Chậm chậm tuổi người – Nguyễn Tấn Ái

Mail nhắn như buồn: Thôi đừng nói già rồi, chán lắm!

Mà có sao, có ai tránh được tuổi đời. Mà sao thế nhỉ, sao lại phải tránh đi kia chứ? Lời hứa Kinh Thánh giành cho người có hiếu là một phần thưởng kèm theo “ngươi sẽ được sống lâu trên đất”, vậy tuổi đời là phần thưởng cho con người. Nhưng từ kinh nghiệm nghìn đời cho biết mỗi năm mỗi tuổi, cái tuổi nó đuổi xuân đi, tiếc cái xuân mà hờn cái tuổi chăng?

Năm tháng làm cho đổi màu sắc tóc, màu da không xuân xanh hơ hớ nữa, lòng hăng hái cũng không còn. Đáng tiếc chứ sao không!

Mà ngẫm lại, dẫu có nuối tiếc thì đã được gì? Thời gian là trung tính, không vùa giúp người này, cũng không phản bội người kia, được mất do mình, ở đây nhân quả cứ rành rành ra đấy, thì việc gì mà phải sợ?

Lại nữa, con người ta thi nhau ca ngợi tuổi xuân, mà mấy ai phản tỉnh để nhận ra rằng trong thời gian đời người cái tuổi thuở xuân lại là vô tích sự và lại nhiêu khê nhất đấy. Công danh chưa thành, sự nghiệp số không mà mấy ai trăn trở, chỉ loay hoay khóc cười với ngô nghê tình yêu, với giận hờn vô cớ, cứ cố đem những sự vu vơ làm điều hệ trọng nhất cuộc đời mình. Cái vai trò của tuổi trẻ với thành bại đời người thật ra rất đổi nhạt nhòa chứ không thậm hệ trọng như mấy bài luận văn giáo điều mà con người vẫn thường gặp, thường đọc, thường dạy nhau đâu!

Photobucket
Vậy có điều gì để một trăm lẻ một phần trăm cái loại người cứ thiết tha tiếc nuối? Mọi cái tiếc cứ chăm chắm về phần cái trẻ. Đúng thôi, ai mà không thấy lòng rạo rực khi đối diện một cái xuân? Chỉ có điều có tham lam quá không khi mải miết phí hoài một cái tuổi xuân (ai cũng thế) rồi lại đòi lại một cái tuổi xuân để thực thi cái kinh nghiệm mà mình có được lúc tuổi đã không còn xanh nữa? Như thi sĩ Xuân Diệu từng chua xót thực lòng:

Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi

Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời.

Tôi thì trộm nghĩ tạo hóa có lí để cho con người hơi ngu ngu một chút trong lúc cái tuổi đang xuân ấy là giữ sự bình yên cho nhân loại. Bởi giả thử con người ta được trẻ lại đến hai mùa thì e cam đoan cái mùa sau của đa phần người lại bại hoại hơn cái mùa xuân đầu tiên ấy, sự tệ hại chắc chắn đến từ  vốn kinh lịch thu lượm cất giấu qua một mùa thành bại.

Một nuối tiếc tội lỗi!

Thôi thì ứng xử thế nào cho đúng?

Tuổi trẻ có qua đi thật, nhưng thời gian vừa trung tính lại vừa không vô tình. Nhìn lại những gương mặt bạn bè, pha thêm chút tuổi đời, với tôi, họ vẫn cứ đẹp như thuở ngày xưa. Dẫu có xấu đi chăng thì cái phần không hoa mĩ kia lại không là kết quả của thời gian mà là tác phẩm của một sự sống không ý thức về thời gian! Có những gương mặt xưa kia rạng rỡ mà theo thời gian lại lụi tàn, có những gương mặt xưa kia nhạt nhòa mà càng ngày cứ lại càng rạng rỡ hơn xưa! Ấy là thời gian thì đồng hành mà con người thì bỏ cuộc.

Lại nữa, đôi lần gặp gỡ, tôi vẫn đọc đâu đó trong mắt trong hồn những người bạn xưa cứ một tha thiết chưa xưa, cái tâm cái chí cái tình hiếm hoi ấy lại không chịu bỏ cuộc bao giờ.

