông đảo khán thính giả xứ Đoài, Thăng Long và các xứ khác.
Trong hàng chục lễ hội của Hà Tây, hội Chùa Hương là vô địch về thời gian mở hội (từ rằm tháng giêng đến hết tháng ba) cũng như về số lượng khách hành hương vãn cảnh…
Văn hóa xứ Đoài đã sống trong tâm thức nhiều thế hệ với bao nhiêu ấn tượng và ký ức độc đáo không thể lẫn vào đâu được.
Những bài thơ nổi tiếng như Đôi mắt người Sơn Tây, Áo lụa Hà Đông, Chùa Hương… không chỉ là những bài thơ hay, mà còn là những ấn tượng về văn hóa xứ Đoài in sâu trong tâm khảm bao người Việt.
Trước việc toàn bộ tỉnh Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội, không chỉ có những người yêu văn hóa Tràng An lo lắng cho một sự pha tạp văn hóa trong tương lai. Những người yêu văn hóa xứ Đoài cũng có nỗi lo ngược lại – lo quá trình đô thị hóa sẽ làm mất đi vẻ đẹp bao đời của Hà Tây quê lụa.
Cách đây 4 năm và 7 ngày (1-8-2008), trên con đường số 6 đoạn phân danh giới Hà Nội – Hà Tây vào giờ Tý, tấm biển phân chia ranh giới bị hạ gục. Và thế là một vùng văn hóa xứ Đoài đã thành thiên cổ. Bài ai điếu dưới đây được viết để tiếc một Hà Tây ngàn năm thương nhớ:
ĐIẾU HÀ TÂY TỈNH
Hỡi ơi !
Mở cửa bốn phương Nam Bắc Tây Đông, luồng gió mới thổi qua miền quê lụa.
Đã từng trải bao phen sóng gió, tưởng vĩnh hằng trụ thế với thời gian.
Sừng sững Ba Vì trấn biên cương phía Bắc, thánh Tản Viên uy ngự chốn linh thiêng.
Dòng Đà giang độc lưu lên phương Bắc, sông Tích hiền tuôn chảy xuống miền nam.
Suối Yên mơ ngọt ngào quyến rũ, nụ cười ai ngây ngất nón ba tầm.
Chùa Tây Phương giữa một miền non nước, bao năm rồi La Hán vẫn lặng im.
Trúc Lâm môn bàn tay ai xây dựng, Vũ Khắc Trường ngồi đó với thời gian.
Đền Đông Quan thênh thang và cô tịch, khói hương say phơ phất bóng cửu trùng.
Dòng Nhị Hà xôn xao sóng dội, phù sa hồng kết thành bãi Tự Nhiên.
Thấy đâu đây túp lều tranh yên ấm, trái tim vàng Chử Đồng Tử – Tiên Dung.
Đất Đường Lâm bàn tay ai đắp đổi, đá ong xây ngôi vị của hai vua.
Núi sông hùng vĩ, đất anh linh vạn thuở vẫn anh linh
Lụa Hàng Vân bàn tay ai kết sợi, áng tơ mềm vấn vít đất Hà Đông
Vành nón xinh nghiêng nụ cười con gái, ai là người cặm cụi giữa làng Chuông.
Cả vũ trụ bao la thơ mộng, tranh sơn mài Duyên Thái gói vào trong.
Ai hữu duyên xin về miền Trạch Xá, tà áo dài bay hương sắc Việt Nam.
Mộc Chàng Sơn đem phụng long hoa điểu, châu tuần về tô điểm cõi linh thiêng.
Con ốc nào mang trời mây biển cả, thổi hồn vào đồ khảm làng Chuyên.
Giang sơn quyến rũ!
Muôn năm rồi theo bước ông cha, vì Thủ đô đem thân làm cửa ngõ.
Chiến tranh ư, trai tráng khắp làng thôn nắm tay nhau hát bài ca Vệ quốc.
Hồn bay theo cánh gió đại ngàn, sá chi thân vùi sâu ba thước đất.
Hòa bình ư, lại hát khúc đưa đò, lái thuyền đời vào giữa dòng đổi mới.
Dù chẳng còn đâu nữa lũy tre làng, dù sáo diều không còn nơi ca hát.
Chỉ một tấm lòng chan chứa yêu thương
Luôn đấy ắp dù vơi đầy sức sống.
Than ôi !
Núi vẫn cao, trời xanh kia vẫn rộng, mà địa đồ rơi mất chữ Hà Tây!
Cô gái quê dịu hiền nơi bến đợi đã sang sông xao xuyến một chuyến đò.
Chốn quan trường bị một phen chen chúc, còn công đường hay ké ghế ngồi chơi.
Chốn dân thôn nghe ngóng khắp mọi nơi, còn ruộng đất hay hóa thành vô sản.
Đã chao đảo mấy phen hợp tán, liệu còn không khi biến ngõ thành nhà.
Ai bảo rằng cứ nhà cao cửa rộng, hạnh phúc hơn trong một mái tranh nghèo.
Ai bảo rằng kể cả chẳng gieo neo, khi chứng kiến người giầu kia cũng khóc.
Nhưng thôi thôi !Chân đã bước có nề chi khó nhọc, ai bảo rằng phận dưới chẳng có công.
Sông Hồng dữ, có hiền hòa sông Đáy, Ba Vì thiêng nâng đỡ núi Nùng linh.
Dáng ai đi trong ngàn năm thanh lịch,, tà áo nào không phải lụa Hà Đông.
Khách viễn du không chồn chân ngơ ngác giữa bốn bề mái ngói xô nghiêng.
“Đáo giang tùy khúc”, luôn nhớ câu “Hữu xạ tự nhiên hương”.
“Nhất phẩm thiên lươnh”, từng ghi dạ “Phúc đức tòng tại mẫu”.
Đem thân về cùng Thủ đô yêu dấu, cũng tự hào hộ đối môn đăng
Bỏ lại sau một quá khứ mênh mông, tránh sao khỏi chút niềm day dứt.
Hà Tây ơi !
Đưa Người về một miền ký ức, Quốc Hương còn “Bóng chiếc thoi đưa”
Nguyễn Khắc Hiếu như còn ngồi đâu đó, gom Tản Đà sông núi thành tên.
Cánh hạc trắng bay vào miền quên lãng, có ai người thổi đến một áng mây.
Tiễn Người đi thắp hương lòng cháy đỏ, cho tình đời bát ngát một trời thương.
Dù ở đâu giữa đất trời muôn thuở.
Thượng hưởng
(Tháng Chín Mậu Tý)
.
Phạm Việt Long
Túy Phượng chuyển bài
Đi chùa Hương-Nguyễn Nhược Pháp-Trần Văn Khê-Ý Lan
.
Filed under: Âm nhạc, Tác giả &Tác Phẩm, Video &PPS | Tagged: Âm nhạc, Gs Trần Văn Khê, Nguyễn Nhược Pháp, Tác giả& tác phẩm, Thơ, Video &PPS |
Ý Lan hát bài này tuyệt vời Huệ ạ. Cám ơn em nhiều. 🙂
ThíchThích