Tiếc xuân thì ai mà chẳng tiếc, cổ nhân đã chẳng từng vì tiếc xuân mà đốt đuốc chơi đêm đó sao? Người xưa còn thế huống hồ chi nay. Song chầm chậm đến mình mà phản tỉnh để nhận ra rằng có tiếc cũng chỉ là tiếc hoài tiếc phí, cái đi qua có lặp lại bao giờ cớ sao con người cứ khóc hoài cho sự ra di của một dòng sông?

Tiếc hoài chẳng bằng tham sống. Thì gắng sống đẹp những ngày đang có, mỗi ngày là một sắc hoa đương nụ, sao cho ngày hôm nay không trở thành nỗi tiếc nuối của ngày mai. Chỉ hiềm nỗi bản chất con người là khiếm khuyết và bất thiện thì sao cho khỏi cái sứt mẻ vụn vở từ những rạn nứt không đáng có?

Đành vậy có sao. Loay hoay dọn dẹp ngắm nghía hoài cái ngày qua e không còn kịp sống với hôm nay nữa, thì cứ là mình của hôm nay, một đáp số của tất cả cái ngày qua, và là tiên đề của những cái mai sau.

Đôi khi muốn đi về lối xưa mà dùng dằng chẳng muốn về. Trên lối xưa gặp lại một thiếu phụ gương mặt buồn mà xưa ta gọi nâng niu là cô bé. Trên lối xưa gặp một ông khách béo phì chậm chạp mà xưa ta gọi là thằng bạn. Trên lối xưa gặp một kiêu căng đán ghét, một thảm hại đáng thương mà ta gọi là hàng xóm. Trên lối xưa những trẻ em mới lớn nhìn ta không thân không sơ, y như ta chẳng từng là một phần hết mình ở nơi đây! Vậy thì tiếc nuối nỗi gì? Tiếc cái mà dẫu có đi về cũng không tìm lại được. Ấy mà con  người cứ tiếc, cứ ngoái trông đến làm bước đi ngày nay chệnh choạng.

Có những trẻ thơ mất đi từ thuở mới sinh nên làm được một đời con trẻ. Có ông Lão Tử chào đời với chòm râu và mái tóc bạc phơ để hai nghìn bảy trăm năm qua ông cứ là một cụ già không trẻ. Vậy thì dẫu có kém tri thức hơn Lão Tử mà ta vẫn có phước được một lần trẻ tuổi. Dẫu có lao lực lao tâm hay lao đao nhiều thứ đi nữa thì so với những hài nhi kia ta cũng đã được làm một lão già. Sống đủ sống trọn hai đầu cái sống là đã sống chớ sao? Có người nhà giàu kia gia súc ước đến hai ngàn con, một con bị lạc, người giàu cứ thiết tha đi tìm đến bỏ ăn bỏ uống, đến quên mất trong nhà mình vẫn giàu có đàn đàn lũ lũ hơn hai nghìn cái cần tìm. Lẽ nào cũng là hành trình của bọn ta?

Nhân loại từ khi biết đếm đã đi trên lộ trình hai nghìn năm có hơn, chuyến tàu đồ sộ ấy vô tình nhốt bọn ta vào cùng một toa, rồi sẽ có lúc rời tàu, kẻ trước người sau. Ai cũng biết thế nhưng chẳng lẻ lo sắm sửa lời chia tay mà quên cuộc bài tiến lên đã đủ tay mà không vui thú?

Mỗi năm mỗi tuổi cũng không sao, ta chưa đến lúc phải rời tàu.

Tháng chạp 2011

.

Nguyễn Tấn Ái

Advertisement

Một bình luận

  1. Ừ, Ái nhỉ. Thêm một tuổi thì đã sao nào? Ta chưa đến lúc phải rời tàu. 🙂 Cám ơn em đã nhắc nhở.

    Chúc Mừng Năm Mới mọi người !
    Một năm Rồng an vui cho tất cả !

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Blog Chuyên Anh

Nurturing Language Talents

%d người thích bài này: